Ngoài ra, vi khuẩn trên tay cũng rất dễ lây sang vết khâu tầng sinh môn và gây nhiễm trùng khi bạn dùng tay rửa vùng kín. Vì vậy, thói quen rửa tay trước và sau khi đi vệ sinh là rất quan trọng để ngăn ngừa vi khuẩn phát tán gây viêm nhiễm. Nếu bạn cần thuốc sát trùng vết khâu tầng sinh môn thì hãy hỏi ý kiến bác sĩ để được tư vấn loại thuốc phù hợp nhé!
Chườm đá lên vết khâu
Ngoài việc băn khoăn về việc vết khâu tầng sinh môn bao lâu thì lành, nhiều mẹ mới sinh cũng quan tâm đến việc giảm đau cho vết rạch tầng sinh môn.
Theo các chuyên gia, việc dùng khăn sạch bọc túi đá chườm lại và chườm lên vết khâu có thể giúp giảm đau, cách này có thể hiệu quả trong 48 – 72 giờ đầu. Mẹ nên chườm đá trong khoảng 10 đến 20 phút mỗi lần để giảm đau hiệu quả chỗ vết khâu tầng sinh môn. Bên cạnh đó, nếu không thể giảm đau bằng cách này, mẹ hãy hỏi ý kiến bác sĩ về việc dùng thuốc giảm đau phù hợp và an toàn cho mẹ nuôi con bú. Việc ít phải chịu đau hơn giúp mẹ có tâm lý thoải mái, nghỉ ngơi nhiều hơn cũng giúp vết thương hồi phục tốt.
Hãy dành thời gian nghỉ ngơi nhiều hơn
Việc nghỉ ngơi nhiều sau sinh là điều rất quan trọng để giúp mẹ nhanh phục hồi. Vì vậy, bạn không nên quay lại với công việc quá sớm sau sinh và nên tránh những hoạt động nặng nhọc, vất vả. Thay vào đó, hãy nhờ đến sự giúp đỡ của bạn đời hoặc người thân khi cần thiết.
Giữ vết khâu thoáng khí
Việc để vết khâu tầng sinh môn tiếp xúc với không khí thường xuyên có thể thúc đẩy vết thương nhanh lành hơn. Vì vậy, mẹ có thể thử nằm trên giường và không mặc đồ lót trong khoảng 10 phút từ 1 đến 2 lần mỗi ngày. Tránh mặc đồ lót hay đóng bỉm quá chặt, quá bí. Hoạt động này sẽ tạo điều kiện cho vết khâu được thông thoáng nhờ tiếp xúc với không khí bên ngoài, rất có lợi cho sự chữa lành vết thương nhờ giảm nguy cơ nhiễm trùng.