Cách làm xíu mại không cà chua như thế nào? Nên chú ý điều gì để món ăn ngon hơn? Nếu quan tâm đến thông tin này mời bạn tham khảo chi tiết công thức trong bài viết dưới đây.
Có lẽ, xíu mại đã quá quen thuộc đối với mọi người. Từ rất lâu, món ăn này đã trở thành một loại điểm tâm quen thuộc đối với người dân sống tại Sài thành. Món ăn với hương vị đặc trưng, chế biến đơn giản nên chỉ cần thử một lần cũng thấy hết được sự độc đáo và thú vị mà chúng mang đến.
Không khó tìm kiếm một địa chỉ phục vụ món xíu mại với nhiều biến tấu khác nhau nếu có dịp đến với thành phố sôi động này. Nhưng hiện nay, nhiều người e ngại về vấn đề an toàn thực phẩm nên thường lựa chọn cách chế biến món ăn tại nhà. Điều này giúp gia đình có món ăn thơm ngon, phù hợp với khẩu vị.
Nhưng liệu rằng bạn đã nắm được cách thức chế biến xíu mại đúng chuẩn chưa? Nếu như quan tâm đến công thức thích hợp này hãy cùng tham khảo một số thông tin chi tiết trong bài viết dưới đây. Tìm hiểu ngay nhé!
Xíu mại bắt nguồn từ đâu?
Xuất hiện gần như ở tất cả các con đường của Sài Gòn, trở thành món ăn sáng không thể thiếu trong nhịp sống của người dân nơi đây, xíu mại giống như một màu sắc rất riêng biệt nhưng vẫn hài hòa trong bức tranh cuộc sống. Xíu mại thậm chí còn được bạn bè quốc tế gọi bằng cái tên “Vietnamese Meatball”, dịch nôm na là một loại thịt viên của Việt Nam. Điều này càng thêm khẳng định món ăn như một nét đặc biệt của đất nước hình chữ S. Thế nhưng không nhiều người biết rằng, xíu mại lại có nguồn gốc từ đất nước láng giềng Trung Quốc.
Xíu mại theo tiếng Hán được gọi là Thiếu mại. Đây vốn là một món ăn điểm tâm hay còn gọi là Dim sum của người dân Trung Quốc. Tuy nhiên, khi về tới Việt Nam, món ăn này cũng đã được thay đổi đi ít nhiều với phong cách chế biến cũng như khẩu vị đặc trưng của người Việt. Xíu mại có hình dáng rất giống với thịt viên thông thường, tuy nhiên, cách chế biến từ khâu trộn gia vị đến vo viên, hấp,… đều có những điểm khác biệt nhất định. Ngoài ra, xíu mại thường được thưởng thức cùng cơm trắng hoặc bánh mì nóng giòn.
Không phải không có lí do mà xíu mại trở thành một món ăn phổ biến trong một thời gian dài như vậy. Bản thân xíu mại là một món ăn vô cùng hấp dẫn nhưng lại rất dễ làm và chí phí cho nguyên liệu lại vô cùng rẻ. Trong những thời kì khó khăn của đất nước, xíu mại thật sự là một món ăn tuyệt vời khi giúp người dân tiết kiệm mà vẫn có đầy đủ dinh dưỡng. Ngoài ra, xíu mại còn là món có tính mềm bởi sử dụng dụng nguyên liệu chủ yếu là thịt heo băm, đây cũng là lí do khiến xíu mại rất dễ ăn và dễ tiêu hóa. Nhờ thế mà xíu mại phù hợp cho tất cả các đối tượng thưởng thức dù là những thực khách đặc biệt như người già, trẻ nhỏ, bệnh nhân,…
Một điều đặc biệt đó là xíu mại ở Sài Gòn thường được chế biến cùng sốt cà chua đặc trưng. Tuy nhiên thì đây lại trở thành một trở ngại nho nhỏ khi mà một người không thực sự thích vị chua của loại thực phẩm này. Vậy hãy để JAMJA’s BLOG hướng dẫn bạn cách để vẫn có thể thưởng thức xíu mại tuyệt ngon mà không bị ảnh hưởng bởi cà chua nhé.
