Trong nhiều thập kỷ, siro ngô có hàm lượng đường fructose cao đã được sử dụng làm chất tạo ngọt trong thực phẩm chế biến. Do hàm lượng đường fructose cao, siro ngô đã bị chỉ trích nặng nề vì những ảnh hưởng tiềm ẩn tiêu cực đến sức khỏe. Nhiều người cho rằng nó thậm chí còn có hại hơn các chất làm ngọt khác. Bài viết này so sánh siro ngô có hàm lượng fructose cao và đường thông thường, xem xét xem loại nào có nhiều nguy cơ tiềm ẩn hơn.
1. Siro ngô hàm lượng đường Fructose cao là gì?
Siro ngô hàm lượng đường fructose cao (high fructose corn syrup – HFCS) là chất tạo ngọt có nguồn gốc từ Siro ngô, được chế biến từ ngô. Nó được sử dụng để tạo vị ngọt cho các loại thực phẩm chế biến và nước giải khát – chủ yếu ở Hoa Kỳ.
Tương tự như đường ăn thông thường (sucrose), siro ngô bao gồm cả đường fructose và glucose. Siro ngô đã trở thành một chất làm ngọt phổ biến vào cuối những năm 1970 khi giá đường thông thường tăng cao, trong khi giá ngô thấp do được chính phủ trợ cấp.
Mặc dù nhu cầu sử dụng nó đã tăng vọt từ năm 1975 đến năm 1985, ngày nay siro ngô đã dần ít được sử dụng hơn do sự phổ biến ngày càng tăng của các chất làm ngọt nhân tạo khác.
Tóm lại siro ngô có hàm lượng fructose cao là một chất làm ngọt được sử dụng trong thực phẩm và đồ uống chế biến sẵn ở Hoa Kỳ. Giống như đường thông thường, nó bao gồm đường đơn glucose và đường fructose.
2. Quy trình sản xuất siro ngô
Siro ngô có hàm lượng đường fructose cao được làm từ ngô, chủ yếu là loại ngô được biến đổi gen (GMO). Đầu tiên, ngô được xay để sản xuất tinh bột ngô, sau đó được chế biến tiếp để tạo ra siro ngô.
Siro ngô bao gồm chủ yếu là glucose. Để làm cho nó ngọt hơn và có mùi vị tương tự như đường ăn thông thường (sucrose), một số glucose được chuyển đổi thành đường fructose bằng cách sử dụng các enzym.
Các loại siro ngô có hàm lượng fructose cao khác nhau (HFCS) cung cấp các tỷ lệ fructose khác nhau. Ví dụ, trong khi HFCS 90 – dạng cô đặc nhất – chứa 90% fructose, thì loại được sử dụng phổ biến nhất, HFCS 55, bao gồm 55% fructose và 42% glucose. Như vậy, HFCS 55 có thành phần khá giống tương tự như đường sucrose (đường ăn thông thường), với tỷ lệ là 50% đường fructose và 50% đường glucose.
Tóm lại siro ngô có hàm lượng fructose cao được sản xuất từ tinh bột ngô, sau đó được tinh chế để sản xuất siro. Loại phổ biến nhất có tỷ lệ fructose-glucose tương tự như đường ăn thông thường.
3. So sánh siro ngô có hàm lượng đường fructose cao với đường ăn thông thường
Chỉ có một vài sự khác biệt nhỏ giữa HFCS 55 – loại siro ngô có hàm lượng fructose cao được sử dụng phổ biến nhất – và đường thông thường.
Điểm khác biệt chính là siro ngô có hàm lượng đường fructose cao ở dạng lỏng – chứa 24% nước – trong khi đường ăn ở dạng khô và dạng hạt. Về cấu trúc hóa học, đường fructose và glucose trong siro ngô có hàm lượng fructose cao không liên kết với nhau như trong đường ăn dạng hạt (sucrose). Thay vào đó, chúng trôi nổi riêng biệt bên cạnh nhau.
Những khác biệt này không ảnh hưởng đến giá trị dinh dưỡng hoặc khả năng ảnh hưởng lên sức khỏe.
Trong hệ thống tiêu hóa, đường được tiêu hóa thành các phần tử nhỏ hơn bao gồm đường fructose và glucose – vì vậy siro ngô và đường sẽ được tiêu hóa theo cách giống hệt nhau.
Tính theo gram, HFCS 55 có lượng đường fructose cao hơn một chút so với đường thông thường. Sự khác biệt này là rất nhỏ và không liên quan gì đến các ảnh hưởng đến sức khỏe.
Tất nhiên, nếu bạn so sánh đường ăn thông thường và đường HFCS 90, có 90% fructose, thì đường thông thường sẽ được mong muốn hơn nhiều, vì tiêu thụ quá nhiều đường fructose có thể rất có hại cho cơ thể. Tuy nhiên, HFCS 90 hiếm khi được sử dụng – và nếu có thì chỉ với một lượng nhỏ do vị ngọt quá cao.
Tóm lại, siro ngô có hàm lượng đường fructose cao và đường ăn thông thường (sucrose) gần như giống hệt nhau. Sự khác biệt chính là các phân tử fructose và glucose liên kết với nhau trong đường ăn thông thường còn siro ngô thì không.
4.Ảnh hưởng đến sức khỏe và quá trình trao đổi chất
Lý do chính khiến chất tạo ngọt làm từ đường không tốt cho sức khỏe là do chúng cung cấp một lượng lớn đường fructose.
Gan là cơ quan duy nhất có thể chuyển hóa fructose với một lượng đáng kể. Khi gan của bạn bị quá tải, nó sẽ biến fructose thành chất béo. Một số chất béo đó có thể tích tụ ngay tại lá gan, góp phần gây ra gan nhiễm mỡ.
Tiêu thụ nhiều đường fructose cũng có liên quan đến tình trạng kháng insulin, hội chứng chuyển hóa, béo phì và bệnh tiểu đường loại 2. Siro ngô có hàm lượng fructose cao và đường thông thường có sự pha trộn rất giống nhau giữa fructose và glucose – với tỷ lệ khoảng 50:50. Do đó, những tác động liên quan đến sức khỏe phần lớn sẽ giống nhau – điều này đã được xác nhận nhiều lần.
Khi so sánh liều lượng bằng nhau của siro ngô có hàm lượng fructose cao và các loại đường thông thường, nghiên cứu cho thấy rằng không có sự khác biệt về cảm giác no, phản ứng insulin, mức leptin hoặc ảnh hưởng đến trọng lượng cơ thể. Do đó, đường và Siro ngô có hàm lượng fructose cao hoàn toàn giống nhau từ góc độ sức khỏe.
Tóm lại, nhiều nghiên cứu cho thấy đường và siro ngô có hàm lượng fructose cao có tác dụng tương tự đối với sức khỏe và sự trao đổi chất. Cả hai đều có hại khi tiêu thụ quá mức.
5. Đường thêm vào là không tốt nhưng trái cây thì ngược lại
Mặc dù quá nhiều fructose từ đường bổ sung là không tốt cho sức khỏe, nhưng bạn không nên tránh ăn trái cây. Trái cây là thực phẩm toàn phần, có nhiều chất xơ, chất dinh dưỡng và chất chống oxy hóa. Sẽ rất khó để tiêu thụ quá nhiều đường fructose nếu bạn chỉ lấy nó từ trái cây nguyên chất.
Những tác động tiêu cực đến sức khỏe của đường fructose chỉ áp dụng đối với lượng đường bổ sung quá nhiều, đặc trưng cho chế độ ăn phương Tây có hàm lượng calo cao.
Mặc dù trái cây là một trong những nguồn cung cấp đường fructose tự nhiên dồi dào nhất, nhưng chúng có liên quan đến lợi ích sức khỏe. Những ảnh hưởng xấu đến sức khỏe chỉ liên quan đến việc tiêu thụ quá nhiều đường.
Tóm lại, dạng phổ biến nhất của siro ngô có hàm lượng đường fructose cao, như HFCS 55, hầu như giống với các loại đường ăn thông thường. Hiện đang thiếu bằng chứng cho thấy loại đường nào có nhiều ảnh hưởng tiêu cực lên sức khỏe hơn. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn rằng cả hai đều xấu như nhau khi tiêu thụ quá mức.
Hãy thường xuyên theo dõi website Vinmec (www.vinmec.com) để cập nhật thông tin chăm sóc sức khỏe hữu ích và để lại thông tin khi cần bác sĩ tư vấn hỗ trợ nhé!
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: mayoclinic.org, healthline.com