Ung thư lưỡi là loại thường gặp nhất trong các bệnh ung thư vùng khoang miệng. Theo GLOBOCAN 2018, hàng năm có khoảng 354.860 ca mắc mới. Tại Việt Nam, năm 2018 ghi nhận khoảng 1.877 ca mới mắc ở nam giới và 922 ca mới mắc ở nữ giới. Tỷ lệ mắc ngày càng gia tăng khiến nhiều người lo ngại về khả năng lây lan của bệnh lý này. Vậy cụ thể, bệnh ung thư lưỡi có lây không? Cách điều trị ra sao? Mời bạn cùng tìm hiểu đáp án thông qua bài viết dưới đây.
Bệnh ung thư lưỡi có lây không?
Bệnh ung thư lưỡi là gì?
Ung thư lưỡi là bệnh mà các tế bào bất thường phân chia và phát triển một cách không kiểm soát ở lưỡi. Đây là bệnh thường gặp ở độ tuổi trung và cao niên, nam gặp nhiều hơn nữ.
Triệu chứng ung thư lưỡi tương đối giống với các bệnh về răng miệng khác nên thường hay bị bỏ qua. Đến khi tình trạng bệnh tiến triển xấu, triệu chứng rầm rộ, người bệnh mới đi thăm khám, gây nhiều khó khăn cho quá trình điều trị.
Một số dấu hiệu nhận biết bệnh ung thư lưỡi bao gồm:
- Đau lưỡi: Đây là biểu hiện đầu tiên mà bạn có thể cảm nhận được. Mức độ đau thường tăng lên khi bạn nhai hoặc nuốt thức ăn.
- Xuất hiện mảng trắng trên bề mặt lưỡi: Các mảng này bám chặt vào da và ngày càng lan rộng. Đồng thời, những vùng có mảng bám thường bị chảy máu mà không rõ lý do.
- Cảm giác tê lưỡi, đau tai, thay đổi giọng nói bất thường, lưỡi cứng, thậm chí hôi miệng.
- Đau họng lâu không khỏi.
- Vết viêm loét hoặc u trên lưỡi lâu ngày không hết.
Nếu không được điều trị kịp thời, vết loét dần ăn sâu và lan rộng ra xung quanh, gây đau đớn, bội nhiễm, có mùi hôi, rất dễ chảy máu, thậm chí có thể khiến người bệnh mất máu trầm trọng.
Hình ảnh vết loét của bệnh ung thư lưỡi
Bệnh ung thư lưỡi có lây không?
Thực tế, các chuyên gia đã nghiên cứu và khẳng định ung thư lưỡi không lây nhiễm. Bạn hoàn toàn có thể tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân mà không bị lây căn bệnh này.
Mặc dù ung thư lưỡi không phải là bệnh lây nhiễm nhưng lại có tính chất di truyền. Nếu người thân trong gia đình bạn như bố mẹ, ông bà, anh chị em ruột mắc căn bệnh này thì khả năng bạn bị mắc ung thư lưỡi sẽ cao hơn người bình thường.
Vì vậy, nếu thấy xuất hiện triệu chứng bất thường ở lưỡi, bạn nên đi thăm khám sớm để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Cách điều trị ung thư lưỡi
Những phương pháp điều trị ung thư lưỡi hiện nay bao gồm:
Hóa trị
Hóa trị là phương pháp sử dụng thuốc, chất hóa học để gây độc các tế bào ung thư bằng đường uống hoặc truyền tĩnh mạch.
Hóa trị bổ trợ thường có tỷ lệ đáp ứng tại chỗ cao (75-85%), tăng khả năng dung nạp thuốc cho người bệnh, giảm tỷ lệ kháng thuốc và ngăn ngừa di căn xuất hiện sớm.
Các thuốc hóa trị được sử dụng để thu nhỏ tổn thương
Bác sĩ thường chỉ định hóa trị nhằm mục đích thu nhỏ tổn thương, tạo điều kiện cho phẫu thuật hoặc xạ trị tiến hành thuận lợi hơn.
Phẫu thuật
Ung thư lưỡi có thể điều trị triệt căn bằng phẫu thuật khi phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm. Tùy kích thước khối u và mức độ lây lan mà bác sĩ có thể chỉ định cắt bỏ một phần lưỡi, nạo vét hạch cổ, loại bỏ một phần xương hàm, sàn miệng…
Sau khi loại bỏ khối u, bác sĩ có thể phẫu thuật tái tạo lại lưỡi cho bệnh nhân để tránh ảnh hưởng đến tâm lý cũng như hoạt động ăn uống.
Một số di chứng người bệnh có nguy cơ phải đối mặt sau mổ bao gồm:
- Khó nói, khó ăn uống.
- Chảy máu
- Nhiễm trùng.
Để quá trình hồi phục diễn ra nhanh chóng và thuận lợi, bác sĩ có thể đặt ống dẫn thức ăn từ mũi xuống dạ dày. Kết thúc điều trị, bệnh nhân trở lại sinh hoạt bình thường.
Ở giai đoạn muộn, bác sĩ sẽ cân nhắc kết hợp phẫu thuật với điều trị xạ trị và hóa trị nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân.
Xạ trị
Xạ trị là phương pháp sử dụng các tia năng lượng cao như tia X hay hạt proton để tiêu diệt tế bào ung thư tại vùng lưỡi và các vị trí khác mà chúng di căn.
Xạ trị tiêu diệt tế bào ung thư
Biện pháp này thường được áp dụng khi ung thư lưỡi chuyển sang giai đoạn nặng, không thể phẫu thuật đơn thuần. Ngoài ra, một số trường hợp phát hiện bệnh sớm cũng có thể được chỉ định ví dụ: Xạ trị sau phẫu thuật để diệt nốt những tế bào ung thư còn sót lại.
Một số phản ứng phụ khi thực hiện xạ trị là khô miệng, viêm miệng, sạm, cháy, loét da, khít hàm…
Cách phòng ngừa ung thư lưỡi
- Vệ sinh răng miệng đúng cách: Tình trạng viêm, nhiễm khuẩn ở miệng, nướu, lưỡi cũng là yếu tố nguy cơ thúc đẩy tế bào ung thư phát triển. Vì vậy, bạn nên sử dụng chỉ nha khoa và bàn chải đúng cách, tránh làm tổn thương khu vực này.
- Xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý: Tăng cường rau củ quả tươi như các loại đậu, hoa quả, rau họ cải (như cải bắp, bông cải xanh), các loại rau lá xanh đậm, hạt lanh, tỏi, nho, trà xanh, cà chua… Bạn nên lựa chọn các món luộc, hấp, hạn chế các món chiên, nướng.
- Hạn chế sử dụng chất kích thích: Thuốc lá, thuốc lào, rượu bia…
- Tập thể dục, phơi nắng thường xuyên.
- Khám nha khoa định kỳ: Việc này sẽ giúp bạn phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường ở lưỡi, từ đó có biện pháp can thiệp kịp thời.
Như vậy, ung thư lưỡi không gây lây lan và có thể điều trị triệt căn khi phát hiện sớm. Do đó, nếu phát hiện dấu hiệu bất thường ở bộ phận này, bạn nên đi thăm khám sớm để được chẩn đoán và có hướng chữa trị phù hợp. Chúc các bạn sức khỏe!
XEM THÊM:
- Nghiên cứu mới ‘điểm danh’ 4 dấu hiệu ung thư đại tràng
- Nguyên nhân gây ung thư buồng trứng là gì?