Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Phan Ngọc Toán – Bác sĩ Hồi sức – Cấp cứu – Khoa Hồi sức Cấp cứu – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng
Nước rửa tay khô hiện đang được nhiều người tin dùng vì tính tiện lợi. Tuy nhiên các chuyên gia cho biết không nên dùng dung dịch sát khuẩn tay nhanh thường xuyên vì chúng thật sự không thể thay thế xà phòng và nước sạch.
1. Thành phần của nước rửa tay khô
Dung dịch sát khuẩn tay nhanh hay nước rửa tay khô có dạng xịt hoặc gel, thường được đóng vào chai nhỏ có thể tích khoảng 30ml – 70ml, thuận tiện để mang theo bên người. Trên thị trường hiện nay, nước rửa tay khô cho bé và người lớn còn được thêm vào nhiều mùi hương như: táo, trà xanh, lavender, hoa nhài,… để bạn có thể lựa chọn theo sở thích. Khi sử dụng bạn chỉ cần cho một lượng đủ để làm sạch cả bàn tay và ngón tay vào tay, thoa đều trong vòng 30 giây đến khi khô hẳn và không cần rửa lại bằng nước.
Những thành phần chính của nước rửa tay y tế nói chung và nước rửa tay khô nói riêng thường bao gồm:
- Ethanol (Cồn);
- Deionized Water (Nước tinh khiết);
- Sodium Lactate (Chất hút ẩm);
- Fragrance (Hương liệu tạo mùi / Tinh dầu làm thơm);
- Benzalkonium Chloride (Chất diệt khuẩn).
Thực tế, muốn Ethanol (Cồn) có khả năng sát trùng phải đạt 60 – 70 độ trở lên, đảm bảo các chỉ tiêu do Bộ Y tế ban hành. Do đó với mục đích dùng nước rửa tay khô để tiêu diệt vi khuẩn, bạn cần phải xem xét lại các yếu tố có trong thành phần, từ loại chất đến nồng độ. Hơn nữa gel khô kháng khuẩn không thể tiếp xúc đến tất cả vi sinh vật nằm dưới nhiều vết bẩn hữu cơ trên tay, vì thế không có tác dụng tẩy sạch toàn bộ bàn tay.
Trong khi đó, xà phòng về bản chất được tạo nên bởi chất xút NaOH và bồ tạt nên có khả năng kìm khuẩn, không cho vi khuẩn phát triển thêm. Mặc dù công dụng tiêu diệt khuẩn ít hơn cồn mạnh, nhưng việc kết hợp rửa tay dưới vòi nước đang chảy cũng là cách làm trôi rất nhiều vi khuẩn. Xà phòng có tác dụng phá vỡ các cấu trúc hữu cơ, trong khi đưa tay vào dưới vòi nước chảy sẽ giúp rửa trôi. Vì thế yếu tố nước cũng khá quan trọng mà nước rửa tay khô đã bỏ qua. Các nghiên cứu chỉ ra rằng việc rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước đang chảy có thể giảm đến 60% vi khuẩn, phòng ngừa các bệnh cúm, hô hấp, phong… hiệu quả.
Hiện nay, FDA đang xem xét các thành phần trong nước rửa tay khô và vẫn chưa có bằng chứng nào cho thấy các sản phẩm này an toàn hơn xà phòng và nước trong việc ngăn ngừa nhiễm trùng. Đặc biệt là phụ huynh nên cân nhắc thật kỹ về các nguy cơ nhiễm độc và không mang lại lợi ích cho sức khỏe khi muốn dùng nước rửa tay khô cho bé.
2. Lưu ý khi dùng nước rửa tay khô
Theo hướng dẫn, nước rửa tay khô nên được sử dụng trong các trường hợp tay bẩn không nhìn thấy rõ ràng như:
- Trước và sau khi ăn;
- Khi hoạt động ngoài trời;
- Sau khi cầm tiền;
- Sau khi giao tiếp;
- Đi tàu xe hay vào bệnh viện;
- Một số loại dung dịch sát khuẩn tay nhanh còn điều trị vết côn trùng cắn: Giúp sát trùng vết thương, giảm sưng đỏ và cảm giác ngứa ngáy, khó chịu.
Có thể thấy, sự tiện lợi của nước rửa tay y tế giúp bạn dễ dàng khử trùng tay khi đang hoạt động ngoài trời. Các chuyên gia lưu ý người dùng không nên quá lạm dụng những loại dung dịch sát khuẩn tay nhanh, sử dụng nước rửa tay khô như một thói quen hằng ngày ngay cả khi đang ở trong nhà.
Các loại nước rửa tay khô cho bé và người lớn đều được khuyến cáo chỉ sử dụng như một biện pháp thay thế tạm thời khi không có điều kiện dùng nước và xà phòng. Nguyên nhân là vì:
- Nước rửa tay khô có tác dụng sát khuẩn cực nhanh nhờ cồn, song lại không hoàn toàn giết được hết vi khuẩn (có thể làm sạch các virus cảm lạnh, viêm họng và cúm nhưng không có tác dụng với các loại norovirus);
- Nước rửa tay khô sẽ lấy đi toàn bộ lớp dầu trên tay, sử dụng quá mức có thể làm giảm khả năng phòng vệ của da và góp phần gây kháng kháng sinh;
- Nước rửa tay khô cho bé có nhiều mùi thơm và màu sắc bắt mắt, dễ cầm nắm, đóng/mở sẽ kích thích trẻ muốn nếm thử hoặc làm dính vào mắt, miệng rất nguy hiểm;
- Dung dịch sát khuẩn tay nhanh có nguy cơ gây dị ứng cho một số người nhạy cảm với bất kỳ thành phần nào của chúng, hoặc gây ngộ độc cồn, có nguy cơ dẫn đến tử vong;
- Có rất nhiều loại sản phẩm rửa tay diệt khuẩn được quảng cáo và bày bán trên thị trường nên khó biết được chất lượng, nguồn gốc cũng như khả năng tiêu diệt vi khuẩn thực của chúng.
Trong khi đó, các nhà khoa học cho biết việc rửa tay với xà phòng và nước sạch vừa hiệu quả hơn lại ít độc hại hơn. Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC) đã đưa ra khuyến cáo mọi người chỉ nên dùng nước rửa tay khô trong trường hợp không có nước và xà phòng. Tóm lại, việc mọi người có ý thức rửa tay diệt khuẩn là điều nên làm, giúp bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng. Tuy nhiên các loại nước rửa tay mới hiện nay mặc dù rất tiện lợi và phổ biến, song phương pháp rửa tay truyền thống vẫn cách tốt để loại bỏ vi khuẩn.