Trẻ sơ sinh chưa biết ngồi nên thường xuyên phải nằm cọ đầu vào gối, khăn khiến chân tóc yếu dần, rụng xuống. Do đó, tình trạng rụng tóc ở trẻ em thấy rõ nhất từ 3 – 6 tháng tuổi. Từ 6 – 12 tháng tuổi, đa số các bé biết lật, bò, ăn dặm nên hiện tượng này từ từ biến mất. Tuy nhiên, một số trường hợp trẻ cần điều trị sớm do thiếu chất, nhiễm nấm hoặc nhiễm trùng da, bệnh tự miễn… Vậy nguyên nhân, dấu hiệu, cách điều trị, phòng ngừa của tình trạng rụng tóc vành khăn ở trẻ là gì?
Trẻ bị rụng tóc vành khăn là gì?
Trẻ bị rụng tóc vành khăn là tình trạng tóc rụng nhiều ở vùng sau gáy giống hình vành khăn quấn quanh đầu. Tóc thường rụng hết cả chân tóc, rụng thành từng đám sau gáy, thường gặp ở trẻ từ 3 – 6 tháng tuổi.
Rụng tóc vành khăn ở trẻ sơ sinh có phải do thiếu chất?
Rụng tóc vành khăn ở trẻ sơ sinh cũng có thể do thiếu chất. Tuy nhiên, có nhiều nguyên nhân khác nhau gây rụng tóc vành khăn ở trẻ. Do đó, cha mẹ nên đưa trẻ đến bác sĩ khám sớm tìm ra nguyên nhân, có phương pháp điều trị thích hợp. (1)
Với trường hợp thiếu chất, nếu trẻ rụng tóc vành khăn do không được tắm nắng, lười ăn hoặc sữa mẹ không đủ dinh dưỡng khiến trẻ thiếu vitamin D hoặc canxi dẫn đến rụng tóc mảng lớn sau gáy, dễ còi xương, suy dinh dưỡng. Vì vậy, cha mẹ không chủ quan, cần cho trẻ ăn uống chế độ ăn uống đầy dưỡng chất.
Dấu hiệu nhận biết bé bị rụng tóc vành khăn
Một số dấu hiệu nhận biết bé bị rụng tóc vành khăn bao gồm:
- Rụng tóc, quấy khóc, đổ mồ hôi, khó ngủ.
- Ban đêm ngủ hay giật mình.
- Phần thóp (đỉnh đầu) của bé rộng, lâu đóng thóp.
- Xương sọ mềm, có thể bị bẹp bất thường.
- Trẻ thường bị táo bón.
Trẻ rụng tóc vành khăn thường có thể trạng kém hơn các trẻ cùng tuổi. Trẻ chậm phát triển ở một số hoạt động như: biết lật, biết bò, bắt đầu mọc răng, biết đi.
Nguyên nhân rụng tóc vành khăn ở trẻ sơ sinh phổ biến
Các nguyên nhân rụng tóc vành khăn ở trẻ sơ sinh phổ biến thường gặp như:
1. Tóc mỏng và yếu
Giai đoạn sơ sinh, cơ thể trẻ còn khá yếu, tóc cũng yếu. Với trẻ có sợi tóc mảnh, dễ rụng thì hiện tượng tóc vành khăn dễ xuất hiện hơn. Do đó, trong giai đoạn này, trẻ thường bị rụng tóc nhiều do chân tóc mỏng, yếu.
2. Do thiếu dưỡng chất
Thiếu vitamin D, canxi dễ gây rụng tóc vành khăn vì 2 dưỡng chất này rất quan trọng để nuôi dưỡng mái tóc chắc khỏe. Ngoài ra, trong giai đoạn này nếu thiếu hụt một số dưỡng chất khác như: kẽm, sắt, vitamin C cũng khiến trẻ rụng tóc vành khăn.
3. Tác dụng phụ của thuốc
Khi trẻ bệnh, bác sĩ thường chỉ định dùng thuốc kháng sinh nhiều. Nhưng nếu sử dụng liều cao hoặc dùng trong một thời gian dài sẽ gây rụng tóc vì trong thuốc kháng sinh có chứa thành phần gây thiếu hụt vitamin B, một số sắc tố bên trong cơ thể. Vì vậy, cơ thể trẻ sẽ thiếu hụt chất dinh dưỡng để nuôi dưỡng tóc khiến tóc trở nên khô yếu, dễ rụng hơn.
4. Thói quen giật tóc của trẻ
Khi trẻ căng thẳng thường có thói quen khóc hoặc giật tóc. Nếu tình trạng này diễn ra thường xuyên sẽ khiến tóc gãy rụng, xơ yếu, chân tóc nở rộng hơn dễ gây hói.
5. Dị ứng
Trẻ ở giai đoạn sơ sinh, các mẹ thường sử dụng tinh dầu như: dầu dừa, dầu bưởi… để massage da đầu, giúp kích thích khả năng mọc tóc nhanh. Nhưng không phải trẻ sơ sinh nào cũng phù hợp với loại tinh dầu này. Một số trường hợp trẻ quá mẫn cảm, bị dị ứng, rụng tóc vành khăn.
Việc sử dụng một số loại dầu gội chứa hoá chất khiến tóc trẻ dễ rụng . Do đó, khi trẻ dưới 1 tuổi không nên sử dụng quá nhiều dầu gội đầu để tránh ảnh hưởng đến tóc.
6. Trẻ bị nấm, nhiễm trùng da
Trẻ bị rụng tóc hình vành khăn kèm các triệu chứng: ngứa, khó chịu, thường xuyên gãi da đầu, cha mẹ cần chú ý vệ sinh da đầu thật kỹ cho bé. Tình trạng này có thể da bé bị nấm. Nấm da dễ gặp ở trẻ sơ sinh đến 4 tuổi.
Nấm da với biểu hiện các nốt mẩn đỏ, da bong tróc, sưng tấy. Nếu trẻ không đưọc điều trị sớm sẽ rụng tóc nhiều hơn.
7. Hormone cơ thể giảm
Tóc của trẻ sơ sinh rụng thường xuyên do mất cân bằng hormone từ trong bụng mẹ cũng có khi do thiếu chất dinh dưỡng. Tình trạng rụng tóc này thường được phát hiện cùng với biểu hiện rụng tóc sau sinh của mẹ.
8. Bệnh tự miễn
Trẻ rụng tóc vành khăn hoặc tóc trở nên thưa hơn do bệnh tự miễn như: viêm mạn tính, bạch biến, lupus ban đỏ, viêm khớp dạng thấp, nhược cơ… Lúc này, cơ thể tự coi tế bào của mình là vật lạ nên tiến hành đào thải.
Trẻ bị rụng tóc vành khăn có nguy hiểm không?
Trẻ bị rụng tóc vành khăn không gây nguy hiểm nhưng các bé rụng tóc vành khăn thường có thể trạng kém hơn các bé cùng lứa tuổi. Các hoạt động như: biết lật, bò, mọc răng hay đi cũng chậm hơn bình thường.
Chẩn đoán tình trạng tóc rụng vành khăn ở trẻ nhỏ
Khi trẻ có dấu hiệu rụng tóc nhiều ở khu vực sau gáy, hay quấy khóc, lười bú, lười vận động… nên đưa trẻ đến bệnh viện ngay để các bác sĩ kiểm tra sức khỏe, chẩn đoán như:
- Kiểm tra lâm sàng: bác sĩ quan sát vị trí tóc rụng, thể trạng bên ngoài của bé.
- Xét nghiệm cận lâm sàng: xét nghiệm máu để chẩn đoán bé có bị thiếu vitamin D, thiếu sắt…
- Từ các xét nghiệm lâm sàng và cận lâm sàng, bác sĩ sẽ chẩn đoán được nguyên nhân gây bệnh để có phương pháp điều trị phù hợp cho bé.
Nên làm gì khi trẻ bị rụng tóc vành khăn?
Khi trẻ rụng tóc vành khăn, cha mẹ bình tĩnh để tìm ra cách điều trị phù hợp. Một số lưu ý dưới đây giúp cải thiện tình trạng rụng tóc vành khăn cho trẻ như:
1. Tìm hiểu nguyên nhân gây rụng tóc
Cha mẹ nên tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến rụng tóc vành khăn ở trẻ nhỏ để khắc phục ngay. Với trẻ sơ sinh nên thay đổi tư thế nằm thường xuyên cho bé để hạn chế rụng tóc, không nên sử dụng tinh dầu hoặc dầu gội chứa nhiều hoá chất cho trẻ dưới 1 tuổi. Nếu bé dị ứng hoặc nấm da đầu, cha mẹ nên đưa bé đến các cơ sở y tế nhanh chóng để được kiểm tra kịp thời. Vì nấm da đầu để lâu sẽ gây ngứa rát cho trẻ, khiến bé thường xuyên quấy khóc.
2. Bổ sung dưỡng chất cho cả bé và mẹ
Nếu rụng tóc vành khăn ở trẻ nhỏ do tác dụng phụ của thuốc, sau khi phục hồi sức khỏe nên bổ sung một số dưỡng chất cần thiết cho cơ thể như:
- Thực phẩm giàu vitamin D: lòng đỏ trứng, cá hồi, sữa chua, ngũ cốc nguyên hạt, bơ thực vật…
- Thực phẩm giàu vitamin B12: thịt bò, cá ngừ, các sản phẩm từ sữa, trứng, nấm
- hương, cá hồi…
- Thực phẩm giàu vitamin B7: hạnh nhân, động vật có vỏ (nghêu, sò, ốc, hến, tôm, cua), hải sản, cà rốt…
- Thực phẩm giàu canxi: sữa, đậu nành, các loại động vật có vỏ, trái cây (cam, quýt, bưởi…).
- Thực phẩm giàu chất sắt như: gan động vật, rau xanh, rau bina, các loại hạt, thịt đỏ.
- Thực phẩm giàu omega 3: cá, tôm, sò, các loại hạt…
- Thực phẩm giàu protein: thịt nạc, sữa, trứng, đậu xanh…
- Tham khảo bác sĩ khi bổ sung viên uống như: vitamin D, vitamin B7, B12, sắt, kẽm, canxi…
- Viên uống tăng cường sắt, mẹ nên cho bé uống trước khi ăn từ 1 – 2 tiếng.
- Viên uống kẽm, nên dùng sau bữa ăn chính 30 phút.
- Canxi nên uống sau bữa sáng từ 30 – 60 phút, vitamin D có thể cho trẻ dùng trong bữa ăn.
- Vitamin B7, vitamin B12 nên uống khi đói, tốt nhất vào buổi sáng, khi vừa thức dậy.
Bài viết liên quan: Bị rụng tóc thiếu chất gì? Nên bổ sung gì cho tóc khỏe mạnh?
3. Thường xuyên thay đổi tư thế nằm cho bé
- Với trẻ sơ sinh, không phải cứ nằm ngửa sẽ tốt, các mẹ nên thay đổi tư thế nằm phù hợp giúp trẻ hạn chế rụng tóc vành khăn.
- Nếu bé hay thức giấc nên đặt bé nằm nghiêng hoặc nằm úp đều được. Tuy nhiên, không được cho trẻ nằm sấp khi vừa ăn uống no dễ gây nôn trớ.
4. Thay đổi thói quen cho bé
- Hạn chế dùng các loại hoá chất, thiết bị làm tóc (sấy tóc…) làm hư tổn tóc bé.
- Buộc tóc hoặc búi tóc quá cao, quá chặt sẽ dễ gây rụng tóc cho trẻ, nên đổi sang dùng kẹp để tránh tạo áp lực lên tóc bé.
- Che chắn cẩn thận trước khi cho trẻ ra ngoài (đội mũ rộng vành, mặc áo dài tay).
- Với trẻ mới sinh, mẹ có thể mang bao tay cho bé để tránh tình trạng giật tóc.
5. Đưa trẻ đi khám
- Nếu trẻ bị rụng tóc vẫn không cải thiện sau 6 tháng, cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ chuyên khoa Da liễu – Thẩm mỹ Da để tìm nguyên nhân, có phương án điều trị phù hợp. Ngoài ra, các dấu hiệu của bệnh tiềm ẩn như: da đỏ, bong vảy, có đốm hói nhỏ.
- Tuyệt đối không được tự ý mua thuốc hay thay đổi liều dùng đã được kê. Trẻ càng nhỏ nên việc dùng thuốc càng nghiêm ngặt để tránh tác dụng phụ ảnh hưởng sức khỏe.
- Rụng tóc vành khăn không nguy hiểm nhưng cha mẹ không chủ quan, cần cho trẻ đi khám sớm để tìm đúng nguyên nhân, có biện pháp khắc phục kịp thời, bảo vệ sức khỏe bé tốt hơn.
Phòng ngừa tình trạng rụng tóc vành khăn như thế nào?
Rụng tóc vành khăn tuy không ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe nhưng là dấu hiệu cảnh báo trẻ thiếu hụt các vi chất dinh dưỡng. Do đó, cha mẹ nên chủ động ngăn rụng tóc vành khăn cho con trẻ. Các biện pháp phòng ngừa tình trạng rụng tóc vành khăn ở trẻ, bao gồm:
- Tránh để trẻ nằm quá nhiều hoặc chỉ nằm một tư thế cố định.
- Cắt móng, đeo bao tay để hạn chế tình trạng trẻ sơ sinh bứt, cào lên tóc.
- Khi trẻ bắt đầu ăn dặm, bạn nên gặp chuyên da dinh dưỡng để xây dựng chế độ ăn hợp lý cho trẻ.
- Cẩn thận trọng việc chọn lựa sản phẩm vệ sinh cơ thể và dầu gội cho trẻ nhỏ.
