Tùy vào từng loại vắc xin, độ tuổi và đối tượng tiêm chủng mà sẽ có các kỹ thuật tiêm vắc xin khác nhau như tiêm bắp, tiêm trong da, tiêm dưới da, tiêm đường tĩnh mạch. Trong đó, tiêm bắp là kỹ thuật tiêm đơn giản và phổ biến hiện nay giúp tăng cường phản ứng giữa vắc xin với cơ thể, giúp cơ thể hấp thu thuốc nhanh hơn. Vậy tiêm bắp là gì? Kỹ thuật tiêm ra sao? Vị trí tiêm ở đâu? Cần lưu ý những gì khi thực hiện tiêm bắp? Cùng tìm hiểu chi tiết hơn về kỹ thuật tiêm bắp trong bài viết dưới đây.
BS Trần Huỳnh Tấn, Quản lý Y khoa vùng 1 Hồ Chí Minh, Hệ thống tiêm chủng VNVC chia sẻ: “Tiêm bắp (IM), còn gọi là tiêm bắp thịt, là kỹ thuật tiêm vắc xin đơn giản và phổ biến trong Y khoa. Các chuyên gia cho biết vùng cơ bắp là nơi tập hợp số lượng lớn cơ và các mạch máu lớn so với mô dưới da, do đó khi tiêm vắc xin vào vùng da này sẽ giúp tăng cường phản ứng giữa vắc xin với cơ thể, từ đó cơ thể hấp thu vắc xin một cách nhanh chóng”.
Tiêm bắp là gì?
Tiêm bắp (IM), còn gọi là tiêm bắp thịt, là kỹ thuật tiêm vắc xin đơn giản và phổ biến trong Y khoa. Các chuyên gia cho biết vùng cơ bắp là nơi tập hợp số lượng lớn cơ và các mạch máu lớn so với mô dưới da, do đó tiêm vắc xin vào vùng da này sẽ giúp tăng cường phản ứng giữa vắc xin với cơ thể, từ đó cơ thể hấp thu thuốc một cách nhanh chóng (tiêm bắp cũng là kỹ thuật tiêm có tốc độ hấp thu thuốc nhanh hơn kỹ thuật tiêm trong da và dưới da). [1]
Có nhiều vị trí trên cơ thể được áp dụng kỹ thuật tiêm bắp như tiêm bắp tay, tiêm bắp đùi hoặc tiêm bắp mông. Điều dưỡng viên sẽ đặt kim tiêm một góc 90 độ so với bề mặt của vị trí da được tiêm, sau đó đâm kim vào da. Tiêm bắp nông hay tiêm bắp sâu sẽ tùy thuộc vào độ tuổi và đối tượng tiêm chủng, ví dụ ở trẻ em dưới 2 tuổi, vùng cơ Delta chưa phát triển hoàn toàn nên lượng thuốc tiêm sẽ dưới 1ml và áp dụng tiêm bắp nông.
Những ưu và nhược điểm của tiêm bắp
Kỹ thuật tiêm bắp Ưu điểm Nhược điểm
- Định vị được vị trí tiêm nhanh chóng.
- Hấp thu vắc xin nhanh và đồng đều.
- Tác dụng nhanh hơn so với đường uống, đường tiêm tĩnh mạch và đường tiêm dưới da.
- Tránh được yếu tố dạ dày chi phối sự hấp thu vắc xin.
- Hiệu quả cao và an toàn.
- Có thể dùng một lượng lớn thuốc so với đường tiêm dưới da.
- Người tiêm vắc xin/điều dưỡng phải được đào tạo bài bản bởi kỹ thuật tiêm đòi hỏi phải được thực hiện đúng với độ chính xác cao.
- Có thể gây các phản ứng tại vị trí tiêm như sưng, đau, khó chịu cho người tiêm vắc xin.
- Với những người có chứng ám ảnh về kim tiêm, có thể cảm thấy khó chịu.
- Nếu người tiêm/điều dưỡng không được đào tạo bài bản có thể thực hiện kỹ thuật tiêm không đúng, gây nhiễm trùng, tổn thương dây thần kinh, tụ máu hoặc vô tình làm rách mạch máu.
Khi nào sử dụng kỹ thuật tiêm bắp?
Các chuyên gia cho biết kỹ thuật tiêm bắp được sử dụng khi các hình thức khác như đường uống, đường tiêm tĩnh mạch, đường tiêm dưới da không mang lại hiệu quả cao. Tiêm bắp sẽ giúp tăng cường phản ứng giữa vắc xin với cơ thể bởi vị trí này tập trung nhiều cơ và mạch máu lớn tạo điều kiện cho cơ luôn co bóp (do nhận được nguồn máu dồi dào). Chính vì vậy, tiêm bắp mang nhiều lợi thế hơn các đường tiêm khác ở những điểm sau đây:
- Đường uống (đưa thuốc vào dạ dày): Bị hạn chế và chỉ được thực hiện trên 1 số loại thuốc/vắc xin đặc thù bởi đây là hình thức hấp thu thuốc gián tiếp do phụ thuộc vào nhiều yếu tố, tốc độ hấp thu chậm và không lâu (do dạ dày chứa ít mạch máu nhưng nhiều cholesterol) nên chỉ được ưu tiên với các loại thuốc/vắc xin có tác động lên dạ dày hoặc ruột.
- Đường tiêm tĩnh mạch (đưa thuốc trực tiếp vào tĩnh mạch): Kỹ thuật tiêm đòi hỏi phải được thực hiện đúng và chính xác. Nếu không được thực hiện đúng kỹ thuật, người tiêm có thể sốc hoặc ngất, tắc mạch, tổn thương mạch máu, xuất huyết hoặc đau đớn tại vị trí tiêm. Người được tiêm chủng cũng phải đào tạo qua các lớp kỹ năng chuyên môn.
- Đường tiêm dưới da (đưa thuốc vào mô mỡ ngay dưới lớp da): Dưới da tập hợp nhiều dây thần kinh, ít mạch máu nên sự tương tác giữa vắc xin với cơ thể sẽ chậm hơn so với khi tiêm bắp. Đồng thời, tiêm dưới da cũng hạn chế những loại thuốc có phân tử lớn hoặc thuốc dạng dầu, khó tan…
Các vị trí tiêm bắp thường gặp
Hiện nay, hầu hết các loại vắc xin được bào chế dưới dạng tiêm bắp nên vị trí tiêm thường là các cơ nằm dưới da. Các cơ phù hợp để tiêm vắc xin thường là những vùng cơ lớn, tập hợp nhiều cơ và mạch máu lớn nhưng ít dây thần kinh để hạn chế tối đa các tác dụng phụ cũng như biến chứng sau tiêm. Các vị trí tiêm bắp phổ biến thường được thực hiện gồm có:
1. Tiêm bắp tay
Tiêm bắp tay (còn gọi vùng cơ Delta) là vị trí thường được sử dụng nhiều nhất đối với kỹ thuật tiêm bắp. Tuy nhiên, kỹ thuật tiêm bắp tay người bệnh không được tự tiêm mà cần được thực hiện bởi điều dưỡng viên. Bởi vị trí cơ Delta khá nhỏ, liều lượng thuốc tiêm vào cơ thể cũng bị giới hạn (không quá 1ml). [2]
Để tiến hành tiêm bắp tay, người tiêm vắc xin cần thả lỏng cơ thể để giúp điều dưỡng viên xác định được vùng cơ Delta thông qua việc sờ, nắn để cảm nhận được vùng xương mỏm ở đầu trên cùng của cánh tay, dưới nó khoảng 2 ngón tay sẽ có một hình tam giác. Trung tâm của tam giác chính là vị trí tiêm bắp tay chính xác nhất.
2. Tiêm bắp đùi
Bên cạnh tiêm bắp tay, thì tiêm bắp đùi cũng thường được sử dụng cho kỹ thuật tiêm bắp. Bởi đây là vị trí dễ nhìn thấy và thường được áp dụng cho trẻ nhỏ dưới 3 tuổi. Để tiến hành tiêm bắp đùi, điều dưỡng viên sẽ xác định vị trí tiêm bằng cách chia vùng bắp đùi thành 3 phần bằng nhau, vị trí tiêm sẽ ở vào khoảng chính giữa của ba phần này và bên ngoài của đùi.
3. Tiêm bắp mông
Tiêm bắp mông được đánh giá là vị trí tiêm lớn nhưng không phải tiêm ở vị trí nào cũng được. Các chuyên gia cho biết, có 3 vị trí an toàn để tiêm mông, lần lượt là cơ mông lớn, cơ mông cỡ nhỏ và cơ mông nhỏ. Để tiến hành tiêm bắp mông, điều dưỡng viên sẽ chia mông thành 4 phần bằng nhau và tiêm vào góc trên bên ngoài để tránh các dây thần kinh tọa và mạch máu nguy hiểm. [3]
⇒ Hãy tìm hiểu thêm: 3 vị trí tiêm các loại vacxin, tiêm sai chỗ có sao không?
Quy trình thực hiện kỹ thuật tiêm bắp an toàn
Bất cứ kỹ thuật tiêm vắc xin nào cũng cần được thực hiện đúng kỹ thuật với độ chính xác cao bởi nếu thực hiện sai có thể khiến người tiêm đối mặt với nhiều bất lợi, thậm chí là biến chứng nghiêm trọng sau tiêm. Để quá trình tiêm bắp được diễn ra an toàn, điều dưỡng viên cần chuẩn bị kỹ các vấn đề sau:
- Bước 1: Kiểm tra y lệnh của bác sĩ và hỏi người tiêm về tiền sử dị ứng thuốc, thức ăn, thời tiết, hóa chất, tiền sử bệnh của người được tiêm, tình hình sức khỏe tại thời điểm tiêm….
- Bước 2: Chuẩn bị vắc xin, vô khuẩn các dụng cụ, dung dịch sát khuẩn: cồn 70 độ, cồn iôt 10% (đánh dấu vị trí trong tiêm bắp sâu).
- Bước 3: Đối chiếu chéo, hướng dẫn người tiêm cùng xác nhận, kiểm tra các thông tin về vắc xin trước khi tiêm chủng bao gồm: tên vắc xin, tác dụng phòng bệnh, nhà sản xuất, nước sản xuất, ngày sản xuất, hạn sử dụng, liều lượng tiêm, đường tiêm cũng như tính vẹn toàn của vắc xin thông qua quá trình quan sát vỏ hộp, lọ vắc xin,… nhằm đảm bảo vắc xin được đưa vào cơ thể đạt chất lượng tốt nhất.
- Bước 4: Điều dưỡng viên cần giải thích về quy trình tiêm bắp cho người tiêm. Người tiêm cần được hiểu rõ về lợi ích và các sự cố (nếu có) xảy ra đối với kỹ thuật tiêm này.
- Bước 5: Tiến hành tiêm:
- Xác định vị trí tiêm bắp
- Sát khuẩn vị trí tiêm từ trong ra ngoài theo hình xoáy ốc (Tiêm mông sát khuẩn bằng cồn iôt trước sau đó sát khuẩn lại bằng cồn 70 độ)
- Điều dưỡng viên sát khuẩn tay bằng cồn 70 độ
- Cầm bơm tiêm để thẳng đứng, mũi vát ngửa lên trên cùng chiều với mặt số của bơm tiêm, đuổi khí
- Căng da – đâm kim nhanh vào da
- Rút nòng bơm tiêm và kiểm tra nếu không có máu, bơm thuốc từ từ và kiểm tra sắc mặt của người tiêm.
