Bởi tâm lý ngại đi bệnh viện nên khi có vấn đề sức khỏe, một số người tự ý uống thuốc, truyền đạm tại nhà. Họ không biết rằng, hành động đó sẽ khiến họ phải đối mặt với nhiều hậu quả, trong đó có suy tim. Nếu không được cấp cứu kịp thời, tính mạng của họ sẽ bị đe dọa.
Tự truyền đạm tại nhà, người phụ nữ bị suy tim
Người phụ nữ bị suy tim khi tự truyền đạm tại nhà
Đó là câu chuyện của người phụ nữ 34 tuổi ở Hà Nội. Ngày 21/2 vừa qua, cô phải vào Bệnh viện Đa khoa Medlatec cấp cứu vì đau ngực trái kèm khó thở 10 ngày. Cơn đau liên tục và tăng lên khi vận động.
Cô chia sẻ hễ ốm đau hay mệt mỏi, cô lại truyền đạm ngay tại nhà. Bác sĩ Nguyễn Quang Minh, Trưởng khoa Khám bệnh cho biết, cô bị sốc phản vệ biến chứng suy tim. Kết quả chụp chiếu tim cho thấy, máu tới cơ tim giảm, tình trạng xơ hóa rải rác ở các vùng cơ tim. Tim giảm co bóp, chỉ số chức năng bơm máu chỉ còn 52%.
Bác sĩ Minh chia sẻ, thói quen tự ý truyền đạm tại nhà rất nguy hiểm, đôi khi phải trả giá bằng tính mạng. Thực tế, tiêm truyền các loại dịch, trong đó có đạm, vào cơ thể phải có chỉ định của bác sĩ. Trường hợp bắt buộc phải truyền, bác sĩ sẽ tính toán kỹ lưỡng lượng truyền bao nhiêu, thời gian chảy giọt truyền thích hợp.
Việc bệnh nhân tự ý truyền dịch như vậy vừa có nguy cơ thao tác sai cách, lại dễ quá liều, nguy cơ tai biến rất cao. Họ sẽ phải đối mặt với tình trạng phù chỗ tiêm, đau sưng nơi truyền dịch, viêm tĩnh mạch, dị ứng, khó thở, đau ngực, sốc phản vệ, tử vong.
Sốc phản vệ là tình trạng y khoa vô cùng nghiêm trọng, dễ gây tắc đường thở. Đặc biệt, nó còn khiến tim ngừng đập do huyết áp giảm, tim không nhận đủ oxy. Các chất trung gian được sinh ra trong quá trình sốc phản vệ còn làm tổn thương động mạch vành và cơ tim, đồng thời xảy ra nhiều hệ lụy cho tim mạch như sốc tim, loạn nhịp tim, suy tim, trụy tim, nhồi máu cơ tim.
Sốc phản vệ có thể khiến tim ngừng đập
Bệnh suy tim là gì?
Suy tim là một bệnh lý mãn tính, xảy ra do cơ tim không đủ khả năng bơm máu đáp ứng nhu cầu của cơ thể. Người bệnh thường cảm thấy khó thở, mệt mỏi vì cơ thể không được cung cấp đủ máu và oxy.
Ở giai đoạn đầu của suy tim, trái tim sẽ hoạt động bù trừ bằng cách:
- Giãn buồng tim: Cơ tim căng ra để co bóp mạnh hơn, duy trì nhu cầu bơm máu cho cơ thể. Theo thời gian, các buồng tim trở nên phình giãn ra.
- Các tế bào cơ tim phát triển mạnh hơn, làm tăng khối lượng để co bóp.
- Tần suất co bóp của tim tăng lên, giúp tăng lưu lượng tim.
Ngoài ra, cơ thể cũng cố gắng bù trừ bằng cách:
- Các mạch máu co lại để duy trì huyết áp tăng, bù đắp cho hoạt động quá sức của trái tim.
- Ưu tiên cung cấp máu cho các cơ quan quan trọng như tim, não.
Các hoạt động bù trừ sẽ che dấu triệu chứng suy tim nhưng nó không giải quyết nguyên nhân. Theo thời gian, bệnh vẫn tiến triển nặng dần lên. Đến khi hoạt động bù trừ không còn hiệu quả, người bệnh sẽ xuất hiện triệu chứng như khó thở, mệt mỏi.
Suy tim gây khó thở
Ngoài ra, suy tim còn gây một số biểu hiện khác bao gồm:
- Sưng phù: Suy tim gây tích nước trong cơ thể, làm sưng phù một số vùng như chân, bàn chân, mặt.
- Đau ngực: Tim không nhận đủ máu và oxy sẽ gây đau ngực. Người bệnh thường cảm nhận dấu hiệu này khi vận động hoặc thậm chí là lúc nghỉ ngơi.
- Tăng cân đột ngột: Do cơ thể bị tích nước, không liên quan đến việc ăn uống nhiều.
- Ho khan.
- Nhịp tim nhanh hoặc không ổn định.
- Buồn nôn hoặc mất vị giác.
Nguyên nhân gây suy tim
Các nguyên nhân gây suy tim gồm có:
- Bệnh mạch vành: Các vết nứt hoặc tắc nghẽn mạch vành làm giảm khả năng cung cấp máu và dẫn đến suy tim.
- Tăng huyết áp kéo dài: Tình trạng này gây căng thẳng cho tim, làm giảm khả năng bơm máu.
- Ảnh hưởng của các bệnh lý khác: Bệnh tiểu đường và bệnh thận dễ tạo áp lực lên tim, gây suy tim.
- Viêm màng cơ tim
- Sốc phản vệ do tự ý truyền đạm vào cơ thể.
Nguyên nhân gây suy tim rất đa dạng
Ngoài ra, suy tim còn một số yếu tố nguy cơ góp phần làm bệnh tiến triển nặng, chẳng hạn như:
- Rối loạn nhịp tim: Làm cho tim không đủ khả năng bơm máu hiệu quả.
- Tăng áp lực trong tim: Làm cản trở quá trình bơm máu của tim.
- Bệnh tăng áp phổi: Làm tim hoạt động mạnh hơn để đẩy máu vào phổi, dẫn đến tăng nguy cơ suy tim.
- Tác động của chất độc hại: Việc tiếp xúc lâu dài với các chất độc hại như thuốc lá hoặc bụi môi trường sẽ gây hại cho tim, tăng nguy cơ suy tim.
Các biện pháp điều trị bệnh suy tim
Thông thường, suy tim được điều trị nội khoa kết hợp với giải quyết nguyên nhân gây bệnh, cụ thể:
Điều trị nội khoa
Các thuốc thường dùng bao gồm:
- Thuốc ức chế men chuyển/ức chế thụ thể AT1: Đây là thuốc nền tảng điều trị suy tim, cải thiện được triệu chứng và tỉ lệ tử vong.
- Thuốc chẹn beta giao cảm: Tác dụng ức chế các phản ứng quá mức của hệ giao cảm, cải thiện được tỉ lệ tử vong và nguy cơ đột tử do các rối loạn nhịp, tăng khả năng gắng sức.
- Thuốc lợi tiểu kháng Aldosterone.
- Thuốc lợi tiểu quai thường dùng trong suy tim ứ huyết, cải thiện được triệu chứng suy tim.
- Nhóm thuốc kết hợp Valsartan/Sacubitril: Đây là thuốc kết hợp được phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây, hiệu quả đã được chứng minh vượt qua thuốc ức chế men chuyển/ức chế thụ thể đơn thuần trong điều trị suy tim.
Các biện pháp khác
Tùy tình trạng mỗi người bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định một số phương pháp khác như cấy máy CRT, cấy máy ICD hoặc ghép tim.
Đến đây, hy vọng các bạn đã biết vì sao không nên tự ý truyền đạm tại nhà, phòng tránh suy tim, nguy hiểm đến tính mạng. Nếu cơ thể có vấn đề, bạn nên đến bệnh viện để thăm khám và được điều trị phù hợp. Chúc các bạn sức khỏe!
XEM THÊM:
- 9 cách trị ngủ ngáy hiệu quả bạn nên thử
- Tác hại của thừa cân, béo phì đối với sức khỏe con người