Khuyến cáo mới về quản lý cân nặng ở người bệnh tiểu đường

 

   Người bệnh tiểu đường luôn được các chuyên gia khuyến nghị phải quản lý cân nặng phù hợp, việc giảm cân rất hữu ích cho bệnh nhân tiểu đường tuýp 2. Trước kia, BMI từ lâu đã là thước đo được sử dụng để đánh giá nguy cơ liên quan đến bệnh tiểu đường type 2. Tuy nhiên, trong hướng dẫn mới nhất: Tiêu chuẩn chăm sóc bệnh tiểu đường, Hiệp hội Tiểu đường Hoa Kỳ (ADA) đã khuyến nghị sử dụng thêm các phép đo khác để đánh giá đầy đủ hơn về tình trạng béo phì ở mỗi cá nhân.

 

Béo phì là một yếu tố nguy cơ với bệnh tiểu đường.

Béo phì là một yếu tố nguy cơ với bệnh tiểu đường.

 

Hiệp hội Tiểu đường Hoa Kỳ khuyến nghị không nên chỉ sử dụng BMI để đánh giá cân nặng

Thừa cân, béo phì  là yếu tố nguy cơ hàng đầu của bệnh tiểu đường tuýp 2. Theo thống kê, gần 90% bệnh nhân tiểu đường tuýp 2 tại Mỹ bị thừa cân, béo phì. Nghiên cứu cho thấy, nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 của những người thừa cân cao hơn 2,4 lần những người có cân nặng bình thường. Với những người béo phì, con số này lên gấp 6 lần.

    Giảm cân sẽ giúp đẩy lùi bệnh tiểu đường và ngăn ngừa các biến chứng  sức khỏe lâu dài. Theo ADA, giảm hơn 10% trọng lượng cơ thể sẽ giúp bệnh nhân tiểu đường tuýp 2 có sức khỏe tốt hơn. Vì vậy, trước kia người ta vẫn sử dụng chỉ số khối cơ thể BMI để đánh giá nguy cơ liên quan đến bệnh tiểu đường. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia y tế cho rằng nếu chỉ sử dụng BMI sẽ không thể giúp đánh giá đầy đủ được tình trạng béo phì ở mỗi cá nhân vì nó không tính đến thành phần cơ thể như khối lượng cơ bắp, nơi tích trữ chất béo trên cơ thể,…

   Do đó, trong hướng dẫn mới nhất, ADA khuyến nghị các chuyên gia y tế sử dụng thêm các phép đo khác về việc phân bổ mỡ trong cơ thể như chu vi vòng eo, tỷ lệ eo – hông, tỷ lệ eo – chiều cao cùng với chỉ số BMI.

 

Các phép đo mới để bổ sung cho BMI ở người bệnh tiểu đường

Bên cạnh chỉ số khối cơ thể, ADA khuyến nghị sử dụng thêm các phép đo mới như sau:

Chu vi vòng eo

   Chu vi vòng eo là số đo vòng eo, giúp đo lượng mỡ quanh bụng. Đây là một đánh giá hữu ích vì chu vi vòng eo càng lớn chứng tỏ bệnh nhân đang tích tụ nhiều mỡ bụng, đây là một yếu tố nguy cơ cho bệnh tiểu đường tuýp 2.

   Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Hoa Kỳ, nam giới có chu vi vòng eo trên 40 inch (tương đương với 101,6 cm) và nữ giới có chu vi vòng eo lớn hơn 35 inch (tương đương 89cm) có nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến béo phì cao hơn.

Tỷ lệ eo – hông

   Đây là một cách khác để đánh giá tình trạng béo bụng (có thể là dấu hiệu dự báo bệnh đái tháo đường type 2). Số đo này được tính bằng cách đo cả vòng eo và vòng hông, sau đó chia số đo vòng eo cho số đo vòng hông.

   Tỷ lệ eo – hông lý tưởng ở nữ giới là nhỏ hơn 0,85 và nam giới phải nhỏ hơn 0,9.

 

Tỷ lệ eo - hông giúp đánh giá tình trạng béo bụng.

Tỷ lệ eo – hông giúp đánh giá tình trạng béo bụng.

 

Tỷ lệ vòng eo trên chiều cao

   Tỷ lệ vòng eo trên chiều cao được tính bằng cách chia chu vi vòng eo cho chiều cao của họ.

   Theo nghiên cứu, nam giới có tỷ lệ vòng eo trên chiều cao lớn hơn 0,53, nữ giới có tỷ lệ này từ 0,54 trở lên có nguy cơ liên quan đến béo phì và bệnh tật.

 

Các phương pháp giảm cân được ADA khuyến nghị

Một số phương pháp giảm cân được ADA khuyến nghị theo thứ tự là:

  • Dinh dưỡng, hoạt động thể chất và liệu pháp hành vi: Là các biện pháp thay đổi lối sống như xây dựng chế độ ăn lành mạnh, tập thể dục và thực hiện các hành vi khỏe mạnh giúp giảm cân.
  • Dược lý: Sử dụng thuốc để thúc đẩy giảm cân kết hợp với thay đổi lối sống. Thuốc được ưu tiên là các thuốc nhóm GLP-1 như ozempic (semaglutide) hoặc nhóm GIP như mounjaro (tirzepatide).
  • Sử dụng thiết bị y tế: Sử dụng các thiết bị thắt dạ dày. Hiện nay phương pháp này không còn được ưa chuộng do hiệu quả lâu dài hạn chế và tỷ lệ biến chứng cao.
  • Phẫu thuật: Phẫu thuật giảm cân được cân nhắc cho bệnh nhân có chỉ số BMI lớn hơn 30, với người châu Á thì chỉ số này là 27,5.

   Trên đây là một số thông tin về điểm mới trong khuyến cáo của Hiệp hội Tiểu đường Hoa Kỳ (ADA) về kiểm soát cân nặng. Những hướng dẫn của ADA này tập trung vào việc giảm cân và quản lý cân nặng vì nó có thể cải thiện sức khỏe của những người mắc bệnh béo phì và tiểu đường loại 2. Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết!

 

XEM THÊM:

  • 5 nước ép rau củ tốt cho người bệnh tiểu đường
  • Các bài tập tốt cho mắt người bệnh tiểu đường

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *