Mặc dù khu vực châu Á – Thái Bình Dương không phải là nơi khởi nguồn của nghệ thuật xăm nhưng loại hình nghệ thuật này của Nhật Bản đã phát triển và đạt đỉnh cao. Từ thế kỷ VI, những kẻ phạm tội ở đất nước mặt trời mọc bị đánh dấu bằng việc khắc chữ hoặc hình ảnh. Theo thời gian, công việc xăm trổ của Nhật Bản đã phát triển và dần trở thành một môn nghệ thuật đích thực vào nửa sau của thế kỷ XVIII, theo Japan Daily Press.
Nghệ thuật xăm Tebori của các Yakuza. Ảnh: Tebori Pictures.
Tuy nhiên, những người xăm các loại hình đó thường là Yakuza hoặc tội phạm thế giới ngầm. Các Yakuza hành nghề từ buôn bán ma túy, mại dâm, cờ bạc, cho vay nặng lãi cá nhân hoặc tống tiền chính trị nên chúng xăm để thị uy với dân thường. Hành động này khiến người dân bình thường ở Nhật nghĩ những người có hình xăm là Yakuza mà Yakuza nghĩa là tội phạm. Ngoài ra, người địa phương nhận diện những hình xăm kín người theo cách xăm truyền thống với tên gọi Tebori.
Trong nhiều năm qua, Toru Hashimoto, thị trưởng thành phố Osaka, miền nam Nhật Bản, đã gây bão trên các phương tiện thông tin đại chúng với quan điểm về những người xăm trổ trên cơ thể. Hashimoto khởi xướng chiến dịch gây nhiều tranh cãi khi ông yêu cầu các nhân viên văn phòng trong thành phố có hình xăm phải điền đầy đủ thông tin về hình xăm, gồm xăm hình gì và ở đâu trên cơ thể. Hành động này làm dấy lên dư luận phản đối vì xâm phạm quyền riêng tư.
Mặc dù nhiều người yêu thích xăm trổ ở phương Tây thường nhắc đến sự nổi tiếng của Nhật Bản với những hình xăm đẹp do những nghệ sĩ tài năng nhất thể hiện nhưng một bộ phận xã hội Nhật Bản vẫn khó chấp nhận và nhận xét tiêu cực. Một số khu vực sẽ cấm những người có hình xăm, thậm chí đó chỉ là một hình xăm nhỏ trên mắt cá tay, cổ tay, dưới bắp tay và nách.
Ngoài ra, một số phòng tập thể hình, bể bơi, suối nước nóng… sẽ đề dòng chữ “irezumi” với nghĩa cấm những người xăm mình. Các nhân viên bảo vệ thường được đào tạo để phát hiện từ những hình xăm lớn, dễ nhìn thấy như trên cổ, cánh tay đến các hình xăm nhỏ ẩn hiện sau lớp quần áo.
Tại các nơi mà mọi người phải cởi bỏ y phục, những người có hình xăm sẽ không có quyền vào và sử dụng các dịch vụ như người bình thường. Ảnh: JDP.
Nhiều nhà phân tích khẳng định thị trưởng Hashimoto dựa vào tư duy đó để đưa ra chiến dịch của ông. Trước đó, một doanh nhân cho biết ông rất ngạc nhiên khi ông thoáng nhìn thấy hình xăm ở ngực của nhân viên tại tòa thị chính trong quá trình hoàn thành thủ tục cho doanh nghiệp. Ông quyết định gửi đơn khiếu nại tới thị trưởng.
Hashimoto cho biết mục tiêu của chiến dịch là củng cố lòng tin của người dân địa phương với chính phủ Nhật Bản. Công dân có thể phản ánh với các cơ quan chức năng nếu họ phát hiện bất kỳ nhân viên nào, từ lãnh đạo cấp cao đến công nhân lao động, có hình xăm. Giới chức khẳng định nếu các nhân viên từ chối điền đầy đủ thông tin khảo sát thì lãnh đạo công ty có quyền giảm lương hoặc đuổi việc. Thậm chí, ông tuyên bố họ có thể tìm công việc khác nếu thực sự muốn sở hữu một hình xăm.
Horiyoshi III là nghệ nhân xăm mình nổi tiếng nhất Nhật Bản. Ông là tác giả của những hình xăm toàn thân mà phải mất nhiều năm để hoàn thành. Horiyoshi không phải là tên thật của ông mà là một nghệ danh. Nếu ai đó thắc mắc trên thân thể ông có chỗ nào không có hình xăm, ông sẵn sàng giơ cao hai lòng bàn chân và nói: “Chỉ có chỗ này”. Tên thật của ông là Yoshihito Nakano, vì trong tiếng Nhật, “hori” có nghĩa là chạm khắc nên ông ghép hai từ “hori” và “yoshi” thành Horiyoshi, hiểu theo nghĩa là nhà chạm khắc Yoshi.
Horiyoshi III là một trong những nghệ nhân xăm mình nổi tiếng còn sống ở Nhật Bản. Ảnh: JDP.
Thân hình xăm nhiều màu sắc của Horiyoshi có nét độc đáo là trên đỉnh đầu ông, dưới mái tóc mỏng có một hình xăm màu đỏ chữ “Đức Phật” bằng tiếng Phạn. Cổ ông xăm hình một con nhện lớn cuốn quanh. Toàn bộ tấm lưng là hình một Geisha với bộ mặt sơn trắng. Một con cá chép lớn màu đỏ đang bơi trong dòng nước trong xanh chiếm gần nửa phần bụng ông. Ông cho biết ý tưởng của hình xăm khởi nguồn khi ông nhìn thấy một người đàn ông trong buồng tắm hơi Nhật Bản năm ông 8 tuổi. Horiyoshi tâm sự hình xăm này mê hoặc ông suốt cả cuộc đời.
Ông cho biết khác các loại máy xăm bình thường, Tebori đòi hỏi sự ổn định của bàn tay người thợ để có thể làm chủ những chiếc kim tay loại lớn. Vì thế, chất lượng màu sắc cũng như độ phai của hình xăm phụ thuộc phần lớn vào đôi bàn tay khéo léo của người thợ xăm. Horiyoshi III công khai thừa nhận ông từng dính líu tới thế giới ngầm nhưng ông đã từ bỏ để vào làm nghệ thuật.
Ông hy vọng công việc của ông có thể thay đổi định kiến của người Nhật với những hình xăm và gạt bỏ mọi sự phân biệt đối xử với những người xăm trổ trong một ngày không xa.