Nguyên nhân gây viêm lỗ chân lông ở tay rất đa dạng và muốn điều trị dứt điểm bệnh da liễu này, bạn cần xác định được nguyên nhân gây bệnh. Trong bài viết hôm nay, Nhà thuốc Long Châu sẽ cùng bạn tìm hiểu chi tiết về tình trạng viêm lỗ chân lông ở tay.
Bệnh viêm lỗ chân lông ở tay là bệnh gì?
Nhìn chung, bệnh viêm lỗ chân lông (viêm nang lông) là bệnh lý da liễu phổ biến, có thể xảy ra ở bất cứ vị trí nào trên cơ thể và bất cứ đối tượng nào cũng có nguy cơ mắc phải. Thông thường viêm lỗ chân lông được phát hiện ở những vùng da tiết nhiều mồ hôi hoặc kém thông thoáng. Vậy viêm lỗ chân lông ở tay là gì?
Viêm lỗ chân lông ở tay hay viêm lỗ chân lông ở chân tay là tình trạng nang lông bị vi khuẩn tấn công dẫn đến biểu hiện viêm nhiễm. Tình trạng này thường xuất hiện ở một cánh tay và lan dần sang cánh tay còn lại. Nhiều trường hợp vì không điều trị kịp thời mà viêm lỗ chân lông còn lây lan sang những vùng da khác như nách, ngực, lưng,…
Mặc dù đây không phải bệnh lý đe dọa tính mạng của người bệnh nhưng nếu không được chữa trị đúng cách, kịp lúc có thể khiến tình trạng viêm nhiễm ngày một nặng hơn, phá hủy và để lại những tổn thương lâu dài cho làn da, điển hình là thâm và sẹo. Các bác sĩ da liễu khuyến cáo hãy điều trị viêm lỗ chân lông ngay khi phát hiện bệnh bởi để càng lâu bệnh càng khó chữa hơn.
Cách nhận biết viêm lỗ chân lông ở tay
Nhận biết sớm những dấu hiệu của bệnh viêm lỗ chân lông ở tay sẽ giúp bạn có phương án điều trị phù hợp, kịp thời và hiệu quả. Thực tế, dấu hiệu khi bị viêm lỗ chân lông có phần giống với những bệnh da liễu khác nên dễ nhận biết nhầm, bạn cần nắm rõ những triệu chứng của bệnh để tránh nhầm lẫn.
- Trên vùng da cánh tay xuất hiện nhiều nốt sần màu đỏ ửng, những nốt sần này có thể xuất hiện nhiều tạo thành mảng lớn hoặc phân bố lẻ tẻ trên khắp cánh tay.
- Khi bị viêm lỗ chân lông ở tay, những sợi lông không mọc được một cách bình thường mà bị xoắn và lông mọc ngược xuống dưới nang lông gây nhiều phản ứng khó chịu như ngứa, đau rát,…
- Khi bị viêm lỗ chân lông người bệnh có thể nhận thấy những nhọt lớn, mụn mủ to, sưng tấy đau nhức,… Đây là khi viêm lỗ chân lông đã biến biến nặng và da viêm nhiễm nghiêm trọng hơn.
- Nếu nhận thấy viêm lỗ chân lông ở tay chuyển thành những mụn nước có mủ trắng ở đầu, sờ vào thấy sần sùi, thô ráp. Khi những mụn nước này bị vỡ và dịch bên trong chảy ra ngoài sẽ tạo thành vảy khô màu trắng trên da.
Ngay khi nhận thấy một hoặc nhiều dấu hiệu nêu trên, người bệnh cần đến bệnh viện càng sớm càng tốt để được thăm khám và điều trị kịp thời, tăng khả năng chữa thành công, giảm khả năng bệnh tái phát.
Nguyên nhân khiến tay bị viêm lỗ chân lông
Nhìn chung, việc bị viêm lỗ chân lông ở tay hay bị viêm nang lông ở chân đều có thể do nguyên nhân trực tiếp là vi khuẩn, nấm men, sợi nấm tấn công nang lông. Bên cạnh đó, những tác nhân khiến vi khuẩn dễ xâm nhập hơn gồm:
- Rối loạn nội tiết tố hoặc thời tiết nóng bức, da khô khiến tuyến bã nhờn hoạt động quá mức làm bít tắc lỗ chân lông.
- Cạo, nhổ lông sai cách khiến nang lông bị tổn thương, vi khuẩn dễ xâm nhập gây bệnh.
- Sử dụng các loại mỹ phẩm kém chất lượng làm da bị kích ứng, lớp màng bảo vệ tự nhiên trên da yếu đi, từ đó tác nhân gây bệnh dễ tấn công hơn.
- Mặc trang phục bó sát, chất liệu thô cứng, không thấm hút mồ hôi hiệu quả khiến vùng da tay bị ẩm ướt dễ bị viêm lỗ chân lông.
- Vệ sinh da không sạch sẽ, không thường xuyên tẩy tế bào chết cho da.
- Môi trường sinh sống ô nhiễm, nhiều vi khuẩn, điều kiện vệ sinh kém.
- Thời tiết nóng ẩm kéo dài là điều kiện thích hợp để tác nhân gây bệnh sinh sôi, phát triển mạnh mẽ.
- Phương pháp điều trị viêm lỗ chân lông không phù hợp khiến bệnh ngày một nghiêm trọng hơn.
- Chế độ ăn uống, sinh hoạt kém lành mạnh, tiêu thụ nhiều thực phẩm dầu mỡ, nước có gas, bánh kẹo, đồ uống có cồn,…
Cách trị viêm nang lông ở tay
Sau khi nhận biết viêm lỗ chân lông ở tay, xác định được nguyên nhân, bạn cần tìm đến những cách trị viêm nang lông ở tay lành tính, hiệu quả và an toàn. Với mỗi trường hợp bệnh sẽ có phương pháp chữa trị khác nhau.
Chữa viêm lỗ chân lông ở tay tại nhà
Bạn có thể áp dụng những cách trị viêm nang lông tại nhà để làn da được thông thoáng, tạo điều kiện để bệnh nhanh chóng phục hồi. Những cách sau thích hợp dùng cho người bị viêm lỗ chân lông nhẹ, tốt nhất nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng.
Trị viêm lỗ chân lông bằng trà xanh: Trà xanh là nguồn nguyên liệu thiên nhiên chứa rất nhiều chất chống oxy hóa, có đặc tính kháng khuẩn kháng viêm tự nhiên rất tốt cho tình trạng viêm lỗ chân lông ở tay. Hàng ngày bạn hãy vò nát lá trà xanh và dùng để nấu nước tắm hoặc rửa tay, bệnh sẽ nhanh chóng được khống chế đấy.
Trị viêm lỗ chân lông bằng lá trầu không: Nhiều nghiên cứu cho thấy hàm lượng hoạt chất kháng viêm, diệt khuẩn có trong lá trầu không rất cao, phù hợp dùng để hỗ trợ điều trị bệnh da liễu, trong đó có viêm lỗ chân lông ở tay. Mỗi tuần 2 – 3 lần bạn lấy lá trầu không giã nát, vắt lấy nước cốt và thấm đều lên da bị viêm lỗ chân lông, để khô và rửa lại bằng nước sạch là được.
Thăm khám bác sĩ để chữa viêm lỗ chân lông ở tay
Đối với trường hợp bệnh nhân bị viêm lỗ chân lông ở tay trung bình đến nặng, việc can thiệp y tế là điều rất cần thiết. Khi này người bệnh không nên tự ý điều trị tại nhà khiến bệnh nặng hơn. Thay vào đó, sau khi thăm khám, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp thích hợp với mỗi người.
Sử dụng thuốc: Có 2 dạng thuốc là thuốc uống và thuốc bôi. Dựa trên thực trạng của bệnh nhân bác sĩ sẽ kê đơn thuốc bôi hoặc cả thuốc bôi và thuốc uống nhằm điều trị bệnh hiệu quả nhất.
Tiểu phẫu: Nếu tình trạng viêm nhiễm quá nặng, thuốc không có hiệu quả nữa thì việc chỉ định thực hiện tiểu phẫu là điều cần thiết. Khi này bác sĩ sẽ loại bỏ những ổ viêm trên da, hạn chế bệnh tiếp tục diễn biến nặng hơn.
Công nghệ laser: Hiện nay điều trị viêm lỗ chân lông bằng laser được nhiều bác sĩ da liễu sử dụng để xử lý tác nhân gây bệnh một cách hiệu quả nhất, tránh để lại thâm, sẹo trên bề mặt da.
Tất tần tật thông tin về viêm lỗ chân lông ở tay đã vừa được Nhà thuốc Long Châu chia sẻ qua bài viết trên, hy vọng có thể giúp ích cho quý bạn đọc. Nếu bạn đang nghi ngờ hoặc nhận thấy dấu hiệu bất thường trên da, hãy đi khám càng sớm càng tốt để tìm ra bệnh lý, cách chữa cụ thể.