Hiện nay, y học thế giới đã phát hiện ra hơn 100 loại ung thư khác nhau và ung thư gan luôn nằm trong top đầu về mức độ phổ biến và nguy hiểm. Tại Việt Nam, ung thư gan là loại ung thư thường gặp nhất, với tỷ lệ là 14,5%. Hơn thế, nhiều người bệnh khi được phát hiện ra thì đã ở giai đoạn cuối, khiến cơ hội sống bị rút ngắn. Trong bài viết dưới đây, chúng ta hãy cùng tìm hiểu câu trả lời cho vấn đề: “ung thư gan giai đoạn cuối còn sống được bao lâu?” nhé!
Ung thư gan giai đoạn cuối còn sống được bao lâu?
Ung thư gan giai đoạn cuối sống được bao lâu?
Ung thư gan là tình trạng tổn thương và suy giảm chức năng gan do sự xuất hiện của một hoặc nhiều khối u ác tính. Những khối u này có thể được tạo thành từ các tế bào gan đột biến (ung thư nguyên phát), hoặc di căn từ một cơ quan khác (ung thư thứ phát). Trong đó, 90% các trường hợp là ung thư biểu mô tế bào gan nguyên phát.
Cho dù là nguyên phát hay thứ phát thì ung thư gan cũng đều được đánh giá là rất nguy hiểm. Ung thư gan phát triển qua 4 giai đoạn với số lượng, kích thước khối u, và mức độ xâm lấn tăng dần.
Ung thư gan có tốc độ phát triển rất nhanh. Ở giai đoạn đầu, gan chỉ có một khối u đơn lẻ, chưa xác định được kích thước cụ thể, chưa có khả năng xâm lấn. Tuy nhiên, chỉ trong khoảng 6 – 9 tháng, bệnh có thể tiến triển lên giai đoạn 2.
Lúc này, kích thước khối u tăng gấp đôi và xâm lấn đến các mạch máu. Theo đó, cơ hội sống sau 5 năm của người bệnh cũng giảm từ 31% xuống còn 19%. Sau khoảng 6 – 9 tháng tiếp theo, ung thư gan bước vào giai đoạn 3 và có thể nhanh chóng chuyển sang giai đoạn cuối.
Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, tỷ lệ sống sau 5 năm trung bình với ung thư gan đã di căn đến các hạch bạch huyết hoặc các mô lân cận khác là 11% (giai đoạn 3). Khi ung thư đã di căn đến phổi, xương hoặc các cơ quan khác, tỷ lệ sống sót sau 5 năm là 2% (giai đoạn 4).
Các chuyên gia cũng cho biết, nếu người bệnh ung thư gan được phát hiện ở giai đoạn giữa và cuối, thì thường sẽ có nguy cơ tử vong trong vòng nửa năm hoặc một năm.
Trong một nghiên cứu nhỏ về ung thư biểu mô tế bào gan di căn, những người bệnh đã bị di căn đến các hạch bạch huyết hoặc các cơ quan ở xa có thời gian sống trung bình là 4 – 11 tháng. Khoảng thời gian này sẽ tùy thuộc vào thể trạng, cũng như đáp ứng của người bệnh với việc điều trị.
Ung thư gan giai đoạn cuối có thể gây tử vong trong vòng nửa năm đến 1 năm
Điều trị ung thư gan giai đoạn cuối bằng cách nào?
Điều trị ung thư gan là điều trị kết hợp nhiều phương pháp khác nhau thay vì một phương thức đơn lẻ. Mục tiêu của việc điều trị là tập trung giảm nhẹ các triệu chứng, hạn chế di căn và kéo dài thời gian sống cho người bệnh.
Các phương pháp điều trị ung thư gan giai đoạn cuối có thể kể đến như:
Điều trị bằng thuốc
- Sorafenib có tác dụng ngăn chặn sự tăng sinh mạch máu giúp nuôi dưỡng tế bào ung thư, đồng thời trực tiếp ức chế sự phát triển của tế bào ung thư.
- Lenvatinib hoạt động bằng cách nhận biết và gắn vào một số loại tế bào ung thư, từ đó ngăn chặn các tế bào này phát triển.
- Regorafenib, Cabozantinib có tác dụng ngăn chặn sự tăng sinh mạch máu giúp nuôi tế bào ung thư và ức chế sự hình thành một số protein giúp tế bào khối u phát triển.
- Các loại thuốc giảm đau, điều trị suy nhược cơ thể và giảm triệu chứng khác.
Hóa trị
Người bệnh sẽ được dùng thuốc hóa chất bằng đường uống hoặc tiêm truyền để tiêu diệt các tế bào ung thư. Thuốc có thể tiêm truyền theo đường tĩnh mạch hoặc truyền qua động mạch gan.
Xạ trị
Xạ trị ung thư gan được thực hiện bằng cách sử dụng tia X cường độ cao để phá hủy các tế bào ác tính và làm nhỏ khối u. Phương pháp này thường được áp dụng trước phẫu thuật hoặc các kỹ thuật điều trị khác để tăng hiệu quả điều trị.
Chăm sóc người bệnh ung thư gan giai đoạn cuối
Người bệnh ung thư gan giai đoạn cuối rất cần đến sự chăm sóc đặc biệt của người thân để đảm bảo dinh dưỡng và động viên về mặt tinh thần, theo đó:
Chế độ dinh dưỡng
- Cung cấp đủ 1,2g protein/ kg trọng lượng mỗi ngày, ưu tiên các loại protein thực vật để hạn chế hấp thu chất béo và cholesterol từ động vật. Một số rau củ có protein cao là: súp lơ xanh, đậu lăng, măng tây, đậu hà lan, củ cải trắng, đậu bắp, nấm.
- Sử dụng các thực phẩm giàu acid amin: ngũ cốc, các loại đậu, hạt, tảo biển, sữa, trứng, cá,…
- Tăng cường bổ sung vitamin và khoáng chất thiết yếu như: A, B, C và E. Các dưỡng chất này có nhiều trong trái cây, cà rốt, khoai tây, các loại hạt.
- Bổ sung magie và tryptophan giúp cải thiện tình trạng mất ngủ, giảm sợ hãi và trầm cảm ở người bệnh ung thư gan giai đoạn cuối. Magie có trong gạo lứt, lúa mì, vừng, hẹ, rong biển. Tryptophan có trong thịt gà, sữa, thịt bò, chuối tiêu,…
Những thực phẩm mà người bệnh ung thư gan nên tránh là: mỡ động vật, thực phẩm có cholesterol cao, nội tạng động vật, lòng đỏ trứng, đồ ăn nhanh, đồ ăn có hàm lượng muối cao, các chất kích thích (rượu, bia, thuốc lá,…).
Người bệnh ung thư gan nên bổ sung protein từ thực vật
Tập thể dục
Người bệnh ung thư gan giai đoạn cuối vẫn được khuyến khích tập thể dục để nâng cao thể trạng. Tuy nhiên, việc tập luyện cần phù hợp với điều kiện sức khỏe.
Chăm sóc về mặt tinh thần
Ở giai đoạn cuối cùng của cuộc đời, người bệnh thường có thể cảm thấy cô đơn tuyệt vọng. Do đó, người thân cần phải thường xuyên ở bên cạnh để động viên và khích lệ họ về mặt tinh thần, không để họ cảm thấy đơn độc.
Hy vọng, bài viết trên đã cung cấp thêm những thông tin cần thiết cho quý độc giả để trả lời được câu hỏi: “Ung thư gan giai đoạn cuối còn sống được bao lâu?”. Nếu cần được hỗ trợ về các vấn đề sức khỏe, xin quý độc giả vui lòng gọi điện đến số hotline miễn cước 1800.1044 để được giải đáp nhanh nhất. Cảm ơn quý độc giả đã theo dõi bài viết!
XEM THÊM:
- Ung thư xương – phân loại, triệu chứng và cách điều trị
- Có 3 dấu hiệu lạ này ở cổ, hãy coi chừng ung thư tuyến giáp