Ngay lúc này đây trong tâm trạng vô cùng xúc động, tôi nhớ đến hai câu thơ của nhà thơ Chế Lan Viên “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở/Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn!”. Cảm xúc trong tôi lúc này thật khó biểu đạt đầy đủ bằng ngôn từ khi được đến với biển đảo quê hương Việt Nam – một phần thiêng liêng, máu thịt cha ông ta đã hy sinh, gìn giữ, bảo vệ. Trong tôi dâng trào niềm tự hào là người con đất Việt với lòng biết ơn sâu sắc.
Được sinh ra, giáo dục, nuôi dưỡng trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng, qua từng câu chuyện kể của ông nội là đồng chí Huỳnh Thanh – Du kích Ba Tơ ngoan cường; của bác Hai là đồng chí Huỳnh Thanh Tịnh – Đại tá Đặc công Quân đội Nhân dân Việt Nam qua mỗi trận đánh, mỗi lần chỉ huy đơn vị tác chiến trên chiến trường khói lửa đạn bom khốc liệt… từ tấm bé, tôi đã nuôi dưỡng ý thức về tình yêu quê hương, đất nước.
“Từ ấy trong tôi bừng nắng Hạ/Mặt trời chân lý chói qua tim”, tôi đã được gia đình bồi đắp niềm tin lý tưởng cách mạng ngời sáng của bao lớp thế hệ cha anh – người chiến sĩ đẹp gắn với hình ảnh mang trên mình một chiếc ba lô và mũ tai bèo giản dị nhưng quật cường, bất khuất giữa làn bom đạn, một lòng sắt son vì đất nước quên mình.
Nhớ thuở bé, tôi đã nhiều lần biểu diễn văn nghệ và ngân nga câu hát quen thuộc “Cháu thương chú bộ đội nơi rừng sâu biên giới. Cháu thương chú bộ đội canh giữ ngoài đảo xa cho chúng cháu ở nhà có mùa xuân nở hoa, cho tiếng hát hòa bình vang trời xanh quê ta”.
Chị Huỳnh Mỹ Hạnh vui mừng trên hành trình tới các điểm đảo và nhà giàn DK1/9.
Thời gian trôi qua, hôm nay, tôi được vinh dự và quá đỗi tự hào là đại biểu của Đoàn công tác số 18 thực hiện nhiệm vụ chính trị thăm quân và nhân dân Huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1. Được viết những dòng cảm xúc này trên con tàu KN390 giữa biển đảo quê hương muôn trùng khơi xanh ngát ôm ấp những chân trời rộng mở, tôi càng cảm nhận sâu sắc hơn lúc nào hết tình yêu biển đảo thiêng liêng, một phần không thể tách rời của Tổ quốc, yêu Trường Sa sóng nước mênh mông đón chào những chuyến tàu chở bao yêu thương sẻ chia cùng các chiến sĩ nơi hải đảo xa xôi nghìn trùng sóng.
Giữa những ngày tháng 5 lịch sử hào hùng của dân tộc, tháng để biết ơn non sông ta đã sinh ra Chủ tịch Hồ Chí Minh, trên hải trình vô cùng ý nghĩa, chan chứa nghĩa tình quân dân “Vì Trường Sa thân yêu”, từ Đảo Đá Thị – Đảo Sinh Tồn Đông – Đảo Len Đao – Đảo An Bang – Đảo Đá Đông C – Đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1/9 (Ba Kè), chúng tôi cảm nhận sâu sắc và trực trào dâng tình yêu quê hương vô bờ bến; cảm nhận được tinh thần kiên cường, quả cảm, chống chọi với mọi khó nhọc, gian nan để bám trụ quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam.
Trong hành khúc ngày và đêm cùng tiếng sóng reo, nắng trải dài, gió lao xao; trong từng khoảnh khắc chan hòa, gắn kết giữa các đơn vị tham gia Đoàn công tác số 18; giữa thủy thủ đoàn tàu KN390, mỗi người chúng tôi chợt thấy sao gần gũi chất chứa tình cảm đồng chí anh em đến lạ kỳ.
Chị Hạnh gặp chiến sĩ trên đảo An Bang cùng quê Quảng Ngãi, hai chị em vui mừng khôn xiết.
Từng cái ôm siết chặt chẳng muốn rời xa, từng cái nắm tay ấm áp trao gửi niềm tin, từng lời hát câu thơ cứ tự đáy lòng cất lên bằng tất cả tình yêu người chiến sĩ Hải quân kiên cường từng giây từng phút bảo vệ biển trời thiêng liêng của đất mẹ, càng thấu hiểu sự vất vả của các chiến sĩ chống chọi mưa nắng bão bùng hay nắng cháy rát thịt da bao nhiêu, chúng tôi càng muốn nối dài rộng mãi một vòng Việt Nam.
Chị Huỳnh Mỹ Hạnh hát tặng chiến sĩ trên đảo An Bang. Gắn chặt đất liền với hải đảo xa xôi.
Mỗi lần được đặt chân đến với đảo xa – nơi ấy là Trường Sa, mỗi chúng tôi đều mang theo cả tình yêu đất liền dành cho hải đảo tiền tiêu. Chị tặng sách, anh tặng quà, các ánh mắt trao gửi cho nhau thắm thiết, bịn rịn. Các vòng tay cứ nối dài mãi qua các bài hát được cất lên rộn ràng, tự hào quê hương đất nước, ấm áp ngân nga hòa theo tiếng sóng vỗ về vào từng hộc đá để bước lên đảo. Đoàn công tác số 18 của chúng tôi đã đến với các chiến sĩ như vậy đó, ấm áp nghĩa tình quân dân. Những khuôn hình sẽ được lưu giữ, trao gửi cho nhau để luôn nhớ về nhau, nhắc nhở bản thân tiếp tục nỗ lực phấn đấu, tham gia góp phần “Xanh hóa Trường Sa”.
Chuyến đi 7 ngày không đủ dài nhưng đủ để cho tôi thêm yêu biển đảo Việt Nam, tự nhắc nhở bản thân – người đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam phải sống, cống hiến thật xứng đáng với hai từ thiêng liêng “Tổ quốc”.
“Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng. Ngày nay, ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó” – lời Bác Hồ vang vọng sau khi tôi cùng các đại biểu được thưởng thức một tiết mục biểu diễn của Đội văn nghệ Kiểm ngư Vùng 3. Thật xúc động!
Xin được gửi lời cảm ơn, biết ơn sâu sắc đến các chiến sĩ Trường Sa, lực lượng kiểm ngư đã truyền lửa cho tôi – người đảng viên 24 năm tuổi Đảng được nhìn nhận lại bản thân mình để tiếp tục học tập và rèn luyện, cống hiến cho quê hương, đất nước trên cương vị công tác của mình tại Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn.
Nắng Trường Sa là ý chí can trường
Gió Trường Sa là quyết tâm vững bước
Các chiến sĩ Trường Sa là tượng đài bất diệt
Cho dáng đứng Việt Nam mãi mãi trường tồn
Xin biết ơn anh mang trong mình hồn thiêng sông núi
Bảo vệ chủ quyền giữa trùng trùng biển khơi
Xin biết ơn anh mang trong mình lời thề người chiến sĩ
Kiên trung, bất khuất một lòng sắt son
Lá cờ đỏ sao vàng tung bay khắp bạt ngàn núi non
Hùng vĩ Việt Nam, mênh mông biển đảo
Tổ quốc ta, Việt Nam ngàn năm văn hiến
Là bản hùng ca bao lớp thế hệ quyết hy sinh vì quê hương
Xin cho tôi nguyện là cánh chim hải âu
Góp sức nhỏ bé mang bình yên gọi ngày mới
Gọi ban mai thơm màu nắng sớm
Ánh má anh hồng trên những chuyến đi xa
Xin hát về anh người chiến sĩ với tình yêu thiết tha
Tạc vào Tổ quốc dáng hình biển cả
Xin hát về anh người chiến sĩ của dặm dài sương gió
Cho quê hương rực rỡ gấm hoa.
Huỳnh Mỹ Hạnh
Đại biểu BSR tham gia Đoàn công tác số 18 – Trường Sa tháng 5/2024
Petrovietnam thăm, động viên cán bộ chiến sĩ, người dân tại huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1/9 – Ba Kè [Chùm ảnh] Petrovietnam thăm và động viên cán bộ chiến sĩ, người dân Trường Sa, Nhà giàn DK1/9-Ba kè Đoàn Vietsovpetro thăm cán bộ chiến sĩ, nhân dân quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1 “Xanh hóa Trường Sa” bằng trái tim yêu thương của người Dầu khí