Chế độ dinh dưỡng sau phẫu thuật khá quan trọng đối với người bệnh. Vì khi trải qua quá trình phẫu thuật, cơ thể người bệnh yếu. Và để kết quả điều trị bằng phẫu thuật đạt hiệu quả thì người bệnh cần nhanh chóng phục hồi sau quá trình này. Vậy sau quá trình phẫu thuật người bệnh nên sử dụng loại thực phẩm nào để đạt hiệu quả điều trị tốt. Bài viết sẽ cung cấp thêm các thông về những loại thực phẩm này.
1. Chuyển hoá và vai trò của dinh dưỡng sau phẫu thuật
Để vượt qua quá trình phẫu thuật người bệnh mất khá nhiều máu, dịch thể và thậm chí còn gặp tình trạng stress hậu phẫu… Vì vậy, người bệnh rất cần được nhanh chóng phục hồi và chế độ dinh dưỡng ở thời kỳ này đóng vai trò quan trọng. Cơ thể được cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng giúp vết mổ nhanh liền hơn đồng thời giúp chống nhiễm khuẩn cũng như phục hồi sức khỏe một cách nhanh chóng.
Tuỳ theo loại phẫu thuật mà người bệnh sẽ được nuôi dưỡng theo cách khác nhau. Bệnh nhân không can thiệp lên ống tiêu hoá có thể mổ nội soi, sinh thiết hoặc cắt ruột thừa… thì dinh dưỡng qua dịch truyền chỉ cần thực hiện ngày đầu sau phẫu thuật và có thể sử dụng sữa, nước cháo ngay sau mổ 1 ngày. Sau khi bệnh nhân đánh hơi được thì người bệnh có thể ăn uống bình thường, lúc đó cũng tăng dần số lượng cũng như mức độ đậm đặc của đồ ăn. Nhưng lưu ý ở giai đoạn này vẫn nên sử dụng thức ăn dễ tiêu và dễ hấp thu cho người bệnh.
Trường hợp người bệnh có can thiệp lên ống tiêu hoá như phẫu thuật cắt dạ dày, hay cắt tạo hình thực quản hay đại trực tràng… thì thực hiện dinh dưỡng qua đường tĩnh mạch sau mổ. Khi người bệnh đánh hơi được thì bắt đầu cho ăn cháo hoặc sữa với số lượng tăng dần và đồng thời giảm dịch truyền.
Các giai đoạn chuyển hoá trong cơ thể sau quá trình phẫu thuật:
- Giai đoạn đầu từ 1 đến 2 ngày sau mổ do vẫn còn chịu ảnh hưởng của thuốc mê nên nhiệt độ cơ thể tăng cao và quá trình chuyển hoá cần nhiều nitơ và kali. Bởi vì khi kali và nitơ ở giai đoạn này không được cân bằng có thể dẫn đến liệt ruột, và người bệnh sẽ cảm thấy mệt mỏi và bị trướng bụng đầy hơi.
Người mổ nên ăn gì? Ở giai đoạn này chủ yếu bù nước điện giải, glucid và năng lượng cần thiết để nuôi dưỡng cơ thể. Người bệnh sẽ được truyền đường và điện giải. Đặc biệt không nên cho người bệnh uống nhiều nước nếu có dấu hiệu chướng bụng nặng. Nếu người bệnh phẫu thuật ngoài hệ tiêu hóa có thể cho uống nước đường, nước trái cây cách nhau 1 giờ 50ml.
- Giai đoạn giữa từ 3 đến 5 ngày sau mổ, thông thường ở giai đoạn này nhu động ruột của người bệnh đã hoạt động bình thường trở lại. Và người bệnh có thể thực hiện quá trình trung tiện. Đồng thời người bệnh cũng cảm thấy tỉnh táo hơn và có cảm giác đói tuy nhiên người bệnh vẫn chưa muốn ăn.
Sau mổ nên ăn gì? Ở giai đoạn này cần cho ăn tăng dần và giảm dần truyền tĩnh mạch. Người bệnh cần được tăng dần năng lượng và protein trong khẩu phần. Bắt đầu có thể thực hiện hàm lượng năng lượng 500kcal và 30 gam protein, sau đó cứ 1 đến 2 ngày tăng dần từ 250 đến 500 kcal sao cho đến khi đạt được 2000 kcal/ngày. Người bệnh nên được sử dụng sữa pha với nước cháo và loại sữa tốt nên là sữa bột tách bơ hoặc sữa đậu nành. Thực hiện bữa ăn cho người bệnh từ 4 đến 6 bữa. Có thể sử dụng nước thịt ép cho người bệnh nếu người bệnh không sử dụng được sữa. Người bệnh vẫn nên ăn các loại thức ăn mềm giàu vi chất dinh dưỡng đặc biệt nên hạn chế chất xơ.
- Giai đoạn phục hồi từ sau 6 ngày sau mổ, người bệnh có thể thực hiện quá trình tiểu tiện và đại tiện bình thường. Hơn nữa, ở giai đoạn này hàm lượng kali trong máu dần dần trở lại bình thường đồng thời vết mổ cũng đã khô và liền lại. Người bệnh có cảm giác đói nhiều hơn, và người nhà chăm sóc người bệnh có thể cho người bệnh ăn tăng lượng để giúp phục hồi cơ thể một cách nhanh chóng.
