Mụn nhọt ở nách là tình trạng thường gặp nhưng đôi khi lại là dấu hiệu cảnh báo bệnh lí về da nghiêm trọng. Mụn có thể tự khỏi trong hầu hết trường hợp nhưng đôi khi phải dùng tới thuốc. Cùng bác sĩ Nguyễn Thị Thảo tìm hiểu kỹ hơn về vấn đề này nhé!
Nguyên nhân nổi mụn nhọt ở nách
Có nhiều nguyên nhân gây nổi mụn nhọt ở nách, chẳng hạn như:
1. Lông mọc ngược1
Cạo và các hình thức tẩy lông khác là nguyên nhân phổ biến gây ra tình trạng lông mọc ngược, dẫn đến mụn ở nách. Một nang lông bị uốn cong hoặc xoắn ngược lại để xâm nhập vào da gọi là lông mọc ngược.
Trong trường hợp khác, da chết làm tắc nghẽn nang lông, khiến lông mọc ngang dưới da thay vì hướng lên trên.
Lông mọc ngược không nghiêm trọng nhưng có thể gây khó chịu nếu mọc ở những vùng da nhạy cảm. Ngoài vết sưng có thể nhìn thấy, bạn cũng có thể trải qua các triệu chứng như ngứa, đau nhức. Thậm chí nặng hơn là viêm nhiễm hoặc có mủ và chảy dịch.
2. Viêm nang lông1
Viêm nang lông là một tình trạng da liễu mà các nang lông bị nhiễm trùng và viêm. Thoạt nhìn, nó có thể giống như nốt mụn đỏ hoặc mụn trắng xung quanh lông nách. Tuy nhiên, nó có thể tiến triển thành vết loét khó lành. Trong trường hợp nghiêm trọng hơn, viêm nang lông có thể gây rụng lông vĩnh viễn và để lại sẹo.
Ngoài nổi mụn ở nách, khi bị viêm nang lông bạn có thể gặp phải các triệu chứng như:
- Ngứa.
- Cảm giác bỏng rát.
- Da mỏng đi.
- Mụn nước đầy mủ.
- Xuất hiện vết sưng lớn.
3. Viêm da tiếp xúc1
Viêm da tiếp xúc là tình trạng phát ban và ngứa, thường do phản ứng dị ứng gây ra. Tình trạng này không nguy hiểm đến tính mạng, thường sẽ khỏi trong vài tuần.
Ngoài sưng tấy, bạn cũng có thể quan sát thấy các biểu hiện như: phát ban đỏ, ngứa, nóng rát, khô da, chảy dịch,…
4. Viêm tuyến mồ hôi mủ1
Viêm tuyến mồ hôi mủ gây ra các vết sưng đau hình thành dưới những vùng da tiết nhiều mồ hôi, thường là ở nách và bẹn. Mặc dù chúng có thể tự hết nhưng các nốt mụn giống như mụn bọc thường xuất hiện trở lại.
Trong trường hợp nghiêm trọng hơn, triệu chứng bao gồm:
- Dịch tiết có mùi hôi.
- Mụn tái phát.
- Sẹo.
- Ung thư da.
Nổi mụn ở nách có nguy hiểm không?
Mụn nhọt được hình thành do vi khuẩn tích tụ trong lỗ chân lông hoặc tuyến mồ hôi bị tắc. Mặc dù phổ biến nhưng nổi mụn ở những vùng nhạy cảm, chẳng hạn như dưới cánh tay, có thể khiến bạn lo lắng. Tuy nhiên, chúng thường không có gì đáng lo ngại.
Nổi mụn ở nách không phải là bất thường. Chúng thường vô hại và tự biến mất. Nếu vết sưng của bạn tiết dịch hoặc gây đau, bạn nên đến gặp bác sĩ.1
Cách chăm sóc vùng da dưới cánh tay
Vùng da dưới cánh tay hiếm khi được nhìn thấy, vì vậy chúng ta thường bỏ qua thói quen chăm sóc chúng hàng ngày. Nhưng bạn có biết rằng vi khuẩn, da chết và lỗ chân lông bị tắc đều góp phần gây ra mụn nhọt dưới cánh tay? Vì vậy, thiết lập một thói quen chăm sóc để đảm bảo bạn có một vùng da sạch sẽ, khô thoáng và giúp bạn tự tin hơn.
Bạn có thể tham khảo cách chăm sóc da vùng nách dưới đây.
1. Vệ sinh bằng xà phòng dịu nhẹ
Bước đầu tiên trong chu trình chăm sóc vùng da dưới cánh tay đó là làm sạch. Sử dụng xà phòng và nước để rửa sạch mô hôi và vi khuẩn tích tụ dưới cách tay sau một ngày dài. Lưu ý sử dụng xà phòng dịu nhẹ và không chà sát quá mạnh vì đây là vùng da rất nhạy cảm.
2. Tránh sử dụng các chất khử mùi gây kích ứng cho da
Ưu tiên sử dụng chất khử mùi từ thiên nhiên, không chứa chất gây kích ứng, khiến lỗ chân lông bị bít tắc. Tìm hiểu về thành phần cũng như chỉ dẫn trước khi sử dụng sản phẩm.
3. Bôi phấn rôm vào nách sau khi tắm
Phấn rôm giúp hút ẩm, khử mùi và diệt khuẩn nên được xem là một nguyên liệu giúp loại bỏ và hạn chế tình trạng mụn nhọt ở nách.
4. Mặc quần áo rộng để tránh ma sát ở nách
Chọn chất liệu cotton, thấm hút mồ hôi tốt và tránh các loại vải giữ nhiệt. Chọn quần áo rộng rãi, thoải mái để da thông thoáng và luôn thay quần áo sau khi tập luyện thể dục.
5. Ngừng cạo lông nếu đang có mụn ở nách
Tẩy lông thường xuyên giúp vùng da dưới cánh tay sạch sẽ, hạn chế giữ lại mồ hôi và vi khuẩn. Tuy nhiên ngừng cạo lông nếu bạn đang có mụn ở nách. Điều này sẽ khiến vùng da bị tổn thương, các nốt mụn có thể bị vỡ và làm tình trạng mụn tồi tệ hơn.
Phương pháp điều trị mụn nhọt ở nách
Sau đây là các phương pháp điều trị mụn nhọt ở vùng da dưới cánh tay:
1. Đắp một miếng gạc ấm lên nốt mụn2
Phương pháp này giúp làm dịu và nới lỏng lỗ chân lông, hút vi khuẩn và mủ ra ngoài. Từ đó giúp hạn chế tổn thương do mụn gây ra.
2. Xà phòng trị mụn2
Chọn xà phòng phù hợp với làn da giúp loại bỏ bụi bẩn và vi khuẩn xâm nhập gây bít tắc lỗ chân lông, hạn chế nổi mụn.
Chọn một loại xà phòng dịu nhẹ, không chứa chất tẩy rửa mạnh và không chứa cồn.
Tốt hơn nếu xà phòng có thêm các thành phần trị mụn trứng cá và cải thiện làn da. Axit salicylic giúp làm thông thoáng lỗ chân lông bị tắc và giảm sưng tấy, mẩn đỏ. Benzoyl peroxide giúp tẩy tế bào chết và tiêu diệt vi khuẩn. Natri sulfacetamide giúp cản trở sự phát triển của vi khuẩn.3
Để giữ độ ẩm cho da, hãy tìm các loại xà phòng có chứa chất làm mềm (lanolin, dầu khoáng và ceramide) hoặc chất giữ ẩm (glycerin), hoặc chất tẩy tế bào chết (axit alphahydroxy) để làm mịn các vùng da thô ráp.3
3. Kem bôi kháng khuẩn
Sử dụng kem bôi chứa các hoạt chất kháng sinh như Fucidin, Mupirocin, Polymycin, Bacitracin, Neomycin giúp diệt khuẩn và kìm khuẩn.
Lưu ý sử dụng theo chỉ dẫn của bác sĩ và không sử dụng trong thời gian dài.
4. Thuốc steroid để kiểm soát tình trạng viêm
Bác sĩ da liễu có thể kê đơn các loại thuốc có chứa steroid theo toa chuyên biệt để giúp làm sạch mụn và ngăn ngừa sẹo hoặc tổn thương da.
Mụn nhọt ở nách là một vấn đề da liễu phổ biến nhưng chưa được mọi người quan tâm đúng cách. Hy vọng bài viết trên giúp các bạn sở hữu vùng da dưới cánh tay mịn màng và luôn tự tin nhé!