Trong thời gian qua, ngành du lịch luôn nhận được rất nhiều sự quan tâm của Đảng và Nhà nước thông qua việc ban hành nhiều chủ trương, chính sách liên quan. Cùng với sự nỗ lực của các cấp, các ngành và toàn xã hội, du lịch Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, ngoại trừ hai năm do tác động bời dịch bệnh covid-19, mức độ đóng góp của du lịch vào GDP tăng hàng năm, đến năm 2019 đã đạt 9,2% GDP, mục tiêu đến năm 2030, du lịch Việt Nam thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đã được khẳng định tại Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Điều này cũng đòi hỏi trong thời gian tới du lịch Việt Nam cần có sự bứt phá, tăng tốc để đạt được mục tiêu đã đề ra trong đó việc tập trung cho phát triển du lịch và dịch vụ biển là lựa chọn đúng đắn, hoàn toàn phù hợp với điều kiện hiện có của Việt Nam.
Đảo Phú Quốc – ảnh minh hóa
Chiến lược phát triển du lịch đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 ban hành ngày 30/12/2011 cũng đã khẳng định: “Ưu tiên phát triển loại hình du lịch gắn với biển, hải đảo; nhấn mạnh yếu tố văn hóa và sinh thái đặc sắc trong sản phẩm du lịch. Tập trung phát triển các khu du lịch biển có tầm cỡ, chất lượng cao, tạo thương hiệu và có sức cạnh tranh trong khu vực và thế giới”. Đồng thời, xác định rõ 7 khu vực trọng điểm ưu tiên phát triển du lịch, trong đó có 5 khu vực là thuộc dải ven biển với những sản phẩm đặc trưng cho từng vùng, được xác định là khu vực du lịch biển có sức cạnh tranh cao. Đồng thời, là căn cứ quan trọng để các địa phương phát triển du lịch biển đảo phù hợp với điều kiện của từng địa phương và cả vùng..
Ngày 22/10/2018, Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã nêu 05 quan điểm, 2 mục tiêu, 5 chủ trương lớn, 3 đột phá và 7 giải pháp thực hiện. Với mục tiêu tổng quát, Đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh; đạt cơ bản các tiêu chí về phát triển bền vững kinh tế biển; hình thành văn hoá sinh thái biển; chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; ngăn chặn xu thế ô nhiễm, suy thoái môi trường biển, tình trạng sạt lở bờ biển và biển xâm thực; phục hồi và bảo tồn các hệ sinh thái biển quan trọng. Những thành tựu khoa học mới, tiên tiến, hiện đại trở thành nhân tố trực tiếp thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế biển. Xác định Du lịch và dịch vụ biển là mục tiêu ưu tiên hàng đầu.
Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII có nêu: “Thực hiện tốt Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển”, “Đẩy mạnh phát triển và nâng cao hiệu quả các ngành kinh tế biển”, “Tập trung phát triển mạnh một số ngành dịch vụ như: du lịch, thương mại,…”, “Kết hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại với quốc phòng an ninh…”
Một điều cốt lõi luôn luôn được chú trọng là việc phát triển du lịch biển đảo phải gắn với mục tiêu đảm bảo an ninh quốc phòng, đặt trong mối quan hệ phát triển tổng thể chung kinh tế – xã hội.
Kinh tế biển ngày càng giữ vai trò quan trọng, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và chủ lực, tạo động lực thúc đẩy phát triển công nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; đồng thời, cung cấp nguyên liệu phong phú, đa dạng cho phát triển kinh tế của cả nước.
Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030 nêu “Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành du lịch,bảo đảm tính chuyên nghiệp, hiện đại và phát triển đồng bộ, bền vững và hội nhập quốc tế; chú trọng liên kết giữa ngành du lịch với các ngành, lĩnh vực khác trong chuỗi giá trị hình thành nên các sản phẩm du lịch để du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Xây dựng, phát triển và định hướng thương hiệu du lịch quốc gia gắn với hình ảnh chủ đạo, độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc…”, “Ưu tiên phát triển các ngành kinh tế biển, nhất là du lịch, dịch vụ biển,…”
Với những chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, du lịch biển đã thu hút hàng triệu lượt khách mỗi năm, cơ sở hạ tầng được đầu tư mạnh mẽ, có sự tham gia rất tích cực của các nhà đầu tư nước ngoài Điều này đã cho thấy vị thế của du lịch biển đối với sự phát triển của ngành du lịch Việt Nam.
