Phố Phan Chu Trinh dài 637m, rộng 14,5m.
Thời Pháp thuộc, đây là phố Ri-a-lăng (rue Rialan). Sau cách mạng, đổi là phố Trạng Trình (còn Phan Chu Trinh thì được đắt cho phố Hàng Đẫy tức Nguyễn Thái Học bây giờ). Thời tạm chiếm đổi ra tên hiện nay.
Nay thuộc hai phường Tràng Tiền và Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm.
Tại phố này có một di tích về đấu tranh cách mạng nổi tiếng. Đó là xưởng A-vi-a (Aviat) sau này là xí nghiệp ô-tô Ngô Gia Tự (số nhà 16-18). Đầu thế kỷ XX, đây là một xưởng sửa chữa và cho thuê xe ngựa. Tới năm 1928, là một xưởng sửa chữa và buôn bán ô tô lớn nhất Bắc Kỳ. Tại đây có các tổ chức Công hội đỏ, một trong những cơ sở đầu tiên của Tổng Công hội Bắc Kỳ đã được thành lập tại xưởng này.
Cũng như ở mọi xí nghiệp khác thời đó, bọn chủ và cai xếp đối với công nhân rất tàn bạo: đánh đập, cúp phạt, bày ra lắm cách để bóc lột sức lao động của công nhân.
Tại đây ngày 28/5/1929 đã nổ ra cuộc bãi công của toàn thể 200 công nhân nhằm phản đối hành động đánh dập của bọn chủ, các xếp, đòi tăng lương, giảm giờ làm…
Trụ sở của ban chỉ đạo bãi công là một ngôi nhà ở trong ngõ Hương Tuyết, phố Bạch mai. Trong lúc này, ở số nhà 312 phố Khâm thiên đang có cuộc hội nghị thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng. Hội nghị phân công đồng chí Ngô Gia Tự tới chỉ đạo cuộc bãi công này. Đồng chí đã gặp các hội viên Công hội đỏ và những người cảm tình rút kinh nghiệm, uốn nắn lệch lạc, động viên phong trào… Chủ ba lần tuyên bố dọa đuổi thợ bãi công. Bãi công lại nổ trước kỳ lương. Song nhiều nơi trong thành phố cũng như ở các tỉnh ngoài nghe tin đã quyên góp tiền gửi về ủng hộ công nhân bãi công. Do đó cuộc đấu tranh này kéo dài tới ngày thứ 13 thì thắng lợi. Bọn chủ nhận thực hiện yêu sách của công nhân. Đây là cuộc bãi công đầu tiên có sự lãnh đạo trực tiếp của đội tiên phong của giai cấp. Tiếp đó là một loạt phản ứng dây chuyền không những trong các xí nghiệp ở Hà Nội mà đến cả Hải Phòng, Nam Định, Vinh, Đà Nẵng, Sài Gòn…
Phan Chu Trinh (1872-1926) hiệu là Tây Hồ, quê làng tây Lộc, huyện Tam Kỳ, nay thuộc tỉnh Quảng Nam. Năm 1900 ông đỗ cử nhân, năm sau đỗ phó bảng, được bổ làm một chức quan nhỏ ở bộ Lễ. Nhưng chỉ ít laai sau, do chịu ảnh hưởng của tư tưởng cách mạng dân chủ tư sản (qua các sách tân thư Trung Quốc), Phan Chu Trinh bỏ quan, liên lạc với các nhà yêu nước. Năm 1905, ông có sang Nhật gặp Phan Bội Châu nhưng hai người có những ý kiến bất đồng về phương pháp đấu tranh. Ông chủ trương đấu tranh ôn hòa và công khai nên khi về nước, ông viết thư đề đạt ý kiến với chính phủ Pháp, diễn thuyết ở trường Đông Kinh nghĩa thục, hô hào đổi mới… Tuy vậy, trong cuộc khủng bố năm 1908, ông cũng bị bắt đầy đi Côn Đảo. Do Hội Nhân quyền can thiệp, ông được tha và sang ở bên Pháp. Trong Đại chiến thứ nhất (1914-1918) có thời gian ông bị chính quyền Pari bắt giam. Năm 1922, Khải Định sang Pháp, ông gửi thư kể tội y. Năm 1925, ông về nước, chuẩn bị hoạt động trở lại, thì bị bệnh và mất vào ngày 24/3/1926 ở Sài Gòn. Từ Nam chí Bắc, ở thành phố nào cũng tổ chức truy điệu để tang ông, gây thành một phong trào yêu nước rộng rãi. Tại Hà Nội, lễ truy điệu được tổ chức vào buổi chiều ngày 4/4/1926 tại đền Hai Bà (Đồng Nhân), nhân dân tham dự rất đông.