Áp xe vú là bệnh gì? Có nguy hiểm không?

 

   Áp xe vú là một bệnh rất nhiều phụ nữ mắc phải, trong đó chiếm tỉ lệ cao là phụ nữ sau sinh, đang cho con bú. Nó không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, sinh hoạt mà còn gây ra tâm lý lo lắng cho chị em. Vậy áp xe vú là bệnh gì, có nguy hiểm hay không, cần điều trị thế nào? Hãy tham khảo ngay bài viết sau đây để có lời giải đáp cụ thể.

 

Áp xe vú là bệnh gì? Có nguy hiểm không?

Áp xe vú là bệnh gì? Có nguy hiểm không?

 

   Áp xe (abscess) là thuật ngữ chỉ tình trạng một tổ chức bị viêm nhiễm, khu trú tạo thành một khối mềm, bên trong chứa đầy mủ tạo từ vi khuẩn, xác bạch cầu, các mảnh vụn ngoại lai,… gây ra sưng và đau. Áp xe có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể.

   Áp xe vú do vi khuẩn gây ra khiến tích tụ mủ trong vú. Biểu hiện của áp xe vú là viêm nhiễm, xuất hiện những cục sưng tấy, màu đỏ. Những người mắc bệnh này chủ yếu là phụ nữ sau sinh và đang cho con bú. Bên cạnh đó, những phụ nữ không giữ gìn vệ sinh cá nhân cẩn thận, sạch sẽ hoặc phụ nữ thừa cân, có ngực lớn… cũng có nguy cơ mắc bệnh này cao hơn phụ nữ bình thường.

 

Nguyên nhân gây ra áp xe vú

   Như đã chia sẻ, áp xe vú là do vi khuẩn xâm nhập tuyến vú, gây viêm nhiễm tích mủ. Vi khuẩn có thể tấn công tuyến vú của phụ nữ thông qua vết xước, rách trên bề mặt da hoặc lỗ mở của ống tuyến vú.

   Vi khuẩn có mặt ở khắp mọi nơi như: Trong không khí, trên bề mặt da (ở phụ nữ không giữ vệ sinh cơ thể cẩn thận) hoặc trong miệng em bé (ở phụ nữ cho con bú).

   Có hai chủng vi khuẩn gây bệnh phổ biến là: Staphylococcus aureusStreptococcus. Ngoài ra, một số trường hợp áp xe vú còn có thể là do sự tấn công của các chủng vi khuẩn khác như: E.coli, Bacteroides, Corynebacterium, S. lugdunensis, Pseudomonas aeruginosa, Proteus mirabilis…

   Nếu những phụ nữ đang cho con bú gặp phải một số hiện tượng sau, nguy cơ mắc bệnh sẽ cao hơn bình thường:

  • Cho bé bú sai cách.
  • Cho bé bú quá ít, không đủ số lần và thời gian, khiến sữa bị tích tụ.
  • Phụ nữ mặc áo ngực chật, không đúng kích thước.
  • Núm vú có vết xước.
  • Phụ nữ bị tắc tia sữa, tắc ống dẫn sữa.

 

Áp xe vú do tắc tia sữa

Áp xe vú do tắc tia sữa

 

Dấu hiệu nhận biết bệnh áp xe vú

   Dấu hiệu lâm sàng phụ thuộc vào vị trí, giai đoạn bệnh:

  • Giai đoạn viêm: Bệnh thường khởi phát đột ngột với sốt cao, mệt mỏi, đau đầu, mất ngủ. Đau nhức sâu ở trong tuyến vú, đau tăng khi cử động vai, cánh tay. Bên vú bị viêm to ra, mật độ chắc, hạch ở nách cùng bên to và đau.

   Da trên ổ viêm có thể bình thường nếu ổ viêm ở sâu trong tuyến, có thể nóng, đỏ, phù nề nếu ổ viêm nằm ngay dưới da hoặc trên bề mặt của tuyến. Xét nghiệm máu thấy bạch cầu tăng cao, công thức bạch cầu chuyển trái, tốc độ máu lắng tăng cao.

  • Giai đoạn tạo thành áp-xe, xuất hiện những túi mủ khu trú ở vú hình thành do sự hoại tử các mô. Có thể có một hay nhiều ổ áp-xe nằm ở một hoặc nhiều thùy khác nhau của tuyến vú.

   Giai đoạn này vẫn có mọi triệu chứng của giai đoạn viêm nhưng mức độ tăng lên: hội chứng nhiễm khuẩn, nhiễm độc như sốt cao, rét run, môi khô, lưỡi bẩn, đau đầu, khát nước, da xanh, gầy yếu nhanh. Bệnh nhân thấy đau nhức sâu trong tuyến vú, đau tăng khi vận động vai, cánh tay, khi cho con bú. Vú sưng to, vùng da trên ổ áp-xe thường nóng, căng, sưng đỏ hay phù tím.

   Nếu ổ áp-xe nằm ở sâu thì da có thể thấy các tĩnh mạch dưới da nổi rõ, có biểu hiện viêm hạch bạch huyết, núm vú tụt. Nếu ổ áp-xe thông với các ống dẫn sữa thì có thể thấy sữa lẫn mủ chảy qua đầu núm vú. Chọc đúng ổ áp-xe có thể hút được mủ.

 

Áp xe vú có nguy hiểm không?

   Áp xe là bệnh không quá nguy hiểm, trừ khi bệnh không được phát hiện và áp dụng các biện pháp điều trị phù hợp. Lúc đó, bệnh nhân sẽ có nguy cơ gặp những biến chứng nghiêm trọng:

  • Bệnh có thể diễn tiến thành áp xe vú tái phát, áp xe vú tự vỡ hoặc áp xe vú hoại tử. Tuyến vú mất chức năng tiết sữa gây mất sữa, thậm chí có thể dẫn đến hoại tử.
  • Tình trạng nhiễm trùng từ ổ áp xe vú cũng có thể lan sang các mạch máu đi toàn cơ thể dẫn đến các biến chứng nặng như nhiễm trùng huyết, suy thận, nặng hơn là gây hoại tử các chi… Biến chứng nặng nhất là hoại tử vú do vi khuẩn có độc tính cao hoặc do trực khuẩn hoại tử gây ra.
  • Hội chứng nhiễm khuẩn, nhiễm độc nặng, tụt huyết áp, toàn thân suy sụp. Vú căng to, phù nề, da trên ổ áp xe có màu vàng nhạt hay bị hoại tử.
  • Có thể gây biến chứng viêm xơ tuyến vú mạn tính. Có thể sờ thấy một vùng thâm nhiễm rắn như sụn, bề mặt lổn nhổn, ranh giới không rõ ràng, không dính da, ít đau.

   Bệnh ở giai đoạn áp xe hoặc viêm tấy cần phân biệt với ung thư vú thể cấp dạng viêm. Áp xe vú và ung thư vú có thể có những triệu chứng tương tự nhau, dễ gây nhầm lẫn. Vì vậy ngay khi thấy những biểu hiện bất thường, bạn nên đi khám bác sĩ để có biện pháp điều trị kịp thời.

 

Điều trị bệnh áp xe vú

Áp xe vú có thể điều trị khỏi hẳn nếu phát hiện sớm và điều trị thích hợp.

  • Nếu áp xe vú được phát hiện sớm, bệnh có thể được chữa lành bằng kháng sinh mà không cần phẫu thuật.
  • Nếu phát hiện bệnh ở giai đoạn sau khi đã tạo áp xe, người bệnh sẽ cần phải chích rạch và dẫn lưu mủ trong ổ áp xe ra ngoài. Bác sĩ sẽ thực hiện một đường rạch vừa phải theo hình nan hoa không chạm vào quầng vú, không tổn thương ống dẫn sữa, đủ rộng để dẫn lưu mủ. Rửa vết chích bằng oxy già, thuốc sát khuẩn betadine, đặt meches (những miếng gạc nhỏ và dài với kích cỡ khác nhau) dẫn lưu và thay băng hàng ngày đến khi hết mủ.

   Bạn cần lưu ý không tự ý sử dụng thuốc hoặc chích, nặn mủ nếu chưa có chỉ định của bác sĩ.

 

Những lưu ý giúp hạn chế nguy cơ mắc bệnh áp xe vú

   Phòng bệnh vẫn tốt hơn chống bệnh, chị em hãy lưu ý một số vấn đề sau để giảm thiểu khả năng bị áp xe vú:

 

Duy trì lối sống lành mạnh

Duy trì lối sống lành mạnh

 

  • Duy trì lối sống lành mạnh: Bằng chế độ nghỉ ngơi phù hợp, dinh dưỡng cân bằng, uống nhiều nước và ưu tiên bổ sung trái cây, rau xanh vào các bữa ăn, tập thể dục để nâng cao đề kháng
  • Giữ gìn vệ sinh cơ thể: Bằng cách tắm với sữa tắm phù hợp, tránh cọ xát mạnh gây xước da, dùng khăn ấm để lau vùng da nhiễm trùng.
  • Vệ sinh vú sạch sẽ, đặc biệt là núm vú trước và sau khi cho con bú.

   Mong rằng bài viết trên đã giải đáp được những băn khoăn, lo lắng của độc giả về bệnh áp xe vú, giúp bạn có kiến thức phòng bệnh chữa bệnh tốt hơn. Nếu có băn khoăn thắc mắc nào khác, bạn hãy liên hệ tổng đài tư vấn miễn phí 18001044 để được hỗ trợ.

 

XEM THÊM:

  • Bệnh rối loạn tiền đình nguyên nhân do đâu, cách điều trị là gì?
  • Bị gan nhiễm mỡ uống thuốc gì hiệu quả?

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *