Hai năm nay, em T.M.Q. liên tục mọc nhọt và chảy dịch mủ ở nách, vùng kín, tay chân. Vùng nách chằng chịt sẹo co rút, đau, Q. không thể khép chặt tay vào nách.
Khốn khổ vì nhọt ổ gà
T.M.Q. (16 tuổi, ngụ Long An) đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM khám trong tình trạng nổi nhiều nhọt ở hai nách, mông, mặt sau cẳng chân. Vùng nách bị nặng nhất, nhiều cục sưng tấy, nhiễm trùng chảy mủ, luôn phải băng gạc để thấm dịch. Q. đau nhiều, vùng nách chằng chịt sẹo co rút, không thể khép chặt tay vào nách.
Trước đó, Q. được chẩn đoán viêm da mạn tính, điều trị ở nhiều cơ sở y tế nhưng không khỏi.
Tiến sĩ, bác sĩ Đặng Thị Ngọc Bích, chuyên khoa Da liễu – Thẩm mỹ da, Bệnh viện Đa Khoa Tâm Anh TP.HCM, chẩn đoán Q. viêm mô tế bào, viêm da mạn tính biến chứng áp-xe. Biến chứng này gây ra viêm tuyến mồ hôi nung mủ (Hidradenitis Suppurativa), hay còn gọi là nhọt ổ gà, nhọt mọc ngược.
Đây là một bệnh da nhiễm trùng mạn tính của nang lông tuyến bã. Viêm và tắc nghẽn nang lông gây nhọt, áp-xe. Nếu không điều trị dứt điểm, mủ sẽ ăn sâu xuống dưới da, xâm lấn vào các ống tuyến mồ hôi vùng da bệnh và từ từ lan ra vùng da lân cận gây nên tình trạng viêm tuyến mồ hôi nung mủ. Bệnh có những đợt giảm và bùng phát. Khi gặp các điều kiện thuận lợi như người bệnh stress, ăn nhiều đồ ngọt, hệ miễn dịch suy giảm, bệnh sẽ tái phát.
Những tổn thương này thường xảy ra ở các vùng có tuyến mồ hôi dầu của cơ thể. Các vị trí phổ biến là nách, bẹn, khe mông, mông, đùi.
Kết quả siêu âm chuyên sâu cho thấy da vùng nách người bệnh dày, phù nề, xơ hoá. Trong lớp mỡ dưới da có nhiều ổ tụ dịch (áp-xe) lợn cợn. Ổ lớn nhất rộng 5cm, sâu gần 1cm, có lỗ rò ra bề mặt da và nhiều đường thông len lỏi ở lớp mỡ xung quanh, dịch mủ lẫn bọt khí.
Sau 10 ngày uống và bôi kháng sinh, kháng viêm, các vùng viêm, áp-xe của người bệnh đã giảm, hết chảy dịch. Ở những lần tái khám sau đó, các ổ viêm đã được kiểm soát tốt, da vùng nách không còn viêm đỏ; các ổ nhọt đã xẹp hoàn toàn; các ổ loét da đã lành, Q. đã được tiêm botox vào hai vùng dưới cánh tay, nhằm ức chế đường dẫn truyền thần kinh đảm nhiệm chức năng kích hoạt tuyến mồ hôi. Nhờ đó giảm tiết mồ hôi vùng nách, ngăn ngừa viêm tuyến mồ hôi tái phát.
Tuy nhiên, điều trị tăng tiết mồ hôi bằng botox không có hiệu quả vĩnh viễn, Q. cần tiêm nhắc lại mỗi 6 tháng để duy trì tác dụng. Botox bắt đầu phát huy hiệu quả sau khoảng một tuần và tình trạng tăng tiết mồ hôi cải thiện rõ rệt sau hai tuần. Riêng tình trạng sẹo co rút, sẹo lồi, sẹo tăng sắc tố sẽ được điều trị bằng IPL, giải phóng các dải xơ dính… khi bệnh nhọt ổ gà đã được kiểm soát tốt.
Bệnh hiếm khó điều trị
Theo bác sĩ Bích, viêm tuyến mồ hôi nung mủ là một bệnh hiếm gặp, tỷ lệ hiện mắc ước tính dưới 4% dân số. Bệnh khởi phát thường ở độ tuổi dậy thì tới 40 tuổi. Thực tế, trong hơn 20.000 lượt khám da liễu tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM trong một năm qua, mới ghi nhận 4 trường hợp mắc bệnh này. Trước đó, một bé trai 14 tuổi đã được điều trị ổn định với phác đồ tương tự như của Q.
Nguyên nhân gây nhọt ổ gà chưa được xác định cụ thể. Bệnh có thể xảy ra do tắc nghẽn nang lông, rối loạn chức năng tuyến mồ hôi, rối loạn điều hòa miễn dịch, nhiễm khuẩn và viêm mạn tính…
Thông thường, bệnh có ba giai đoạn. Ban đầu, trên vùng da xuất hiện các mụn nhọt riêng lẻ, tự vỡ, chảy mủ và lành lại mà không để lại sẹo hay các rãnh ngầm dưới da. Ở giai đoạn hai, áp-xe tái phát, hình thành vùng thương tổn rộng hơn, lâu lành hơn và bắt đầu tạo thành rãnh xoang và sẹo. Giai đoạn ba, áp-xe lan rộng ở nhiều vùng cơ thể. Những vùng càng tiết mồ hôi nhiều càng bị nặng, các ổ áp-xe lan tỏa, liên kết với nhau tạo thành rãnh xoang, sẹo chằng chịt.
Viêm tuyến mồ hôi nung mủ tác động nhiều đến sức khỏe thể chất và tinh thần của người bệnh. Họ thường xuyên đau nhức, mủ chảy nhiều gây mùi hôi tanh, sẹo sau mụn co kéo, xơ hóa làm giới hạn vận động, mất thẩm mỹ. Nhiều người tự ti, ngại giao tiếp; thậm chí trầm cảm, giảm chất lượng sống.
Ngoài ra, các vị trí viêm tuyến mồ hôi phổ biến thường chứa nhiều hạch bạch huyết. Khi ổ tụ dịch hoặc mô sẹo tác động vào hệ bạch huyết có thể gây sưng ở cánh tay, chân hay bộ phận sinh dục.
Bác sĩ Bích cho biết hiện chưa có biện pháp nào điều trị khỏi bệnh nhọt ổ gà. Các phương pháp nhằm điều trị triệu chứng và ngăn nguy cơ tái viêm bằng cách giảm tăng tiết của tuyến mồ hôi. Tùy theo mức độ trên mỗi người bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng kháng sinh, kháng viêm, tiêm botox, công nghệ vi sóng, phẫu thuật hoặc liệu pháp sinh học.
Mặc dù vậy, không phải bệnh nhân nào cũng đáp ứng với điều trị như nhau. Mỗi vùng trên cơ thể cũng áp dụng cách điều trị riêng. Ví dụ, tiêm botox điều trị tăng tiết mồ hôi nách sẽ phù hợp với các vùng bệnh ở nách, tay chân. Phẫu thuật cắt bỏ vùng da nung mủ, sau đó ghép da lành thường áp dụng cho các vị trí như mông, chân. Công nghệ vi sóng chỉ có thể áp dụng ở vùng nách, với điều kiện da nách bằng phẳng, không có sẹo co rút.
Để phòng bệnh, bác sĩ Bích khuyến cáo nên giữ vệ sinh cơ thể sạch sẽ, khô ráo. Với các vùng da tổn thương cần tránh chà xát; không sử dụng chung khăn tắm, áo quần với người khác. Nếu mọc nhọt, đặc biệt là ở các vùng kín (nách, bẹn) cần tới gặp bác sĩ da liễu để được điều trị đúng cách, kịp thời, tránh biến chứng sang viêm tuyến mồ hôi nung mủ.
Với người đã mắc bệnh, nên duy trì mức cân nặng hợp lý, mặc quần áo rộng rãi; hạn chế cạo, nhổ lông và nhổ râu. Đồng thời, nên bỏ các thói quen như hút thuốc, sử dụng đồ uống có cồn; giảm lượng đường trong khẩu phần ăn và giữ tinh thần thoải mái. Khi nhọt tái phát, ngoài tái khám và thực hiện đúng chỉ định của bác sĩ, người bệnh có thể chườm ấm để giảm đau, tuyệt đối không được cào gãi hoặc tự nặn nhọt ở nhà để tránh các biến chứng nhiễm trùng nặng hơn.