Từ chỉ dụ của Vua Thành Thái “nên làm một cây cầu sắt để tiện thông hành”, Viện Cơ mật của triều đình đã cùng tòa Khâm sứ Trung Kỳ của Pháp triển khai việc này. Trường Tiền là cây cầu đầu tiên được bắc qua sông Hương (TP. Huế hiện tại), nối liền con đường thiên lý Bắc – Nam cách đò trở giang suốt mấy thế kỷ, chấm dứt sự chia cắt ngay giữa kinh đô Huế. Đây cũng là một trong những cây cầu sắt đầu tiên của Đông Dương được xây dựng bằng kỹ thuật mới vào cuối thế kỷ XIX – đầu XX.
Khởi công và hoàn thành năm nào?
Nhiều tài liệu và sách báo đang lưu hành đều ghi: cầu Trường Tiền xây dựng năm 1897, và hoàn thành vào năm 1899. Thông tin này dựa vào sách Đại Nam Nhất Thống Chí, bộ địa chí nước Đại Nam do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn vào thời Tự Đức, biên soạn lại vào thời Thành Thái và xuất bản vào thời Duy Tân (năm 1910).
Trong khi đó, sách Đại Nam Thực Lục (chính biên đệ lục kỷ phụ biên), bộ chính sử của nước Đại Nam cũng do Quốc sử quán triều Nguyễn thực hiện, được soạn vào thời Khải Định và Bảo Đại, thì ghi: cầu khởi công vào tháng 10 năm Thành Thái thứ 10 (tức tháng 11.1898), đến tháng 10 năm Thành Thái thứ 12 (tức tháng 11.1900) khánh thành.
Tuy nhiên, trong bản báo cáo “Tình hình Đông Dương từ năm 1897 đến năm 1901” gửi Chính phủ Pháp, Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer ghi rõ: công trình được khởi công vào tháng 5.1899, việc lắp ráp các cấu kiện kim loại vào tháng 11.1899, hoàn thành vào tháng 10.1900, thông xe vào ngày 18.12.1900 (Situation de l’Indo-Chine 1897-1901 Rapport par M. Paul Doumer, gouverneur général, trang 199).
Cả ba sử liệu chính thống nhưng lại ghi thời điểm xây dựng cầu khác nhau. Vậy thì chọn thời điểm nào là chính xác? PGS.TS Đỗ Bang – Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử VN – cho rằng cầu Trường Tiền do người Pháp trực tiếp tổ chức xây dựng và thi công, vì vậy căn cứ vào tài liệu của Pháp là phù hợp hơn.
Như vậy, nếu chọn tư liệu của Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer thì công trình khởi công vào tháng 5.1899, hoàn thành vào tháng 10.1900, tổng thời gian thi công là 17 tháng. Trong cuốn hồi ký “Xứ Đông Dương”, Paul Doumer đã viết: “Chúng ta khánh thành cây cầu vào năm 1900 và lấy hiệu vua Thành Thái đặt tên cho nó”.
Ai mới là tác giả cầu Trường Tiền?
Sách báo viết về cầu Trường Tiền lâu nay đều ghi một cách chắc chắn rằng: cầu Trường Tiền do hãng Eiffel (Pháp) xây dựng. Nhưng các tài liệu lưu trữ trong văn khố nước Pháp đã cho thấy rất rõ không phải là Eiffel.
Có 5 hồ sơ dự án tham gia đấu thầu xây dựng chiếc cầu qua sông Huế (sông Hương, theo cách gọi của người Pháp). Sau khi xem xét báo cáo của ủy ban xét chọn thầu, Toàn quyền Đông Dương đã phê duyệt dự án của nhà thầu Société Schneider et Cie et Letellier, đại diện là kỹ sư Dessoliers ở Hà Nội. Số tiền được phép chi cho công việc này là 723,826,50 francs, từ ngân sách của chính quyền Bảo hộ ở Trung Kỳ và Bắc Kỳ (tức của Pháp), năm tài chính 1898 (theo Công báo Đông Dương, số 11.1897).
