Miền Bắc rét đậm, người bệnh viêm da cơ địa tăng đột biến

 

   Vào những ngày tiết trời lạnh giá, rất nhiều người có các triệu chứng trên da như ngứa, khô da và viêm da… đó là triệu chứng của bệnh viêm da cơ địa. Không ít người mất ngủ, mệt mỏi, ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống vì bệnh lý này.

 

Nhiều bệnh nhân bị viêm da cơ địa khi trời trở lạnh

Nhiều bệnh nhân bị viêm da cơ địa khi trời trở lạnh

 

Tổng quan về bệnh viêm da cơ địa

    Bệnh viêm da cơ địa (còn được gọi là  eczema, chàm dị ứng, chàm cơ địa, chàm thể tạng,…) là bệnh lý tổn thương da do viêm, thường gặp ở những người có cơ địa dị ứng. Bệnh có đặc trưng xuất hiện các mảng da viêm đỏ, bong vảy, hoặc  da  viêm đỏ rỉ dịch và ngứa dữ dội. Nếu càng gãi (để giảm ngứa) thì càng làm da bị chấn thương, trầy xước gây nhiễm trùng da.

   Bệnh không lây nhiễm khi tiếp xúc giữa người với người thông qua các thương tổn. Viêm da cơ địa được chia thành ba nhóm chính: Viêm da cơ địa do dị ứng, viêm da cơ địa do tiếp xúc và viêm da cơ địa tiết bã nhờn.

   Bệnh thường tiến triển thành từng đợt. Trong đợt cấp tính, người bệnh thấy một vùng da nổi mẩn đỏ và ngứa, nhiều bệnh nhân bị ngứa khủng khiếp vào ban đêm gây mất ngủ. Khi bệnh lui dần, vùng da sẽ chuyển sang màu nâu, xám, hoặc để lại các mảng dày da do chà xát nhiều.

   Nếu không được theo dõi và điều trị, bệnh sẽ kéo dài và dễ tái phát.

 

Vì sao viêm da cơ địa dễ tái phát khi trời lạnh?

   Vào mùa đông, rất nhiều người bệnh tái phát viêm da cơ địa. Do khi thời tiết trở lạnh, hanh khô làm gia tăng tình trạng mất nước trên da, trong khi cơ thể lại không được bổ sung nước kịp thời vì thời tiết lạnh thường ngại uống nước. Điều này gây ra tình trạng mất nước kéo dài trên da, da khô hơn nên dễ bị kích ứng với các dị nguyên bên ngoài, dễ bị tổn thương.

   Khi da mất dần độ ẩm, người bệnh thường có cảm giác ngứa, dẫn đến gãi làm da trầy xước và tổn thương nhiều lên. Đặc biệt có nhiều người vì sợ lạnh nên tắm bằng nước quá nóng, sử dụng các loại xà phòng có tính sát khuẩn cao, do đó càng làm tăng mức độ mất nước ở da, làm da ngứa hơn trước. Quá trình này thường đưa đến hậu quả là các đợt cấp của viêm da từ nhẹ đến nặng.

 

Tắm nước quá nóng vào mùa đông khiến da mất nước và ngứa hơn trước

Tắm nước quá nóng vào mùa đông khiến da mất nước và ngứa hơn trước

 

Phòng tránh viêm da cơ địa tái phát

   Để phòng tránh viêm da cơ địa tái phát, người bệnh nên:

  • Giữ vệ sinh da sạch sẽ, hạn chế gãi hoặc chà xát làm tổn thương bề mặt da để giảm tỷ lệ nhiễm khuẩn.
  • Luôn cấp ẩm, khóa ẩm cho da: Da trở nên khô hơn khiến da dễ bị ngứa và kích ứng hơn, làm tái phát các đợt cấp của viêm da cơ địa.
  • Lựa chọn các loại quần áo làm từ chất liệu mỏng, mềm mại, ít kích ứng.
  • Đảm bảo vệ sinh cho môi trường sống xung quanh: Môi trường trong lành, ít bụi bẩn và chất thải giúp giảm nguy cơ mắc bệnh viêm da cơ địa một cách có hiệu quả.
  • Giữ ấm cơ thể, không để gặp lạnh đột ngột: Bạn nên tránh để nhiệt độ trong phòng quá cao so với ngoài trời. Chú ý mặc đồ thật ấm, nhất là những khu vực dễ bị lạnh như lòng bàn tay, bàn chân, vùng cổ.
  • Chỉ nên sử dụng nước ấm để tắm rửa và vệ sinh cơ thể hằng ngày, không dùng nước quá nóng gây khô, bong tróc da.
  • Không ăn những loại thức ăn gây dị ứng đã biết rõ và hạn chế các loại thực phẩm dễ gây dị ứng như trứng, cá, sữa,..
  • Không sử dụng các loại mỹ phẩm hoặc hóa chất không rõ nguồn gốc xuất xứ và chất lượng.
  • Đến khám tại các cơ sở y tế có uy tín khi có các triệu chứng bất thường. Tuyệt đối không nên tự ý mua thuốc điều trị, nhất là việc tự ý bôi các thuốc kháng sinh và corticoid lên bề mặt da vì làm hạn chế việc điều trị chính thống sau này.

 

 Không tự ý bôi thuốc kháng sinh và corticoid lên bề mặt da

Không tự ý bôi thuốc kháng sinh và corticoid lên bề mặt da

 

   Trên đây là một số thông tin về bệnh viêm da cơ địa – căn bệnh dễ tái phát vào mùa lạnh. Khi mắc căn bệnh này, bạn nên đi thăm khám với bác sĩ chuyên khoa da liễu để xác định nguyên nhân và có biện pháp điều trị sớm, đúng cách, tránh để xảy ra biến chứng.

 

XEM THÊM:

  • Các mẹo chữa đau thần kinh tọa có thể bạn chưa biết!
  • Tìm hiểu về mổ tuyến giáp – Khi nào bệnh nhân cần phải mổ tuyến giáp?

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *