Ung thư cổ tử cung là căn bệnh ác tính khá phổ biến và nguy hiểm ở nữ giới. Tuy nhiên, đây là một trong số những loại ung thư có thể chữa khỏi, nếu được chẩn đoán và điều trị sớm.
Mặc dù cũng tiến triển thầm lặng như các loại ung thư khác, nhưng bạn vẫn có thể nhận biết bệnh này nếu chú ý lắng nghe cơ thể mình. Trong bài viết dưới đây, chúng ta hãy cùng tìm hiểu về 7 dấu hiệu ung thư cổ tử cung nhé!
7 dấu hiệu ung thư cổ tử cung – Hãy nhận biết để chẩn đoán sớm!
7 dấu hiệu ung thư cổ tử cung là gì?
Ung thư cổ tử cung xảy ra khi tế bào biểu mô vảy, hoặc biểu mô tuyến tại đây bị đột biến, và bắt đầu phân chia không kiểm soát. Trong giai đoạn đầu, sự phát triển của tế bào ung thư chưa gây ra ảnh hưởng nào, nên các dấu hiệu ung thư cổ tử cung thường không rõ ràng.
Khi các khối u có kích thước lớn hơn, bắt đầu xâm lấn đến các cơ quan xung quanh, các dấu hiệu này sẽ dễ nhận biết hơn. Trong đó, 7 dấu hiệu mà bạn có thể nhận thấy là:
Âm đạo ra máu bất thường
Âm đạo ra máu là hiện tượng rất bình thường mỗi khi nữ giới đến chu kỳ kinh nguyệt. Tình trạng này xảy ra trung bình mỗi tháng 1 lần, và kéo dài trong khoảng 3 – 5 ngày, hoặc tối đa là 7 ngày.
Tuy nhiên, nếu nữ giới bị ra máu ở giữa các kỳ kinh, hoặc sau khi quan hệ tình dục,… thì rất có thể là dấu hiệu ung thư cổ tử cung. Tình trạng này cũng xuất hiện ở phụ nữ sau mãn kinh.
Chu kỳ kinh nguyệt bị rối loạn
Chu kỳ kinh nguyệt ở nữ giới thường lặp lại đều đặn trong khoảng 28 ngày. Ở một số người, chu kỳ này có thể là 21 ngày, hoặc kéo dài đến 35 ngày. Nếu bị ung thư cổ tử cung, nữ giới sẽ bị rối loạn kinh nguyệt với biểu hiện như: Chậm kinh, cường kinh, rong kinh, hay chu kỳ kinh kéo dài hơn bình thường,…
Rối loạn kinh nguyệt có thể là dấu hiệu ung thư cổ tử cung
Dịch âm đạo thay đổi
Bình thường, dịch âm đạo có màu trong suốt hoặc trắng, trơn hoặc hơi giống với lòng trắng trứng. Tuy nhiên, ung thư cổ tử cung có thể khiến dịch âm đạo bị đổi sang màu xám đục, trắng đục, hay ra mủ xanh, vàng, lẫn máu,… Bên cạnh đó, dịch tiết ra sẽ có mùi hôi bất thường, và có thể kèm theo nhầy.
Đau xương chậu và lưng dưới
Nếu vùng chậu và lưng dưới của bạn bị đau một cách bất thường, không phải do ngồi sai tư thế, chấn thương, hay các bệnh lý khác, thì có thể là dấu hiệu cảnh báo ung thư cổ tử cung.
Đau sau khi quan hệ tình dục
Nếu bạn bị đau nhiều và chảy máu bất thường sau khi quan hệ tình dục, thì cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo của ung thư cổ tử cung, đặc biệt là khi nó đi kèm với các triệu chứng kể trên.
Rối loạn tiểu tiện
Ung thư cổ tử cung cũng gây ra một số triệu chứng rối loạn tiểu tiện như: Tiểu gấp, tiểu nhiều lần trong ngày, hay cảm thấy khó chịu khi đi tiểu,… Bên cạnh đó, nước tiểu có thể có màu lạ và mùi bất thường, nhất là khi khối u gây ảnh hưởng nhiều đến bàng quang.
Thiếu máu và sụt cân bất thường
Tình trạng rối loạn kinh nguyệt, cường kinh, rong kinh, ra máu âm đạo,… dễ khiến nữ giới bị thiếu máu. Một số biểu hiện đặc trưng của thiếu máu là da xanh xao, lưỡi nhợt, mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt,…
Bên cạnh đó, người bệnh có thể bị sụt cân nhanh không rõ nguyên nhân, do các tế bào tiêu thụ nhiều chất dinh dưỡng của cơ thể hơn. Điều này cũng được bắt gặp trong một số bệnh ung thư khác như: ung thư dạ dày, ung thư phổi,…
Thiếu máu và sụt cân cũng là dấu hiệu ung thư cổ tử cung
Những dấu hiệu trên đây sẽ giúp bạn phần nào nhận biết được căn bệnh ung thư cổ tử cung. Tuy nhiên, để biết chính xác mình có mắc bệnh hay không, bạn nên đi khám sớm để được chẩn đoán chuyên sâu.
Chẩn đoán ung thư cổ tử cung bằng cách nào?
Trước hết, bạn được hỏi về các dấu hiệu ung thư cổ tử cung kể trên, để chẩn đoán sơ bộ. Sau đó, bác sĩ sẽ khai thác tiền sử nhiễm HPV, loạn sản cổ tử cung, mắc bệnh lây qua đường tình dục, hút thuốc lá, suy giảm miễn dịch,… và tiền sử gia đình.
Tiếp đến, các phương pháp được thực hiện để chẩn đoán chính xác hơn như:
- Khám phụ khoa để phát hiện các tổn thương thực thể như: Chồi, sùi, loét, polyp hoặc thâm nhiễm,…
- Khám âm đạo – trực tràng giúp đánh giá kích thước khối u và tình trạng xâm lấn âm đạo, khu vực lân cận, cũng như xác định giai đoạn phát triển.
- Soi cổ tử cung sử dụng máy phóng đại hình ảnh để quan sát các tổn thương. Phương pháp này thường kết hợp với chấm cổ tử cung bằng dung dịch acid acetic 5% và Lugol để phát hiện những thay đổi bất thường do ung thư.
- Xét nghiệm tế bào học PAP bằng cách lấy tế bào trên bề mặt cổ tử cung và âm đạo, sau đó soi dưới kính hiển vi để phát hiện những biến đổi.
- Xét nghiệm HPV giúp xác định sự hiện diện và chủng virus HPV. Hiện nay, y học đã xác định được 16 chủng HPV, trong đó có 14 chủng nguy cơ cao và 2 chủng nguy cơ thấp.
- Sinh thiết cổ tử cung được thực hiện khi có những tổn thương nghi ngờ hoặc kết quả xét nghiệm tế bào học có bất thường. Đây là tiêu chuẩn vàng trong chẩn đoán ung thư cổ tử cung.
- Các xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh bổ sung như: Xét nghiệm máu đánh giá mức độ tổn thương gan, thận, tủy xương; chụp X-quang và PET-CT nhằm xác định tình trạng di căn; chụp CT và MRI giúp xác định vị trí, kích thước và mức độ xâm lấn của khối u.
Sinh thiết cổ tử cung được coi là tiêu chuẩn vàng trong chẩn đoán ung thư
Hy vọng, bài viết trên đã cung cấp thêm những thông tin cần thiết cho quý độc giả về 7 dấu hiệu ung thư cổ tử cung, cũng như cách chẩn đoán căn bệnh này. Nếu có bất kỳ thắc mắc gì, xin quý độc giả vui lòng gọi điện đến số hotline miễn cước 1800.1044 để được giải đáp nhanh nhất. Cảm ơn quý độc giả!
XEM THÊM:
- Triệu chứng và cách chữa ung thư phổi giai đoạn đầu
- 3 việc mà bạn cần làm ngay hôm nay để phòng ngừa ung thư!