Trong bốn dự án bị loại, có dự án của nhà thầu Société de Levallois-Perret, chính là “hậu duệ” của Công ty Etablissements Eiffel. Bản báo cáo “Tình hình Đông Dương từ năm 1897 đến năm 1901” của Toàn quyền Đông Dương P.Doumer cho biết dự án của Schneider et Cie et Letellier được đánh giá là vượt trội so với các nhà thầu khác. Việc xây dựng cây cầu này đã chính thức giao cho nhà thầu Schneider et Cie et Letellier vào ngày 23.11.1897.
Schneider et Cie et Letellier là liên danh của hai công ty: Schneider et Cie và Letellier et Cie. Vào thời điểm đó, Schneider et Cie là một trong vài tập đoàn công nghiệp đầu tiên của Pháp đạt đẳng cấp quốc tế, đã tham gia tích cực vào cuộc khai thác thuộc địa của Pháp ở các châu lục. Năm 1913, Schneider et Cie là một trong hai công ty công nghiệp có tên trong danh sách 20 công ty tư bản hàng đầu của Pháp. Letellier et Cie cũng là một công ty của Pháp, là nhà thầu thi công nhà máy nước Yên Phụ (Hà Nội) vào năm 1894, và sau đó thi công mạng lưới cấp nước cho thành phố Hà Nội.
Không phải là tác giả cầu Thành Thái – Trường Tiền, nhưng công ty Eiffel lại ghi dấu ấn sâu đậm với chiếc cầu này, bởi họ chính là nhà thầu thực hiện cuộc “đại trùng tu” kéo dài trong hai năm 1937-1939, vào thời Bảo Đại. Đó là chiếc cầu Trường Tiền được mở rộng và tạo dáng yêu kiều cho đến sau này. Tiếp đó, năm 1953, cũng chính hãng Eiffel đã được mời trở lại để tái thiết chiếc cầu đã bị sụp đổ ba vài vì bom đạn.
Mấy lần thay tên đổi họ?
Cầu Trường Tiền ra đời in đậm dấu ấn kiến tạo của hai nhân vật chính của lịch sử Việt Nam giai đoạn cuối thế kỷ 19 – đầu thế kỷ 20, đó là Vua Thành Thái và Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer. Chính người Pháp đã lấy niên hiệu của vua để đặt tên là cầu Thành Thái. Nhưng mối bất bình giữa ông vua có đầu óc canh tân này với thực dân Pháp ngày càng căng thẳng hơn. Tháng 7.1907, người Pháp cho rằng vua bị bệnh điên nên buộc vua phải thoái vị. Tháng 11.1916, ông bị đày sang đảo Reunion (châu Phi). Từ ngày 14.7.1919, Toàn quyền Đông Dương đã quyết định đổi tên cầu Thành Thái thành cầu Clemenceau, tên của thủ tướng nước Pháp vào thời điểm đó.
Tên cầu Clemenceau được đổi thành cầu Nguyễn Hoàng vào tháng 5.1945, gắn liền với chủ trương “xóa bỏ tên tây” của chính phủ Trần Trọng Kim, ngay sau khi Nhật vừa đảo chính Pháp. Tuy nhiên, tên cầu Nguyễn Hoàng rất ít được nhắc đến. Người Pháp vẫn gọi tên cầu Clemenceau. Trong khi đó, các văn bản của chính quyền cách mạng lâm thời bấy giờ cũng như các sách báo của Việt Nam thời kỳ sau đó đều gọi là cầu Trường Tiền. “Trường Tiền”, chữ Hán có nghĩa là xưởng đúc tiền. Năm 1775 chúa Trịnh sau khi chiếm được thành Phú Xuân đã cho lập xưởng đúc tiền ở phía bờ bắc sông Hương. Bến đò cạnh đó được gọi là bến đò Trường Tiền. Và cây cầu sắt xây dựng chỗ bến đò cũng được dân gian gọi là cầu Trường Tiền. Cái tên đó lưu truyền suốt hơn thế kỷ qua và mặc nhiên trở thành tên gọi chính thức, dẫu cho ai muốn thay tên đổi họ.