Sữa chua hết hạn có ăn được không, liệu có ảnh hưởng gì đến sức khỏe nếu sử dụng hay không là những câu hỏi được nhiều người quan tâm. Trước hết, chúng ta cần tìm hiểu về thành phần trong sữa chua, sự biến đổi chất khi đã hết hạn có gây ảnh hưởng xấu hay không, từ đó đưa ra lời giải đáp cho băn khoăn trên.
Sữa chua dùng được trong bao lâu?
Sữa chua là một loại thực phẩm được làm từ bơ sữa, sau khi trải qua quá trình lên men sẽ tạo ra các lợi khuẩn ở một mức nhiệt độ nhất định. Hiểu một cách đơn giản hơn, sữa chua chính là sữa bò tươi được lên men bằng 2 loại lợi khuẩn là Streptococcus thermophilus và Lactobacillus bulgaricus.
Ăn sữa chua có tác dụng gì? Trong quá trình chuyển hóa, đường lactose sẽ tạo thành đường glucose, tiếp theo là thành axit piruvic và cuối cùng là axit lactic. Sữa chua chứa hàm lượng dinh dưỡng khá cao như protein, lipid, glucid, đạm, đường, chất béo vitamin, sắt, canxi, phốt pho, magie, kẽm,… mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe, nhất là tốt cho đường ruột và hệ tiêu hóa.
Vậy sữa chua được dùng trong bao lâu, lúc nào thì sữa chua hết hạn? Thực ra, không có mẫu số chung cho tuổi thọ của các loại sữa chua bởi nó còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như thành phần men, hương vị, lượng chất béo và công thức mà nhà sản xuất đã sử dụng.
Cách đơn giản nhất để biết nhận biết sữa chua còn an toàn để sử dụng hay không chính là hạn sử dụng mà nhà sản xuất đưa ra, được in trên bao bì sản phẩm. Đây được coi là thời gian mà sản phẩm giữ được hương vị và chất lượng tốt nhất.
Theo các chuyên gia sức khỏe, nếu để bên ngoài nhiệt độ phòng, thời hạn sử dụng của sữa chua thường là từ 7 – 14 ngày. Nếu bảo quản trong tủ lạnh, thời hạn này sẽ có thể kéo dài lâu hơn. Tuy nhiên, nếu sữa chua đã mở bao bì và không được tiệt trùng ở nhiệt độ phòng sẽ dễ bị hỏng chỉ trong 1 – 2 ngày.
Ngoài ra, bạn cũng có nhận biết sữa chua bị hư qua một số dấu hiệu sau đây: Có rất nhiều nước trên bề mặt, vón cục, vị khác lạ, mùi chua, ôi thiu hoặc có mùi lên men, có nấm mốc trên bề mặt sữa chua hoặc màu sữa chua biến đổi,… Ngoài ra, nếu hộp sữa chua bị phồng, cong vênh cũng có thể dấu hiệu cho thấy sữa chua hết hạn vì đã tiếp xúc với nhiệt độ và độ ẩm bên ngoài.
Sữa chua hết hạn có ăn được không?
Vậy sữa chua hết hạn có ăn được không? Thực ra, nếu bạn dùng sữa chua sau khi đã hết hạn sử dụng không quá lâu, có thể sản phẩm vẫn an toàn nếu không có dấu hiệu hư hỏng. Bởi sữa chua đã trải qua quá trình lên men của axit lactic, làm giảm pH, hạn chế tối đa sự phát triển của vi khuẩn có hại nên có thể kéo dài hạn dùng. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn rằng hương vị và chất lượng đã bị giảm đi. Trường hợp sữa chua đã xuất hiện những đốm mốc hoặc có mùi lạ, bạn tuyệt đối không nên sử dụng.
Việc ăn sữa chua hết hạn và có dấu hiệu hư hỏng có thể gây ngộ độc thực phẩm hoặc nhiễm virus/vi khuẩn lây truyền qua thực phẩm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại đến sức khỏe. Theo các chuyên gia sức khỏe, một số nguy cơ có thể xảy đến như:
- Tiêu chảy: Lúc này, cơ thể sẽ cố gắng loại bỏ các độc tố có hại từ sữa chua đã tiêu thụ, làm xảy ra tình trạng tiêu chảy. Trường hợp bị mất nước nghiêm trọng và tiêu chảy không cầm được, phân có lẫn máu kèm sốt, bạn nên đến cơ sở y tế để được hỗ trợ.
- Đau bụng, chuột rút vùng bụng: Khi ngộ độc thực phẩm do sữa chua, bạn có thể bị đau quặn bụng trong vòng vài giờ hoặc đau âm ỉ vài ngày sau khi ăn, kèm theo hiện tượng chuột rút vùng cơ bụng.
- Nôn mửa: Bị nôn nhiều cũng khiến cơ thể bị suy nhược, mất cân bằng điện giải, dẫn đến mất nước. Theo đó, các triệu chứng mất nước có thể bao gồm: Chóng mặt, mắt trũng sâu, nước tiểu sẫm màu, bí tiểu hoặc không tiểu, mệt mỏi, yếu cơ.
Khi chất nôn có lẫn máu, bạn không thể bù nước thông qua đường uống thì cần đến cơ sở y tế thăm khám để được chỉ định bù dịch đường truyền. Lưu ý tuyệt đối không được tự ý bù dịch đường tĩnh mạch tại nhà khi không có chỉ định từ bác sĩ.
Do đó, với câu hỏi “sữa chua hết hạn có ăn được không” thì câu trả lời là có thể sử dụng khi quá hạn chưa lâu và sản phẩm chưa có dấu hiệu hư hỏng. Trường hợp sữa không còn đảm bảo chất lượng, bạn tuyệt đối không nên sử dụng để tránh ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
Có thể làm gì với sữa chua hết hạn?
Vậy khi sữa chua hết hạn nhưng chưa có dấu hiệu hư hỏng, nếu bạn cảm thấy lãng phí vì phải vứt đi, có thể sử dụng vào việc gì hay không? Bạn có thể tận dụng chúng với các cách sử dụng như sau:
- Đắp mặt làm đẹp da: Sữa chua hết hạn có thể tận dụng để làm một loại mặt nạ tẩy tế bào chết cực kỳ hiệu quả. Bạn có thể dùng riêng sữa chua hoặc trộn sữa chua với vài giọt nước chanh, tinh bột nghệ,… sau đó đắp hỗn hợp lên mặt trong vòng 15 phút rồi rửa mặt sạch với nước. Ngoài ra, đây còn là cách chữa da cháy nắng bằng sữa chua rất tốt mà bạn nên thử.
- Gia vị để ướp thịt: Sữa chua có thể làm các thớ thịt trở nên mềm mại hơn mà không hề phá vỡ kết cấu của thịt, giữ được sự tươi ngon vốn có. Vì thế, khi sữa chua hết hạn chưa lâu, bạn đừng vội vứt đi mà hãy tận dụng nó để chế biến món ăn nhé!
- Nguyên liệu làm bánh nướng: Sữa chua là nguyên liệu thay thế cực kỳ thích hợp cho bơ, bởi tỷ lệ chất béo của bơ và sữa chua khá giống nhau. Nếu sữa chua trong tủ đã hết hạn, bạn hãy thử tận dụng nó để làm bánh nướng, chắc chắn bạn sẽ bất ngờ với hương vị thơm ngon của món ăn này đấy!
- Làm kem tươi: Sữa chua hết hạn nhưng vẫn còn màu trắng, chất hư hỏng, bạn có thể kết hợp với một ít kem sữa béo để tạo thành món kem tươi thơm béo để trong tủ lạnh, rất phù hợp để giải nhiệt vào ngày hè. Đây là một trong những món ngon biến tấu từ sữa chua mà bạn không nên bỏ qua.
Như vậy, với các thông tin trên đây, Nhà thuốc Long Châu đã giúp bạn giải đáp được băn khoăn “sữa chua hết hạn có ăn được không” và cách tận dụng sữa chua hết hạn một cách hữu ích, tránh lãng phí. Tuy nhiên, trước khi sử dụng bạn cũng cần lưu ý xem xét kỹ về chất lượng sản phẩm nhé, nếu có bất kỳ dấu hiệu hư hỏng nào, bạn tuyệt đối không nên sử dụng để tránh những nguy cơ gây hại đến sức khỏe.
Tốt nhất, bạn nên ăn sữa chua trước khi ngày ghi trên nhãn về hạn sử dụng để có chất lượng tốt nhất. Đồng thời, ngay cả khi sữa chua của bạn chưa hết hạn sử dụng thì nếu phát hiện ra mùi bất thường bạn cũng nên bỏ đi để tránh nguy cơ bị ngộ độc.
Xem thêm:
- Sữa hết hạn bao lâu vẫn uống được?
- Ngộ độc thuốc kháng histamin phải làm sao?
- Cách chữa ngộ độc thuốc trừ sâu Alpha Cypermethrin