Viêm bàng quang là một trong những bệnh lý đường tiết niệu được bắt gặp ở cả hai giới. Trong đó, nữ giới có tỷ lệ mắc cao hơn so với nam giới. Căn bệnh này không chỉ khiến người bệnh khó chịu, mà còn có những biến chứng nguy hiểm. Trong bài viết dưới đây, chúng ta hãy cùng tìm hiểu chi tiết hơn về căn bệnh này nhé!
Viêm bàng quang: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng ngừa
Nguyên nhân gây viêm bàng quang là gì?
Viêm bàng quang là một dạng nhiễm trùng đường tiết niệu dưới cấp tính do vi khuẩn trong bàng quang gây ra. Bệnh lý này chiếm khoảng 50% trên tổng số các trường hợp mắc nhiễm trùng đường tiết niệu.
Nguyên nhân gây viêm bàng quang được ghi nhận nhiều nhất là vi khuẩn Escherichia coli (E. coli). Bên cạnh đó, trong một số trường hợp khác, các loại vi khuẩn được tìm thấy là: Chlamydia, Mycoplasma, Proteus, Klebsiella pneumoniae, Enterococcus faecalis, tụ cầu vàng hoặc trực khuẩn mủ xanh.
Ngoài vi khuẩn, một số nguyên nhân khác cũng có thể gây viêm bàng quang là: Khiếm khuyết ở niêm mạc biểu mô bàng quang (viêm bàng quang kẽ), sử dụng thuốc, xạ trị, đặt ống thông tiểu, do hóa chất, biến chứng của các bệnh lý khác.
Những đối tượng nào có nguy cơ mắc viêm bàng quang?
Bất kỳ ai cũng có thể trở thành mục tiêu của bệnh viêm bàng quang. Trong đó, những đối tượng dễ mắc phải bệnh lý này có thể kể đến như:
Phụ nữ
Nữ giới dễ mắc viêm bàng quang hơn so với nam giới. Điều này là do đường niệu đạo của nữ ngắn hơn, khiến vi khuẩn đi từ niệu đạo vào bàng quang dễ dàng hơn. Đồng thời, niệu đạo nữ giới gần với âm đạo và hậu môn nên có thể bị nhiễm khuẩn dễ hơn, nếu có thói quen vệ sinh lau từ sau ra trước.
Người có tuổi
Người có tuổi thường dễ mắc viêm bàng quang hơn so với người trẻ tuổi. Điều này có thể là do sức khỏe suy yếu, chức năng các cơ quan suy giảm hay giữ vệ sinh không tốt.
Người có tuổi dễ mắc viêm bàng quang hơn
Những người bị suy giảm miễn dịch
Chức năng của hệ miễn dịch suy giảm khiến tất cả các cơ quan trong cơ thể đều dễ bị vi khuẩn tấn công, trong đó có cả bàng quang. Những đối tượng có hệ miễn dịch yếu có thể kể đến là: Trẻ em và người già, người mắc bệnh tiểu đường, HIV, dùng thuốc ức chế miễn dịch,…
Người có bất thường trong đường tiết niệu
Viêm bàng quang dễ phát triển ở những người có những vấn đề tại đường tiết niệu như: Phì đại tuyến tiền liệt, bệnh bàng quang thần kinh, hẹp niệu đạo, sỏi tiết niệu, đặt ống thông tiểu, nội soi bàng quang,…
Do các thói quen xấu
Một số thói quen xấu như: Lười uống nước, nhịn tiểu, quan hệ tình dục không an toàn, không giữ vệ sinh,… cũng làm tăng nguy cơ mắc viêm bàng quang.
Triệu chứng viêm bàng quang
Các triệu chứng của viêm bàng quang khá dễ nhận biết, bao gồm:
- Tiểu ra máu, nước tiểu đục hoặc có mùi hôi.
- Số lần đi tiểu trong ngày nhiều hơn, nhưng mỗi lần chỉ tiểu ra một ít.
- Đau hoặc có cảm giác nóng rát khi đi tiểu.
- Luôn có cảm giác phải đi tiểu gấp, không thể nhịn quá vài phút.
- Đau ở phần bụng dưới, đau lưng ở hai bên hoặc đau ở giữa lưng.
- Tè dầm vào ban ngày ở trẻ em.
- Sốt nhẹ, ớn lạnh, mệt mỏi hơn bình thường.
Buồn tiểu gấp là triệu chứng viêm bàng quang
Viêm bàng quang có nguy hiểm không?
Viêm bàng quang không chỉ khiến người bệnh cảm thấy khó chịu, ảnh hưởng đến sinh hoạt, mà còn có thể dẫn đến nhiều biến chứng nếu không điều trị kịp thời. Những biến chứng này là:
- Nhiễm trùng thận, suy thận: Nguyên nhân là do vi khuẩn từ bàng quang đi ngược lên trên thận. Nếu để lâu, một hoặc cả hai thận sẽ bị suy giảm chức năng, dẫn đến suy thận mãn tính.
- Thiếu máu: Do tiểu ra máu kéo dài, khiến cơ thể bị mất máu.
- Tăng nguy cơ vô sinh nam: Viêm nhiễm ở bàng quang có thể lan sang các cơ quan như: tuyến tiền liệt, tinh hoàn, mào tinh, ống dẫn tinh, từ đó làm giảm khả năng sinh sản, tăng nguy cơ vô sinh.
- Nhiễm trùng ối, nhiễm trùng bào thai, làm tăng nguy cơ vỡ ối sớm, sinh non,… ở phụ nữ có thai.
- Nhiễm trùng máu, sốc nhiễm khuẩn.
- Bàng quang tăng hoạt do ảnh hưởng đến thành bàng quang và các dây thần kinh.
Điều trị viêm bàng quang bằng cách nào?
Dựa theo mỗi nguyên nhân gây viêm bàng quang mà người bệnh sẽ được điều trị bằng một cách khác nhau. Cụ thể:
Điều trị viêm bàng quang do vi khuẩn
Trong trường hợp này, người bệnh sẽ được dùng thuốc kháng sinh để điều trị nhiễm khuẩn. Với những người mắc bệnh lần đầu, kháng sinh được chỉ định trong khoảng 7 – 10 ngày. Với người bị tái phát nhiều lần, thời gian sử dụng sẽ kéo dài hơn, tùy thuộc vào mức độ nhiễm khuẩn.
Các loại thuốc kháng sinh được sử dụng có thể kể đến như: Trimethoprim kết hợp Sulfamethoxazole; Amoxicillin; Cephalexin; Ciprofloxacin; Norfloxacin,… Người bệnh có thể được chỉ định thêm các thuốc sát khuẩn như: Nitrofurantoin,…
Điều trị viêm bàng quang do nguyên nhân khác
- Viêm bàng quang do xạ trị: Người bệnh cần sử dụng thuốc để giảm triệu chứng, kết hợp với uống nhiều nước để loại bỏ các chất gây ảnh hưởng đến bàng quang.
- Viêm bàng quang do biến chứng của bệnh khác: Người bệnh cần sử dụng thuốc đặc trị để điều trị dứt điểm bệnh nền, tăng sức đề kháng.
- Viêm bàng quang do hóa chất: Người bệnh cần tránh tiếp xúc với những hóa chất độc hại.
Người bệnh viêm bàng quang do vi khuẩn sẽ cần dùng thuốc kháng sinh
Phòng ngừa bệnh viêm bàng quang
Bạn có thể phòng ngừa bệnh viêm bàng quang bằng các biện pháp sau đây:
- Uống đủ từ 1,5 – 2 lít nước mỗi ngày.
- Đi tiểu ngay khi buồn tiểu, không nên nhịn tiểu.
- Giữ vệ sinh bộ phận sinh dục, đường tiết niệu.
- Hạn chế ngâm mình trong bồn tắm hay tắm dưới ao hồ, sông suối.
- Sử dụng đồ lót rộng rãi, làm từ chất liệu thoáng mát.
- Điều trị tận gốc sỏi tiết niệu, viêm đường tiết niệu, bệnh ở tuyến tiền liệt.
- Tập thể dục đều đặn mỗi ngày.
- Ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng để tăng sức đề kháng, sức khỏe chung.
- Không uống rượu bia hay sử dụng chất kích thích.
Hy vọng, bài viết trên đây đã giúp bạn có thêm nhiều thông tin hữu ích về bệnh viêm bàng quang như triệu chứng nhận biết, cách điều trị và phòng ngừa. Nếu cần được tư vấn về các vấn đề sức khỏe, bạn hãy liên hệ tới hotline 1800.1044. Cảm ơn bạn đã dành thời gian theo dõi!
XEM THÊM:
- Trào ngược dạ dày thực quản có nguy hiểm không? Điều trị bằng cách nào?
- Thận đa nang là bệnh gì? Triệu chứng và cách điều trị