Là một trong hai mùa đẹp nhất Nhật Bản, mùa Xuân luôn là dịp du lịch hấp dẫn đối với du khách muốn ngắm hoa anh đào nở và tham gia những lễ hội văn hóa, đặc biệt là ẩm thực. Ở Nhật Bản, ngoài thịt bò hay hải sản tươi ngon thì vào thời gian này cũng còn có nhiều loại rau củ với hương vị tươi mát, giàu dinh dưỡng giúp bồi bổ sức khỏe cho những ngày đầu năm mới. Cùng Ussina Sky 77 tìm hiểu về 7 loại rau củ là lựa chọn hàng đầu cho sức khỏe vào mùa Xuân ở đất nước mặt trời mọc nhé.
1. Bồi bổ sức khỏe với Fuki – Rau Kim Tâm
Kim tâm hay còn gọi là cúc móng ngựa, cúc hải đường, là một loại thực vật ôn đới có hoa thuộc họ Cúc. Trong tiếng Nhật, kim tâm là “Fuki”, được biết đến như là một loại rau mọc dại ở các cánh đồng và vùng núi của Nhật vào mùa Xuân.
Nó có chứa rất nhiều vitamin, khoáng chất và còn là một loại thảo dược dùng để giảm đau, giảm sốt, trị cao huyết áp. Đặc biệt, lượng calo của loại rau này rất thấp, chỉ 14kcal/100g, giàu chất xơ nên được xem như là một loại thực phẩm kích thích chức năng của ruột và hỗ trợ nhu động ruột. Kim tâm dại có vị đắng, thường được sử dụng trong các món hầm và món rau, cá trộn.
Fuki sau khi loại bỏ vị đắng chát bằng cách luộc trong 3-5 phút (tùy vào kích cỡ) hoặc lăn qua muối, bạn có thể ngâm giấm hoặc ăn chung với mì, udon, cuốn thịt nướng,… tùy vào sở thích mỗi người. Nụ Fuki có thể chế biến tempura hoặc nấu với miso, và phần thân có thể luộc chín, trộn với 1 xíu muối rồi cho vào nồi cơm chín tới là có thể ăn ngay được.
2. Rau Kogomi – Dương xỉ đầu violon
Là một loại rau dương xỉ lâu năm, Kogomi thường mọc và phát triển mạnh mẽ nhất vào mùa Xuân tại Nhật. Nó mang màu xanh tươi tốt và Kogomi khi thu hoạch sẽ chọn những cây non có hình dạng cuộn tròn của nụ hoa.
Loại rau rừng này phổ biến được dùng trong nhiều món ăn vì hầu như không có vị đắng, mềm giòn và rất dễ ăn. Đây còn là loại rau chứa nhiều chất dinh dưỡng và bồi bổ sức khỏe rất tốt. Kogomi chứa rất nhiều chất xơ không hòa tan giúp kích thích nhu động ruột, đào thải các chất có hại trong cơ thể ra bên ngoài.
Kogomi còn hỗ trợ ngăn ngừa một số bệnh liên quan đến lối sống như xơ cứng động mạch và nhồi máu cơ tim. Nó cũng giúp các tế bào hoạt động bình thường, tăng cường hệ miễn dịch, chống oxi hóa và vitamin K làm cho xương khớp trở nên chắc khỏe.
Về chế biến, Kogomi có thể được chiên làm món tempura vàng giòn, xào cùng các loại rau củ quả khác hoặc luộc rồi ngâm trong nước đá để làm rau ăn kèm rất thú vị.
3. Nanohana – Hoa Cải Dầu cũng là thực phẩm giúp bồi bổ sức khỏe
Là dấu hiệu báo Xuân về, hoa cải dầu Nanohana là “hoa của một loại rau ăn lá” dù có vị đắng nhưng lại là chỉ báo ngọt ngào báo hiệu sự ấm áp sắp đến tại Nhật Bản. Những bông hoa nhỏ vàng rực rỡ của Nanohana không chỉ làm bừng sáng cả cánh đồng mà chúng còn có công dụng tuyệt vời với người Nhật: làm sạch cơ thể khỏi các độc tố của mùa Đông và đánh thức cơ thể chào đón mùa Xuân.
Ta chỉ ăn phần ngọn của cây cải dầu, tức là hoa, một chút lá và phần thân. Phần này có rất nhiều vitamin và khoáng chất đem lại nhiều lợi ích khác nhau, giúp bồi bổ sức khỏe và có khả năng chống lại cảm lạnh. Một cách chế biến phổ biến nhất là xào với mù tạt và nước tương, ngoài ra cũng có thể thêm thịt xông khói hoặc tỏi vào xào cùng. Cũng có thể luộc Nanohana và ăn kèm với dashi và cá ngừ bào khô.
4. Shungiku – Cải Cúc
Cải cúc hay rau tần ô Nhật Bản là một trong những loại rau ăn lá được lựa chọn nhiều trong các bữa ăn gia đình Nhật vào mùa Xuân bởi vị ngon ngọt đậm đà vốn có của rau. Sở dĩ được gọi là cải cúc vì lá cải có hình dáng khá giống với lá hoa cúc.
Shungiku có chứa hàm lượng chất dinh dưỡng cao như kali ngăn ngừa sưng tấy và huyết áp cao, sắt ngăn ngừa thiếu máu, canxi cho sức khỏe của xương, vitamin A và C để duy trì làn da khỏe mạnh. Vì những công dụng cải thiện sức khỏe cực tốt này của rau cải cúc nên được các chuyên gia tư vấn sức khỏe khuyên dùng thường xuyên cho bữa ăn hàng ngày.
Cải cúc được người Nhật sử dụng để chế biến đa dạng các món ăn: trộn salad hoặc gỏi để ăn sống, nấu canh, xào thịt, rau cho món lẩu.
5. Takenoko – Măng cũng là lựa chọn bồi bổ sức khỏe trong mùa Xuân
Nhắc đến ẩm thực mùa Xuân xứ Phù Tang, không thể không nhắc đến những món ngon được chế biến từ măng hay Takenoko. Trong tiếng Nhật, Takenoko nghĩa là “đứa con của tre”, những chồi non này bật ra khỏi mặt đất vào mùa Xuân dưới dạng củ hình nón, khởi đầu của cây tre trong tương lai. Tại Nhật, chúng được thu hoạch vào tháng 4, 5 khi chồi dài khoảng 30cm.
Ở Nhật Bản, măng còn được tôn vinh là “vua của những loại rau” vì sở hữu nhiều lợi ích hiếm có. Chúng chứa nhiều chất xơ và rất ít calo, phù hợp cho phụ nữ đang có nhu cầu giảm cân; nhiều chất chống oxy hóa, nâng cao hệ miễn dịch với vitamin A, C, E và B,…
Măng thô có vị đắng nên chúng được sơ chế, loại bỏ tạp chất bằng cách đun sôi trong dung dịch kiềm được tạo thành từ cám gạo hòa với nước sôi trong khoảng 90 phút. Măng được làm sạch có thể cho vào súp miso, nướng hoặc đơn giản là làm món cơm măng Takenoko gohan để thưởng thức kết cấu giòn và hương vị tươi mát của chúng.
6. Taranome – Vua các loài thực vật hoang dã ở Nhật
Taranome được mệnh danh là vua của các loài thực vật hoang dã ăn được, chúng thể hiện tinh hoa của mùa Xuân ở Nhật với hương thơm đặc biệt, được thu hoạch khi chúng có chiều dài từ 3-5cm vào tháng 4 đến tháng 6 ở các vùng rừng và núi trên khắp đất nước Nhật Bản.
Trong mùa cao điểm, các đầu mầm của Taranome tự nhiên trở nên sẫm màu, trong khi phần còn lại chuyển sang màu nâu tro vàng – một dấu hiệu cho thấy chúng đặc biệt mềm. Taranome hái vào thời điểm này có hàm lượng khoáng chất cao, đặc biệt là kali; chúng cũng chứa một lượng đáng kể chất béo thực vật có lợi và protein chất lượng cao, đó là lý do tại sao một số người mô tả Taranome là “bơ mọc trên núi”.
Taranome là một trong những loại rau miền núi có vị đắng và do đó người Nhật hầu như luôn sử dụng nó để làm món tempura. Nó cũng có thể được ăn sau khi luộc hoặc ngâm trong nước vì điều này giúp loại bỏ tạp chất của rau. Trước khi nấu Taranome, cần loại bỏ lớp vỏ cứng và lớp bên ngoài ở nửa dưới của rau.
7. Yama Udo – Măng Tây Núi rất tốt trong việc bồi bổ sức khỏe
Yama Udo, còn được gọi là Udo hay măng tây núi, là một loại cây thân thảo sống lâu năm và là một thành viên của họ Araliaceae. Bên ngoài chồi Yama Udo được bao phủ bởi một lớp da cứng từ xanh đến trắng và lông cứng nên cần được bóc trước khi sử dụng. Thịt bên trong của nó mềm và trắng với kết cấu giòn và hương vị đặc biệt tương tự như mùi của cần tây và thì là với sắc thái của chanh.
Yama Udo có đặc tính chống oxy hóa và chứa axit chlorogenic có thể giúp ngăn ngừa ung thư cũng như ngăn chặn hắc tố gây ra do cháy nắng. Chúng rất giàu axit aspartic giúp tăng cường hệ thống miễn dịch. Ngoài ra, aldehyde diterpene trong Yama Udo có thể cải thiện lưu thông máu và hỗ trợ điều trị mệt mỏi.
Ngoài chồi, lá non của cây Yama Udo cũng có thể ăn được. Chúng có thể được thêm vào món salad, món xào, món ướp và súp, áp chảo, nướng hoặc nhúng trong tempura và chiên.
Kết
Hy vọng với những chia sẻ của Ussina Sky 77, các bạn sẽ có thêm những lựa chọn cho bữa ăn vào dịp đầu Xuân cùng với những loại rau Nhật Bản bồi bổ sức khỏe để bắt đầu một năm mới tràn đầy năng lượng.