Cách làm xíu mại không cà chua
Nguyên liệu làm xíu mại
- Thịt heo băm: Chú ý nên chọn loại thịt có một chút mỡ để xíu mại sau khi chế biến sẽ mềm và thơm hơn. Loại thịt phù hợp nhất với yêu cầu này đó là thịt thăn lưng. Bạn vẫn hoàn toàn có thể sử dụng hoàn toàn thịt nạc, tuy nhiên như vậy xíu mại sẽ dễ bị khô nếu không biết cách chế biến chính xác. Bạn mua khoảng 400 gram thịt băm hoặc xay sẵn.
- Tôm tươi: 100 gram. Nên mua những con tôm còn nhảy để về tự sơ chế và chế biến ngay sau đó. Lúc này tôm sẽ được tươi và thơm ngon nhất.
- Đường kính
- Bột ngọt
- Muối tinh
- Xì dầu
- Hạt tiêu xay
- Bột năng
- Hành lá
- Tỏi ta
- Hành tím
- Dầu mè
- Ớt tươi
- Ngò rí
- Nước lèo (Có thể thay thế bằng nước lọc nếu không có điều kiện)
Cách làm xíu mại
Bước 1:
Bắc một nồi nước lên bếp, vặn to lửa cho nước sôi thì thả tôm vào luộc.
Luộc tôm trong khoảng 5 đến 10 phút là tôm chín đỏ, vớt ra đợi nguội rồi bóc sạch vỏ tôm và cắt bỏ râu.
Lần lượt thái tôm thành hạt lựu.
Bước 2:
Chuẩn bị một bát tô to, lần lượt cho thịt heo băm, tôm, 2 thìa đường kính, 2 thìa bột ngọt, 1 thìa mối tinh, 2 thìa xì dầu và 1 thìa hạt tiêu vào.
Đeo găng tay nilon và trộn lên thật đều.
Để ướp tôm thịt như vậy trong khoảng 15 phút cho ngấm gia vị.
Bước 3:
Trong thời gian chờ đợi tôm, thịt ngấm gia vị, bạn bắc chảo lên bếp và chuẩn bị cho nước sốt xíu mại.
Bóc vỏ tỏi và hành tím rồi băm nhuyễn.
Cắt bỏ cuống ớt, bỏ hạt rồi xắt nhỏ.
Cho dầu ăn vào chảo và vặn lửa to tới khi dầu nóng thì cho đồng thời hành và tỏi băm vào phi thơm, hành tỏi hơi xém vàng là được.
Cho vào chảo 1 thìa bột năng, 2 thìa dầu mè, 3 thìa muối tinh cùng khoảng 200 ml nước lèo. Đun sôi. Trong khi đun, bạn chú ý dùng thìa khuấy thật đều tay để tránh hỗn hợp dính chảo.
Nêm nếm thêm với bột ngọt, đường, ớt, muối tiêu cho thật vừa miệng.
Khi nước sốt đã sánh lại, bạn thêm ớt tươi đã xắt nhỏ và ngò rí vào trước khi tắt bếp.
Bước 4:
Sau khi hoàn thành phần nước sốt, thịt đã ngấm gia vị, bạn bắt đầu vo viên thịt.
Chú ý phủ một chút bột bắp lên thịt cũng như tay trước khi vo, mẹo này sẽ giúp xíu mại của bạn dẻo hơn, không bị vỡ khi nấu.
Lấy từng chút thịt vào giữa lòng bàn tay rồi vo lại thành từng viên nhỏ hoặc to tùy sở thích.
Cho các viên thịt đã hoàn thành ra một chiếc đĩa phẳng hoặc thớt sạch.
Bước 5:
Cho lửa đun liu riu phần nước sốt vừa chuẩn bị.
Từ từ thả các viên thịt vào chảo, chú ý thả thật nhẹ tay để tránh các viên thịt bị nứt, vỡ.
Nên tiếp tục đun nhỏ lửa để các viên thịt được chín cả bên trong, tránh việc bên ngoài cạn nước sốt, cháy lớp ngoài nhưng bên trong vẫn còn sống. Trong khi đun, bạn nên dùng thìa nhỏ múc nước sốt rưới liên tục lên viên thịt để thịt được ngấm và mềm hơn.