Ở giai đoạn này khi vết mổ đã liền, người bệnh cần được cung cấp đủ năng lượng và protein để nhanh chóng tăng cân và vết thương mau lành hơn. Có thể cho người bệnh sử dụng từ 5 đến 6 bữa trong một ngày. Nên thực hiện nuôi dưỡng cho người bệnh bằng đường tiêu hoá sinh lý sớm và đảm bảo an toàn để giúp kích thích hệ tiêu hoá hoạt động bình thường trở lại.
2. Những loại thực phẩm nên sử dụng sau phẫu thuật giúp người bệnh nhanh chóng phục hồi cơ thể
2.1. Các thực phẩm giàu chất xơ
Chất xơ đóng vai trò quan trọng trong việc giúp ngăn ngừa tình trạng táo bón, cũng được coi như biến chứng khá phổ biến, thường xảy ra sau quá trình phẫu thuật. Tình trạng táo bón không chỉ gây cảm giác khó chịu cho người bệnh mà còn làm tăng các cơn đau và có thể khiến cho người bệnh có khả năng nhập viện trở lại. Thay vì cho người bệnh sử dụng các sản phẩm chức năng giúp bổ sung chất xơ thì bạn nên thực hiện thay đổi chế độ ăn để giúp cơ thể hấp thu nhiều chất xơ tự nhiên hơn. Mặc dù nếu sử dụng thực phẩm chức năng bổ sung chất xơ có hiệu quả nhưng thực phẩm tươi có xu hướng hoạt động tốt hơn giúp ngăn ngừa táo bón hiệu quả hơn khi sử dụng kết hợp thực phẩm tự nhiên với lượng nước uống hàng ngày.
Một số thực phẩm giúp bổ sung chất xơ tốt bao gồm:
- Bánh mì ngũ cốc nguyên hạt thường là những loại bánh mì được chế biến từ ngũ cốc nguyên hạt có màu đậm hơn so với bánh mì từ bột mì. Bởi vì các loại bánh mì trắng đã được qua tình chế nên hàm lượng chất xơ trong thành phần rất thấp.
- Ngũ cốc nguyên hạt chẳng hạn như ngô, bột yến mạch… Những loại thực phẩm này có hàm lượng chất xơ khá phong phú và tốt cho người bệnh sau phục hồi. Tuy nhiên, nếu bạn phẫu thuật đường ruột, thì bạn cần tham khảo tư vấn từ bác sĩ xem có nên sử dụng ngay loại thực phẩm này trong quá trình phục hồi hay không.
- Trái cây cung cấp nguồn chất xơ cũng như vitamin khá đa dạng. Mặc dù vậy tác dụng phụ của trái cây có thể xảy ra khi bạn ăn quá nhiều sẽ sinh khí nhiều hơn so với bình thường. Quá trình sinh khí nhiều có thể khiến cho bạn xì hơi liên tục và bạn có thể giảm bớt lượng trái cây sử dụng trong 1 đến 2 ngày. Nếu bạn cảm thấy bụng khó chịu đồng thời tăng áp lực dạ dày hoặc bụng đau quặn bạn nên giảm lượng trái cây khi ăn hoặc có thể nhờ bác sĩ để được chỉ định sử dụng thuốc làm giảm đầy hơi.
- Rau nguồn chất xơ tuyệt vời, có thể sử dụng với nhiều cách khác nhau cho người bệnh.
2.2. Các loại thực phẩm giàu protein
Protein giúp thúc đẩy cơ thể làm lành vết thương, đặc biệt protein cũng khá quan trọng trong quá trình phẫu thuật. Bởi vì protein có tác dụng giúp sửa chữa các mô cơ thể bị hư hỏng, đồng thời hình thành kháng thể để chống lại nhiễm trùng. Hơn nữa, protein còn giúp tổng hợp collagen cần thiết cho quá trình phục hồi vết mổ. Khi cung cấp 120 đến 150 gam protein/ngày đối với người bệnh phục hồi sau mổ. Và khẩu phần bữa ăn nên được chia nhỏ thành nhiều bữa, có thể từ 5 đến 6 bữa.
Protein nạc được tìm thấy ở các loại thịt như thịt gà, gày tây hay thịt heo hoặc các loại hải sản bao gồm cá. Tuy nhiên, thịt đỏ không được khuyến khích sử dụng cho người bệnh ở giai đoạn phục hồi vì trong thành phần thịt đỏ có chứa hàm lượng chất béo bão hoà cao và có thể gây ra tình trạng táo bón cho người bệnh.
Bên cạnh nguồn protein từ động vật, thì người bệnh cũng có thể sử dụng protein nguồn gốc thực vật bao gồm các loại hạt, đậu bũ hoặc các thực phẩm chay đã được bổ sung protein.
Người bệnh ở giai đoạn phục hồi sử dụng sữa để cung cấp protein có thể sẽ gây ra triệu chứng táo bón, nên cần sử dụng ở mức độ vừa phải.
Hơn nữa, có một số loại thực phẩm vừa giúp cung cấp hàm lượng protein cho cơ thể đồng thời còn giúp giảm đau và viêm sau phẫu thuật như: các loại cá bé gồm có cá hồi, cá ngừ, cá mòi, hoặc quả óc chó, hạnh nhân, đậu phộng, các loại hạt cải dầu, dầu oliu, dầu đậu nành, hoặc bột hạt lanh và dầu hạt lanh hoặc các sản phẩm từ đậu nành, hoặc hành, tỏi các loại rau lá xanh, hoặc các loại trái cây sẫm màu, hoặc nghệ gia vị phổ biến sử dụng cả trong nấu ăn và sử dụng viên bổ sung.
2.3. Các loại thực phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng
Vitamin A giúp kích thích phản ứng miễn dịch cho cơ thể. Hàm lượng vitamin A có nhiều trong cà rốt, rau lá xanh, ớt chuông đỏ, khoai lang…
Vitamin C cần thiết cho tốc độ và khả năng lành vết thương của người bệnh. Đồng thời vitamin C giúp hình thành collagen trong xương, sụn, cơ… Hàm lượng vitamin C có nhiều trong cà chua, cam, dâu tây, bông cải xanh…
Vitamin D rất cần thiết cho cơ thể hình thành, duy trì cấu trúc của xương. Các nguồn thực phẩm giàu vitamin D bao gồm lòng đỏ trứng gà, cá hồi, cá ngừ, hoặc có thể tiếp xúc với ánh nắng mặt trời khoảng 10 phút một lần và mỗi tuần hai lần.
Canxi – chất khoáng rất cần cho xương đồng thời còn tham gia vào phục hồi mô mềm, qua trình đông máu, co cơ… Sữa và các sản phẩm chế biến từ sữa rất giàu canxi, ngoài ra các loại rau lá xanh cũng khá phong phú hàm lượng chất dinh dưỡng này.
Kẽm tham gia vào quá trình tái tạo sớm của collagen đồng thời giúp đẩy nhanh quá trình chữa lành vết thương ở người bệnh hậu phẫu. Các thực phẩm có giàu hàm lượng kẽm bao gồm hàu, thịt nạc, cá, thịt gia cầm, các loại đậu…
2.4. Các sản phẩm chế biến từ sữa
Sữa và các sản phẩm chế biến từ sữa cung cấp nguồn protein khá dồi dào, và đặc biệt tốt cho người bệnh sau phẫu thuật. Tuy nhiên, với một số người bệnh thì sử dụng sữa thường gây nên tình trạng táo bón hoặc một vài trường hợp có thể tăng bài tiết trong phổi. Vì vậy, nếu người bệnh bị ho mãn tính có thể tránh sử dụng các sản phẩm này trong một thời gian ngắn.
Còn với những người bệnh có thể sử dụng sữa và không gặp phải tình trạng nào kể trên thì nên sử dụng các loại sữa ít béo, như sữa tách kem, hoặc sữa chua hoặc phô mai ít béo…
Bên cạnh những loại thực phẩm tốt có thể bổ sung dinh dưỡng giúp người bệnh nhanh chóng phục hồi sau phẫu thuật, thì người bệnh cũng cần lưu ý tránh một số loại thực phẩm có thể sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả phục hồi sau điều trị này.
Sau quá trình phẫu thuật, người bệnh sẽ thường xuất hiện tình trạng táo bón – tác dụng phụ không mong muốn khi sử dụng thuốc giảm đau của nhóm opioid gây ra tình trạng giảm nhu động ruột. Như đã trình bày ở trên, ngoài những loại thực phẩm có tác dụng hỗ trợ cải thiện tình trạng táo bón cho người bệnh, thì người bệnh nên tránh sử dụng các loại thực phẩm sau bởi vì có thể sẽ ảnh làm cho người bệnh dễ dàng bị táo bón:
Thực phẩm khô hoặc thực phẩm chiên rán hoặc thực phẩm sấy khô như trái cây khô, thịt bò khô, khoai tây chiên… Tuy nhiên với mận khô thì có tác dụng giúp giảm táo bón.
Các loại thực phẩm đã qua chế biến, hoạc tinh chế như bánh mì trắng, gạo trắng, đồ ăn nhẹ, bánh ngọt hoặc các loại thực phẩm chứa hàm lượng muối cao.
Người bệnh sẽ cảm thấy khó ăn uống sau phẫu thuật có thể do xuất hiện cảm giác chán ăn. Tuy nhiên, điều này khá bình thường và có thể giảm bớt sau vài ngày. Nhưng điều quan trọng, người bệnh cần được bổ sung các chất dinh dưỡng từ thức ăn trong suốt quá trình phục hồi để giúp cơ thể đáp ứng được. Người bệnh và người chăm sóc nên nhờ tư vấn từ bác sĩ để có kế hoạch chăm sóc dinh dưỡng hợp lý.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.