Những giống mai quý của Việt Nam

Ngày tết trong gia đình của mỗi người dân Việt Nam đều có chưng một cây mai (người miền Nam) hoặc cây đào (người miền Bắc). Không ai nhớ được lý do vì sao mà cây mai và cây đào lại được chưng trong nhà vào mỗi dịp Tết đến. Có người nói rằng cây mai là biểu tượng cho sự may mắn của một năm, còn cây đào thì được xem là một loại cây dùng để trừ tà, đuổi quỷ mang lại sự an lành, hạnh phúc và thịnh vượng cho gia chủ. Như vậy cả cây mai và cây đào đều là những loại cây dân gian được yêu chuộng và xem như biểu tượng của ngày tết vì những quan niệm tốt đẹp mà người xưa đã định đặt cho hai loại cây này. Nhưng thật ra thì theo tự nhiên thì hai loài cây này là hai loài thường nở hoa vào mùa xuân và chiếm tỉ lệ đa số, nhất là ngày xưa, khi các loài hoa chưa được phong phú và phổ biến như bây giờ nên hoa đào và hoa mai được xem là hai loại hoa đặc trưng nở vào mùa xuân.

Hoa đào thì thích hợp với không khí lạnh của miền Bắc còn hoa mai thì lại thích hợp với nhiệt độ nóng ở miền Nam nên hai loại hoa này sống trên hai vùng miền khác nhau của nước ta và đặc biệt cùng trổ hoa vào dịp cuối đông đầu xuân vô cùng rực rỡ và thơm ngát. Ngày tết, gia đình nào cũng mua về một cây mai, cây đào hoặc một cành mai cành đào để cắm hoặc chưng trong nhà cho có không khí ngày tết, nhưng thật ra cả cây mai và cây đào hay hoa mai và hoa đào đều có một sự tích rất hay do người xưa đặt ra để giải thích về nguồn gốc của hai loại hoa biểu tượng cho mùa xuân này cũng như nói lên nỗi khát khao về một cuộc sống an bình, ấm no, hạnh phúc của ông cha ta xưa..

Bài viết này, Tạp chí Việt Nam Hương sắc giới thiệu với bạn đọc về những giống Mai quý có mặt ở Việt Nam. Trên thế giới ước tính có hơn 30 giống Mai khác nhau. Trong số đó, 70% những giống mai được phát hiện sinh sống ở Việt Nam.

1. Cây Mai Đỏ

Cây mai đỏ

Đặc điểm:

  • Mai Đỏ là tên gọi ở Việt Nam của Giống Mộc Qua, có nguồn gốc từ Trung Quốc, Nhật Bản, hoa có màu đỏ. Nhưng để trồng bền và ra hoa ổn định thì bắt buộc phải là dạng cây ghép gốc đào và đã được qua quá trình thuần dưỡng khí hậu nước ta. Các loại cây có rễ trần rẻ tiền hoặc không được ghép Thân Đào đều rất khó chăm.
  • Cây Mai Đỏ có các cánh hoa tựa như hoa Đào. Nhưng có 5 cánh, có nhụy giống với hoa Mai. Khi nở ở nơi có ánh nắng mạnh sẽ đổi sang sắc đỏ, ở nơi bóng râm mát sẽ chuyển dần sang sắc hồng. Thời gian giữ hoa lên đến một tháng.
  • Cây thuộc dòng thân gỗ, có tuổi thọ cao. Đây là giống Ôn Đới nên khi đem về trồng ở khí hậu Nhiệt Đới cần phải để nơi mát mẻ.
  • Về Phong Thủy sắc đỏ thắm của mai đỏ đem đến cho gia chủ sự may mắn, tượng trưng cho ước vọng bình yên, đẩy lùi điều xấu, mang lại điềm lành. Vì vậy, mai đỏ thường được lựa chọn để trồng chưng trong dịp tết rất nhiều.

2. Mai Cúc Vạn Thọ

Mai cúc vạn thọ

Đặc điểm:

  • Khác với những loại mai khác, cánh hoa của Cúc Vạn Thọ có gợn sóng xếp chồng lên nhau, mỗi hoa có từ 30 – 50 cánh xếp nhiều lớp dày đặc, nhụy hoa màu nâu cam rất bắt mắt và thu hút.
  • Những người có sở thích chơi mai hoa nhiều, cánh nhiều, vàng kín thì nên chọn giống mai cúc vạn thọ này.
  • Giống mai này hợp với khí hậu miền Nam nhiệt độ 26-35 độ, đảm bảo cây phát triển ổn định và nở hoa đúng vào thời điểm.

3. Mai Vàng 5 cánh

Mai vàng 5 cánh

Đặc điểm:

  • Mai vàng 5 cánh là dòng mai đại diện cho tất cả những loài mai hiện nay, vì khi nói đến mai, thường sẽ nghĩ ngay đến cây mai vàng 5 cách cổ truyền.
  • Cây mai vàng 5 cánh có thể sống trên một trăm năm tuổi. Gốc to rễ lồi lõm, thân cây xù xì, cành nhánh nhảy nhiều, lá mọc xen.
  • Mai vàng không kén về đất trồng, cây sinh trưởng tốt trong điều kiện khí hậu nóng 24-37ºC, cây vẫn sinh trưởng ở nhiệt độ thấp hơn nhưng rất chậm ra hoa.
  • Mai vàng có khả năng phát triển khá nhanh, khả năng ra hoa tương đối ổn định.

4. Mai Cam 24 Cánh

Mai cam 24 cánh

Đặc điểm:

  • Mai cam 24 còn có tên gọi khác là Mai Cúc Cam, một số nơi khác gọi là hồng mai cúc. Là cây mai thân gỗ nhỏ, có tuổi thọ cao, tán rộng, nhánh nhảy nhiều.
  • Cánh hoa sẽ có màu vàng nghệ, không vàng tươi như những dòng mai thường. Lá mai có màu xanh đậm, không khác biệt nhiều so với những loại mai khác. Nếu nhìn mắt thường gần như không phân biệt được. Chỉ phân biệt rõ khi cây nở hoa.
  • Không kén về đất trồng, cây sinh trưởng tốt trong điều kiện khí hậu nóng 24-37ºC, cây vẫn sinh trưởng ở nhiệt độ thấp hơn nhưng rất khó ra hoa.
  • Mai cam cây ghép thường có khả năng phát triển nhanh, hoa ổn định, sẽ không có hiện tượng thoái hóa giống, lai tạp, như những cây trồng từ hạt.

5. Mai Lá Ngọc Cành Vàng

Mai lá ngọc cành vàng

Đặc điểm:

  • Mai Lá Ngọc Cành Vàng là một giống mai khá độc lạ, rất khó kiếm trên thị trường mai hiện nay.
  • Hoa Mai có 5-7 cánh, đài, nhị, hoa và lá non đều có một màu vàng ánh rất đẹp…
  • Nhìn bên ngoài rất giống những dòng mai khác, nên khi cây ra hoa thì mới phân biệt rõ đâu là mai lá ngọc cành vàng.

6. Mai Giảo Bạch Kim

Mai giảo bạch kim

Đặc điểm:

  • Mai Giảo Bạch Kim là giống mai đột biến từ mai Giảo thường
  • Lá của Mai Giảo bạch kim dài nhọn, có đốm trắng cẩm thạch, lá non sẽ có màu hồng nhạt cẩm thạch.
  • Hoa mai có màu vàng đặc trưng, cho từ 8-12 cánh, bông mai rất lớn, nhiều cánh và rất lâu tàn.
  • Cây có sức sống mãnh liệt, tương đối dễ trồng và chăm sóc. Về căn bản thì Mai Giảo Bạch Kim là giống mai độc lạ, thuộc dạng hiếm trên thị trường mai.