Đun liu riu thịt như vậy trong khoảng 10 phút thì bạn thả cắt nhỏ hành lá, thêm chút hạt tiêu xay vào chảo rồi tắt bếp.
Bước 6:
Múc đều thịt và nước sốt ra đĩa lòng sâu.
Trang trí bên trên mặt đĩa bằng một vài vọng ngò rí.
Thưởng thức ngay khi còn nóng với cơm trắng hoặc bánh mì. Khi ăn với cơm, bạn có thể dùng thìa dằm xíu mại ra rồi rưới một chút nước sốt lên, trộn đều ăn sẽ rất thơm ngon. Nếu ăn với bánh mì thì có thể xé dọc bánh, chấm với nước sốt trong khi ăn kèm xíu mại. Tất cả các cách đều rất hấp dẫn, đặc biệt là khi thưởng thức trong thời tiết hơi se lạnh của tháng 11 như thế này.
Và như vậy là bạn đã hoàn thành được một suất xíu mại không cà chua mà vẫn tuyệt ngon. Cũng không quá phức tạp phải không?
Tuy nhiên, nếu vẫn muốn tìm hiểu và thử sáng tạo thêm những cách làm xíu mại khác độc đáo hơn nữa, hãy thử một số gợi ý của JAMJA’s BLOG ngay dưới đây.
Một số cách chế biến xíu mại khác
Xíu mại trứng cút
Nguyên liệu làm xíu mại trứng cút
- Thịt heo băm nhỏ: Khoảng 300 gram cả nạc cả mỡ các bạn nha.
- Giò sống: 200 gram
- Củ đậu
- Hành tây
- Trứng cút: Khoảng 10 đến 12 quả
- Bột năng
- Cà chua
- Sốt cà chua
- Hành tím
- Tỏi ta
Cách làm
Bước 1: Thịt heo khi mua có thể nhờ người bán xay giúp hoặc bạn có thể về tự rửa sạch rồi băm nhỏ hoặc xay ra. Chú ý không xay quá nhuyễn nếu không muốn món xíu mại dai ngon của bạn trở thành giò thịt.
Bước 2: Lột vỏ củ đậu rồi rửa sạch, để ráo nước và thái hạt lựu.
Bước 3: Lột vỏ hành tây, cắt bỏ rễ và thái hạt lựu.
Bước 4: Bắc một nồi nước lên bếp, cho trứng cút vào nồi, vặn to lửa và luộc cho trứng chín thì vớt ra, để nguội rồi bóc vỏ.
Bước 5: Lần lượt cho thịt băm, giò sống, củ đậu và hành tây vào một bát tô rồi trộn đều. Thêm vào hỗn hợp này ½ thìa muối tinh, 1 thìa mì chính, 1 thìa đường kính, 1 chút hạt tiêu xay, ½ thìa nước mắm cốt, 1 chút dầu ăn cùng hành tỏi đã lột vỏ và băm nhuyễn. Trộn lên thật đều và để ướp trong khoảng 15 đến 20 phút cho thịt ngấm gia vị.
Bước 6: Sau thời gian thịt đã ngấm gia vị, bạn rửa sạch tay, thấm 1 chút dầu ăn lên rồi lấy từng ít thịt vào giữa lòng bàn tay vo thành các viên nhỏ. Bạn dàn mỏng thịt rồi đặt trứng cút vào giữa, nhẹ nhàng gói kín lại là được.
Bước 7: Xếp các viên thịt này vào xứng rồi cho vào nồi hấp khoảng 15 phút là được.
Bước 8: Rửa sạch cà chua, cắt phần thịt cà chua thành hạt lựu. Bắc chảo lên bếp cùng 1 chút dầu ăn, dầu nóng thì cho hành tỏi vào phi thơm rồi thả cà chua vào đảo đều. Pha một chút bột năng với nước rồi đổ vào chảo khuấy đều. Nêm nếm gia vị cho vừa miệng là bạn đã hoàn thành phần nước sốt của xíu mại.
Bước 9: Cho xíu mại đã hấp chín vào chảo sốt, vặn nhỏ lửa đun liu riu cho nước sốt ngấm đều vào viên thịt và sánh lại là được.
Bước 10: Múc đều thịt viên và nước sốt ra đĩa lòng sâu rồi trang trí với ngò rí.
Xíu mại bò
Nguyên liệu chuẩn bị
- Thịt bò
- Hành tây
- Ngò rí
- Tỏi ta
- Gừng
- Nước mắm cốt
- Mật ong
- Ớt tươi
- Dầu ăn
- Tương đen
- Nước tương
- Ớt tươi
Cách làm
Bước 1: Rửa sạch thịt bò rồi băm nhỏ
Bước 2: Bóc vỏ hành tây rồi thái hạt lựu
Bước 3: Rửa sạch ngò rí, cắt nhỏ.
Bước 4: Cạo sạch vỏ gừng, đập dập rồi băm nhuyễn.
Bước 5: Bóc vỏ tỏi rồi băm nhuyễn.
Bước 6: Cắt bỏ cuống rồi thái nhỏ ớt.
Bước 7: Cho thịt bò băm cùng hành tây, gừng băm, mật ong, nước mắm. dầu ăn vào bát tô rồi trộn đều.
Bước 8: Thấm 1 ít dầu ăn vào lòng bàn tay, lấy 1 chút thịt băm lên rồi vo viên lại.
Bước 9: Cho dầu ăn vào chảo, bắc chảo lên bếp, bật lửa cho nóng rồi cho thịt viên vào chiên cho chín vàng rồi gắp ra giấy thấm dầu.
Bước 10: Tiếp tục bắc chảo lên bếp, cho vào chảo tương đen, nước tương, nước mắm, ớt tươi vào khuấy đều cho hơi sánh lại thì tắt bếp.
Bước 11: Gắp xíu mại ra đĩa, rưới nước sốt còn nóng lên rồi trang trí với rau mùi.
Xíu mại chay
Nguyên liệu:
- Cà tím
- Dầu ô-liu
- Muối tinh
- Hạt tiêu đen
- Hành tây
- Boa – rô băm nhỏ
- Đậu trắng luộc chín
- Hành ngò băm nhỏ
- Vụn bánh mì
- Mì ý
- Sốt cà chua
Cách làm:
Bước 1: Cắt bỏ cuống cà tím, rửa sạch với nước rồi thái miếng nhỏ.
Bước 2: Bóc vỏ hành tây, cắt bỏ rễ rồi xắt nhỏ hạt lựu.
Bước 3: Bắc chảo lên bếp, thêm một chút dầu vào chảo rồi vặn lửa to vừa cho dầu nóng. Cho cà tím vào chảo đảo cho cháy xém rồi thêm vào chảo khoảng ¼ bát nước, chút muối tinh, hạt tiêu xay đảo đều trong khoảng 15 phút cho cà tím mềm lại thì tắt bếp và múc ra tô.
Bước 4: Tiếp tục bắc chảo lên bếp, cho một chút dầu ăn vào chảo đun nóng rồi thả hành tây, hành boa-rô vào đảo đều. Sau khoảng 5 phút thì cho tiếp đậu trắng, hành ngò vào đảo đều, nêm nếm vừa ăn rồi tắt bếp.
Bước 5: Lần lượt cho cà tím, đậu trắng và bánh mì vụn vào một bát tô to, trộn hỗn hợp lên thật đều. Nặn thành các viên nhỏ.
Bước 6: Cho các viên xíu mại vừa nặn lên khay nướng. Nướng trong khoảng 30 phút để xíu mại chín thì gắp ra đĩa.
Bước 7: Rưới nước sốt cà chua lên và thưởng thức ngay khi còn nóng.
Và như vậy là bạn đã có thể tự mình chế biến các món xíu mại ngon tuyệt với hướng dẫn cách làm xíu mại không cà chua cùng những biến thể rất đặc biệt khác. Hi vọng qua đây, bạn cùng gia đình sẽ có được những trải nghiệm thực sự tuyệt vời và đáng nhớ.
>>> Xem thêm: Cách kho thịt kho tàu đặc biệt ngon mềm “chuẩn cơm mẹ nấu”
Comments
comments