Nguyên nhân nào khiến vết khâu tầng sinh môn bị sưng?

Một số bà mẹ khi mang thai phải phẫu thuật rạch tầng sinh môn khi sinh thường để việc sinh con được dễ dàng hơn. Các vết khâu này nếu không được chăm sóc kỹ càng sẽ gây nên những biến chứng nguy hiểm cho mẹ sau này.

Tầng sinh môn là gì?

Tầng sinh môn là khu vực nằm giữa xương mu và xương cụt, bao gồm đáy chậu và các cấu trúc lân cận dài khoảng 3 đến 5cm. Tầng sinh môn rất quan trọng cho việc quan hệ tình dục, nhận tinh trùng và nuôi dưỡng thai nhi.

Trong quá trình sinh nở, khu vực này tự nhiên mở rộng hoặc có thể bị rạch để hỗ trợ việc đưa thai nhi ra ngoài. Tầng sinh môn bao gồm ba tầng khác nhau: Tầng nông, tầng giữa và tầng sâu, mỗi tầng có cấu trúc cơ và lớp cân riêng biệt.

  • Tầng nông bao gồm năm cơ, trong đó có cơ thắt hậu môn ở phía sau tầng sinh môn, còn lại các cơ khác nằm ở phía trước tầng sinh môn.
  • Tầng giữa chứa cơ thắt niệu đạo và cơ ngang sâu, đều nằm ở phần trước của tầng sinh môn và được bọc bởi hai lá cân tầng sinh môn giữa.
  • Tầng sâu gồm cơ ngồi cụt và cơ nâng hậu môn, được bọc bởi hai lá cân của tầng sinh môn sâu.

Vì sao cần khâu tầng sinh môn?

Trong quá trình sinh nở bình thường, các cơ ở cơ quan sinh dục nữ dần dần giãn nở để thai nhi có thể chào đời một cách thuận lợi. Tuy nhiên, việc giãn nở bộ phận sinh dục chỉ đến một giới hạn nhất định nên nếu cần thiết bác sĩ sẽ thực hiện phẫu thuật rạch tầng sinh môn.

Phẫu thuật rạch tầng sinh môn khi sinh thường để việc sinh con được dễ dàng hơn

Để quá trình sinh nở diễn ra suôn sẻ thì trong những trường hợp dưới đây các nữ hộ sinh hoặc bác sĩ sẽ thực hiện một thủ thuật nhỏ là rạch một đường ngắn ở tầng sinh môn và sau khi em bé đã chào đời, bác sĩ sẽ khâu lại.

  • Thai nhi thừa cân hoặc có đầu quá to.
  • Ngôi thai là ngôi chân hoặc ngôi mông.
  • Sinh non.
  • Thai nhi chào đời không đủ oxy.
  • Ca sinh cần có sự hỗ trợ của máy hút hoặc forceps.
  • Quá trình sinh nở kéo dài quá lâu, thai phụ đã phải rặn trong thời gian dài.
  • Tầng sinh môn kém linh hoạt, tử cung co bóp không đủ mạnh hoặc mẹ bị viêm âm đạo khiến quá trình sinh nở khó khăn.

Trong các trường hợp trên, phẫu thuật khâu tầng sinh môn sẽ được thực hiện sau khi hoàn tất rạch tầng sinh môn và người mẹ đã hoàn tất quá trình sinh nở.

Nguyên nhân khiến vết khâu tầng sinh môn bị sưng

Phẫu thuật rạch tầng sinh môn được thực hiện vì nếu để vùng này rách tự nhiên sẽ làm cho vết thương có thể trở nên nghiêm trọng hơn và bà bầu dễ bị biến chứng chảy máu nguy hiểm.

Trước khi tìm hiểu nguyên nhân khiến vết khâu tầng sinh môn sưng lên bạn cần biết phải mất bao lâu để vết khâu lành lại hoàn toàn. Vết khâu này tuy chỉ dài khoảng 2 đến 4cm nhưng rất khó lành vì nằm trong phần thịt mềm và thường ẩm ướt nên phải mất từ 2 đến 3 tuần vết khâu mới lành lại. Đây cũng là thời điểm các vết khâu tầng sinh môn có thể sưng tấy gây đau đớn, khó chịu.

