Ghép gan – Phương pháp mang lại hy vọng sống cho người bệnh ung thư gan

   Ghép nội tạng từ người cho chết não để cứu sống những người mắc bị suy tạng là phương pháp đã được thực hiện từ hàng chục năm nay. Trong đó, ghép gan là một phương pháp được sử dụng để điều trị ung thư gan, đem lại hy vọng sống và kéo dài tuổi thọ cho người bệnh. Trong bài viết dưới đây, chúng ta hãy cùng tìm hiểu về phương pháp này nhé!

 

Ghép gan

Ghép gan – Phương pháp mang lại hy vọng sống cho người bệnh ung thư gan

 

Ghép gan là phương pháp như thế nào?

   Ghép gan là phẫu thuật thay thế một phần hay toàn bộ gan bệnh lý bằng một phần hay toàn bộ gan lành từ người hiến tạng phù hợp. Phương pháp này đã được mô tả và thực hiện tại nhiều quốc qua từ rất lâu trước đây, nhưng đều không thành công.

   Cho đến năm 1967, với sự nghiên cứu và phát triển về hòa hợp miễn dịch, và các thuốc chống thải ghép, ca ghép gan đầu tiên đã thành công, với thời gian sống thêm là 16 tháng. Cho đến nay, ghép gan đã cứu sống hàng trăm ngàn người trên toàn thế giới, với thời gian sống của người bệnh ngày càng tăng lên.

   Hiện nay, có 5 loại ghép gan chính bao gồm:

  • Ghép gan toàn bộ đúng vị trí.
  • Ghép một phần gan giảm thể tích.
  • Chia gan để ghép cho nhiều người.
  • Ghép một phần gan từ người hiến tạng khỏe mạnh.
  • Ghép gan phụ trợ.

   Ghép gan sẽ được chỉ định nếu người bệnh có khả năng sống thêm trên 1 năm sau khi thực hiện phẫu thuật, và cuộc sống của họ có chất lượng ở mức chấp nhận được. Hiện nay, ghép gan được thực hiện trong các trường hợp như:

  • Suy gan cấp do ngộ độc paracetamol, đợt cấp trong viêm gan virus mạn,…
  • Suy gan do các bệnh gan mãn tính như xơ gan mật, bệnh gan do rượu, viêm gan virus (B, C),…
  • Rối loạn chuyển hóa ở gan: bệnh Wilson, bệnh thiếu hụt α1 antitrypsin, nhiễm sắt di truyền.
  • Bệnh lý mạch máu ở gan: hội chứng Budd – Chiari, huyết khối tĩnh mạch gan,…
  • Ung thư gan.

   Tuy nhiên, mỗi trường hợp đều có một tiêu chuẩn nhất định được đề ra để xem xét tính khả thi của việc ghép gan. Ví dụ, người bệnh bị suy gan cấp nặng, hôn mê gan, có dấu hiệu phù não không hồi phục sẽ không được chỉ định. Người bệnh xơ gan mật cần có tiên lượng sống không quá 1 năm nếu không được ghép gan, suy gan mất bù,…

   Đối với ung thư gan cũng vậy, không phải trường hợp nào bị ung thư cũng được chỉ định ghép gan. Vậy, ghép gan được sử dụng trong trường hợp nào của ung thư gan?

 

Ghép gan giúp phục hồi chức năng gan

Ghép gan giúp phục hồi chức năng gan cho người bệnh

 

Ghép gan được chỉ định trong trường hợp ung thư gan nào?

   Ung thư gan được chia thành 2 loại là: ung thư nguyên phát và ung thư thứ phát. Ung thư gan nguyên phát xảy ra khi các tế bào ác tính có nguồn gốc từ nhu mô hoặc trung mô của gan. Ung thư gan thứ phát là tình trạng các tế bào ác tính di căn từ các cơ quan khác (như phổi, đại tràng,…) về gan.

  Theo đó, phương pháp ghép gan được chỉ định cho tình trạng ung thư gan nguyên phát, cụ thể là ung thư biểu mô tế bào gan. Đây là trường hợp chiếm đến 90% các ca bệnh ung thư gan.

   Tuy nhiên, cũng không phải tất cả trường hợp ung thư biểu mô tế bào gan nguyên phát để sẽ được chỉ định ghép gan. Phương pháp này thường chỉ áp dụng cho các trường hợp phát hiện sớm, khối u vẫn còn nằm trong gan, chưa xâm lấn đến hệ thống tĩnh mạch gan và chưa di căn xa.

    Người bệnh ung thư gan phù hợp để thực hiện ghép gan cần thỏa mãn 1 trong 2 tiêu chuẩn sau:

  • Tiêu chuẩn Milan với 1 u đơn độc từ 5cm trở xuống hoặc 3 u từ 3cm trở xuống.
  • Tiêu chuẩn UCSF với 1 u đơn độc từ 5cm trở xuống, hoặc từ dưới 3 u, trong đó u lớn nhất không vượt quá 4.5 cm, và tổng kích thước u không lớn hơn 8 cm.

   Bên cạnh đó, người nhận gan cũng không được mắc các vấn đề nghiêm trọng về tim, phổi, không có loại ung thư nào khác, và sẵn sàng cho việc uống thuốc suốt đời sau phẫu thuật. Các thuốc này là thuốc chống thải ghép, ngăn ngừa sự đào thải của cơ thể với mô gan được ghép.

 

Người bệnh ung thư gan sau khi ghép gan sống được bao lâu?

   Gan hiến tặng sẽ cần được lấy từ người bệnh chết não, tim còn đập, phù hợp về nhóm máu ABO, kích thước gan tương đương với người nhận, không có bệnh lý về gan. Gan cũng có thể lấy từ người sống hiến tặng nếu họ khỏe mạnh, phù hợp nhóm máu, không mắc các bệnh lý về gan.

   Sau khi gan hiến tặng được lấy ra khỏi cơ thể người cho, thì sẽ được đặt trong dung dịch bảo quản lạnh. Thời gian tốt nhất là dưới 18 tiếng trước khi phẫu thuật ghép gan diễn ra. Sau thời gian này, tỷ lệ mô ghép mất chức năng, tổn thương đường mật do thiếu máu sẽ tăng lên.

   Nếu phẫu thuật thành công, mô ghép hoạt động tốt, tỷ lệ người bệnh sống trên 1 năm là rất cao, vào khoảng trên 80%. Tỷ lệ sống trên 3 năm của người bệnh là khoảng trên 70% và sau 5 năm là khoảng trên 60%. Người bệnh hoàn toàn có thể lấy lại được cuộc sống bình thường chỉ trong khoảng 6 tháng.

    Tuy nhiên, như đã nhắc đến, người bệnh cần được ghép khi bệnh ở ung thư gan mới ở giai đoạn đầu. Trong khi đó, hầu hết các trường hợp mắc bệnh đều được phát hiện khi đã ở giai đoạn muộn, việc điều trị khó khăn, tỷ lệ sống giảm xuống thấp.

   Do đó, nếu nhận thấy da và mắt bị vàng, đau tức vùng hạ sườn phải, sụt cân bất thường, mệt mỏi, chán ăn, nước tiểu sẫm màu, ngứa, nổi mụn, đau thượng vị, đau khớp,… thì bạn không được chủ quan, mà đi khám từ sớm. Đây chính là những triệu chứng cảnh báo ung thư gan giai đoạn đầu.

 

triệu chứng ung thư gan giai đoạn đầu

Một số triệu chứng ung thư gan giai đoạn đầu

 

Người bệnh ung thư gan cần làm gì sau khi ghép gan?

   Người bệnh ung thư gan sau khi được ghép gan sẽ cần được theo dõi thường xuyên hơn. Người bệnh cần được xét nghiệm máu, định lượng thuốc thải ghép và chức năng gan thận, đồng thời phải tầm soát ung thư vì bệnh vẫn có nguy cơ tái phát.

   Cùng với đó, người bệnh nên duy trì một lối sống và sinh hoạt lành mạnh như:

  • Tập thể dục để rèn luyện thể lực (thực hiện sau 6 – 12 tháng ghép gan thành công).
  • Tự bảo vệ trước nguy cơ nhiễm trùng bằng cách đeo khẩu trang, giữ vệ sinh thân thể, hạn chế đến những nơi đông người nhất là khi trong mùa dịch bệnh, chỉ đến bệnh viện khi cần đi khám.
  • Nếu có dấu hiệu nhiễm khuẩn, người bệnh cần báo với bác sĩ để có hướng giải quyết phù hợp.
  • Phụ nữ vẫn có thể sinh con sau khi ghép gan, nhưng cần được theo dõi vì dễ bị sinh non, đồng thời không dùng sữa mẹ để nuôi con vì trẻ có thể bị ảnh hưởng bởi thuốc chống thải ghép.
  • Ăn uống điều độ, không nhịn đói, chia nhiều bữa trong ngày, hạn chế thực phẩm nhiều đường, tinh bột, không được ăn bưởi, không uống rượu bia, chỉ được uống sữa đã tiệt trùng, thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm.
  • Ăn chín, nước uống cần được đun sôi tròn 10 phút.
  • Dung cụ ăn uống cần được luộc qua nước sôi 10 phút.
  • Đảm bảo giữ cân nặng ổn định, không để tăng cân nhiều.

   Hy vọng, bài viết trên đây đã cung cấp những thông tin hữu ích cho quý độc giả về phương pháp ghép gan trong điều trị ung thư gan. Nếu cần được hỗ trợ về các vấn đề sức khỏe, xin quý độc giả vui lòng gọi điện đến số hotline miễn cước 1800.1044 để được giải đáp nhanh nhất. Cảm ơn quý độc giả đã theo dõi bài viết!

 

XEM THÊM:

  • Tìm hiểu liệu pháp kháng thể đơn dòng trong điều trị ung thư
  • Một số loại thuốc điều trị ung thư phổi mới nhất hiện tại

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *