Hiện nay có 2 dáng mũi đang tồn tại trong lĩnh vực thẩm mỹ: cao tự nhiên và cao Tây. Có người thích làm mũi độ cao tự nhiên nhìn vào không biết là đã từng nâng mũi, ngược lại có người thích mũi phải rất cao để khuôn mặt có nét lai Tây, sang chảnh. Điều này hoàn toàn là sở thích cá nhân của từng người, còn nếu hỏi bác sĩ thì 99,9% bác sĩ chọn nâng mũi tự nhiên. Bởi lẽ mũi cao Tây là chiếc mũi ” tiềm ẩn rủi ro”.
Nếu để ý các diễn viên ca sĩ nổi tiếng của Hàn Quốc, Trung Quốc bạn sẽ không thể tìm được ai có chiếc mũi cao Tây – mặc dù nhiều người trong số họ đều đã nâng mũi. Họ đều có chiếc mũi đẹp tự nhiên, hài hòa với khuôn mặt. Ngành phẫu thuật thẩm mỹ ở các nước này cũng từng có Trend cao Tây trong quá khứ nhưng gặp phải nhiều biến chứng nên hiện tại định nghĩa về thẩm mỹ đã thay đổi: đẹp trong sự phù hợp và an toàn.
Tiêu chí mũi đẹp tự nhiên và hài hòa với khuôn mặt
Nhiều người vẫn thường nghĩ chiếc mũi càng cao thì đẹp. Điều này đúng, nhưng chưa đủ. Một chiếc mũi đẹp trước tiên phải là mũi phù hợp và hài hòa với tổng thể khuôn mặt, sau đó cũng phải đảm bảo giữ được nét đẹp đặc trưng của người Á Đông. Nhiều trường hợp đẩy dáng mũi lên quá cao sẽ làm khuôn mặt bị già, lộ (một số khách hàng nói trông mũi họ như phù thủy).
Mũi đẹp là mũi đảm bảo được các tiêu chí như: dáng mũi cong nhẹ hình chữ S, độ dài của mũi chiếm 1/3 gương mặt, chiều cao sống mũi vừa phải khoảng 9 – 10 mm, chiều cao đầu mũi và độ rộng cánh mũi bằng 1/3 độ dài mũi; cánh mũi thon gọn, đầu mũi tròn, lỗ mũi nhỏ hình hạt chanh. Khi nhìn nghiêng, các điểm nối đầu mũi, đầu môi và đỉnh cằm sẽ cùng nằm trên 1 đường thẳng.
Thế nhưng ngày nay, vì hình tượng hóa từ hình ảnh của những người đẹp Châu Âu với chiếc mũi cao chót vót, đầu mũi dài mà nhiều người mải mê chạy theo xu hướng nâng mũi cao Tây, dẫn đến nhiều trường hợp không may mắn chẳng thấy mũi cao đẹp đâu mà chỉ thấy “mang vạ vào thân”. Biến chứng lộ sống mũi (lộ vật liệu độn) có thể diễn ra từ 3 – 5 năm chứ không phải ngay sau quá trình phẫu thuật.
Từ góc độ của những người làm thẩm mỹ, các bác sĩ luôn khuyên rằng, bệnh nhân khi đi nâng mũi tuyệt đối không nên nâng quá cao. Vì sao lại thế? Câu trả lời sẽ được giải đáp cụ thể bởi bác sĩ Trần Phương, chuyên gia về nâng mũi cấu trúc:
Nâng mũi quá cao dễ gây ra các biến chứng sau này
Nhược điểm khi nâng mũi quá cao là dễ xảy ra biến chứng sau này như bào mỏng da, giãn mạch máu, bóng đỏ, lộ sống mũi, đau nhức trong nhiều ngày liền dẫn đến co rút, biến dạng… thậm chí thủng đầu mũi, hoại tử.
Bản chất của quy trình phẫu thuật thẩm mỹ nâng mũi là thao tác để đưa các vật liệu độn vào dưới da và cơ sát xương mũi nhằm tạo dáng mũi cao cũng như thay đổi độ to và dài của đầu mũi. Độ cao của dáng mũi phụ thuộc vào độ dày, mỏng của thanh vật liệu mà bác sĩ điêu khắc trước khi đặt vào mũi. Nâng mũi cao tây thực ra đơn giản chỉ là bác sĩ đặt vật liệu dày hơn.
Nếu độn chất liệu mỏng vừa đủ thì sẽ đạt được kết quả mũi cao tự nhiên, theo đó mà da mũi cũng có độ căng giãn vừa đủ để bao phủ sụn độn một cách an toàn, kết quả sẽ được bền lâu.
Tuy nhiên nếu đặt sụn quá dày và/hoặc không bọc thêm cân cơ hoặc mô sinh học thì da mũi sẽ phải giãn căng quá mức để có thể bọc lên sụn độn, mạch máu bị chèn ép, theo thời gian sẽ có nguy cơ bào mỏng da, dần dần gây bóng đỏ, lộ sóng và đau nhức trong nhiều ngày. Những trường hợp nặng và không can thiệp kịp thời còn có thể dẫn đến biến dạng, co rút mũi và thậm chí sụn nâng mũi cao có thể dẫn đến thủng đầu mũi và hoại tử da, rất khó và mất rất nhiều thời gian để khắc phục.
Nâng mũi quá cao khiến gương mặt mất đi sự cân đối hài hòa
Người Á Đông chúng ta thường có nền mũi thấp, da mũi mỏng, trán phẳng, cằm ngắn và khuôn mặt thường hơi tròn. Do vậy một chiếc mũi quá cao thường sẽ không hài hòa với cấu trúc mũi nói riêng cũng như tổng thể khuôn mặt nói chung.
Không phải cứ mũi cao là đẹp, mà phải có sự kết nối với các bộ phận khác để tạo thành một tổng thể hài hòa thống nhất. Thường thì những người có khuôn mặt dài dáng mũi cao trông sẽ sang trọng, quý phái hơn, nhưng những người có khuôn mặt tròn, trán phẳng mà mũi quá cao thì thực sự không hề cân đối. Chưa kể mũi quá cao còn khiến phần giữa hai mắt gồ cao lên, trông khuôn mặt sẽ có phần nam tính và già hơn.
Nâng mũi quá cao có nguy cơ gây căng và co kéo da vùng mắt
Da chúng ta mặc dù có độ đàn hồi khá tốt nhưng chỉ trong mức độ cho phép. Việc bệnh nhân nâng mũi quá cao, đặc biệt là ở vùng gốc mũi giữa hai mắt, sẽ khiến da mũi bị kéo căng quá mức, khiến vùng da giữa hai khóe mắt cũng bị kéo căng, hai mắt bị kéo vào nhau, híp lại và gần nhau hơn. Tình trạng này lại càng dễ xảy ra ở những bệnh nhân có vùng da gốc mũi – trán quá mỏng và sử dụng vật liệu độn quá cứng.
Co kéo da mắt trong những trường hợp nhẹ thì có thể dần ổn định, nhưng nếu nặng có thể sẽ kéo dài lâu và gây khó chịu cho bệnh nhân, ảnh hưởng đến thị lực mắt nên cần can thiệp chỉnh sửa.
Nâng mũi quá cao còn có nguy cơ gây ra các vấn đề chức năng hô hấp
Đặt một miếng độn quá to và dày lên mũi có thể gây áp lực xuống phần nền mũi, nếu không có các thao tác gia cố phù hợp có thể dẫn đến tình trạng lệch mũi, vẹo vách ngăn, thậm chí là sập van mũi, gây nghẹt mũi, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng hít thở cơ bản của mũi.
Chỉnh sửa sau nâng mũi quá cao là một thách thức lớn
Chỉnh sửa các vấn đề do nâng mũi quá cao thực sự rất khó khăn và tốn nhiều thời gian công sức vì nó liên quan đến nhiều yếu tố. Trong trường hợp không xảy ra các biến chứng nghiêm trọng bệnh nhân không được vội vàng sửa khi chưa đủ thời gian, mà phải chờ khoảng 6 tháng đến 1 năm để mô ổn định hẳn.
Trường hợp xảy ra các biến chứng nghiêm trọng thường thì bác sĩ sẽ yêu cầu can thiệp luôn. Việc đầu tiên là sẽ tháo bỏ hoàn toàn sụn nâng mũi, sau đó tùy tình trạng mà bác sĩ sẽ có các phương pháp can thiệp khác nhau. Bác sĩ có thể sẽ cần gia cố lại phần vách ngăn mũi và nền mũi cho vững chắc, đồng thời khắc phục tắc nghẽn mũi bằng cách đặt thêm các miếng ghép từ sụn tự thân.
Với những trường hợp mũi hiện tại đặt sụn nhân tạo bác sĩ sẽ cần đổi sang sụn tự thân, mà phổ biến là sụn sườn. Ngoài ra với những trường hợp da mũi bị tổn thương và cũng để tránh tối đa nguy cơ lặp lại tình trạng bào mỏng da, bóng đỏ mũi, lộ sóng… bác sĩ có thể sẽ cân nhắc bọc thêm cân cơ thái dương hoặc mô sinh học như megaderm… vào miếng sụn sống mũi. Việc bọc thêm như này sẽ giúp mũi tự nhiên hơn và cho kết quả lâu dài hơn. Miếng độn thay thế sẽ phải đảm bảo kích cỡ vừa phải, tránh quá dày và to như lần nâng mũi đầu.
Với đầu mũi cũng phải đảm bảo duy trì độ cao, độ dài phù hợp, và để đảm bảo đầu mũi có độ mềm mại tự nhiên bác sĩ cũng thường lấy sụn tai để bọc vùng này.
Tuy nhiên không phải trường hợp nâng mũi quá cao nào sau khi rút sụn mũi ra cũng có thể chỉnh sửa tái tạo lại mũi luôn. Có những trường hợp bị viêm nhiễm và thiếu mô da thì sau khi rút sụn mũi bác sĩ sẽ cho điều trị với kháng sinh và yêu cầu chờ thêm để mô mũi ổn định, sau đó mới nâng mũi lại.
Như vậy, rõ ràng nâng mũi càng cao thì tỉ lệ thất bại và biến chứng càng lớn. Vì thế lời khuyên chân thành từ các bác sĩ nâng mũi là bệnh nhân đừng tự biến mình thành thảm họa của thẩm mỹ, không được tham lam nâng mũi quá cao so với đặc điểm gương mặt của mình và đừng tự ý một mực quyết định độ cao mũi mà hãy lắng nghe ý kiến của bác sĩ, chuyên gia. Tìm một bác sĩ uy tín ngay từ đầu là cách tốt nhất để đảm bảo thành công cho ca nâng mũi của mình. Một bác sĩ uy tín không chỉ cần giỏi về chuyên môn mà còn phải là người có tâm, biết dành thời gian giải thích cặn kẽ cho bệnh nhân những ưu và nhược điểm của từng dáng mũi để từ đó họ có thể đưa ra quyết định phù hợp cho mình.
Đọc thêm:
- Tổng hợp các loại sụn tự thân trong nâng mũi
- Nâng mũi cấu trúc bằng sụn sườn
Medically reviewed by: Bác sĩ Tâm