Việc vết khâu tầng sinh môn sưng lên khoảng 5 đến 7 ngày sau khi sinh là điều bình thường vì đây là phản ứng của quá trình lành vết thương. Khi đó, vết thương không chỉ đau, sưng tấy mà vết thương còn tạo ra cảm giác ngứa ngáy khó chịu.

Vết khâu tầng sinh môn sưng lên khoảng 5 đến 7 ngày sau khi sinh là điều bình thường

Ngoài tình trạng này, nếu vết khâu tầng sinh môn vẫn sưng và đau vài tháng sau khi sinh thì bạn cần phải thận trọng vì nguyên nhân có thể xuất phát từ:

  • Tụ máu ở vết khâu.
  • Vệ sinh vết khâu kém có thể tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập và gây nhiễm trùng.
  • Vết thương chưa lành hoàn toàn mà chỉ khâu bị tiêu quá nhanh, gây tổn thương vết khâu.
  • Mặc đồ lót quá chật có thể khiến đáy quần cọ xát vào vết khâu, gây tổn thương vùng kín.
  • Vết khâu bị bục ra do vận động mạnh, làm việc nặng, ngồi sai tư thế.
  • Vết khâu vẫn chưa lành nhưng đã quan hệ tình dục.

Vết khâu tầng sinh môn bị sưng nên được xử lý như thế nào?

Nếu bạn chỉ bị sưng và đau ở vết khâu tầng sinh môn mà không có bất kỳ triệu chứng bất thường nào thì các phương pháp sau có thể giúp giảm sưng và đau tại nhà:

  • Tránh quan hệ tình dục cho đến khi vết thương lành hoàn toàn.
  • Đi bộ và tập thể dục nhẹ nhàng để kích thích máu lưu thông tốt hơn nhờ đó có thể làm giảm nóng, sưng đỏ và đau ở vùng khâu.
  • Thường xuyên vệ sinh vùng kín và không bao giờ thụt rửa sâu vào âm đạo.
  • Khi tắm không được xịt vòi trực tiếp lên vết thương, sau khi tắm xong dùng khăn khô sạch lau sạch vùng kín và xung quanh vết thương rồi mới mặc quần áo.
  • Dùng bông hoặc gạc y tế nhúng vào nước ấm để vệ sinh vết khâu, chỉ lau theo một chiều từ âm đạo và kéo nhẹ về phía hậu môn, không lau ngược chiều.
  • Mặc đồ lót làm bằng chất liệu mềm mại, thoáng khí, thấm hút tốt.
  • Điều chỉnh tư thế: Nếu bạn cảm thấy đau khi ngồi thì hãy nằm nghiêng hoặc nằm sấp. Nếu ngồi, bạn nên ngồi trên đệm hơi vì đệm hơi sẽ dễ dàng điều chỉnh độ căng phồng của vết thương và giúp bạn cảm thấy dễ chịu hơn.
  • Nghỉ ngơi nhiều hơn.
Nghỉ ngơi nhiều hơn có thể giúp giảm sưng vết khâu tầng sinh môn

Vết khâu tầng sinh môn bị sưng có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe, thậm chí ảnh hưởng đến khả năng sinh sản sau này của người phụ nữ. Vì vậy, khi tình trạng này xảy ra kèm theo các triệu chứng sau, bạn cần đi khám bác sĩ ngay:

  • Sốt từ 38 độ C trở lên.
  • Vết khâu sưng tấy, đỏ, tiết dịch xanh và có mùi hôi bất thường.
  • Đau dữ dội ở vùng khâu.
  • Mủ bên trong hoặc xung quanh vết khâu.

Nếu cơn đau trở nên trầm trọng thì bác sĩ sẽ kê đơn thuốc giảm đau nếu cần thiết và hướng dẫn cụ thể cách chăm sóc vết thương tại nhà.

Trên đây là lời giải đáp cho vấn đề nguyên nhân khiến vết khâu tầng sinh môn bị sưng. Hy vọng với những thông tin trên đã giúp các mẹ biết được lý do gây nên tình trạng này cùng với đó là cách khắc phục để đảm bảo sức khỏe sinh sản sau này.

Xem thêm:

  • Vết khâu tầng sinh môn ở phụ nữ bị nổi cục có sao không?
  • Vết rạch tầng sinh môn bao lâu thì lành?
  • Rạch tầng sinh môn bao lâu thì quan hệ được?

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *