Nấm bao quy đầu: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán, phòng ngừa

Nấm bao quy đầu là bệnh do sự gia tăng qua mức của nấm men Candida ký sinh tại các vùng có độ ẩm cao trên cơ thể. Người bệnh nên đến bệnh viện để được bác sĩ chuyên khoa nam học xác định nguyên nhân và có phương án điều trị chuẩn xác, tránh để nấm lan rộng.

Nấm bao quy đầu là bệnh gì?

Nấm bao quy đầu là bệnh do một loại nấm có tên Candida gây ra. Khi mắc bệnh, vùng da quy đầu xuất hiện những nốt ban đỏ, sưng tấy, ngứa. Bệnh còn có nhiều tên gọi khác như bệnh nấm Candida, nhiễm trùng nấm men hay viêm quy đầu do nấm.

Thực tế, nữ giới có nguy cơ nhiễm trùng nấm Candida tại bộ phận sinh dục hơn nhưng nam giới vẫn có thể mắc bệnh. Nếu không điều trị, bệnh có thể gây ra biến chứng không mong muốn, ảnh hưởng đến sức khỏe.

Viêm bao quy đầu do nhiễm trùng nấm Candida không được coi là bệnh lây truyền qua đường tình dục (STIs) nhưng nam giới có nguy cơ nhiễm cao khi quan hệ tình dục với bạn tình mắc bệnh. (1)

Cấu tạo nấm Candida – nguyên nhân gây bệnh nấm bao quy đầu.

Nguyên nhân và yếu tố gây nấm ở bao quy đầu

Dù nấm Candida là nguyên nhân chính khiến dương vật nam giới bị nấm bao quy đầu. Song, có nhiều yếu tố tác động làm tăng nguy cơ hình thành bệnh. (2)

1. Nguyên nhân gây bệnh

Nấm Candida là “thủ phạm” gây bệnh nấm quy đầu ở nam giới. Candida có sẵn trên cơ thể. Theo nghiên cứu, thế giới có 30% – 50% người có loại nấm này. Nấm Candida có nhiều loại khác nhau, trong đó loại gây bệnh nấm ở bao quy đầu là Candida albicans (C. albicans). Về cơ bản, nấm C. albicans không gây hại, chúng chỉ có hại khi sinh sôi quá mức. Những khu vực ẩm ướt và ấm áp trên cơ thể như dương vật và âm đạo, là môi trường lý tưởng để loại nấm men này phát triển.

Thông thường, nấm Candida phát triển mạnh và có nguy cơ gây bệnh cao hơn ở nữ giới. Tuy nhiên, nam giới hoàn toàn có khả năng mắc bệnh nếu quan hệ tình dục với bạn tình nhiễm nấm hoặc giữ vệ sinh “cậu nhỏ” không sạch sẽ.

2. Các yếu tố nguy cơ

Ngoài nguyên nhân trực tiếp, có nhiều yếu tố khiến nam giới có nguy cơ mắc bị nấm bao quy đầu cao hơn, bao gồm:

  • Hệ miễn dịch suy giảm: có thể do tình trạng sức khỏe không tốt hoặc do sử dụng corticosteroid, làm hóa trị điều trị ung thư, bệnh nhân HIV hoặc đang phải chạy thận. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho các loại nấm, bao gồm nấm Candida, phát triển nhanh và gây bệnh.
  • Sử dụng kháng sinh dài hạn: việc dùng thuốc kháng sinh trong thời gian dài gây mất cân bằng hệ vi sinh vật có lợi trong cơ thể, giúp các loại vi sinh vật, nấm gây hại như nấm Candida tăng sinh quá mức.
  • Trang phục ướt, chật: mặc quần áo, đồ lót ẩm ướt và bó sát tạo môi trường lý tưởng để nấm Candida phát triển nhanh chóng và gây ra bệnh nấm bao quy đầu.
  • Bệnh tiểu đường: người bệnh tiểu đường type 1 và type 2 có nguy cơ mắc nấm bao quy đầu cao hơn do nấm Candida sinh sôi nhanh hơn khi lượng đường trong máu cao.
  • Bệnh béo phì: người thừa cân có nguy cơ nhiễm nấm Candida cao hơn.
  • Hẹp bao quy đầu: tình trạng da quy đầu không thể kéo rút khỏi quy đầu dương vật khiến cho việc vệ sinh quy đầu và rãnh quy đầu khó khăn giúp nấm Candida có cơ hội tăng sinh và gây bệnh.
  • Thiếu hụt dinh dưỡng: cơ thể thiếu hụt vitamin A, vitamin B6, sắt cũng có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng nấm Candida.
  • Sử dụng chất tẩy rửa, xà phòng mạnh: có thể gây kích ứng hoặc tổn thương da. Nấm Candida sẽ xâm nhập thông qua khu vực bị thương tổn để gây bệnh.
Có nhiều yếu tố nguy cơ giúp nấm Candida dễ tăng sinh gây nấm bao quy đầu.

Dấu hiệu nhận biết bị nấm bao quy đầu

Các dấu hiệu cảnh báo nam giới bị nấm bao quy đầu bao gồm:

  • Cảm giác đau, ngứa xung quanh quy đầu dương vật.
  • Xuất hiện các nốt sưng đỏ kích thước nhỏ.
  • Bao quy đầu hoặc các nếp gấp da dương vật xuất hiện mủ trắng, đặc, vón cục.
  • Mùi hôi khó chịu.
  • Bao quy đầu khó kéo.
  • Cảm giác đau khi tiểu tiện và quan hệ tình dục.

Nấm bao quy đầu có nguy hiểm không?

Có. Nấm bao quy đầu ảnh hưởng đến chức năng sinh lý của nam giới. Bệnh có thể khiến dương vật tiết dịch mủ trắng đục có mùi hôi, phát ban đỏ, sưng đau, ngứa, khó chịu. Điều này khiến nam giới mất tự tin khi quan hệ tình dục.

Nấm da quy đầu nếu không điều trị kịp thời có thể biến chứng thành viêm bao quy đầu, nguy cơ hình thành sẹo trên dương vật. Ngoài ra, tình trạng này có thể gây kết dính dương vật gây đau khi tiểu tiện.

Nấm bao quy đầu do nấm men Candida gây ra không được xem là bệnh lây truyền qua đường tình dục. Tuy nhiên, nam giới mắc bệnh có thể lây cho bạn tình khi quan hệ tình dục không có các biện pháp bảo vệ an toàn.

Ngoài ra, một số ít trường hợp, nam giới có hệ miễn dịch suy yếu quá mức, nấm Candida gây nấm bao quy đầu có thể phát triển thành nấm Candida xâm lấn, nguy cơ lây lan khắp cơ thể. Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ cảnh báo nhiễm nấm Candida toàn thân có thể đe dọa đến tính mạng người bệnh.

Nấm ở bao quy đầu cảnh báo bệnh gì?

Nấm bao quy đầu có thể là dấu hiệu cảnh báo một số bệnh sau: (3)

  • Hệ miễn dịch suy giảm: sức đề kháng cơ thể giảm sút tạo điều kiện để nấm men Candida tăng sinh quá mức gây nấm bao quy đầu.
  • Nguy cơ tiểu đường: lượng đường trong máu cao tạo môi trường phát triển thuận lợi cho nấm Candida.
  • Nguy cơ nhiễm HIV: 90% trường hợp nhiễm HIV phát hiện nhiễm trùng nấm Candida. Biểu hiện lâm sàng tại vùng miệng, thực quản hoặc cơ quan sinh dục.
  • Thiếu dinh dưỡng: bao quy đầu bị nấm có thể là dấu hiệu cảnh báo cơ thể đang thiếu hụt một số loại vitamin và khoáng chất như vitamin A, vitamin B6 và sắt.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nam giới cần đến gặp bác sĩ ngay khi phát hiện các biểu hiện nấm bao quy đầu như: dương vật ngứa, cảm giác đau nhất là khi đi tiểu hoặc quan hệ tình dục, sưng tấy, tiết mủ trắng vón cục có mùi hôi, quy đầu nổi mẩn đỏ.

Nấm bao quy đầu do nhiễm trùng nấm Candida dai dẳng hoặc thường tái phát còn có thể là cảnh báo của một số bệnh nguy hiểm như béo phì, đái tháo đường hoặc hệ miễn dịch suy giảm.

Trường hợp quan hệ tình dục, cả trước và sau khi phát hiện các biểu hiện bệnh, người bệnh cần đưa bạn tình đến bệnh viện thăm khám.

Chẩn đoán tình trạng bao quy đầu bị nấm

Bác sĩ chẩn đoán bệnh nấm da quy đầu bằng cách kiểm tra dương vật và xem xét các biểu hiện. Ngoài ra, bác sĩ có thể lấy mẫu dịch mủ trên dương vật và quan sát dưới kính hiển vi hoặc thông qua phương pháp nuôi cấy nhằm xác định loại nấm gây bệnh.

Nấm ở bao quy đầu có thể chẩn đoán thông qua quan sát mẫu bệnh phẩm dưới kính hiển vi hoặc nuôi cấy trong phòng thí nghiệm.

Cách điều trị nấm ở bao quy đầu

Trong trường hợp người bệnh có thể chẩn đoán chính xác các triệu chứng, bệnh nấm bao quy đầu có thể điều trị tại nhà bằng thuốc bôi chống nấm không kê đơn.

Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, người bệnh nên đến bệnh viện uy tín, có chuyên khoa Nam học để bác sĩ thăm khám, xác định nguyên nhân, tình trạng bệnh nhằm có phương án điều trị chính xác, hiệu quả. Càng điều trị sớm, người bệnh càng tránh được nguy cơ biến chứng.

Các loại thuốc bôi ngoài da dùng để điều trị nấm quy đầu do nhiễm nấm men Candida phổ biến gồm có:

  • Clotrimazole 1%, bôi 2 lần/ngày trong 1 – 3 tuần.
  • Miconazole 2%, bôi 2 lần/ngày trong 1 – 3 tuần.
  • Miconazole và Hydrocortison 1%, bôi 2 lần/ngày trong 2 – 5 tuần
  • Nystatin 100.000 IU/g, bôi 1 – 2 lần/ngày trong 1 – 3 tuần

Người bệnh có thể sử dụng thêm kem corticosteroid để giảm tình trạng ngứa và sưng tấy quy đầu. Trong trường hợp sử dụng loại thuốc này, người bệnh cần được bác sĩ hướng dẫn vì corticosteroid có thể giúp nhiễm trùng nấm phát triển thuận lợi làm bệnh nghiêm trọng hơn.

Nystatin được bác sĩ chỉ định sử dụng trong trường hợp người bệnh phản ứng bất lợi khi sử dụng với các loại thuốc khác.

Ngoài ra, nam giới bị nấm bao quy đầu nặng có thể được chỉ định sử dụng thuốc kháng nấm dạng viên như fluconazole 150 mg (Diflucan), uống một liều duy nhất.

Trong một số trường hợp, nhiễm nấm Candida dương vật có thể là cảnh báo ban đầu của bệnh tiểu đường. Người bệnh cần được kiểm tra đường huyết nếu bác sĩ nghi ngờ dấu hiệu bệnh.

Trường hợp nấm bao quy đầu khiến người bệnh bị viêm da quy đầu, bác sĩ có thể thực hiện cắt bao quy đầu.

Bổ sung sữa chua có chứa vi khuẩn lactobacillus có thể giúp giảm sự xâm nhập của nấm Candida. Hiện chưa có nghiên cứu cụ thể nào về tác dụng của vi khuẩn lactobacillus trong việc ngăn ngừa và điều trị bệnh nhiễm trùng nấm da quy đầu liên quan đến nấm Candida. Tuy nhiên, đã có nghiên cứu cho thấy việc giảm sự xâm lấn của nấm Candida ở trực tràng và cơ quan sinh dục nhờ bổ sung sữa chua chứa lactobacillus vào chế độ dinh dưỡng hàng ngày.

Lưu ý: Người bệnh không nên tự ý điều trị nấm bao quy đầu bằng tỏi, tinh dầu thảo mộc, giấm táo… Hiện chưa có nghiên cứu đáng tin cậy nào chứng minh hiệu quả của các liệu pháp này trong việc điều trị nấm bao quy đầu.

Bệnh nấm bao quy đầu có thể điều trị bằng thuốc.

Biện pháp phòng ngừa nấm bao quy đầu

Bệnh nấm bao quy đầu ở nam giới có thể phòng tránh bằng cách biện pháp sau:

  • Tránh quan hệ tình dục không bảo vệ với bạn tình đang nhiễm nấm.
  • Vệ sinh dương vật và vùng da bên dưới quy đầu dương vật thường xuyên.
  • Lựa chọn trang phục, đồ lót khô, mềm mại, rộng rãi, thoáng mát.
  • Không sử dụng xà phòng, chất tẩy rửa mạnh để tránh kích ứng vùng da dương vật.
  • Tránh dùng chung khăn tắm, khăn mặt với người khác.

Một số câu hỏi liên quan

1. Nấm bao quy đầu có chữa khỏi được không?

Có. Bệnh nấm bao quy đầu hoàn toàn có thể chữa khỏi nếu điều trị đúng cách. Thông thường, tình trạng này có thể biến mất sau vài ngày điều trị và khỏi hoàn toàn sau vài tuần.

2. Có nên tự điều trị nấm bao quy đầu tại nhà?

Không. Dù nấm ở quy đầu dương vật có thể tự điều trị khỏi tại nhà bằng một số loại thuốc bôi, tuy nhiên người bệnh không nên tự chẩn đoán và mua thuốc điều trị khi chưa được bác sĩ thăm khám. Các biểu hiện nấm bao quy đầu có nhiều điểm chung với một số bệnh lây truyền qua đường tình dục.

Do đó, người bệnh cần đến bệnh viện uy tín, có chuyên khoa Nam học, để được bác sĩ khám, chẩn đoán và hướng dẫn điều trị chuẩn xác.

Người bệnh nghi ngờ mắc nấm bao quy đầu có thể đến thăm khám tại khoa Nam học, Trung tâm Tiết niệu – Thận học – Nam khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM theo địa chỉ:

Nấm bao quy đầu do nhiễm trùng nấm Candida, một loại nấm có trên cơ thể gây ra. Loại nấm này thường gây bệnh ở phụ nữ nhưng nam giới hoàn toàn có thể mắc bệnh do nhiều nguyên nhân khác nhau. Bệnh có thể tự điều trị tại nhà bằng một số loại thuốc bôi không kê đơn nhưng người bệnh không nên tự phán đoán thông qua biểu hiện bệnh và mua thuốc điều trị. Tốt nhất nên đến bệnh viện để được bác sĩ thăm khám và có cách chữa trị chính xác, an toàn, hiệu quả.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *