1. [Giải đáp] Trẻ mấy tháng thì mọc răng?
Thông thường, trẻ sơ sinh sẽ nhú những chiếc răng đầu tiên vào tháng thứ 6. Khi được 12 tháng, trẻ sẽ mọc khoảng 6 chiếc răng và đến tháng 30, trẻ sẽ có 20 chiếc răng sữa mọc hoàn thiện ở hai hàm.
2. Thứ tự mọc răng của trẻ như thế nào?
Thứ tự mọc răng ở trẻ như sau:
• 4 răng cửa giữa: Khi con được 6 tháng, chiếc răng cửa giữa ở hàm dưới sẽ nhú lên đầu tiên. Khoảng 8 tháng tuổi, trẻ sẽ bắt đầu mọc những răng cửa giữa ở hàm trên.
• 4 răng cửa bên: Các răng cửa bên sẽ nhú lên khi trẻ từ 7 đến 10 tháng.
• 4 răng hàm đầu tiên: Tiếp theo, trẻ sẽ mọc 2 chiếc răng hàm trên vào tháng thứ 13 đến 19. Còn 2 răng hàm dưới sẽ bắt đầu mọc khi trẻ được 14 đến 18 tháng tuổi.
• 4 răng nanh: Răng nanh ở hàm trên sẽ bắt đầu mọc khi trẻ 16 – 18 tháng tuổi. Khi răng nanh hàm trên đã mọc hoàn thiện, trẻ sẽ mọc răng nanh hàm dưới. Khi trẻ tròn 22 tháng, 4 chiếc răng nanh mới có thể phát triển đầy đủ.
• 4 răng hàm thứ hai: Răng hàm dưới sẽ mọc khi trẻ đạt mốc 20 – 23 tháng. Còn răng hàm trên sẽ hoàn chỉnh khi bé được 30 tháng.
Thứ tự mọc răng ở mỗi trẻ sẽ khác nhau. Bố mẹ nên theo dõi để chăm sóc sức khỏe răng miệng cho con thật tốt nhé!
3. Những dấu hiệu nhận biết trẻ mọc răng
Ngoài tìm hiểu trẻ mấy tháng mọc răng, bố mẹ cũng nên nắm rõ các biểu hiện của con khi bước vào giai đoạn này để chăm sóc con phù hợp.
Các dấu hiệu trẻ mọc răng thường là:
3.1. Chảy nước dãi
Quá trình mọc răng có thể tiết rất nhiều nước dãi. Nhưng do trẻ chưa biết cách kiểm soát cơ miệng khiến nước dãi liên tục tràn ra ngoài.
3.2. Phát ban
Sự nhỏ giọt liên tục của nước dãi có thể gây nổi mẩn đỏ, phát ban, nứt nẻ quanh miệng, cằm, cổ và ngực, khiến trẻ đau rát, ngứa ngáy, khó chịu.
3.3. Khó chịu, quấy khóc
Khó chịu là biểu hiện bình thường của trẻ khi chiếc răng nhỏ xinh đang chọc qua nướu để trồi lên bề mặt. Điều này khiến trẻ trở nên cáu kỉnh, quấy khóc trong nhiều ngày hoặc nhiều tuần, đặc biệt là giai đoạn mọc những chiếc răng đầu tiên.
3.4. Cắn gặm đồ vật
Trẻ thường có xu hướng cắn gặm bất cứ thứ gì trong tầm tay, đặc biệt là mút tay để xoa dịu sự ngứa ngáy, khó chịu của nướu khi phải chịu một áp lực do răng chọc ra.
3.5. Biếng ăn
Nướu tại vị trí mọc răng đau nhức khiến trẻ không muốn bú sữa hay ăn uống. Đồng thời, việc nổi mẩn, phát ban, sốt, quấy khóc cũng khiến cơ thể trẻ mệt mỏi và biếng ăn.
3.6. Kéo tai, xoa má
Khi bắt đầu có dấu hiệu mọc răng, trẻ thường sờ vào vùng bị đau như má hoặc tai, đôi khi có cử chỉ gãi ngứa. Vậy nên nếu đột nhiên thấy con có dấu hiệu này, nghĩa là trẻ chuẩn bị đón chào những chiếc răng đầu tiên.
3.7. Khó ngủ, ngủ không sâu giấc
Những ảnh hưởng từ mọc răng như đau nướu, sốt… có thể làm cho giấc ngủ của bé bị gián đoạn và quấy khóc vào ban đêm.
3.8. Tụ máu nướu răng
Khi răng tác động quá mạnh vào nướu có thể khiến máu bị tụ. Lúc này, mẹ chỉ cần sử dụng một miếng gạc lạnh lau nhẹ vùng nướu, giúp bé giảm cơn đau và nhanh tan máu tụ. Nếu không thuyên giảm, bố mẹ nên đưa con đến bệnh viện ngay.
3.9. Sốt nhẹ
Đây là một dấu hiệu của việc cơ thể bị nhiễm trùng, không phải triệu chứng do quá trình mọc răng gây ra. Nguyên nhân gây nên tình trạng này có thể bắt nguồn từ việc suy giảm kháng thể trong giai đoạn khoảng trống miễn dịch 6 – 12 tháng, khiến cơ thể không có khả năng chống lại các tác nhân gây bệnh từ môi trường hoặc từ các vật dụng mà bé thường mút, gặm. Chính điều này kết hợp với việc cơ thể bị mệt mỏi, suy nhược do mọc răng dẫn đến trẻ dễ bị sốt.
4. Những yếu tố ảnh hưởng đến thời gian mọc răng của trẻ
Mỗi trẻ sẽ có mốc thời gian mọc răng khác nhau. Một số trẻ mọc răng khá sớm (trước 6 tháng tuổi), trong khi một số trẻ lại mọc khá muộn so với bạn bè đồng trang lứa.
Những yếu tố ảnh hưởng đến thời gian mọc răng của trẻ có thể kể đến như:
4.1. Di truyền
Nếu người thân của trẻ, đặc biệt là cha mẹ từng có tiền sử mọc răng sớm thì trẻ cũng có khả năng mọc răng sớm hơn những đứa trẻ khác và ngược lại.
4.2. Chế độ dinh dưỡng
Đây là một yếu tố quan trọng quyết định thời gian mọc răng của trẻ. Theo đó, trẻ được bú sữa mẹ kết hợp cùng chế độ ăn dặm khoa học, đầy đủ dinh dưỡng với 4 nhóm dưỡng chất (gồm tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất) sẽ làm tăng khả năng mọc răng như dự kiến.
Trẻ mọc răng sớm, mọc răng muộn có ảnh hưởng gì không?
Theo các chuyên gia, việc trẻ mọc răng sớm hoặc muộn không có ảnh hưởng gì đến sự phát triển sau này, vì vậy bố mẹ không nên quá lo lắng. Trên thực tế, có nhiều trẻ sơ sinh mọc răng rất sớm trong những tháng đầu sau sinh, nhưng cũng có những trẻ đến hơn 1 tuổi mới bắt đầu mọc những chiếc răng đầu tiên. Việc bố mẹ cần làm là chú trọng vào cách chăm sóc và chế độ dinh dưỡng của trẻ.
5. Các cách giúp quá trình mọc răng của trẻ dễ chịu hơn
Để giúp trẻ dễ chịu hơn trong quá trình mọc răng, bố mẹ nên có cách chăm sóc đúng đắn, cụ thể:
• Thường xuyên lau nước dãi quanh miệng và cổ của trẻ để ngăn ngừa tình trạng phát ban.
• Cho trẻ gặm vòng mọc răng bằng cao su mềm để trẻ hạn chế tiếp xúc với các vật dụng xung quanh.
• Không nên cho trẻ nhai một bên vì dễ bị tổn thương răng và nướu, cũng như tăng nguy cơ bị lệch hàm sau này.
• Theo dõi sức khỏe trẻ trong giai đoạn mọc răng (nhằm hạ sốt hoặc xử lý kịp thời các dấu hiệu bất thường nếu có).
• Làm sạch nướu kỹ càng cho trẻ sau khi bú hoặc ăn bằng cách dùng gạc mềm thấm nước sạch, quấn vào ngón tay và nhẹ nhàng xoa nướu trẻ.
• Cho trẻ ăn thức ăn xay nhuyễn, mềm, loãng (như cháo, súp, canh,…) và chia ra thành nhiều phần ăn nhỏ. Điều này giúp hạn chế việc trẻ dùng lực lên nướu khiến tình trạng đau nhức thêm trầm trọng.
• Nên bổ sung các loại thực phẩm như chuối, bơ, đậu lăng, thịt gà xé nhuyễn vào thực đơn ăn dặm của trẻ,… Những thực phẩm này ngoài chứa nhiều dưỡng chất thiết yếu cho bé khỏe mạnh còn góp phần giảm cơn đau ngứa nướu hiệu quả.
• Không nên cho trẻ ăn các thực phẩm ngọt, dính răng như bánh kẹo, chè, nước ngọt,… vì khó vệ sinh răng, gây nguy cơ sâu răng và ảnh hưởng đến sự phát triển của răng sau này.
Ngoài ra, trong thời gian trẻ mọc răng, mẹ cần lưu ý cho trẻ bú đủ sữa vì lúc này con thường biếng ăn, quấy khóc nên rất dễ mệt mỏi, thiếu hụt dinh dưỡng. Trong trường hợp mẹ không đủ sữa, có thể thay thế bằng sản phẩm dinh dưỡng công thức phù hợp với độ tuổi của trẻ. Đồng thời chọn sữa dễ tiêu hóa, dễ hấp thu, hỗ trợ trẻ dung nạp đầy đủ các dưỡng chất thiết yếu.
6. Khi nào mẹ cần liên hệ với bác sĩ về việc trẻ mọc răng?
Thông thường, nhiệt độ của trẻ sốt khi mọc răng thường dao động từ 38 – 38,5 độ C. Nếu nhận thấy trẻ sốt cao, kèm theo ho, tiêu chảy, khó thở, đau họng, không đáp ứng với thuốc hạ sốt,… bố mẹ nên đưa con đi khám ngay lập tức.
Trên đây là những giải đáp trẻ mấy tháng mọc răng cùng các dấu hiệu và cách chăm sóc con đúng cách. Hy vọng bố mẹ sẽ có thêm thật nhiều kiến thức hữu ích để đồng hành cùng con vượt qua giai đoạn mọc răng một cách thoải mái hơn.