Táo đỏ khô (táo tàu) vừa là món ăn vặt tiện lợi lại vừa là vị thuốc quý trong Y học cổ truyền. Vậy táo đỏ khô có tác dụng gì và nên ăn táo đỏ khô vào lúc nào?
Táo đỏ khô có tác dụng gì?
Táo đỏ từ lâu được coi là thần dược của thiên nhiên với sức khoẻ của con người. Táo đỏ vừa là nguyên liệu trong các bài thuốc Đông y, vừa có công dụng để nấu ăn, pha trà, nấu chè…
Trong y học hiện đại, táo đỏ chứa nhiều thành phần hoạt chất có lợi cho sức khỏe như phenolic, flavonoid, axit triterpenic, vitamin C và polysaccharide. Bên cạnh đó nó còn chứa hàm lượng vitamin, khoáng chất, chất xơ cực kỳ cao.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương dẫn nguồn sách Thiên Kim Phương – Thực trị cho biết táo tàu vị ngọt, hơi cay, tính nóng, không chứa độc.
Tác dụng của táo đỏ khô theo y học cổ truyền
Đông y cho rằng, táo tàu khô tác dụng bổ tỳ vị, lợi khí, sinh tân dịch, cường lực, chỉ thấu, bổ huyết, an thần, giải độc dược, điều hòa các loại thuốc.
Táo đỏ khô chủ trị tỳ vị hư nhược, tiêu chảy, kém ăn, hồi hộp, suy nhược cơ thể, bồn chồn khó ngủ, lở loét ngoài da, táo bón, nghẹt mũi.
Tác dụng của táo đỏ khô theo nghiên cứu hiện đại
Ngăn ngừa, hỗ trợ điều trị ung thư: Thành phần vitamin C, axit triterpenic và polysacarit trong táo tàu có thể giúp ức chế, tiêu diệt các tế bào ác tính, ngăn chặn không cho ung thư lan rộng.
Tác dụng trên hệ tim mạch: Táo tàu cung cấp nhiều kali giúp ổn định huyết áp, phòng chống các bệnh lý về tim mạch.
Đối với hệ tiêu hóa: Saponin, tritrerpernoid và chất xơ có tác dụng ổn định chuyển động ruột, ngăn ngừa táo bón, tăng cường hấp thu các chất dinh dưỡng và cải thiện sức khỏe đường ruột.
Trên hệ tuần hoàn: Chất sắt và photpho trong táo tàu làm tăng sản xuất tế bào hồng cầu, kích thích lưu thông tuần hoàn máu trong toàn bộ cơ thể. Ngoài ra, các chất alkaloid và triterpenoid còn giúp loại bỏ độc tố trong máu, thanh lọc máu.
Kháng khuẩn, chống virus: Flavornoid và vitamin C trong dược liệu có đặc tính kháng khuẩn, chống lại sự xâm nhập của vi trùng, virus cảm cúm xâm nhập vào cơ thể.
Công dụng của táo tàu với hệ miễn dịch: Chất polysacarit có khả năng trung hòa các gốc tự do, làm chậm tiến trình oxy hóa trong cơ thể, qua đó cải thiện chức năng hoạt động của hệ miễn dịch.
Ngoài quả, hạt táo tàu cũng có nhiều tác dụng tốt như an thần, chữa mất ngủ, chống co giật, bảo vệ tế bào não, kích thích mọc tóc. Lá táo tàu chữa bệnh trĩ, cải thiện sức khỏe xương khớp.
Nên ăn táo đỏ khô vào lúc nào và ăn thế nào?
Các chuyên gia cho biết, bạn có thể ăn táo đỏ khô bất cứ lúc nào trong ngày. Tuy nhiên, Báo Thanh Niên dẫn lời bác sĩ chuyên khoa 2 Huỳnh Tấn Vũ (Đơn vị Điều trị Ban ngày, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM – Cơ sở 3) cho biết, cách sử dụng táo đỏ phổ biến nhất là kết hợp với các vị thuốc khác rồi sắc lấy nước uống.
Liều dùng khuyến cáo là khoảng 5-10 quả một ngày. Tùy trường hợp, mục đích sử dụng, bạn có thể điều chỉnh và sử dụng liều lượng phù hợp để tốt cho sức khỏe.
Theo bác sĩ Vũ, không thể phủ nhận công dụng của táo đỏ, đây là dược liệu khá lành tính, không chứa độc tố rất an toàn cho người sử dụng.
Tuy nhiên, nếu dùng quá nhiều có thể gặp phải một số tác dụng phụ, ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa như táo bón, khó tiêu và nóng trong người, sản sinh dịch vị dạ dày nhiều hơn.
Một số người bị mắc các bệnh về dạ dày có thể gặp hiện tượng trào ngược dạ dày, mất cân bằng ngũ tạng, cồn cào xót ruột nếu ăn nhiều quả táo đỏ tươi trong lúc đói.
Trên đây là những thông tin giải đáp về băn khoăn “Táo đỏ khô có tác dụng gì và nên ăn táo đỏ khô vào lúc nào?”. Hãy ăn táo đỏ khô đúng cách để nhận được những lợi ích tốt nhất cho sức khoẻ nhé.