Tiêm filler là một trong những thủ thuật làm đẹp được sử dụng rất phổ biến hiện nay. Phương pháp này sẽ tạo ra hiệu ứng làm đầy, xóa nhăn, căng cơ và cải thiện nhiều khuyết điểm trên khuôn mặt. Nhiều công dụng là vậy nhưng tiêm filler có hại về sau không? Hãy cùng Nhà thuốc Long Châu giải đáp thắc mắc trên trong bài viết ngay sau đây.
Tiêm filler là gì?
Tiêm filler là thủ thuật thẩm mỹ trong đó chất làm đầy được đưa vào vùng da điều trị nhằm mục đích xóa mờ nếp nhăn, khắc phục các nhược điểm trên khuôn mặt và đem lại vẻ ngoài tươi trẻ cho người can thiệp.
Các chất làm đầy phổ biến được sử dụng trong tiêm filler bao gồm:
- Hyaluronic acid – gọi tắt là HA: Đây là hoạt chất tồn tại tự nhiên trong da với vai trò cấp ẩm và củng cố sự đàn hồi. Vì có độ tương thích cao với cơ địa con người nên khi sử dụng HA trong kỹ thuật tiêm filler, tình trạng dị ứng, phát sinh tác dụng phụ hay nguy cơ đào thải ra khỏi cơ thể sẽ được giảm thiểu xuống mức tối đa. Thực tế cho thấy hiệu quả của phương pháp tiêm HA thường được duy trì tối đa trong vòng 1 năm.
- Poly-L-lactic acid – gọi tắt là PLLA: Hoạt chất này là chất xúc tiến, kích thích lớp hạ bì tái tạo collagen và xóa mờ những nếp nhăn sâu trên khuôn mặt. Hiệu quả của chúng thường được duy trì từ 1 – 2 năm.
- Canxi hydroxyapatite – gọi tắt là CaHA: Đại diện này tồn tại ở dạng bán rắn, có khả năng phân hủy sinh học. Chúng cũng được chỉ định trong trường hợp muốn cải thiện các nếp nhăn sâu và hiệu quả tiêm CaHA thường được duy trì trong 12 – 24 tháng.
- Polymethylmethacrylate – gọi tắt là PMMA: PMMA cung cấp cho da lượng collagen thiếu hụt, ngoài ra các hạt siêu nhỏ bên trong chúng còn làm tăng độ săn chắc và căng đầy của da.
Tiêm filler được khuyến cáo cho những đối tượng sau:
- Người xuất hiện nhiều nếp nhăn tĩnh ở khu vực khóe mắt, trán, quanh miệng.
- Người có khuôn mặt khiếm khuyết, thiếu cân đối.
- Người có mũi to, sống mũi gồ ghề hoặc mũi tẹt.
- Người có thái dương hóp, má hóp,… khiến khuôn mặt già nua hơn tuổi.
- Người có nhu cầu tạo hình môi căng mọng, sở hữu khuôn mặt V-line, làm đẹp không đụng dao kéo.
Quy trình tiêm filler
Thông thường, kỹ thuật tiêm filler được thực hiện gói gọn trong vòng nửa giờ. Bệnh nhân sau khi tiêm không cần nghỉ dưỡng và người can thiệp có thể nhìn thấy hiệu quả của phương pháp này ngay sau khi thực hiện thủ thuật.
Quy trình tiêm filler bao gồm các bước sau đây:
Bước 1: Thăm khám, đánh giá hiện trạng của khuôn mặt và đánh dấu những điểm tiêm truyền: Ở bước này, các chuyên gia thẩm mỹ sẽ quan sát, nhận diện những điểm can thiệp trên khuôn mặt và đánh dấu lại vị trí sẽ được tiêm filler làm đầy.
Bước 2: Làm sạch da, sát khuẩn và gây tê: Đầu tiên, vùng da can thiệp sẽ được rửa và tẩy trang sạch sẽ, sau đó kỹ thuật viên sát trùng khu vực tiêm và gây tê để giảm cảm giác đau cho người sử dụng dịch vụ. Chuyên gia thẩm mỹ có thể gây tê bằng cách tiêm thuốc, bôi thuốc mỡ hoặc làm lạnh khu vực tiêm filler.
Bước 3: Tiêm filler: Kỹ thuật viên tiêm filler vào vị trí đã xác định trước đó, sau đó massage nhẹ, đánh giá qua và và bổ sung thêm filler nếu thấy cần thiết.
Bước 4: Phục hồi: Việc phục hồi sau tiêm filler chỉ đơn giản là chườm đá đúng cách để giảm sưng, đau. Người can thiệp không cần phải dùng thuốc sau khi sử dụng thủ thuật này.
Tiêm filler có hại về sau không?
Để biết tiêm filler có hại về sau không, chúng ta cần phân tích tính an toàn của kỹ thuật thẩm mỹ này và những yếu tố nguy cơ có thể đi kèm khi tiến hành trong thực tế.
Trước hết, cần phải khẳng định rằng đây là liệu pháp thẩm mỹ an toàn và được Bộ Y tế cấp phép dùng trong các cơ sở thẩm mỹ. Như vậy, điều này chỉ đúng nếu bạn lựa chọn địa chỉ can thiệp uy tín như bệnh viện, phòng khám da liễu hay các spa thẩm mỹ đã chuẩn hóa kỹ thuật tiêm filler.
Khi chọn mặt gửi vàng tại đây, chúng ta sẽ không phải lo lắng về nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm, trình độ chuyên môn của kỹ thuật viên và các rủi ro đi kèm. Vậy tiêm filler có hại về sau không?
Nếu tiêm filler đúng quy chuẩn thì thủ thuật này không hề tiềm ẩn nguy cơ gây hại về sau, kể cả về mặt thẩm mỹ lẫn sức khỏe. Chất làm đầy được sử dụng phổ biến nhất khi tiêm filler là hyaluronic acid và như đã nhắc qua ở trên, về bản chất đây là thành phần tự nhiên trên da nên không tiềm ẩn biến chứng nguy hiểm. Chẳng những vậy chúng còn kích thích tăng sinh collagen và elastin, giúp da ngày càng săn chắc, căng mọng và khỏe mạnh.
Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại, trong trường hợp bạn chọn nơi tiêm filler không được cấp phép, người can thiệp thiếu kỹ năng và hiểu biết cơ bản, chất làm đầy không rõ xuất xứ thì những hệ lụy về sau là vô cùng đáng ngại. Điển hình là lệch mặt, xuất hiện u cục trên da, khiến da chảy xệ do tiêm một lượng chất làm đầy quá lớn,…
Vậy nên để tiêm filler an toàn, hiệu quả và không gây hại về sau, bạn biết mình cần phải làm gì rồi chứ?
Một số điều cần lưu ý trước khi tiến hành tiêm filler
Trước khi tiến hành tiêm filler, bạn cần chú ý đến một số vấn đề mấu chốt sau đây:
- Chỉ thực hiện thủ thuật ở những địa chỉ làm đẹp uy tín, được cấp phép tiêm filler hoặc các bệnh viện, phòng khám da liễu.
- Hãy tham khảo qua nhiều nơi, hỏi kỹ về loại chất làm đầy được sử dụng và tìm hiểu về chúng để cân nhắc thiệt hơn trước khi đi đến quyết định cuối cùng.
- Không tự ý mua chất làm đầy và tiêm filler tại nhà để đề phòng những rủi ro không đáng có.
- Trước khi can thiệp, hãy tự kiểm tra xem chất làm đầy có được đóng gói nguyên vẹn không, nhãn mác như thế nào, hạn sử dụng ra sao. Ngoài ra đừng quên để ý đến kim tiêm xem chúng có được niêm phong kỹ lưỡng hay không.
- Thông báo trước cho các kỹ thuật viên về tiền sử bệnh lý và dị ứng nếu có, đặc biệt là các loại thuốc, thực phẩm chức năng đang sử dụng.
- Mặc dù tiêm filler không cần nghỉ dưỡng nhưng để đảm bảo an toàn, bạn nên ngồi lại chừng nửa giờ sau tiêm để theo dõi, không nên ra về ngay.
Trên đây là chia sẻ của Nhà thuốc Long Châu về chủ đề “nóng”: “Tiêm filler có hại về sau không?”. Nếu bạn đang có ý định tiêm filler thì nên tìm đến các cơ sở uy tín, được cấp phép, có chuyên môn cao để kiểm tra và thực hiện dịch vụ làm đẹp này để đảm bảo an toàn.