Vai trò của thuốc chống thải ghép trong 1 số phương pháp điều trị ung thư

 

     Trong điều trị ung thư, sẽ có những phương pháp như ghép tạng hoặc cấy ghép tế bào gốc mà sau khi thực hiện, người bệnh cần dùng đến thuốc chống thải ghép.

     Ở bài viết này, chúng tôi sẽ giúp bạn biết được tầm quan trọng của loại thuốc này với người bệnh ung thư khi thực hiện các phương pháp điều trị nêu trên. Cùng tìm hiểu ngay nhé!

 

Thuốc chống thải ghép là gì?

Thuốc chống thải ghép là gì?

 

Thuốc chống thải ghép là gì?

    Thải ghép (hay từ chối cấy ghép) là hiện tượng xảy ra khi mô cấy ghép bị hệ thống miễn dịch ở người từ chối, từ đó gây tình trạng phá hủy các mô được cấy ghép vào cơ thể. Để chống lại điều này, sau khi ghép tạng, bác sĩ sẽ cho bệnh nhân sử dụng các thuốc chống thải ghép (bản chất là thuốc ức chế miễn dịch). Ngày nay, ngoài phương pháp ghép tạng thì cấy tế bào gốc cũng là kỹ thuật y khoa mà bệnh nhân cần sử dụng thuốc chống thải ghép.

Dựa vào cơ chế thải ghép, thuốc chống thải ghép (bản chất là thuốc ức chế miễn dịch) được phân loại như sau:

  • Thuốc ức chế miễn dịch lớp 1: Cyclosporine (sandimmun, neoral), Tacrolimus (FK506, prograf), Advagraf và thuốc nhóm glucocorticoid (methylprednisolon dung dịch truyền tĩnh mạch và viên uống).
  • Thuốc ức chế miễn dịch lớp 2 bao gồm: Basiliximab (simulect), daclizumab (zenapax), Sirolimus hay rapamycin.
  • Thuốc ức chế miễn dịch lớp 3: Azathioprin và mycophenolati mofetil.

 

Vai trò của thuốc chống thải ghép với người ghép tạng trong điều trị ung thư

    Ghép tạng là phao cứu sinh của người bệnh ung thư, đây là phương pháp lấy tạng phù hợp từ bệnh nhân chết não hoặc người còn sống để thay thế một phần hay toàn bộ tạng bệnh lý.

Mô ghép có thể là:

  • Các phần hoặc các đoạn của một cơ quan (như cấy ghép thùy gan hoặc thùy phổi và ghép da)
  • Toàn bộ các cơ quan (như cấy ghép tim, cấy ghép thận, cấy ghép tử cung).

    Tất cả những người nhận ghép tạng cùng loài đều có nguy cơ bị thải vật ghép. Đó là bởi sau khi ghép tạng, hệ thống miễn dịch của người sẽ nhanh chóng nhận ra mảnh tạng mới được ghép là “vật thể lạ” và tìm cách để phá hủy chúng.

   Ngoài ra, những người nhận mảnh ghép có chứa các tế bào miễn dịch (đặc biệt là tủy xương, ruột và gan) có nguy cơ mắc bệnh ghép so với vật chủ – tức là các tế bào miễn dịch của người hiến có thể tấn công các mô của người nhận.

    Chính vì vậy mà trước khi ghép tạng, người bệnh cần được thực hiện các biện pháp sàng lọc để xác định độ tương thích. Sau khi ghép tạng, người bệnh cần sử dụng các loại thuốc ức chế miễn dịch để chống lại tác phản ứng thải ghép kể trên, chúng được gọi là thuốc chống thải ghép.

 

Vai trò của thuốc chống thải ghép với phương pháp ghép tế bào gốc điều trị ung thư

Ghép tế bào gốc tạo máu là phương pháp điều trị cho nhiều bệnh lý huyết học lành tính và ác tính như ung thư máu hoặc suy tủy xương.

– Có hai phương pháp ghép tế bào gốc tạo máu:

  • Ghép tế bào gốc tự thân (tự ghép): tế bào gốc được lấy từ người bệnh và được ghép lại cho chính người bệnh đó.
  • Ghép tế bào gốc đồng loại (dị ghép): tế bào gốc có thể được lấy từ người thân của bệnh nhân, từ một người không cùng huyết thống, hoặc từ máu cuống rốn được lưu trữ phù hợp kháng nguyên phù hợp mô (HLA) với người bệnh.

   Khi ghép tế bào gốc đồng loại, biến chứng người bệnh có thể gặp phải đó là thải ghép. Tế bào gốc của người cho không mọc được trong cơ thể người bệnh hoặc bị đào thải sau khi đã mọc mảnh ghép.

Vì vậy, nguyên tắc của ghép tế bào gốc đồng loại đó là:

  • Tiêu diệt tế bào tủy xương bằng cách sử dụng thuốc hóa trị liều cao nhằm tạo môi trường cho tế bào gốc phát triển. Thuốc hóa trị cũng sẽ tiêu diệt các tế bào ác tính còn sót lại trong tủy trong trường hợp các bệnh lý ung thư.
  • Sử dụng thuốc ức chế miễn dịch để chống thải ghép, từ đó đảm bảo mọc mảnh ghép và đạt hiệu quả điều trị.

Như vậy, khi người bệnh ung thư được điều trị bằng phương pháp ghép tạng hoặc ghép tế bào gốc thì đều cần sử dụng thuốc chống thải ghép. Việc sử dụng loại thuốc nào, liệu trình điều trị ra sao sẽ được bác sĩ chỉ định dựa trên tình trạng của từng bệnh nhân. Việc của người bệnh đó là tuyệt đối tuân theo chỉ định của bác sĩ.

 

Thuốc chống thải ghép gây ra nhiều tác dụng phụ

Có một sự thật mà người bệnh cần biết đó là thuốc chống thải ghép gây ra rất nhiều tác dụng không mong muốn. Mỗi 1 loại thuốc sẽ có có những tác dụng phụ khác nhau, có thể kể đến như:

  • Cyclosporin A: Thuốc này gây nhiều tác dụng phụ như tăng huyết áp, độc với thận, phì đại lợi, tăng mỡ máu, tăng acid uric máu.
  • Tacrolimus (FK506, prograt) gây độc cho thận, gây bệnh đái tháo đường và gây nhiễm độc thần kinh.
  • Glucocorticoid được dùng liều cao trước ghép để phòng thải ghép và khi có thải ghép cấp. Thuốc có nhiều tác dụng không mong muốn như tăng huyết áp, loét dạ dày, gây bệnh đái tháo đường, loãng xương, hội chứng giả cushing…
  • Sirolimus hay rapamycine: Thuốc có thể gây tác dụng phụ như gây rối loạn tiêu hóa, rối loạn mỡ máu, giảm tiểu cầu, thiếu máu.
  • Azathioprin (imurel): Thuốc có tác dụng không mong muốn như độc gan, độc tủy xương.
  • Mycophenolate mofetil (MMF – cellcept): Gây rối loạn tiêu hóa và độc tủy xương.

    Ngoài ra, việc dùng thuốc chống thải ghép sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm trùng do chúng làm cơ thể suy giảm miễn dịch và dễ bị nhiễm virus cùng một số nhiễm trùng khác. Cách đơn giản nhất để phòng nhiễm trùng là bạn phải rửa tay thường xuyên, dùng gel kháng khuẩn vào mùa lạnh hoặc mùa cúm. Tiêm vắc xin theo hướng dẫn của bác sĩ.

    Bạn cần hiểu rằng, tuy thuốc chống thải ghép gây ra nhiều tác dụng không mong muốn nhưng dùng nó là điều vô cùng cần thiết. Vì vậy, sau ghép tạng hoặc ghép tế bào gốc, người bệnh ung thư buộc phải dùng các thuốc này, không có lựa chọn nào khác.

 

XEM THÊM:

  • Ghép gan – Phương pháp mang lại hy vọng sống cho người bệnh ung thư gan
  • Tìm hiểu liệu pháp kháng thể đơn dòng trong điều trị ung thư

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *