Để quá trình sinh nở diễn ra suôn sẻ hơn thì đối với một số trường hợp thì các mẹ có thể được bác sĩ thực hiện rạch tầng sinh môn. Vết rạch có thể khiến bạn bị đau nhức, ngứa ngáy khó chịu trong vài ngày hoặc vài tuần đầu sau sinh.
Vết khâu tầng sinh môn bị ngứa là do đâu?
Thực hiện rạch tầng sinh môn là một phương pháp được bác sĩ sử dụng để giúp phụ nữ mang thai sinh con nhanh hơn. Khi tầng sinh môn không đủ co giãn sẽ dễ bị rách khi bé chui ra ngoài, ảnh hưởng đến vấn đề sức khỏe và thẩm mỹ. Một vết rách có thể ảnh hưởng xấu đến nút thớ trung tâm ở đáy chậu, khiến tầng sinh môn trở nên chảy nhão và mất khả năng co giãn bình thường.
Quá trình khâu tầng sinh môn diễn ra khá nhanh chóng, thông thường chỉ mất khoảng 10 đến 30 phút. Bác sĩ sẽ tiêm thuốc gây tê sau đó dùng chỉ tự tiêu để tránh phải tháo chỉ và giảm đau cho sản phụ. Các vết khâu sẽ bị đau và sưng tấy trong tuần đầu tiên, đây là những triệu chứng bình thường trước khi vết thương lành lại. Ngoài ra còn có các dấu hiệu khác như bị hở, vết khâu bị lồi… mà bạn có thể tham khảo. Tuy nhiên, nếu bạn cảm thấy đau, ngứa ngáy, khó chịu, sốt bất thường hoặc tích tụ mủ ở vết khâu thì vết thương có thể bị nhiễm trùng.
Một số nguyên nhân khiến vết khâu tầng sinh môn bị ngứa:
Vết khâu đang liền lại
Cơ thể con người luôn có cơ chế tự phục hồi, trong đó các tế bào sản sinh ra histamin gây ngứa ngáy. Nếu bạn cảm thấy ngứa ran ở vùng da phẫu thuật mà không có triệu chứng nào khác đó có thể là do quá trình lành vết thương và phục hồi dần dần. Tình trạng này thường chỉ kéo dài khoảng 5 đến 7 ngày rồi tự khỏi. Tuyệt đối không dùng tay gãi để tránh tổn thương da.
Do còn sót nhau thai
Ngứa vùng tầng sinh môn kèm theo đau quặn bụng dưới, khó chịu, mệt mỏi và thậm chí chảy máu có thể là dấu hiệu cho thấy nhau thai vẫn còn sót lại trong tử cung. Khoảng 30 phút sau khi sinh, cơ thể người mẹ sẽ tự đào thải cuống nhau ra ngoài. Nếu nhau thai vẫn còn dính vào thành tử cung rất dễ bị nhiễm trùng và gây ngứa.
Ngứa do nhiễm khuẩn
Các vi khuẩn thông thường như tụ cầu khuẩn, liên cầu khuẩn, trực khuẩn coli có thể xâm nhập và gây nhiễm trùng sau sinh. Chúng thường tồn tại ở bên ngoài môi trường và khi gặp điều kiện thuận lợi sẽ xâm nhập vào cơ thể thông qua các tổn thương âm đạo hoặc vết rạch tầng sinh môn.
Mức độ nghiêm trọng của nhiễm khuẩn phụ thuộc vào sức khỏe sau sinh của người phụ nữ. Tình trạng này nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ ngày càng nghiêm trọng. Các yếu tố làm tăng nguy cơ nhiễm trùng bao gồm chế độ ăn kém dinh dưỡng, thiếu máu, xuất huyết sau sinh… Những vết thương hở nếu không được vệ sinh và chăm sóc cẩn thận sẽ là môi trường lý tưởng để chúng phát triển.
Vùng da xung quanh âm đạo vốn đã rất nhạy cảm nên bạn càng cần phải cẩn thận hơn sau khi thực hiện khâu tầng sinh môn. Nếu bị nhiễm khuẩn, thường không chỉ có cảm giác ngứa mà còn có nhiều triệu chứng đi kèm như: Mủ màu vàng nhạt rỉ ra từ chỉ khâu, có thể kèm theo máu và đau buốt khi đi tiểu.
Cách xử lý tình trạng vết khâu tầng sinh môn bị ngứa
Dù cảm thấy khó chịu đến đâu thì bạn vẫn nên cố gắng giữ bình tĩnh và xử lý một cách thích hợp. Nguyên tắc đầu tiên cần nhớ là không dùng tay gãi hoặc chà xát vùng vết thương. Thay vào đó, bạn có thể giảm cảm giác ngứa ngáy tạm thời sử dụng một miếng tăm bông tẩm oxy già hoặc nước muối sinh lý chấm xung quanh vết khâu.
Dưới đây là một số điều cần lưu ý khi chăm sóc vết khâu tầng sinh môn bị ngứa:
- Không sử dụng tampon trong vài tuần đầu sau khi sinh.
- Tắm bằng nước ấm và chườm lạnh có thể giúp giảm sưng, đau và khó chịu.
- Thay băng vệ sinh thường xuyên 2 đến 4 giờ một lần và thay quần áo hàng ngày để đảm bảo vệ sinh.
- Nếu cơn đau hay ngứa ngáy quá nghiêm trọng có thể dùng thêm thuốc giảm đau. Tuy nhiên, không phải loại thuốc nào cũng phù hợp với phụ nữ mới sinh con hoặc đang cho con bú mà cần phải nhờ bác sĩ kê đơn để đảm bảo an toàn.
- Bổ sung đủ chất xơ và uống nhiều nước có thể ngăn ngừa tình trạng táo bón, việc rặn mạnh khi đi vệ sinh cũng sẽ khiến bà bầu đau nhức hơn.
- Nếu bạn bị táo bón hãy hỏi bác sĩ để được tư vấn về thuốc nhuận tràng để giảm bớt sự khó chịu khi đi ngoài.
- Khi vệ sinh vùng kín hãy khử trùng tay và dùng các loại khăn sạch, mềm lau từ trước ra sau.
- Nghỉ ngơi hợp lý và thực hiện một số bài tập sàn khung chậu để giúp máu lưu thông và vết thương mau lành.
- Không vận động mạnh như đạp xe, quan hệ tình dục…, vì các mô mềm xung quanh vùng kín cần thời gian để phục hồi.
- Bắt đầu từ tuần thứ 4 bạn có thể tập yoga hoặc các động tác nhẹ nhàng.
Ngoài việc điều chỉnh chế độ sinh hoạt, các mẹ cũng nên chú ý đến chế độ dinh dưỡng. Ăn uống đầy đủ có thể giúp bạn đảm bảo chất lượng sữa cho bé, duy trì thể trạng tốt và thúc đẩy quá trình lành vết thương nhanh hơn. Điều này không có nghĩa là ăn càng nhiều càng tốt mà bạn cần biết cách lựa chọn thực phẩm và kết hợp các chất để duy trì sự cân bằng.
Ví dụ như vitamin A, K, C giúp hỗ trợ quá trình tái tạo da. Thực phẩm giàu chất này bao gồm cà rốt, súp lơ, cam, dâu tây, bưởi… Protein có trong thịt nạc, sữa chua, các loại đậu và sữa ít béo. DHA và canxi được tìm thấy trong ngũ cốc, cá hồi và các loại đậu. Bạn cũng cần hạn chế một số thực phẩm có thể gây biến chứng, mẩn ngứa, để lại sẹo như thịt bò, rau muống, hải sản, rau má, rượu…
Trên đây là lời chia sẻ về vấn đề nguyên nhân khiến vết khâu tầng sinh môn bị ngứa. Hy vọng với những thông tin trên đã giúp các mẹ biết rõ được nguyên nhân gây nên tình trạng trên và những điều cần lưu ý để vết thương nhanh chóng lành lại.
Xem thêm:
- Tư thế nằm sau khi sinh tốt cho vết khâu tầng sinh môn
- Nguyên nhân nào khiến vết khâu tầng sinh môn bị sưng?
- Vết rạch tầng sinh môn của phụ nữ bị nhức là do đâu?