Hoa mãn đình hồng còn có tên là hoa thục quỳ, tên khoa học là Alythaea rosea. Mãn đình hồng có nguồn gốc từ Trung Âu và Trung Quốc, hoa nở quanh năm nhưng đẹp và nhiều nhất vào mùa xuân.
Chúng thường được trồng nhiều ở công viên, sân vườn, ban công nhà, trang trí nhà hàng, khách sạn,… để làm đẹp thêm cho không gian, cũng như làm tươi mát bầu không khí.
1. Đặc điểm của hoa mãn đình hồng
1.1 Đặc điểm hình thái
– Thân cây: Là loại cây thân thảo, sống hàng năm. Thân cây mọc thẳng, có thể cao đến 2 mét.
– Lá cây: Phiến lá khá lớn, dài chừng 18cm. Mỗi lá được chia thành 5 – 7 thùy không đều nhau, hình chân vịt. Mặt trên lá có một lớp lông màu trắng mềm, khi sờ vào có cảm giác khá thô. Cuống lá dài.
– Hoa: Hoa có cuống nhưng ngắn, thường mọc tập trung ở ngọn và xếp theo từng cặp. Bông hoa có kích thước lớn, lên đến 10 – 15 cm. Gồm nhiều màu như hồng, đỏ hay màu pha trắng. Cánh đài phụ của hoa có 5 – 8 cái kết dính với nhau ở gốc. Mỗi cánh hoa lớn, phần đỉnh bung rộng ra. Các cánh xếp sát nhau và xòe ra. Chúng thường nở nhiều và đẹp nhất vào mùa xuân.
– Quả: Quả nằm trong đài.
1.2 Đặc điểm sinh thái
– Điều kiện thời tiết: Hoa mãn đình hồng sinh trưởng tốt nhất trong thời tiết mát mẻ, không có gió mạnh.
– Ánh sáng: Cây cần có nhiều ánh sáng mặt trời.
– Thời gian ra hoa: Vào cuối mùa đông và đầu mùa xuân. Kéo dài khoảng 140 – 150 ngày.
2. Kỹ thuật trồng mãn đình hồng
2.1 Chuẩn bị
– Thời vụ: Nếu muốn trồng hoa chưng Tết nở đẹp và to nên trồng trước Tết khoảng 5 – 6 tháng .
– Hạt giống: Nên chọn loại hạt giống mãn đình hồng đảm bảo chất lượng, như vậy thì tỉ lệ hoa nảy mầm sẽ cao hơn, cây phát triển cũng tốt, trong quá trình sinh trưởng ít sâu bệnh hại.
– Đất trồng: Hoa mãn đình hồng thích hợp với đất trung tính, có vôi. Bộ rễ của cây lớn, phát triển mạnh nên cần đất phải ẩm nhưng khả năng thoát nước tốt, tơi xốp, giàu dinh dưỡng, không vó nấm bệnh. Tùy thuộc vào loại hoa mà đất trồng sẽ khác, chẳng hạn như hoa màu đỏ và đen thích hợp với đất pha cát, đất có pha đất sét. Song phần lớn chúng đều không thích hợp với đất sét.
– Tạo bầu đất ươm cây.
– Chọn chậu: Mãn đình hồng thích ổn định, tốt nhất không nên di chuyển nhiều, nên từ đầu nên chọn loại chậu chắc chắn, đủ lớn cho cây sinh trưởng.
– Bình tưới nước.
2.2 Kỹ thuật gieo trồng mãn đình hồng
– Trước khi gieo, muốn hạt hoa dễ nảy mầm hơn cần ngâm hạt giống trong nước ấm từ 2 – 4 giờ. Hạt ngâm nước, có độ ẩm.
– Cho đất đã chuẩn bị vào bầu ươm. Mỗi bầu gieo một hạt hoa lên trên bề mặt, rồi phủ một lớp đất mỏng lên trên.
– Sau khi ươm, mỗi ngày một lần tưới nước bằng bình tưới cho hạt.
– Cần đặt bầu ươm ở nơi thoáng mát, không bị ánh nắng chiếu trực tiếp vào. Sau khoảng 10 – 15 ngày thì hạt giống sẽ nảy mầm.
– Tiếp tục ươm cho đến khi cây cao khoảng 20 – 25 cm, cứng cáp là có thể đem trồng vào chậu cố định.
3. Cách nhân giống mãn đình hồng
Hoa mãn đình hồng nhân giống bằng hạt là chủ yếu. Người trồng có thể mua hạt giống ở các cửa hàng hoa kiểng hoặc có thể tự lấy hạt giống từ cây hoa mẹ.
Theo đó, lấy những quả mãn đình hồng đã vàng ở phần giữa cây, đem phơi khô rồi đập ra để lấy hạt giống, cất giữ lại cho lần gieo trồng kế tiếp. Những quả ở phần gốc ra lúc cây chưa phát triển thì không nên lấy.
Có những trường hợp người trồng hoa không lấy hạt giống mà để cho quả khô ngay trên cây. Khi đó, quả tách ra nên hạt sẽ dễ bị rụng. Nhờ đó, từ gốc cây mẹ sẽ mọc lên những cây con mới.
4. Cách chăm sóc mãn đình hồng
– Thời tiết: Hoa thích hợp thời tiết mát mẻ. Nếu trồng vào mùa hè thì cần phải che bớt nắng, phun sương, làm mát không khí và giảm bớt nhiệt độ giờ cao điểm. Còn mùa đông, cây xanh tốt ở nhiệt độ 10 độ C và có thể chịu được sương muối.
Cây không thích hợp trồng ở những nơi có nhiều gió và gió mạnh. Do thân cây yếu và gió sẽ làm xô lệch, bung rễ cây và làm gãy cành/ các nhánh phụ.
– Ánh sáng: Mặc dù không chịu được nắng nóng nhưng hoa mãn đình hồng cần được trồng ở nơi thoáng mát, nhận được nhiều ánh sáng mặt trời để khả năng quang hợp tốt, sinh trưởng nhanh hơn.
– Nước: Hoa cần tưới nước thường xuyên, mỗi ngày 1 lần để giữ độ ẩm cho đất. Không được để đất quá khô nhưng cũng không được để cây bị ngập úng.
– Phân bón: Hàng tuần, nên tưới phân NPK hòa loãng với nước sạch cho cây. Tưới phân xong thì tưới lại bằng nước. Kết hợp tưới dynamic, phân hữu cơ tan chậm để bổ sung dưỡng chất, giúp cây nhanh nở hoa.
– Bệnh cây: Hoa dễ mắc bệnh rỉ sét. Cần theo dõi thường xuyên để sớm phát hiện và có biện pháp xử lý.
– Cắt tỉa cành: Nên thường xuyên cắt bỏ những lá khô, lá bệnh hay bị mốc để không gây nấm bệnh cho cây. Sau khoảng 90 – 100 ngày thì cây sẽ nở hoa. Và muốn kéo dài thời gian nở hoa của cây cần cắt bỏ đi những bông hoa nhạt màu dần để nhường chỗ cho những bông hoa mới.
5. Công dụng và ý nghĩa của hoa mãn đình hồng
5.1 Công dụng
– Theo Đông y, hoa có vị ngọt mặn, có tác dụng lợi tiểu, nhuận tác, điều kinh, giải độc tán ung; hạt có vị ngọt, tính hàn, rất lợi tiểu, trị được sạn thận và giúp hạ nhiệt; còn rễ cây có vị ngọt, tính hàn, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, thu liễm, chỉ lỵ.
– Trong dân gian, mãn đình hồng được dùng để làm dịu các cơn đau dạ dày, ho và tiểu tiện khó chịu. Hoa được dùng cho phụ nữ dễ sinh và nhiều sữa; giúp trẻ em đang mọc răng giảm đau lợi. Lá trị vết cắn côn trùng, vết thương,…
5.2 Ý nghĩa
– Mãn đình hồng được cho là loài hoa của sự dịu ngọt. Trong ngôn ngữ của các loài hoa, mãn đình hồng chính là lời nói, một lời nhắn gửi nồng ấm của một tâm hồn cởi mở dành cho những tâm hồn cô đơn, cần nhiều sự yêu thương, quan tâm.
– Đây cũng là loài hoa biểu tượng của sự thành công nhờ khả năng sinh sản mạnh mẽ, đơm bông kết trái gần như quanh năm.
– Dành tặng hoa mãn đình hồng cho các cặp vợ chồng mới cưới để chúc sớm có tin vui; còn tặng cho bà bầu là hình ảnh thay cho lời chúc may mắn, mẹ tròn con vuông.