Viêm môi là tình trạng viêm nhiễm khiến da môi trở nên đỏ, khô, đóng vảy, ngứa. Viêm môi có nhiều dạng như: viêm môi dạng chàm (dạng viêm môi phổ biến nhất, thường gặp ở những người có tiền sử dị ứng), viêm môi góc cạnh, viêm môi nhiễm trùng, viêm môi ánh sáng (phổ biến hơn ở các khu vực địa lý có bức xạ tia cực tím cao), viêm môi tuyến, viêm môi hạt (hiếm gặp, ảnh hưởng đến khoảng 0,08% dân số). Vậy nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán, phòng ngừa viêm môi như thế nào?
Viêm môi là gì?
Viêm môi là tình trạng da môi trở nên đỏ, khô, đóng vảy, ngứa. Có nhiều nguyên nhân gây viêm môi như: nhiễm trùng, dị ứng, ảnh hưởng bởi chất kích thích, thói quen liếm môi.
Viêm môi thường được chẩn đoán bằng cách dựa vào tiền sử bệnh, kiểm tra miệng, môi của người bệnh. Nếu nghi ngờ dị ứng, bệnh viêm nhiễm hoặc bệnh ác tính (ung thư), bác sĩ sẽ chỉ định làm các xét nghiệm khác như: test dị ứng hoặc sinh thiết da. Tùy vào nguyên nhân gây bệnh, bác sĩ sẽ có phương pháp điều trị khác nhau. (1)
Nguyên nhân viêm môi
Có nhiều nguyên nhân gây viêm môi như: do ánh sáng, dị ứng tiếp xúc, tác dụng phụ của thuốc, Lupus ban đỏ, dày sừng actinic, lichen… hoặc không rõ nguyên nhân. Do đó, cần tìm ra nguyên nhân gây bệnh để có phương pháp điều trị hiệu quả.
Triệu chứng viêm môi
Viêm môi có nhiều dạng khác nhau nhưng thường có chung triệu chứng: khô môi, đỏ, sưng tấy, bong tróc, nứt môi, ngứa, rát, đóng vảy ở khóe miệng, đổi màu môi. Nếu không được điều trị kịp thời, viêm môi sẽ dẫn đến nhiễm trùng thứ cấp do vi khuẩn xâm nhập vào vết nứt hoặc trầy xước trên da dễ để lại sẹo, đổi màu, dày môi.
Các loại viêm da môi
Có các loại viêm da môi thường hiện nay gặp như:
1. Chàm môi
Viêm môi chàm là dạng viêm môi phổ biến nhất. Đây là dạng viêm môi không lây nhiễm, gây ra bởi phản ứng miễn dịch bất thường. Viêm môi chàm thường gặp ở những người có cơ địa dị ứng như: dị ứng thực phẩm, hen suyễn, viêm mũi dị ứng…
Các triệu chứng của viêm môi chàm xảy ra khi người bệnh tiếp xúc với các tác nhân kích thích gây dị ứng hoặc gây kích ứng da. Tùy thuộc vào nguyên nhân, triệu chứng sẽ kéo dài nhiều tuần đến nhiều tháng.
Các dấu hiệu nhận biết chàm môi bao gồm:
- Da môi khô ráp, căng cứng, đau nhức.
- Có các nốt mụn nước li ti trên môi.
- Da môi đóng vảy, dễ bong tróc.
- Gây ngứa ngáy dữ dội.
- Miệng khó cử động, căng cứng.
- Một số dấu hiệu khác: môi ửng đỏ, sưng tấy, có cảm giác căng tức. Nếu bệnh chuyển sang giai đoạn bội nhiễm sẽ khiến khu vực xung quanh môi có mủ, lở loét.
2. Viêm khoé môi
Viêm khoé môi là dạng viêm môi ảnh hưởng đến khóe miệng, xảy ra khi nước bọt tích tụ trong các kẽ hở hoặc trong quá trình bay hơi, hút độ ẩm dư thừa từ da khiến da khô, nứt nẻ. Nhiễm trùng thứ cấp bao gồm nhiễm nấm Candida albicans (gây nhiễm trùng miệng, nấm men) hoặc vi khuẩn Staphylococcus aureus (gây nhiễm trùng tụ cầu khuẩn).
Viêm khoé môi thường biến mất trong vòng 2 tuần khi được điều trị nhưng có thể tồn tại trong nhiều tuần nếu không được điều trị.
Một số người dễ viêm khoé môi hơn như: người bệnh tiểu đường, người thiếu sắt hoặc vitamin B, người mang răng giả, dùng các loại thuốc gây khô da như: Accutane (isotretinoin), trẻ em chảy nước dãi hay mút ngón tay cái hoặc liếm môi.
3. Viêm môi dị ứng
Viêm môi dị ứng hoặc kích ứng là bệnh viêm da tiếp xúc do phản ứng của môi tăng mẫn cảm với chất gây dị ứng hoặc kích ứng. (2)
Phản ứng dị ứng xảy ra khi hệ thống miễn dịch nhạy cảm với chất gây dị ứng nào đó. Một số nguyên nhân của viêm môi dị ứng bao gồm:
- Kem đánh răng, các sản phẩm chăm sóc răng miệng khác (làm sạch răng giả, nước súc miệng, tăm xỉa răng, chỉ nha khoa).
- Một số loại thuốc như: neomycin hoặc bacitracin.
- Dụng cụ phục hồi răng, thiết bị chỉnh nha, dụng cụ y tế.
- Kem chống nắng, nước hoa.
- Một số loại thực phẩm như: trái cây họ cam quýt hoặc quế.
- Chất propylene glycol, bao cao su.
- Các thành phần trong son môi như: dầu thầu dầu, vỏ sò, thuốc nhuộm azo, dầu mè, ozon hóa dầu ô liu, chất bảo quản.
4. Viêm môi nhiễm trùng
- Viêm môi do virus: chủ yếu do virus herpes simplex gây ra. Nhiễm herpes nguyên phát (viêm lợi-miệng do herpes) gây viêm môi miệng lan toả, loét đau, nổi mụn nước quanh miệng, đóng vảy dẫn đến khó nuốt, sốt, nổi hạch cổ. Viêm môi Herpes thường tái phát, biểu hiện dưới dạng cụm mụn nước kèm theo cảm giác nóng rát. Các mụn nước vỡ để lại vết loét, đóng vảy, có thể sẽ khỏi sau 1 tuần.
- Viêm môi do vi khuẩn: thường gặp do nhiễm vi khuẩn Streptococcus hoặc Staphylococcus nhóm A.
- Viêm môi do nấm Candida gây ra: có biểu hiện ban đỏ, phù môi gây đau, đôi khi có vết nứt, thường đi kèm nhiễm nấm Candida giả mạc hoặc viêm miệng mãn tính, viêm góc môi. Cách chẩn đoán được xác nhận bằng cách lấy mẫu bệnh phẩm để kiểm tra nấm.
- Viêm môi do ký sinh trùng Leishmania: xuất hiện sẩn hoặc mảng ban đỏ từ từ to ra gây loét môi.
5. Viêm môi ánh sáng
Viêm môi ánh sáng là tình trạng tăng sinh tế bào sừng không điển hình do tiếp xúc với ánh nắng trong thời gian dài. Bệnh hay gặp ở nam giới, những người thường xuyên làm việc ngoài trời (nên còn được gọi là bệnh môi thuỷ thủ, môi của nông dân), ưu thế ở người có da sáng màu. (3)
Biểu hiện đa dạng, thay đổi theo từng giai đoạn bệnh, hay gặp ở môi dưới – nơi có mật độ tiếp xúc UV cao, môi khô dai dẳng, bong vảy, nứt loét môi, viêm đau, vùng ranh giới giữa môi dưới và vùng da xung quanh xu hướng mất hoặc không rõ. Bệnh có thể tiến triển thành ung thư, khoảng 10-20% trường hợp trong vòng 20 năm.
6. Viêm môi do thuốc
Viêm môi do thuốc là nhiều loại thuốc cũng gây ảnh hưởng trên vùng môi và niêm mạc miệng gây khô đỏ, tróc vảy, nứt môi… thường gặp do thuốc retinoid đường toàn thân như: etretinate hay isotretinoin.
Các loại viêm môi hiếm gặp bao gồm
7. Viêm môi tróc vảy
Viêm môi tróc vảy là tình trạng môi bị viêm, bong vảy ở viền môi, không lan ra phía bên ngoài với nguyên nhân chưa xác định được. Biểu hiện của viêm môi tróc vảy bao gồm:
Viêm nhẹ: bong vảy nhẹ hay tái đi tái lại. Khi vảy bong khiến bề mặt môi đỏ, hơi rát hoặc đau nhẹ. Viêm môi bong vảy mạn tính thường gặp hơn do một số bệnh về da gây ra. Môi viêm đỏ vảy dày lên hết lớp này đến lớp khác làm thành những vảy to dày, nền ở dưới đỏ tươi, ẩm ướt. Nếu viêm môi kéo dài sẽ gây nứt nẻ môi, chảy máu. Một số trường hợp viêm môi còn kèm theo nứt kẽ mép làm ảnh hưởng đến việc ăn uống, nói cười của người bệnh. Lưu ý không liếm môi, bóc vảy trên môi để tránh gây chảy máu, nhiễm trùng.
8. Viêm môi tuyến
Viêm môi tuyến là tình trạng viêm mạn tính, hiếm gặp. Viêm môi tuyến đơn giản có các biểu hiện như: môi dưới dày lên vừa phải với các lỗ ống tuyến bị giãn do viêm, từ đó nước bọt nhầy sẽ được chảy ra. Đàn ông lớn tuổi thường bị ảnh hưởng nhất nhưng xảy ra ở người trẻ tuổi, hoặc nữ. Ở dạng mưng mủ nghiêm trọng hơn (viêm môi Volkmann), môi to ra kèm theo đau dễ dẫn đến nhiễm trùng sâu, gây áp xe.
9. Viêm môi u hạt
Viêm môi u hạt là tình trạng hiếm gặp gây sưng môi. Vết sưng có thể xuất hiện ở môi trên, môi dưới hoặc cả 2 môi, các nốt giống như cục u lớn hoặc hạch dưới da môi. Các khối u lành tính (không phải ung thư), vết sưng đôi khi lan ra má. Viêm môi hạt có thể vô căn (không có nguyên nhân), không lây nhiễm, thường không đau. (4)
Viêm môi có nguy hiểm không?
Viêm môi thường là bệnh lành tính, bệnh có thể tự khỏi nếu thay đổi một số thói quen sinh hoạt, làm việc. Tuy nhiên, người bệnh nên đến bác sĩ chuyên khoa da liễu khám để được chẩn đoán, có phương pháp điều trị tùy vào tình trạng bệnh.
Yếu tố rủi ro tăng khả năng mắc bệnh viêm môi
Yếu tố rủi ro tăng khả năng mắc bệnh viêm môi như:
- Người có màu da sáng hơn cũng có nhiều khả năng mắc bệnh hơn.
- Người sống ở vùng khí hậu đầy nắng hoặc làm việc ngoài nắng: người làm vườn, ngư dân hoặc vận động viên…
- Người có hệ miễn dịch yếu có nguy cơ mắc bệnh viêm môi cao hơn.
- Bệnh bạch tạng cũng có thể làm tăng nguy cơ viêm môi.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Ở giai đoạn đầu, viêm da môi có thể chỉ nứt nẻ. Nếu bạn nhận thấy một cái gì đó trên môi như có vảy, trông giống như bị bỏng hoặc chuyển sang màu trắng, có mụn nước, mụn mủ, môi sưng nề, đau rát, loét miệng, tổn thương lan ra ngoài viền môi… người bệnh nên đi khám bác sĩ để có phương pháp điều trị thích hợp.
Phương pháp chẩn đoán bệnh viêm môi
Bác sĩ chuyên khoa Da liễu – Thẩm mỹ Da thường có thể chẩn đoán viêm da môi chỉ bằng cách thăm khám, hỏi về tiền sử bệnh, một số trường hợp sẽ được chỉ định làm xét nghiệm phù hợp, đôi khi phải sinh thiết da (lấy một mảnh mô nhỏ từ phần da bệnh của môi để phân tích trong phòng thí nghiệm).
Cách chữa viêm môi hiệu quả
Có nhiều cách chữa viêm môi hiệu quả, tuy nhiên, bác sĩ sẽ dựa vào nguyên nhân gây bệnh, triệu chứng để có phương pháp điều trị phù hợp. Các phương pháp điều trị viêm môi bao gồm:
1. Không dùng thuốc
- Tránh các yếu tố nguyên nhân gây viêm, tránh tiếp xúc với các chất gây dị ứng, chất kích thích, các loại thực phẩm nhiều chất tạo màu tạo mùi… Nếu làm việc thường xuyên dưới ánh sáng mặt trời nên sử dụng các loại kem dưỡng ẩm cho môi, kem chống nắng, đeo khẩu trang, đội nón rộng vành.
- Thay đổi thói quen sinh hoạt, không liếm môi, cắn môi hay rửa môi quá nhiều làm bong tróc lớp niêm mạc môi. Uống nước bằng ống hút để bảo vệ môi trước các loại thức uống làm bong lớp bảo vệ môi gây tổn thương môi.
- Uống nước nhiều, tăng cường các loại thực phẩm giàu vitamin, rau xanh để có da môi khỏe đẹp, bảo vệ môi khỏi các kích thích xấu bên ngoài.
- Không hút thuốc lá, hạn chế uống nhiều rượu bia, tránh sử dụng các loại mỹ phẩm có thành phần làm mỏng da. Có biện pháp chống nắng khi dùng các loại thuốc ức chế miễn dịch, thuốc kháng viêm.
- Nếu viêm môi xảy ra thường xuyên với các triệu chứng viêm loét kéo dài, cần đưa người bệnh đến gặp bác sĩ da liễu để được điều trị kịp thời.
2. Dùng thuốc
- Dùng các kem dưỡng ẩm phù hợp trong các trường hợp khô môi, môi bong tróc. Các trường hợp viêm môi cấp tính sẽ lành lại sau vài ngày nếu tuân thủ dưỡng ẩm, tránh tiếp xúc với tác nhân gây kích thích.
- Điều trị corticoid tại chỗ, thuốc ức chế calcineurin, các thuốc kháng histamin để giải quyết triệu chứng ngứa rát, bong tróc môi.
- Nếu viêm môi do nấm nên sử dụng kem bôi trị nấm Miconazole hoặc Clotrimazole 2 lần/ngày, dùng trong 1 – 3 tuần; kéo dài hơn theo chỉ định của bác sĩ.
- Viêm môi do nhiễm khuẩn: sử dụng các kháng sinh bôi Mupirocin, Fucidin, trong trường hợp nặng phải dùng kháng sinh đường toàn thân.
- Nếu viêm môi nặng gây đau rát nên sử dụng các loại thuốc giảm đau đường uống như: Diclofenac, Paracetamol…
- Điều trị nguyên nhân ở người bệnh có các bệnh toàn thân như: lupus ban đỏ, bệnh Crohn, điều trị các rối loạn tâm lý, các bệnh liên quan tuyến nước bọt…
Biện pháp phòng ngừa viêm môi
Một số biện pháp phòng ngừa viêm môi bao gồm:
- Uống nhiều nước, bổ sung các loại thực phẩm giàu chất xơ.
- Dùng kem dưỡng ẩm hoặc son dưỡng ngăn môi nứt nẻ, chống tác hại của tia cực tím với môi. Thường xuyên dùng son dưỡng chống nắng, đeo khẩu trang, đội nón rộng vành để bảo vệ mặt, môi khi đi ngoài trời nắng.
- Hạn chế dùng nước súc miệng có hoạt tính sát khuẩn mạnh, đổi kem đánh răng, ưu tiên chọn loại không chứa flour.
- Không liếm môi vì dễ khiến môi khô hơn.
Các câu hỏi liên quan về tình trạng môi bị viêm sưng
Một số câu hỏi liên quan về tình trạng môi bị viêm sưng như:
1. Viêm môi có tự chữa tại nhà được không?
Nếu viêm môi nhẹ có thể dùng thuốc điều trị tại nhà. Tuy nhiên, mỗi loại viêm môi sẽ có những phương pháp điều trị khác nhau, do đó nên đến bác sĩ chuyên khoa Da liễu – Thẩm mỹ da khám sớm để có phương pháp điều trị phù hợp, tránh bị nhiễm trùng, tốn thời gian điều trị.
2. Viêm môi có lây không?
- Tùy vào loại viêm môi có thể lây hoặc không lây. Với viêm môi hạt không lây nhiễm, thường không đau.
- Viêm môi chàm có thể phát triển nếu bị chàm ở những nơi khác trên cơ thể hoặc nếu người bệnh có phản ứng dị ứng với thứ gì đó.
- Viêm môi nhiễm trùng do vi rút herpes simplex hoặc nhiễm trùng do vi khuẩn liên cầu nhóm A gây ra có thể lây lan.
3. Viêm môi nên kiêng gì, ăn gì?
Một số thực phẩm người bị viêm môi, đặc biệt người bị viêm môi chàm cần kiêng như:
- Môi bị chàm do hải sản hoặc thịt gà, bò cần kiêng ăn các thực phẩm này: nếu ăn hải sản, trường hợp nhẹ, người bệnh sẽ bị nổi mụn li ti, tấy đỏ da, gây ngứa ngáy, khó chịu. Một số trường hợp, bệnh nhân bị kích ứng nặng, vết chàm ở môi sẽ nhanh chóng lan rộng và có thể gây nhiễm trùng da.
- Hạn chế ăn trứng, thực phẩm lên men: với người bệnh có cơ thể quá nhạy cảm, sau khi ăn vào sẽ tăng nguy cơ bị ngứa, nổi mụn, khó chịu ở môi, có thể lan rộng ra toàn thân.
- Nên kiêng những thức ăn cay, nóng (ớt, tiêu): vì sẽ kích thích vùng da ở miệng nhanh chóng lở loét, viêm nhiễm nặng hơn.
- Với viêm môi chàm cần bổ sung cho cơ thể các chất dinh dưỡng thiết yếu, tăng cường sức đề kháng, ngăn triệu chứng phát triển từ các loại thực phẩm như:
- Nên ăn rau xanh, trái cây: các thực phẩm này chứa rất nhiều vitamin, giúp giảm tình trạng ngứa, khó chịu ở bề mặt da. Rau xanh giúp hỗ trợ làm dịu vết loét, hạn chế vết chàm lan rộng sang vùng da xung quanh.
- Bổ sung thực phẩm chứa kẽm: giúp làm lành các tổn thương trên vùng da môi, kích thích quá trình sản sinh các tế bào da, giúp vết thương nhanh chóng phục hồi. Một số loại thực phẩm chứa kẽm người bệnh nên ăn như: bột yến mạch, đậu Hà Lan, gạo lức, đậu phộng…
- Cung cấp thực phẩm giàu vitamin A, B, C, E: có tác dụng tốt trong việc thúc đẩy hệ thống miễn dịch của cơ thể, tăng cường các kháng thể nhanh chóng ức chế vùng viêm. Vitamin E giúp dưỡng ẩm da, làm mềm da môi. Một số loại thực phẩm chứa nhiều vitamin như: cà rốt, đu đủ, chanh, bưởi, cam…
4. Viêm môi chữa ở đâu tốt?
Nếu có những dấu hiệu bất thường liên quan đến viêm môi, người bệnh nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa Da liễu – Thẩm mỹ Da để khám là cách chữa trị tốt nhất, mau lành, tránh để lại sẹo.
Chuyên khoa Da liễu – Thẩm mỹ Da, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM quy tụ đội ngũ chuyên gia hàng đầu, bác sĩ giỏi chuyên môn, giàu kinh nghiệm trong điều trị các bệnh về da như: viêm môi, mụn trứng cá, vảy nến, chàm (viêm da cơ địa), mề đay, zona, lang ben, viêm da tiết bã, ghẻ, hắc lào, mụn thịt, nấm da đầu, bệnh lây qua đường tình dục, nhiễm ký sinh trùng…
Viêm môi gây ngứa, khó chịu, sưng đỏ, đau rát ảnh hưởng đến sức khỏe, sinh hoạt hàng ngày. Do đó, người bệnh nên đến bác sĩ chuyên khoa Da liễu – Thẩm mỹ Da khám khi môi có những triệu chứng bất thường để được điều trị kịp thời, tránh viêm môi lan rộng hoặc nhiễm trùng, để lại sẹo.