- Rụng tóc vành khăn có thể được cải thiện sau khi bạn thay đổi tư thế nằm, bổ sung vitamin D và các thành phần cần thiết cho trẻ. Nếu tình trạng rụng tóc kéo dài và không có đáp ứng với các biện pháp khắc phục tại nhà, bạn nên đưa trẻ đến bệnh viện để được thăm khám và tiến hành can thiệp chuyên sâu.
Một số câu hỏi liên quan về tình trạng tóc rụng vành khăn ở trẻ nhỏ
Sau đây là một số câu hỏi liên quan về tình trạng rụng tóc vành khăn ở trẻ nhỏ, người bệnh có thể lưu ý như:
1. Trẻ bị rụng tóc vành khăn nên bổ sung gì?
Thiếu vitamin D cũng là nguyên nhân gây ra bệnh rụng tóc vành khăn ở trẻ nên cần bổ sung vitamin D, trong đó vitamin D3 giúp chống còi xương, có chức năng điều khiển chuyển hóa canxi, phosphat tạo khoáng, phát triển xương. Có thể bổ sung vitamin D bằng cách cho bé sử dụng chế phẩm vitamin D dạng uống hoặc dạng xịt. Cho bé bú 1200-1400 ml sữa mỗi ngày, ngủ đủ 10 – 11 tiếng mỗi đêm.
Thiếu chất dinh dưỡng cũng khiến bé rụng tóc nên nếu bé đang bú mẹ, cần cho bé bú nhiều lần trong ngày. Nếu trẻ trong giai đoạn ăn dặm nên bổ sung các dưỡng chất dinh dưỡng như: canxi, kẽm, sắt…
Bài viết liên quan: Rụng tóc uống vitamin gì? 10 loại vitamin tốt nhất cho sự phát triển của tóc
2. Rụng tóc vành khăn có mọc lại không?
Có. Rụng tóc vành khăn có thể mọc lại được nhưng cần điều trị kịp thời. Nhìn chung, rụng tóc hình vành khăn ở trẻ có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau. Đây là hiện tượng sinh lý bình thường, đôi khi không phải do thiếu Vitamin D hoặc canxi. Để biết chắc chắn trẻ rụng tóc vành khăn có phải mắc bệnh còi xương hay không, cần đưa bé đến bác sĩ khám, thử máu (nếu cần), từ đó tìm ra hướng điều trị thích hợp, hiệu quả cho trẻ.
3. Rụng tóc vành khăn kéo dài đến bao nhiêu tuổi?
- Rụng tóc không do bệnh: nếu trẻ rụng tóc theo từng mảng làm hói một khoảng hoặc hình vành khăn sau đầu cần quan sát tư thế khi bé hoạt động hoặc ngủ. Nếu bé sơ sinh luôn ngủ ở 1 vị trí hoặc có xu hướng ngồi tựa một phần đầu nhất định vào vai ghế phía sau, bé sẽ rụng tóc ở khu vực mà bé hay cọ xát nhiều. Tình trạng rụng tóc ở trẻ sơ sinh sẽ thấy rõ nhất từ 3 – 6 tháng tuổi. Từ 6 – 12 tháng tuổi, đa số các bé sẽ dần biết lật, bò… nên hiện tượng rụng tóc này sẽ tự biến mất.
- Rụng tóc do thiếu vi chất dinh dưỡng: rụng tóc do thiếu vitamin D, thiếu các vi chất dinh dưỡng thường gặp ở nhiều lứa tuổi khác nhau, nếu bổ sung đầy đủ dưỡng chất sẽ giúp tình trạng rụng tóc cải thiện, mọc tóc mới.
Chuyên khoa Da liễu – Thẩm mỹ Da, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP. HCM quy tụ những chuyên gia đầu ngành, bác sĩ giàu kinh nghiệm trong điều trị các bệnh về hói đầu, rụng tóc, vảy nến, viêm da cơ địa, mề đay, viêm da dị ứng… Đặc biệt, khoa Da liễu – Thẩm mỹ Da được đầu tư máy móc hiện đại, nhập khẩu chính hãng từ các nước Âu – Mỹ như laser Pico, laser fractional CO2, soi da Hàn Quốc, lăn kim siêu nhỏ… giúp người bệnh rút ngắn thời gian điều trị với chi phí hợp lý.
Có nhiều nguyên nhân gây rụng tóc vành khăn ở trẻ khác nhau. Trẻ bị rụng tóc vành khăn tuy không gây nguy hiểm nhưng các bé thường có thể trạng kém hơn trẻ cùng lứa tuổi. Do đó, khi thấy trẻ rụng tóc vành khăn, cha mẹ nên đưa trẻ đến bác sĩ chuyên khoa Da liễu – Thẩm mỹ Da khám để điều trị sớm, bảo vệ sức khỏe của bé tốt hơn.