7. Mai Huỳnh Tỷ

Mai huỳnh tỷ

Đặc điểm:

  • Mai Huỳnh Tỷ thuộc loại cây thân gỗ nhỏ, chiều cao tối đa 3m. Không kén đất trồng, trồng được ở những nơi có khí hậu nóng ẩm, nắng nhiều. Giống huỳnh tỷ nguyên thủy thường rất khó trồng cho nên chủ yếu sẽ được trồng từ cây ghép, giúp cho cây có sức phát triển mạnh mẽ hơn.
  • Là một giống hoa mai hiếm trên thị trường. Hoa Huỳnh Tỷ có 24 cánh được xếp tầng với nhau. Giống mai này có tỷ lệ ra hoa ít hơn so với những giống mai khác, nhưng hoa nở thành chùm, cánh hoa thẳng đẹp, chắc, ít rụng khi vận chuyển.
  • Giống mai hợp với khí hậu miền Nam nhiệt độ 26-35 độ sẽ đảm bảo cây mai phát triển ổn định và ra hoa đúng thời điểm.
  • Cây khi trồng sau khi bắt đầu ra hoa cần phải tỉa nhánh chia tàn, tàn phải nhiều thì búp mới nhiều.

8. Mai Cúc 150 Cánh

Mai cúc 150 cánh

Đặc điểm:

  • Cúc mai 150 cánh khi nở hoa tương tự như hoa cúc. Có những nơi còn có tên gọi là mai 120 cánh, là tên gọi chung chứ không phải hoa nào cũng 120-150 cánh. Giống này ra hoa chùm. Có chùm hoa lớn đến 50 hoa rất đẹp.
  • Cánh hoa rất mỏng, nhỏ và có nhiều tầng, nở hoa liên tục tới khi rụng hoa. Hoa không có nhụy, không hạt. Nên giống này sẽ không thể có cây được trồng từ hạt.

9. Mai Da Me

Mai da me

Đặc điểm:

  • Mai Da Me là loại mai mới chưa xuất hiện trên thị trường mai vàng, là cây có thân gỗ, da xù như da me, tạo thành mảng xù lớn. Da xù tạo thành từng dòng dọc theo thân, da bong tróc, phần xù lớn dần, nhìn thân cây giống như cây đèn cầy, từng dòng sáp chảy dọc xuống.
  • Hoa mai có màu vàng, cho từ 8-12 cánh xếp nhỏ, xòe đều thành một hình tròn.
  • Cây trồng tốt thường có tuổi thọ lên đến trên một trăm năm, cây không kén đất trồng.
  • Mai da me sinh trưởng rất tốt ở khí hậu nóng từ 24-37ºC, nhiệt độ thấp hơn cây vẫn sẽ sinh trưởng tốt nhưng rất chậm ra hoa.

10. Mai Đại Lộc

Mai đại lộc

Đặc điểm:

  • Giống hoa mai Đại Lộc thời gian gần đây mới được nhiều người biết đến, có nguồn gốc tại Cần Thơ, cây được nhân giống chủ yếu bằng phương pháp ghép cành để đảm bảo thuần với cây mẹ.
  • Hoa của dòng mai Đại Lộc nở rất đẹp, cây thường cho nhiều búp và nở rộ, hoa nở các cánh hoa tròn, to và xếp đều lên nhau, màu vàng tươi, nhuỵ có màu vàng nghệ. Mỗi hoa sẽ có từ 24 – 56 cánh. Hoa được nở từ búp, từ từ mở rộng to ra rất đẹp, không hề thua kém dòng Mai Giảo Thủ Đức. Tỷ lệ rụng nụ cực thấp hơn nhiều so với các giống mai Huỳnh Tỷ và Cúc Mai.
  • Lá của giống mai đại lộc cũng rất đặc trưng, dài và ít bo tròn.

11. Mai Quắn

Mai quắn

Đặc điểm:

  • Mai quắn là dòng mai thuộc dạng mai đột biến. Về quy trình chăm sóc không khác các giống mai bình thường. Nhưng có đặc điểm nhánh mai ra luôn quắn lại, nên khi chăm sóc cần phải kéo nhánh ra. Lá mai to quắn lại rất lạ
  • Hoa mai quắn hiện tại được ghi nhận có khả năng cho hoa từ 5-8 cánh, cánh hoa khít vào nhau không có kẻ hở, nở bung xòe to nhưng 5 cánh hoa cong cong trở lên như lòng thuyền, ngoài đầu hơi có màu phớt đo đỏ, khá đẹp, nhụy cái to rất dài.

