Trước yêu cầu hội nhập quốc tế sâu rộng cùng với xu thế chuyển đổi số, thành phố Vĩnh Yên đã và đang nâng cao chất lượng dịch vụ, góp phần tăng năng lực cạnh tranh, tạo sự khác biệt và đưa thành phố phát triển bền vững.
Trên địa bàn thành phố Vĩnh Yên hiện có 2 trung tâm thương mại, 4 chợ; gần 3.000 cửa hàng tiện ích, 700 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ; gần 8.000 hộ kinh doanh thương mại, khách sạn, nhà hàng, du lịch và các dịch vụ khác.
Các cơ sở sản xuất, kinh doanh (SXKD) hoạt động theo hướng văn minh, hiện đại; trên 80% các doanh nghiệp nắm vững kỹ năng kinh doanh trên mạng; 100% cơ sở SXKD ứng dụng và sử dụng phần mềm chuyên dụng trong hoạt động. Sự phát triển về quy mô, số lượng các ngành dịch vụ của thành phố đã đóng góp hơn 20% giá trị sản xuất ngành dịch vụ toàn tỉnh.
Thúc đẩy thương mại, dịch vụ phát triển, thành phố Vĩnh Yên đã tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng; xây dựng cơ chế thu hút đầu tư; tạo điều kiện phát triển các loại hình kinh doanh dịch vụ theo hướng văn minh, hiện đại.
Đầu tư xây dựng hệ thống chợ theo quy hoạch đã được duyệt; khảo sát về nhu cầu phát triển kinh doanh, những khó khăn trong quá trình kinh doanh, tâm tư, nguyện vọng của hơn 800 hộ đang kinh doanh tại chợ Vĩnh Yên từ đó đưa ra các giải pháp phù hợp; thường xuyên chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra, nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong kinh doanh, góp phần tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, ổn định thị trường.
10 tháng năm 2023, thành phố đã tổ chức 6 lớp tập huấn cho hơn 600 lượt người là các doanh nghiêp, hộ kinh doanh về ý tưởng kinh doanh để khởi sự doanh nghiệp; kiến thức pháp luật trong kinh doanh, văn minh thương mại, xúc tiến thương mại, thương mại điện tử, ứng dụng công nghệ số trong SXKD và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp…
Ban Chỉ đạo 389 thành phố Vĩnh Yên cũng đã ra quân kiểm tra 198 lượt vụ, phát hiện và xử lý 55 vụ vi phạm, xử phạt và thu nộp vào ngân sách Nhà nước 323 triệu đồng; giá trị hàng hóa bị tiêu hủy trên 149 triệu đồng.
Để trở thành thành phố có dịch vụ chất lượng cao, thành phố Vĩnh Yên kết hợp đa dạng, hài hòa giữa phát triển dịch vụ thương mại với phát triển du lịch, nhằm tạo điểm nhấn.
Hiện, trên địa bàn thành phố đã hình thành các quần thể du lịch dịch vụ nghỉ dưỡng, hội thảo… tại Khu sinh thái Sông Hồng Thủ Đô, khách sạn Dic Star, khách sạn Westlake, khách sạn Crowne, khách sạn Royal Huy… hay các điểm khai thác phục vụ dịch vụ du lịch như Văn Miếu, Công viên Quảng trường Hồ Chí Minh, Nhà hát tỉnh, Công viên 29/12…
Đặc biệt, thành phố đã triển khai tuyến phố đi bộ đường Hai Bà Trưng, phường Khai Quang, phố đi bộ An Bình, phường Hội Hợp và tuyến phố ẩm thực Trần Quốc Tuấn, ở phường Ngô Quyền với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, giao lưu dân vũ… vào tối thứ 7, chủ nhật hàng tuần; triển khai xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu theo Đề án của tỉnh với các mô hình phát triển du lịch dịch vụ, ẩm thực, thương mại, tiểu thủ công nghiệp.
Qua đó, không chỉ tạo không gian vui chơi, giải trí, nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân mà còn thu hút du khách, thúc đẩy phát triển dịch vụ thương mại, du lịch trên địa bàn.
Từ năm 2015 đến nay, ngành dịch vụ của thành phố Vĩnh Yên luôn có tốc độ tăng trưởng cao nhất so với các ngành khác, bình quân đạt 19,3%/năm, cao hơn 3,6% so với ngành công nghiệp, xây dựng và 18,5% so với ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản.
Năm 2022, mặc dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid – 19 nhưng giá trị sản xuất ngành dịch vụ vẫn đạt trên 10.400 tỷ đồng, tăng 9,8% so với năm 2021. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tỷ trọng ngành dịch vụ, công nghiệp – xây dựng chiếm 99,7%; ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 0,3%.
Hướng tới mục tiêu đưa thành phố Vĩnh Yên trở thành trung tâm thương mại lớn kết nối vùng núi Trung du và đồng bằng Bắc Bộ; hình thành chuỗi các hoạt động dịch vụ; tốc độ tăng trưởng dịch vụ đạt 10 – 12% giai đoạn 2025 – 2030, thành phố tiếp tục hoàn thành đầu tư mạng lưới chợ để sớm đưa vào khai thác.
Phát triển sản phẩm lưu niệm đặc trưng phục vụ du dịch; kết nối tuyến du lịch liên vùng Vĩnh Yên – Hà Nội – Thái Nguyên – Tuyên Quang – Phú Thọ; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh đầu tư, mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng dịch vụ. Các cơ sở kinh doanh thực hiện tốt văn minh thương mại, văn hóa đạo đức trong kinh doanh.
Mai Liên