Chúng ta đều biết nicotin là chất có trong thuốc lá và có khả năng gây nghiện. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là bên cạnh khả năng gây nghiện, nicotin còn gây nhiều tác hại gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của người sử dụng. Vậy nicotin là gì? Nicotin gây ra những ảnh hưởng thế nào tới sức khỏe? Mời bạn theo dõi bài viết sau để có câu trả lời!
Nicotin là gì?
Nicotin là gì?
Nicotine là một alkaloid có trong các loại cây họ cà, có nhiều nhất trong cây thuốc lá, cây coca và và có số ít trong cà chua, cà tím, ớt chuông,… Nicotin có trong hầu hết các loại thuốc lá, kể cả thuốc lá truyền thống và các loại thuốc lá nung nóng, thuốc lá điện tử, xì gà,…
Khi vào cơ thể, nicotin liên kết với các thụ thể nicotinic – cholinergic. Các thụ thể này được tìm thấy ở nhiều nơi trong cơ thể như não, phần bên trong của tuyến thượng thận và các hạch,… Khi liên kết với các thụ thể, nicotin kích thích giải phóng các chất dẫn truyền thần kinh như dopamine, acetylcholine, beta-endorphin, norepinephrine, serotonin và ACTH,… trong cơ thể. Trong đó, một số chất dẫn truyền thần kinh như dopamine, serotonin và endorphin có tác dụng điều chỉnh tâm trạng, cảm xúc, tạo sự hưng phấn và giảm đau. Đó là nguyên nhân khiến nhiều người cảm thấy dễ chịu, thoải mái sau khi hút thuốc. Đây cũng là nguyên nhân khiến nicotin trở thành một chất gây nghiện khiến cho nhiều người đã sử dụng thì khó bỏ thuốc lá. Còn các chất dẫn truyền thần kinh khác như acetylcholine có tác dụng kiểm soát các phản ứng sinh lý như nhịp tim, huyết áp,… Do đó, nhiều người sau khi hút thuốc lại thấy nhịp tim tăng nhanh, huyết áp tăng cao hơn.
Ngoài là thành phần của thuốc lá, nicotin còn được tìm thấy trong thuốc trừ sâu. Tuy nhiên hiện nay, nhiều quốc gia đã cấm sử dụng chất này làm thuốc trừ sâu do ảnh hưởng nhiều đến môi trường, ví dụ như Hoa Kỳ và các nước thuộc Liên minh Châu Âu.
Các tác hại của nicotin trong sức khỏe
Không chỉ có khả năng gây nghiện, khiến người bệnh khó bỏ thuốc lá, nicotin còn có những tác hại sau với sức khỏe:
Ảnh hưởng đến hệ tim mạch
Nicotin kích thích giải phóng catecholamin cục bộ và toàn thân, dẫn đến tình trạng tăng nhịp tim, huyết áp và khả năng co bóp của tim khi sử dụng. Ngoài ra, nicotin làm giảm lưu lượng máu ở da và mạch vành, làm tăng lưu lượng máu đến cơ xương. Nếu sử dụng nicotin trong thời gian dài, bệnh nhân có nguy cơ mắc bệnh mạch vành do sự thiếu máu cục bộ cơ tim cấp tính.
Hơn nữa, nicotin làm thay đổi đặc điểm cấu trúc và chức năng của cơ trơn mạch máu và tế bào nội mô. Cụ thể, theo nghiên cứu, nicotin gây tăng tổng hợp DNA, tăng hoạt động phân bào, tăng sinh nội mô và tăng sự hình thành các mảng xơ vữa động mạch. Do đó, những bệnh nhân lạm dụng nicotin có nguy cơ bị xơ vữa động mạch rất cao, có thể dẫn đến suy tim khi tiến triển theo thời gian.
Nicotine có thể gây tăng nhịp tim và huyết áp.
Ảnh hưởng đến hệ hô hấp
Nicotin ảnh hưởng đến hệ hô hấp theo 2 cơ chế như sau:
- Cơ chế thứ 1: Phổi tiếp xúc trực tiếp với nicotin thông qua việc hút thuốc hoặc hít nicotine. Nicotine làm giảm sự đàn hồi trong nhu mô phổi và làm tăng thể tích phế nang, từ đó làm tăng nguy cơ phát triển bệnh khí phế thũng, COPD,..
- Cơ chế thứ 2: Thông qua cơ chế của hệ thần kinh trung ương. Cụ thể, nicotin kích thích phản xạ phế vị và hạch phó giao cảm, từ đó gây co thắt phế quản và khiến bệnh nhân cảm thấy khó thở.
Ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa
Việc sử dụng nicotin làm tăng nguy cơ mắc bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD) và bệnh viêm loét dạ dày. Nguyên nhân do chất này làm tăng acid dạ dày, bài tiết pepsinogen và kích thích lên vasopressin. Ngoài ra, nicotin cũng gây giãn cơ trơn gây giảm trương lực của đại tràng và nhu động dạ dày, đây cũng là nguyên nhân làm tăng nguy cơ mắc bệnh trào ngược dạ dày thực quản.
Ảnh hưởng đến hệ miễn dịch
Nicotin cũng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ miễn dịch. Theo đó, nó làm suy yếu sự dẫn truyền tín hiệu thông qua kháng nguyên và thụ thể trong hệ bạch huyết, từ đó dẫn đến giảm các đáp ứng miễn dịch. Ngoài ra, dưới ảnh hưởng của nicotin, sự di chuyển của nguyên bào sợi và các tế bào viêm đến những vị trí viêm bị giảm, Ngoài ra, sự kết dính của các tế bào cũng bị giảm bớt. Do đó, vết thương của những người tiếp xúc nhiều với nicotin có xu hướng chậm lành hơn, làm tăng nguy cơ nhiễm trùng.
Ảnh hưởng đến thận
Nguy cơ mắc các bệnh thận mãn tính ở người hút thuốc là rất cao. Nguyên nhân do do tác động của nicotin thông qua cảm ứng đồng vị COX-2. Các đồng phân COX-2 gây ra tình trạng viêm cầu thận gia tăng, viêm cầu thận cấp tính và tắc nghẽn niệu quản. Từ đó gây ra giảm độ lọc cầu thận, tăng hẹp động mạch thận và làm tăng tỷ lệ tử vong ở người mắc bệnh thận giai đoạn cuối. Ngoài ra, tình trạng tăng huyết áp khi sử dụng nicotin cũng khiến chức năng của thận bị ảnh hưởng rất nhiều.
Ảnh hưởng đến chức năng sinh sản
Ở nam giới, nicotin gây suy giảm tổng hợp oxit nitric – một hoạt chất quan trọng trong quá trình cương dương của nam giới. Điều này có thể làm mất khả năng cương cứng của dương vật, gây rối loạn cương dương. Ngoài ra, nhiều nghiên cứu cho thấy nicotin có khả năng gây thoái hóa ống sinh tinh, làm ảnh hưởng đến quá trình sinh tinh của nam giới ở mức độ tế bào, từ đó làm tăng nguy cơ vô sinh ở nam giới.
Nicotine trong thuốc lá gây suy giảm sinh lý nam.
Ở nữ giới, nicotin ức chế enzym 21 hydroxylase, từ đó gây giảm hormone estrogen ở nữ giới. Điều này khiến nữ giới phải đối mặt với nguy cơ không rụng trứng và ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt của nữ giới. Hơn nữa, nicotin ảnh hưởng đến buồng trứng ở nữ giới và làm thay đổi sản xuất các tế bào trứng. Các tế bào trứng dưới ảnh hưởng của nicotin không có dạng hình cầu, bề mặt thô ráp và vùng màng trong suốt bị rách. Ngoài ra, nicotin làm giảm lưu lượng máu đến ống dẫn trứng, làm giảm hiệu quả của quá trình thụ tinh.
Làm tăng nguy cơ ung thư
Theo nghiên cứu, nicotin có khả năng làm tăng nguy cơ các loại ung thư sau:
- Ung thư phổi: Nghiên cứu cho thấy nicotin có thể làm tăng nguy cơ ung thư phổi có liên quan đến biến thể biến thể di truyền của CYP2B6.
- Ung thư đường ruột: Nicotine ảnh hưởng đến gen periostin, ức chế α-7-nAChR và e-cadherin, điều này giải thích cơ chế phát triển, xâm lấn và di căn của ung thư dạ dày. Nicotine tác động tiêu cực đến sinh học khối u bằng cách thúc đẩy sự hình thành mạch, xâm lấn khối u và tăng nguy cơ di căn.
- Ung thư tuyến tụy: Nghiên cứu đã cho thấy nicotin có khả năng gây ung thư tuyến tụy do kích thích các chất dẫn truyền thần kinh gây căng thẳng.
- Ung thư vú: Qua trung gian α9-nAChR, nicotin khiến cyclin D3 biểu hiện quá mức, gây biến đổi các tế bào biểu mô vú bình thường và gây ung thư vú.
Chắc hẳn qua bài viết này, bạn đọc đã nắm được nicotin là gì và tác hại của nicotin với sức khỏe con người. Không chỉ là chất gây nghiện, nicotin còn gây ảnh hưởng đến hầu hết các hệ cơ quan trong cơ thể. Vì vậy, để bảo vệ sức khỏe cho chính bản thân mình, những người thân trong gia đình và những người xung quanh, hãy nói không với thuốc lá. Nếu có điều gì còn thắc mắc, mời bạn gọi đến tổng đài 1800.1044 để được tư vấn. Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết!
XEM THÊM:
- Hút thuốc lá làm gia tăng bệnh tim mạch
- Người cai thuốc lá nên ăn uống như thế nào?