12. Ngọc Mai

Ngọc mai

Đặc điểm:

  • Ngọc Mai là một giống mai cực lạ, hiếm trên thị trường mai vàng hiện nay. Hoa màu vàng pha sữa rất nhẹ nhàng, tô điểm thêm chút vàng đậm của nhụy hoa giúp cánh hoa thêm phần nổi bật
  • Hoa ngọc mai có từ 12-18 cánh, cánh hoa khít, nở bung to. Rất dễ trồng và không kén đất.
  • Hình dạng và cách trồng ngọc mai hệt như những giống mai khác. Về khí hậu điều kiện nhiệt độ từ 26-34 độ cây sẽ ra hoa tốt. Nhiệt độ thấp hơn hoa sẽ nở chậm, ra hoa ít.
  • Lá mai thon dài, đọt non có màu đỏ hơi nâu. Nếu nhìn thông thường bằng mắt rất khó phân biệt với những loại mai khác. Chỉ khi ra hoa mới xác định được loại giống.

13. Mai Trắng (Bạch Mai)

Mai trắng

Đặc điểm:

  • Cây hoa Mai Trắng hay còn gọi được gọi với cái tên Bạch mai. Là giống thân gỗ nhỏ tuổi thọ bền. Chiều cao lên tới 2-3 m. Tuổi thọ cây cao, có thể lên đến 50 năm. Dòng bạch mai sinh trưởng hệt mai thường. Không kén về đất trồng, nhưng chỉ trồng được ở khí hậu nhiệt đới. Không cho ra hoa khi trồng ở nơi xứ lạnh.
  • Dòng này nhân giống bằng cách ghép cành hoặc trồng từ hạt. Hiện nay chủ yếu được trồng từ cây ghép do ưu điểm cây nhanh lớn, ra nụ nhiều, sức sống mạnh, ít sâu bệnh hơn cây được trồng từ hạt.
  • Lá cây có màu xanh nhạt, nhánh non và đọt non xen lẫn màu trắng là đặc điểm rất dễ nhận biết của dòng mai trắng.
  • Bạch mai bông chỉ có 5 cánh nhụy vàng. Sau thời gian dài nuôi ghép, lai tạo sẽ gặp một số bông đạt tới 12 hoặc 24 cánh.

14. Mai Ngự Sử

Mai ngự sử

Đặc điểm:

  • Mai Ngự sử cho ra hoa màu trắng sữa, viền màu vàng nhạt ở ngay rìa bông, nhụy vàng. Hoa mai Ngự Sử thông thường chỉ có 5 cánh hoa, một số giống qua đã lai tạo, cấy ghép, xuất hiện hoa đột biến có thể có đến 9 cánh. Cánh hoa lớn và hương thơm nhè nhẹ.
  • Là một giống mai cực hiếm trên thị trường, nhưng loại mai này dễ trồng, không kén đất. Cách trồng hệt như những giống mai khác. Khí hậu giúp cây có thể cho ra hoa tốt ở trong điều kiện nhiệt độ từ 26-34 độ. Nhiệt độ thấp hơn hoa sẽ nở chậm, ra ít.
  • Lá mai ngự sử thon dài, đọt non có màu nâu. Nếu nhìn bằng mắt thường rất khó phân biệt với những loại mai khác, chỉ khi cây ra hoa mới xác định được.
  • Nụ mai ra thành chùm, khoảng từ 5 – 20 nụ hoa ra một chùm. Nụ dài, đuôi nụ sẽ bo tròn. Từ khi nứt vỏ cho đến lúc nở là 10 ngày. Hoa nở chơi được 3-4 ngày. Cánh hoa giữ chắc, rất ít rụng rơi, rớt do quá trình di chuyển.

