Gần đây, một trào lưu xăm hình tiếng Việt được cộng đồng mạng quan tâm, nhất là giới trẻ. Những câu nói quen thuộc hằng ngày như: “Có làm thì mới có xong!”, “tay dính màu vẽ (đừng hỏi nữa)”, “tốt bụng”… trở nên đặc biệt hơn khi được khắc họa trên thân thể.
Câu nói mà T. thường nói với bà ngoại mỗi khi về nhà. Bây giờ thì không thể nữa vì bà đã ra đi mãi mãi bởi Covid-19
Trịnh Thanh
Kín lịch trong 2 tuần
Anh Nguyễn An (32 tuổi, ngụ Q.1, TP.HCM) là chủ tiệm xăm Tattonista đang gây sốt mạng xã hội với dự án “Xăm tiếng Việt đi”. Đến gặp anh trước giờ khách hẹn, tôi ấn tượng với cách bày trí của tiệm và những chia sẻ của người đam mê nghệ thuật xăm.
Trước đây, anh xăm tiếng Việt không nhiều. Dò từng nét chữ, anh có cảm giác mình kết nối với khách hàng bởi cùng là người Việt, xăm tiếng Việt thì gần gũi, dễ chia sẻ với nhau hơn.
“Trước giãn cách, một bạn là blogger về du lịch có tiếng đã đến tiệm và xăm dòng chữ khắc trên đá của thiền sư Thích Nhất Hạnh: “Sự sống chỉ có mặt trong giây phút hiện tại”. Tôi thấy hay và truyền cảm lắm nên rất muốn xăm tiếng Việt nhiều hơn”, người sáng lập dự án chia sẻ.
Anh An người sáng lập dự án với mong muốn khích lệ mọi người xăm tiếng Việt, phổ biến văn hoá xăm đến cộng đồng
Trịnh thanh
Hậu giãn cách, anh An bắt đầu thực hiện. Ban đầu, anh chỉ muốn kêu gọi mọi người là khách hàng và bạn bè quen xăm tiếng Việt với lời hứa giảm giá 50%. Sau khi đăng bài trên mạng xã hội, anh nhận được nhiều phản hồi tích cực và từ đó quyết định biến ý định thành dự án hẳn hoi.
“Tôi sẽ xăm tiếng Việt cho 100 người. Sau khi hoàn tất, tôi sẽ in thành một cuốn sách nhỏ để tặng lại những người đã tham gia dự án như một món quà tri ân. Ngày 19.10, sau 2 tuần mở đăng ký, tôi đã kín lịch cho số lượng trên và sẽ xăm đến giữa tháng 11 là xong”, anh An thông tin.
Anh An sẽ tư vấn cho khách hàng phông chữ, kích thước và vị trí hình xăm phù hợp với cơ thể mỗi người
Trịnh Thanh
Ban đầu, anh nghĩ rằng dự án sẽ kéo dài khoảng 3 tháng. Mỗi ngày, có 1-2 khách thôi. Nhưng sau khi thông tin dự án lan toả trên mạng xã hội, nó trở thành trào lưu được nhiều bạn trẻ hưởng ứng. Hiện tại, tiệm đã xăm cho hơn 20 khách hàng, cả nam lẫn nữ.
Chị Loan (23 tuổi) theo dõi anh An đã lâu. Khi đọc được chia sẻ của anh về dự án, chị quyết định đăng ký ngay dù chưa xăm bao giờ. Chị chia sẻ: “Lúc đầu, tôi dự định xăm hình khác nhưng thấy dự án xăm tiếng Việt này thấy ý nghĩa nên quyết định qua đây xăm. Tôi thấy chưa ai nghĩ đến dự án như vậy. Thay vì xăm một câu tiếng Anh nào đó, người ta nhìn vào chưa chắc hiểu nghĩa của nó thì mình xăm một câu tiếng Việt. Thứ nhất, tiếng Việt là tiếng của mình. Thứ hai là câu tiếng Việt đó có ý nghĩa hoặc khích lệ tinh thần họ”.
Mỗi lần xăm chữ, anh mất từ 30 phút đến 1 tiếng để hoàn thành
Trịnh Thanh
“Tôi sẽ xăm một tin nhắn của cô giáo gửi trong thời gian làm luận văn tốt nghiệp: “Dù có bị la hơi nhiều nhưng đừng nghĩ mình không giỏi”. Đây là lần đầu tiên xăm tôi đi xăm. Tôi không sợ định kiến, chỉ sợ gia đình thôi. Nhưng giờ xăm là nghệ thuật rồi, bình thường lắm”, chị Loan nói thêm.
Chữ càng nhỏ thì càng khó xăm
Trịnh Thanh
Những câu chuyện xúc động
Trong 100 người đăng ký, khoảng 70% là khách lạ, biết đến dự án thông qua mạng xã hội. Đa số khách đến tiệm đều chuẩn bị sẵn câu tiếng Việt có ý nghĩa với bản thân. Anh An sẽ tư vấn cho khách phông chữ, kích cỡ và vị trí hình xăm sao cho phù hợp với từng người. Với anh, từng câu từng chữ khắc lên da thịt đều đặc biệt. Mỗi người muốn thể hiện suy nghĩ của họ thông qua hình xăm, có cái sâu sắc, có cái lại hồn nhiên, dễ thương.
Mỗi khách hàng đến với dự án đều muốn lưu giữ lại những kỷ niệm, ký ức về người thân, về cuộc sống xung quanh để tạo động lực cho chính mình
NVCC
Đang trò chuyện với tôi, một khách hàng quen của anh đến. Anh N. M. T. (21 tuổi) đã từng xăm tại Tattonista trước đó. Vừa hay có dự án xăm tiếng Việt, anh đăng ký ngay vì trong đầu đã có ý định.
“Tôi xăm dòng chữ: “Thưa Ngoại con mới về”. Câu đó tôi nói từ nhỏ đến giờ, dù bà ngoại đang ngủ hay không có ở trước mặt. Giờ ngoại không còn nữa. Sắp hết phong toả, bà ngoại ra đi vì nhiễm Covid-19. Tôi sống với ngoại từ nhỏ. Ngoại như một người bạn của tôi. Tôi có làm việc thì cũng ráng lên ngồi coi ti vi với ngoại một chút nên sự ra đi này thật sự… Tôi xăm dòng đó lên người để cảm thấy ngoại luôn còn bên mình. Tôi không muốn gia đình biết. Không phải vì ngại, tôi chỉ sợ mọi người thấy sẽ suy nghĩ, sẽ buồn”, anh T. xúc động tâm sự.
Những câu nói thường ngày trở nên đặc biệt khi được khắc họa lên cơ thể
NVCC
Không chỉ có anh T., nhiều khách hàng trước đó cũng khiến anh An xúc động về ý nghĩa hình xăm. Anh kể có bạn nữ đến xăm câu: “con gai an com chua con” vì đây là lời nhắn cuối cùng của bố bạn ấy. Một nam khách hàng khác thì khắc lời nhắn của mẹ lên cánh tay để nhắc nhở bản thân vì mẹ không còn bên cạnh.
Việc dự án trở thành trào lưu khiến anh An vừa vui vừa lo lắng. “Cái gì trở thành trào lưu thì cũng có mặt trái. Sẽ có người nói rằng xăm tiếng Anh có gì sai, có gì xấu đâu. Ý nói họ xăm tiếng Anh là sính ngoại hay gì. Nhưng tôi không có ý như vậy. Tiếng Việt nó gần gũi hơn. Tôi muốn phổ biến văn hoá xăm nhiều hơn để mọi người có thể đón nhận nó với cái nhìn tích cực”, chủ tiệm xăm Tattonista bày tỏ.
Dự án được dân mạng hưởng ứng nhiệt tình khiến anh An bất ngờ
NVCC
Anh An cũng đang ấp ủ dự án vẽ 63 tỉnh thành Việt Nam theo phong cách lồng ghép chữ và danh lam thắng cảnh nổi tiếng của mỗi vùng miền. Anh muốn văn hoá xăm của Việt Nam trở nên chuyên nghiệp, sáng tạo và giàu tính nghệ thuật như các quốc gia khác.
Những kiểu chữ khác nhau được anh An tư vấn cho khách hàng
NVCC