Trong thời gian tới, để đạt được mục tiêu trên và để phát triển du lịch và dịch vụ biển cần phải thực hiện một số nhiệm vụ sau:
1- Thực hiện đầy đủ, đồng bộ các nhiệm vụ giải pháp của Nghị quyết các kỳ Đại hội đảng, Nghị quyết của Bộ Chính trị, Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội, Chiến lược phát triển du lịch.
2- Kịp thời thể chế hóa các nhiệm vụ giải pháp của các Nghị quyết đảm bảo khuyến khích đầu tư phát triển hạ tầng du lịch; khuyến khích, tạo điều kiện để các thành phần kinh tế tham gia phát triển du lịch sinh thái, thám hiểm khoa học, du lịch cộng đồng, các khu du lịch nghỉ dưỡng biển chất lượng cao tại các vùng ven biển; xây dựng, phát triển, đa dạng hoá các sản phẩm, chuỗi sản phẩm, thương hiệu du lịch biển đẳng cấp quốc tế trên cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học, phát huy giá trị di sản thiên nhiên, văn hoá, lịch sử đặc sắc của các vùng, miền, kết nối với các tuyến du lịch quốc tế để Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn của thế giới. Nghiên cứu thí điểm phát triển du lịch ra các đảo, vùng biển xa bờ. Tăng cường năng lực tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn; đẩy mạnh các hoạt động thám hiểm khoa học; chú trọng công tác giáo dục, y tế biển… Hỗ trợ, tạo điều kiện để người dân ven biển chuyển đổi nghề từ các hoạt động có nguy cơ xâm hại, tác động tiêu cực đến biển sang bảo vệ, bảo tồn, tạo sinh kế bền vững, việc làm mới ổn định, nâng cao thu nhập cho người dân”.
3- Đối với ngành du lịch: phối hợp với các địa phương tập trung phát triển các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển, đảo, sản phẩm du lịch gắn liền với các dịch vụ vui chơi giải trí như: lướt ván, thuyền buồm, câu lạc bộ diều, cờ quốc tế, hướng tới phát triển các sản phẩm đẳng cấp quốc tế. Đối với các đảo lớn, nhỏ cần đầu tư phát triển du lịch trải nghiệm gắn với khám phá thiên nhiên, du lịch mạo hiểm, du lịch sinh thái và du lịch tâm linh. Đồng thời xây dựng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực để phục vụ khách quốc tế
4- Đối với các địa phương:
– Rà soát, hoàn thiện hệ thống chính sách phát triển du lịch tại các vùng biển, đảo và lập kế hoạch phát triển từng đảo phù hợp với chủ trương, chính sách phát triển du lịch chung của địa phương và quốc gia. đảm bảo nguyên tắc về chủ quyền vùng biển, đảo quốc gia và phát triển bền vững, theo hướng tăng trưởng xanh, có phương án xử lý rác thải, chất thải, nước thải phù hợp, giảm thiểu ô nhiễm. sẵn sàng phương án ứng phó, cứu hộ, cứu nạn một cách linh hoạt, nhanh chóng để hạn chế tối đa thiệt hại và tác động tiêu cực đến khách du lịch…- Định vị thương hiệu du lịch của địa phương mình để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, đảm bảo mang lại hiệu quả cao nhất. Trước mắt tập trung đầu tư hạ tầng giao thông kết nối đa phương thức, kết nối liên vùng và khu vực, một số địa phương nghiên cứu đầu tư cầu cảng tàu khách quốc tế chuyên biệt đảm bảo theo quy hoạch tổng thể; đô thị hóa vùng ven biển và hải đảo; đầu tư phát triển khoa học và công nghệ biển gắn phát triển du lịch biển, ưu tiên lĩnh vực hải dương học.
– Quá trình đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật, sản phẩm du lịch biển, đảo theo hướng “lưỡng dụng” không làm ảnh hưởng đến thế trận khu vực phòng thủ trên địa bàn.
5- Đề xuất với cơ quan có thẩm quyền sớm ban hành nghị quyết, chỉ thị về phát triển du lịch biển, đảo, trong đó cần đề cập đến nhiệm vụ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch (xây dựng hệ thống bến cảng, cầu cảng, bến neo đậu tại các vịnh, đô thị ven biển kết nối với các đảo, tăng cường quốc phòng, an ninh trong các khu du lịch, hoạt động du lịch.
TS. Nguyễn Mạnh Hùng
Phó Vụ trưởng Vụ Xã hội, Ban Kinh tế Trung ương