15. Cây Hồng Tuyết Mai (Mai Trắng Đọt Hồng)

Hồng tuyết mai

Đặc điểm:

  • Mai Trắng Đọt Hồng là một giống cây thân gỗ nhỏ có tuổi thọ lớn. Mai Trắng Đọt Hồng sinh trưởng như giống Bạch Mai thông thường. Không kén về đất trồng. Chỉ trồng được ở nơi có khí hậu nhiệt đới. Không cho hoa khi trồng ở xứ lạnh. Nhân giống bằng ghép hoặc trồng hạt.
  • Đọt lá non của hồng tuyết mai có màu hồng đỏ, dần chuyển xanh nhạt xen lẫn trắng, đây là đặc điểm rất dễ nhận biết của giống mai này.
  • Hoa mai có màu trắng, nhụy hoa vàng, búp ra thon dài đầu búp nhọn không bo tròn. Hoa nở thành chùm 3-5 hoa. Hồng Tuyết Mai cho hoa có số cánh trung bình tới 12 cánh.

16. Thanh Mai (Mai Trắng Xanh)

Thanh mai

Đặc điểm:

  • Cây Mai Thanh Mai là loại mai cho hoa màu trắng xanh nhạt, nhụy màu xanh lá. Có cánh hoa rất nhỏ, số lượng cánh hoa từ 5-12 cánh, hoa sẽ mọc thành chùm. Một số loại được ghi nhận có mùi thơm nhẹ.
  • Giống Thanh Mai trên thực tế là dạng mai đột biến từ giống mai thường, cho nên sẽ có hiện tượng hoàn về nguyên thủy nếu trồng từ hạt. Vì vậy giống mai này chủ yếu được nhân giống bằng ghép là chính.
  • Do thuộc dạng mai hiếm đột biến từ giống mai thường nên nhìn bên ngoài của giống Thanh Mai không khác biệt nhiều so với các loại khác. Rất khó phân biệt bằng mắt nếu cây chưa ra hoa.

17. Mai xanh Phúc Lộc Thọ

Mai xanh phúc lộc thọ

Đặc điểm:

  • Mai Xanh Phúc Lộc thọ là dòng mai hiếm. Có nhiều đặc điểm độc đáo riêng không thể trùng lặp với bất kỳ dòng Mai nào khác. Có cùng lúc 2 loại hoa được tồn tại trên cùng một cây hoa mai xanh. Có khả năng giữ hoa lâu lên đến 2 tuần, những loại thông thường chỉ giữ tối đa 4 ngày.
  • Kiểu hoa thứ Nhất: Hoa có màu vàng nhạt 5 cánh và đuôi cánh hoa có màu hơi ửng đỏ. Chỉ hoa này mới có khả năng kết hạt.
  • Kiểu hoa thứ Hai: Hoa có màu xanh lá 5 cánh, có nhụy nhưng lại không thể kết hạt. Loại hoa này giữ trên cây rất lâu, cánh có khả năng phát triển tạo thành lá. Đây là dạng đột biến lạ, không thể gặp ở bất kỳ loại cây nào.
  • Về đặc tính Mai Xanh Phúc Lộc Thọ cũng giống với bất kỳ loại mai vàng nào. Thân mọc lùn, phát triển bình thường, chỉ khác biệt về hoa. Vào dịp tết để cây ra rộ hoa nhất thì nên chọn thời điểm vặt (lảy) lá sớm hơn những loại mai thông thường 2-3 ngày.

Cách chăm sóc chung của cây mai

Cách trồng và chăm sóc mai vàng tương đối dễ:

  • Đất trồng: Mai là một loại cây không hề kén đất, thậm chí cây có thể sống được đất phèn lẫn đất mặn khá tốt. Chủ yếu cần đất tơi xốp và thoát nước tốt để cây dễ dàng sinh trưởng.
  • Ánh sáng: Để mai vàng cho hoa được nhiều nhất thì nên trồng cây ở những nơi có nhiều ánh nắng trực tiếp, tỷ lệ cho hoa sẽ thấp hơn khi trồng nơi ít nắng.
  • Phân bón: Hầu như tất cả dòng mai vàng đều ít cần đến phân bón, khi thay chậu để cây hồi sức thì cần bón phân nhiều đạm.

Có thể bón thêm phân, không nên quá lạm dụng bón quá sẽ gây hiện tượng nóng rễ cây. Có rất nhiều khách hàng gặp tình trạng cây chết rễ vì bón phân quá nhiều. Quan niệm bón càng nhiều phân càng tốt đối với mai vàng là quan niệm sai lầm.

Khánh Chi tổng hợp

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *