Bí quyết ngâm củ kiệu bao trắng giòn chỉ 2 ngày là dùng được

Ngâm tro than củi, nước tro tàu, nước vôi trong…trong nhiều tiếng đồng hồ; Phải canh phơi nắng 1 ngày để củ kiệu héo mới được ngâm; Ngâm khoảng 1 tuần mới ăn được. Đó là những cách ngâm củ kiệu truyền thống mà chúng ta thường làm.

Hãy bỏ qua những cách ngâm kiệu truyền thống trên và học hỏi bí quyết củ kiệu ngâm giấm hiện đại bao trắng giòn chỉ 2 ngày là ăn được nhé!

Nguyên liệu làm kiệu ngâm giấm giòn ngon bao trắng

1. Củ kiệu

Lựa chọn kiệu như thế nào cũng gióp phần tăng độ ngon của món ngâm đấy:

– Chọn mua kiệu ta, thân kiệu nở, đuôi kiệu nhỏ mảnh, có thắt eo ở giữa.

– Không nên chọn củ kiệu to, tròn, chứa nhiều nước, kiệu loại này sẽ hao rất nhiều sau khi ngâm, làm cho kiệu mềm và ăn không thơm.

2. Phèn chua

Phèn chua là loại muối có tinh thể to nhỏ không đều, không màu hoặc trắng, cũng có thể trong hay hơi đục, tan trong nước. Với công thức cách làm củ kiệu ngon này phèn chua có tác dụng làm trắng cũng như làm cứng, giòn củ kiệu.

3. Chanh

Chanh giúp cho kiệu trắng hơn, giòn hơn, khử mùi hăng của kiệu và làm cho kiệu có mùi thơm hơn khi ngâm.

4. Hỗn hợp nước giấm ngâm kiệu

  • Nước lọc
  • Đường trắng
  • Muối
  • Giấm gạo

Cách làm kiệu ngâm giấm giòn ngon bao trắng

Nguyên liệu

  • Củ kiệu: 1kg
  • Phèn chua: 1 muỗng cà phê
  • Chanh: 1 trái
  • Đường trắng: 350gr
  • Muối: 2 muỗng cà phê
  • Giấm gạo: 600ml
  • Nước lọc

Cách làm kiệu ngâm giấm giòn ngon bao trắng

Bước 1: Ngâm kiệu với nước phèn chua

Phèn chua mua về cho vào thau nước hòa tan hoàn toàn, cứ mỗi lít nước lạnh tương ứng với 1 muỗng cà phê phèn chua. Sau đó cho củ kiệu vào ngâm với nước phèn chua khoảng 1 giờ đồng hồ.

#Tip: Với số lượng phèn chua này các bạn không sợ độc hại đến kiệu. Và nhớ hòa tan phèn chua rồi mới cho kiệu vào ngâm nhé!

Bước 2: Sơ chế kiệu vừa ngâm nước phèn chua

Chuẩn bị một thau nước lạnh, vớt từng củ kiệu từ thau nước phèn chua, dùng dao cắt bỏ phần rễ, chân xanh và tước bỏ lớp vỏ bên ngoài. Cắt sạch bỏ phần gốc củ nào thì cho kiệu vào thau nước lạnh đã chuẩn bị, để kiệu không bị xỉn màu. Sau đó đem rửa sạch kiệu lại một lần nữa.

Bước 3: Trụng sơ kiệu với nước cốt chanh

Chuẩn bị sẵn một thau nước đá lạnh. Bắc một nồi nước lên bếp, khi nước sôi, vắt nước cốt 1 trái chanh vào nồi, đồng thời vớt kiệu từ thau nước vừa rửa cho vào nồi. Trụng sơ khoảng 30 giây rồi vớt ra thau nước đá lạnh đã chuẩn bị.

#Tip: Củ kiệu cũng giống như hành lá vậy, nên khi trụng các bạn chỉ cần trụng khoảng 30 giây để kiệu còn độ giòn. Nếu để thời gian lâu kiệu sẽ dễ bị chín, mềm và ỉu.

Bước 4: Nấu hỗn hơp ngâm kiệu

Sau khi vớt kiệu ra thau nước đá, chờ kiệu nguội thì chúng ta tiến hành nấu nước ngâm kiệu. Đun nóng hỗn hợp gồm: 400ml nước, 350gr đường, 2 muỗng cà phê muối, 600ml giấm gạo. Vừa đun vừa khuấy đều đến khi đường, muối tan hoàn toàn. Nhấc nồi ra khỏi bếp, để hỗn hợp nguội bớt, còn âm ấm là được.

Bước 5: Ngâm kiệu

Xếp củ kiệu vào hũ, chế hỗn hợp nước ngâm ngập mặt, đậy kín, để kiệu ở nhiệt độ phòng, bảo quản nơi khô thoáng. Sau 2 ngày, kiệu có thể lấy ra dùng được rồi nhé.

#Tip: Không đổ hỗn hợp giấm, đường còn nóng vào kiệu, như vậy sẽ làm chín kiệu, kiệu mất đi độ giòn.

Không mất nhiều thời gian cũng như công sức mà kết quả đem lại sẽ khiến chị em phấn khích đấy. Chỉ 2 ngày thôi có ngay hũ kiệu ngâm giấm, tại sao lại không thử chứ! Cùng tham khảo một vài cách làm củ kiệu ngon nhé!

Cách làm củ kiệu chua giòn ngọt thơm ngon số dách

Công thức củ kiệu tôm khô ngon lành ngày Tết

Xu Xu

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *