Nguyên Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn, tác giả bài thơ “Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò ví dặm”. Ảnh: VGP/Phương Liên
Những năm tháng du học tại nước Nga đầy ắp kỷ niệm đối với nguyên Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn. Và một trong những kỷ niệm khó quên đó chính là sự tri âm giữa ông và cố nhạc sĩ Trần Hoàn. Tại nước Nga xa xôi, sự đồng điệu giữa hai tâm hồn nghệ sĩ khi nhớ về quê hương đã sản sinh ra một tác phẩm âm nhạc nổi tiếng. Bài hát “Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò ví dặm” đã lay động công chúng hàng chục năm nay.
Chỉ cái tên bài hát cũng đủ để nói lên nỗi lòng của người xa xứ. Ông Doãn kể, vào quãng năm 1981, khi ông đang là sinh viên Khoa Báo chí trường Đại học Tổng hợp Lomonosov, thì nhạc sĩ Trần Hoàn sang Nga tham dự lớp bồi dưỡng của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô (cũ). Một buổi chiều, những lưu học sinh Việt Nam tại Moscow được nghe ca sĩ Hồng Vân của Đoàn Nghệ thuật Bông Sen sang biểu diễn hát bài “Giận mà thương”, một làn điệu ví dặm của dân ca Nghệ Tĩnh.
Sau khi rời khán phòng, trên đồi Lenin mờ sương chiều, ông Doãn và nhạc sĩ Trần Hoàn đã chia sẻ với nhau về nỗi nhớ quê hương khi làn điệu dân ca vẫn còn ngân nga đâu đó, da diết trong lòng của những người con xa xứ. Tứ thơ ùa đến, ông Doãn viết một mạch bài thơ “Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò ví dặm”. Khi đọc bài thơ này, nhạc sĩ Trần Hoàn lập tức viết lên những giai điệu da diết. Sự đồng điệu đã gắn kết tâm hồn nhạc sĩ với bài thơ.
Chất dân ca thấm đượm tâm hồn hai nghệ sĩ đã dâng tặng cho đời những giai điệu sâu lắng: “Chiều giữa Mạc Tư Khoa/ Nghe câu hò Nghệ Tĩnh/ Ôi câu hò xứ sở/ Thắm đượm tình quê hương”. Tứ thơ trào dâng trên khuông nhạc: “Rằng thương nhau cho trọn/ Rằng qua cơn hoạn nạn/ mới hiểu tận lòng nhau… Anh qua bao miền quê/ Điệu hò theo chân bước/ Chiều nay nghe em hát/ Thổn thức hoài con tim”.
Từ ấy, với những lưu học sinh Việt Nam ở xứ Bạch dương, ca khúc “Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò ví dặm” luôn được ngân nga trong mỗi dịp tụ họp. Mỗi khi giai điệu vang lên, trong lòng người xa xứ cứ cồn cào nỗi nhớ về quê hương, Tổ quốc.
Với nguyên Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn, tình yêu với một nước Nga đẹp như huyền thoại với những kỷ niệm của một thời sinh viên sôi nổi không thể phai nhòa. Ông tự nhận mình là người rất may mắn khi mỗi năm đều có dịp sang Nga. Lần nào trở lại Nga ông cũng về thăm trường cũ Lomonosov, thăm lại hai khoa Báo chí và Tâm lý. Ông vẫn giữ liên lạc với thầy giáo của mình là Giáo sư, Tiến sĩ Iasen Nhicolai Evich Zaxuski, Trưởng khoa Báo chí của trường Đại học Lomonosov trong rất nhiều năm.
Không có một quốc gia nào khác trên thế giới luôn được hàng triệu người Việt Nam nhắc tới với tình yêu, nỗi nhớ, lòng biết ơn, sự mến phục và đôi khi cả với những trăn trở, khắc khoải, lo lắng như đất nước được mệnh danh là xứ sở Bạch dương. Đối với nguyên Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn, hình ảnh cây bạch dương đặc trưng của nước Nga mãi in sâu. Với tình yêu nước Nga, ông đã đặt tên cháu nội là Bạch Dương. Con trai, con gái ông đều du học tại Nga. Đối với ông, nước Nga luôn ở trong trái tim, nước Nga là tình yêu với bao kỷ niệm không thể nào quên.
Phương Liên