- Hết thuốc rút kim, kéo chệch da và sát khuẩn lại vị trí tiêm.
- Bước 6: Hướng dẫn người tiêm nghỉ ngơi và theo dõi sức khỏe tại điểm tiêm chủng ít nhất 30 phút, tiếp tục theo dõi sức khỏe tại nhà trong 24-72 giờ tiếp theo.
⇒ Xem thêm: An toàn tiêm chủng: Các thực hiện đúng và đầy đủ.
Hướng dẫn cách giảm đau khi tiêm vắc xin bằng đường tiêm bắp
Ngay khi mũi kim được đâm xuyên qua da, cảm giác đau khi tiêm lập tức xuất hiện. Lý do bởi các receptor đau nằm ở lớp nông của da được kích thích, sau đó được truyền tín hiệu về sừng sau tủy sống theo các sợi thần kinh cảm giác và tiếp tục được truyền đến trung tâm nhận thức cảm giác đau (nằm ở vỏ não). Tốc độ truyền tín hiệu là rất nhanh, ước tính khoảng 6-30m/giây. Đó chính là lý do vì sao khi kim tiêm vừa đưa vào da sẽ có cảm giác đau ngay. Cảm giác đau này sẽ vẫn tồn tại một thời gian sau khi rút kim.
Các chuyên gia cho biết đau khi tiêm phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố không thể can thiệp được và yếu tố có thể can thiệp được. Cụ thể:
- Yếu tố không can thiệp được: là loại vắc xin được tiêm. Bởi thực tế có loại thuốc tiêm đau nhưng cũng có loại đau là ít hơn. Thông thường, các loại thuốc đẳng trương khi tiêm sẽ ít đau hơn các thuốc nhược trương hay ưu trương.
- Yếu tố có thể can thiệp được: đầu tiên là xác định được đúng vị trí tiêm. Tiếp đến là kỹ thuật tiêm, kỹ thuật tiêm đâm kim thật nhanh để mũi kim xuyên nhanh qua da đến cơ hoặc vào lòng mạch sẽ hạn chế tối đa cảm giác đau, bởi các receptor đau nằm ở ngay dưới da. Tốc độ bơm thuốc cũng cần chậm, vừa an toàn và cũng giảm đau cho người tiêm. Sau cùng, rút kim thật nhanh tương tự như lúc đâm kim vào da. Bên cạnh đó, người tiêm cũng cần giữ tâm lý thoải mái, thư giãn, thả lỏng người trong quá trình tiêm để giảm thiểu tối đa cảm giác đau.
⇒ Tìm hiểu thêm: Tiêm dưới da là gì?
Những tai biến có thể xảy ra khi tiêm bắp và cách xử lý
VẮC XIN LÀ RẤT AN TOÀN! Các phản ứng sau tiêm là rất nhẹ, người được tiêm vắc xin cần ngồi lại cơ sở tiêm chủng theo dõi phản ứng sau tiêm 30 phút và tiếp tục theo dõi tại nhà 48-72 giờ. Tuy nhiên, vẫn có một tỷ lệ rất nhỏ trường hợp gặp tai biến/phản ứng phản vệ sau khi tiêm vắc xin, chính vì vậy cần theo dõi và quan sát các phản ứng tại nhà cẩn trọng.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phân loại có 4 nguyên nhân dẫn đến các tai biến sau tiêm chủng gồm có: tai biến liên quan đến vắc xin, tai biến liên quan đến sai sót tiêm chủng, tai biến liên quan đến tâm lý lo lắng trước tiêm và tai biến do trùng hợp bệnh ngẫu nhiên.
Đối với kỹ thuật tiêm bắp, có thể xảy ra các tai biến như sau:
1. Tai biến liên quan đến sai sót khi tiêm chủng
- Gãy kim: xảy ra do trong quá trình tiêm, người tiêm bị đau nên giãy giụa (nhất là với đối tượng tiêm là trẻ nhỏ). Cách xử lý là điều dưỡng viên cần trấn an người tiêm và giữ cho người tiêm ở tư thế thoải mái nhất, tránh gồng cứng người vì có thể gây đau và gãy kim.
- Cong kim: xảy ra do kỹ thuật tiêm của điều dưỡng viên không chính xác. Cách đề phòng là không tiêm ngập đầu kim để phòng trường hợp cong kim vẫn có thể thao tác rút ra được.
- Đâm phải dây thần kinh hông to (thần kinh tọa): xảy ra do điều dưỡng viên xác định vị trí tiêm chưa chính xác hoặc góc độ đâm kim bị xiên, không thẳng góc 90 độ. Cách đề phòng: trước tiêm cần xác định đúng vị trí tiêm và thao tác tiêm đúng theo góc 90 độ so với bề mặt da.
- Tắc mạch: xảy ra do tiêm thuốc dạng dầu hoặc nhũ hóa vào mạch máu. Cách đề phòng: sau khi đâm kim tiêm vào da, trước khi bơm thuốc, điều dưỡng viên phải hút thử bơm tiêm để kiểm tra xem có máu không. Nếu hút thử có máu phải rút kim ra và tiến hành tiêm ở vị trí khác. Nếu hút không có máu mới được bơm thuốc vào.
- Áp xe nhiễm khuẩn, áp xe vô khuẩn: xảy ra trước khi tiến hành tiêm, điều dưỡng viên không đảm bảo nguyên tắc vô khuẩn. Cách phòng ngừa:cần tuân thủ quy trình thực hiện tiêm bắp, đặc biệt là nguyên tắc vô khuẩn đầy đủ trước khi tiêm. Cách xử lý: tùy vào tình trạng áp xe, có thể sử dụng chườm nóng hoặc phương pháp chích áp xe để cải thiện tình trạng.
- Gây mảng mục: xảy ra do tiêm những loại thuốc gây hoại tử tổ chức: calci clorua, ouabain. Cách phòng ngừa: trước khi tiến hành tiêm cần kiểm tra kỹ loại thuốc tiêm có nằm trong danh sách chống chỉ định hay không. Cách xử lý: nếu phát hiện sớm tiêm phong bế novocain. Thời gian đầu có thể áp dụng chườm nóng. Nếu vị trí tiêm đã hoại tử và ổ hoại tử lớn cần phải thực hiện phương pháp chích để xử lý vùng da tổn thương.
Chính vì vậy, lựa chọn đơn vị tiêm chủng uy tín, có đội ngũ điều dưỡng được đào tạo bài bản, chuyên môn sâu, thực hành theo tác tiêm chủng an toàn chính là yếu tố quan trọng quyết định đến hiệu quả tiêm vắc xin.
2. Tai biến liên quan đến vắc xin
Sốc phản vệ: Đây là trường hợp hiếm gặp nhưng vẫn có khả năng xảy ra như sốt cao liên tục, co giật, áp xe,… cần khẩn trương tiến hành cấp cứu, chẩn đoán nguyên nhân và điều trị tại cơ sở y tế.
⇒ Tìm hiểu thêm: Tác dụng phụ của vắc xin từng loại từ nhẹ đến nặng và cách hạn chế
Trên là những thông tin quan trọng về kỹ thuật tiêm bắp. Tiêm bắp là kỹ thuật tiêm đơn giản và phổ biến trong Y khoa, Tuy nhiên, điều dưỡng viên cần được đào tạo bài bản và cấp chứng chỉ An toàn tiêm chủng, rèn luyện thường xuyên để nâng cao kỹ năng tiêm vắc xin, từ đó giúp người tiêm luôn cảm thấy an tâm và thoải mái mỗi lần đi tiêm chủng.