Đầu ti thuộc bộ phận khá nhạy cảm với phụ nữ. Đầu ti ở phụ nữ mang thai hoặc đang trong quá trình rụng trứng khá dễ viêm loét. Vậy viêm loét đầu ti (núm vú) ở nữ giới là dấu hiệu gì? Nguyên nhân do đâu? Bài viết dưới đây, thạc sĩ bác sĩ Huỳnh Bá Tấn, khoa Ngoại Vú, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM sẽ giải đáp vấn đề viêm đầu ti (núm vú) ở nữ giới.
Viêm đầu ti là gì?
Viêm đầu ti là tình trạng núm vú căng gây đau và nhức. Bệnh thường gặp ở phụ nữ trong thời kỳ kinh nguyệt, đang mang thai hoặc con bú. Viêm đầu ti xảy ra do dị ứng, nhiễm trùng hoặc nội tiết tố thay đổi khi đang mang thai hoặc cho con bú. Một số trường hợp, viêm đầu ti có thể dấu hiệu cảnh báo ung thư vú.
Viêm núm vú dấu hiệu của bệnh gì?
Viêm núm vú có thể là dấu hiệu của bệnh ung thư vú. Khi núm vú viêm gây đau, ngứa, tiết dịch, nổi hột và thay đổi hình dạng có thể cảnh báo người bệnh mắc bệnh ác tính như ung thư vú, bệnh Paget vú. Vì vậy, người bệnh cần đến gặp bác sĩ khoa Ngoại Vú, BVĐK Tâm Anh TP.HCM để được khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Nguyên nhân viêm đầu ti ở phụ nữ và yếu tố rủi ro
Một số nguyên nhân gây viêm đầu ti ở phụ nữ và yếu tố rủi ro, bao gồm:
1. Viêm da
Viêm da xảy ra do nhiều nguyên nhân, bao gồm:
- Viêm da tiếp xúc khi cho con bú.
- Thuốc hoặc kem bôi núm vú.
- Miếng đệm vú.
- Áo ngực loại dành cho phụ nữ cho con bú.
- Xà phòng hoặc chất tẩy rửa.
- Máy hút sữa.
- Những chất em bé chạm vào hoặc ăn vào (sau đó chất này sẽ chuyển từ miệng sang núm vú của bạn trong khi bú).
- Kem chống nấm có thể được bác sĩ kê để điều trị nhiễm nấm men ở núm vú.
Viêm da dị ứng (chàm) cũng có thể xảy ra khi bạn đang cho con bú. Bạn có nhiều khả năng gặp tình trạng này nếu bạn có tiền sử bệnh chàm hoặc vảy nến.
2. Chảy máu núm vú
Khi núm vú chảy lượng máu nhỏ lẫn trong sữa mẹ do chấn thương sẽ không gây hại cho con. Người bệnh có thể tiếp tục cho con bú, trừ trường hợp cơn đau trở nên nghiêm trọng và bạn không thể chịu được.
Người đang cho con bú bị chảy máu núm vú có thể mắc một số bệnh chẳng hạn như viêm gan B, viêm gan C. Trường hợp này, người bệnh nên tạm thời ngừng cho con bú đến khi núm vú lành lại và không còn máu trong sữa mẹ. Mặt khác, người bệnh có thể vắt sữa và cho con bú bằng bình cho đến khi núm vú lành lại. [1]
3. Rối loạn sinh lý ở vú
Rối loạn sinh lý ở vú là sự thay đổi nội tiết tố trong kỳ kinh nguyệt gây đau ngực và núm vú. Hầu hết, trường hợp đau núm vú xảy ra ngay trước khi bắt đầu có kinh do estrogen và progesterone khiến mô vú sưng lên. Phụ nữ mãn kinh hoặc bắt đầu tuổi dậy thì cũng có thể thay đổi nội tiết tố và gây ra tác dụng phụ như đau núm vú. Ngoài ra, việc kiểm soát sinh sản bằng nội tiết tố có thể gây rối loạn sinh lý ở vú và dẫn đến viêm núm vú.
4. Co thắt mạch núm vú
Co thắt mạch núm vú xảy ra ở người mắc hội chứng Raynaud. Bệnh xảy ra khi mạch máu xung quanh núm vú co lại do tiếp xúc với nhiệt độ lạnh. Màu sắc núm vú có thể thay đổi thành màu nhạt hơn và cơn đau dần lan sâu vào ngực.
Các yếu tố có thể làm cho tình trạng co thắt mạch núm vú nặng hơn, gồm:
- Em bé không ngậm vú đúng cách.
- Máy hút sữa lắp không đúng cách.
- Cơ thể sản xuất quá nhiều sữa.
- Thay đổi nhiệt độ.
Các triệu chứng có thể trở nên tồi tệ hơn ngay sau khi cho con bú, hút sữa hoặc khi tắm vòi sen nước ấm.
5. Khi cho con bú
Khi cho con bú, người bệnh có thể cảm thấy cơn đau ngắn ở núm vú. Cơn đau sẽ dừng lại sau vài giây. Trường hợp con không bú đúng cách, cơn đau có thể kéo dài trong suốt quá trình bú, núm vú có thể bị nứt và chảy máu. Vì vậy, nếu người bệnh gặp khó khăn trong việc cho em bé bú, đau núm vú kéo dài hãy đến gặp bác sĩ chuyên khoa Ngoại Vú, BVĐK Tâm Anh TP.HCM để tìm ra giải pháp phù hợp với tình trạng bản thân.
6. Bệnh Paget vú
Tỷ lệ đau núm vú do bệnh Paget rất thấp. Bệnh ung thư hiếm gặp này chỉ ảnh hưởng đến 1%-4% người mắc bệnh ung thư vú. [2]
Bệnh Paget thường chỉ ảnh hưởng đến một bên vú. Bệnh này có dấu hiệu giống viêm da với các triệu chứng như da đỏ, bong tróc và ngứa quanh núm vú. Ngoài ra, người bệnh có thể gặp triệu chứng khác như:
- Núm vú phẳng hoặc lõm vào trong.
- Núm vú tiết dịch màu vàng hoặc chảy máu.
- Xuất hiện khối u ở vú.
- Da vùng ngực dày lên.
Dấu hiệu viêm đầu ti (núm vú) phổ biến
Một số dấu hiệu viêm đầu ti (núm vú) phổ biến, bao gồm:
- Đỏ đầu ti hoặc sưng tấy
- Núm vú to và viêm
- Núm vú nhạy cảm
- Viêm nhói ở núm vú
- Viêm rát núm vú
- Cảm giác ngứa ran ở núm vú
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Người bệnh cần gặp ngay nếu có những dấu hiệu sau:
- Vú đau, ngứa, phát ban…
- Vú xuất hiện triệu chứng bất thường.
- Người bệnh không cảm thấy có sự cải thiện sau điều trị.
Chẩn đoán viêm núm vú thế nào?
Bác sĩ chẩn đoán viêm núm vú bằng cách kiểm tra núm vú và quầng vú. Đồng thời, bác sĩ hỏi người bệnh một số câu hỏi như:
- Loại thuốc người bệnh đang dùng.
- Những thay đổi bất thường trong chế độ ăn uống.
- Kiểm tra người bệnh có đang mang thai không.
- Hỏi người bệnh có tập thể dục hoặc hoạt động nào gây kích ứng không?
Ngoài ra, bác sĩ còn dùng một số phương pháp xét nghiệm khác để kiểm tra cấu trúc bên trong vú, bao gồm:
- Chụp X-quang kiểm tra ống dẫn sữa.
- Chụp quang tuyến vú.
- Sinh thiết da.
- Xét nghiệm máu.
- Xét nghiệm hormone tuyến giáp.
- Chụp CT.
- Chụp MRI.
Phương pháp điều trị viêm đầu vú
Các phương pháp điều trị viêm đầu vú, bao gồm:
- Kem bôi steroid để điều trị viêm da hoặc chảy máu núm vú.
- Thuốc kháng sinh điều trị viêm vú bán cấp.
- Phương pháp nhiệt dùng máy làm ấm ngực để điều trị co thắt mạch ở núm vú.
Phòng ngừa và chăm sóc đầu ti bị viêm
Một số cách phòng ngừa và chăm sóc đầu ti viêm, bao gồm:
- Nhẹ nhàng vắt 1 vài giọt sữa và xoa núm vú để mềm núm vú trước khi cho con bú.
- Kiểm tra và đảm bảo núm vú không còn sữa thừa sau em bé bú.
- Hãy dùng miếng lót ngực thường xuyên để giữ núm vú luôn khô ráo.
- Mặc áo ngực bằng cotton, kích thước vừa vặn, thoải mái để áo không cọ vào núm vú.
- Thoa thuốc mỡ như lanolin lên núm vú.
- Làm sạch bầu ngực và núm vú bằng xà phòng lành tính, dịu nhẹ.
- Thay đổi nhiều tư thế cho con bú để tìm ra được cách ngồi phù hợp.
Ngoài ra, người bệnh hãy giữ chế độ dinh dưỡng cân bằng, bổ sung rau xanh và đa dạng trái cây. Đồng thời, hãy uống nước ít nhất 1,5 lít/ngày, luyện tập thể dục thể thao đều đặn và giữ tinh thần thoải mái, hạn chế căng thẳng.
Viêm nhức đầu vú nên khám chữa ở đâu uy tín?
Trường hợp người bệnh viêm nhức đầu vú kéo dài nên đến gặp bác sĩ khoa Ngoại Vú, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM để được khám, chữa kịp thời.
Khoa Ngoại Vú, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM quy tụ các chuyên gia, bác sĩ giàu kinh nghiệm, liên tục cập nhật phương pháp điều trị mới trên thế giới giúp tầm soát ung thư vú, chẩn đoán sớm ung thư vú và các bệnh lý tuyến vú khác, lên kế hoạch điều trị toàn diện, hiệu quả và rút ngắn thời gian đáng kể. Đặc biệt, người bệnh có thể chia sẻ những khó khăn lo lắng với các thành viên trong “CLB bệnh nhân ung thư vú bệnh viện Tâm Anh“.
Viêm đầu ti (núm vú) khá phổ biến, gây nhiều triệu chứng ảnh hưởng đến hoạt động và sinh hoạt trong cuộc sống như ngứa, rát, sưng đỏ,… Thông qua bài này, người bệnh biết cách chăm sóc, vệ sinh đầu ti hiệu quả và an toàn.