Nếu như đã từng xem các bộ phim Hàn Quốc vào những thập niên 2000, bạn chắc chắn không ít lần được nghe đến bệnh máu trắng. Căn bệnh này thường là báo hiệu cho sự ra đi của nhân vật chính trong phim.
Vậy, bệnh máu trắng là gì? Bệnh có chữa được không? Người mắc bệnh sống được bao lâu? Chúng ta cùng tìm hiểu điều đó trong bài viết dưới đây nhé!
Bệnh máu trắng là gì? Bệnh có chữa được không và sống được bao lâu?
Bệnh máu trắng là gì?
Bệnh máu trắng còn được gọi với cái tên khác là bệnh bạch cầu (Leukemia). Đây là một trong 3 dạng ung thư máu, chiếm tỷ lệ khoảng 36% trên tổng số ca bệnh. Hai dạng còn lại là ung thư hạch (chiếm khoảng 46%) và u tủy (chiếm khoảng 18%).
Theo thống kê tại Việt Nam vào năm 2018, tỷ lệ mắc bệnh máu trắng đứng thứ 7 trong số các loại ung thư thường gặp nhất. Bệnh phổ biến ở nam giới (7,1%) hơn so với nữ giới (5,7%). Cả người lớn và trẻ em đều có nguy cơ mắc phải căn bệnh này.
Bệnh máu trắng có nguy hiểm không?
Bệnh máu trắng có hai dạng là cấp tính và mãn tính. Trong đó, dạng mãn tính thường liên quan đến các tế bào bạch cầu trưởng thành. Những tế bào này phân chia hoặc tích lũy chậm hơn, nhưng vẫn có thể hoạt động bình thường trong một khoảng thời gian.
Ở dạng cấp tính, các tế bào bạch cầu bị ung thư hóa trong quá trình hình thành. Các tế bào này có tốc độ phân chia rất nhanh và ứ đọng trong tủy xương nếu không được điều trị. Điều đó cản trở quá trình tạo ra các tế bào máu bình thường. Vì vậy, người bệnh sẽ gặp phải nhiều vấn đề như:
- Dễ bị nhiễm trùng và đáp ứng kém với kháng sinh.
- Thiếu máu nhanh và nặng dần, thiếu máu không hồi phục, đáp ứng kém với truyền máu.
- Dễ bị chảy máu, xuất huyết dưới da, chảy máu niêm mạc, xuất huyết tạng,…
Bệnh bạch cầu cấp tính rất nguy hiểm, diễn biến nhanh và có khả năng gây tử vong rất cao. Bệnh bạch cầu mạn có thể tiến triển trong vòng nhiều năm và ít nguy hiểm hơn so với dạng cấp tính.
Người bệnh máu trắng có biểu hiện dễ bị nhiễm trùng, thiếu máu, dễ bị chảy máu
Bệnh máu trắng có chữa được không?
Hiện nay, bệnh máu trắng được xếp vào nhóm các bệnh ung thư có thể chữa được. Các phương pháp điều trị sẽ được cân nhắc dựa trên các giai đoạn phát triển của bệnh và thường là điều trị đa mô thức. Các phương pháp này bao gồm:
Hóa trị
Đây là hình thức điều trị chính cho bệnh máu trắng. Người bệnh sẽ được sử dụng thuốc hóa chất để tiêu diệt tế bào tế bào bạch cầu ung thư. Tùy thuộc vào loại bệnh bạch cầu mà người bệnh cần dùng một hoặc kết hợp nhiều loại thuốc. Những loại thuốc này có thể ở dạng viên nén hoặc được tiêm trực tiếp vào tĩnh mạch.
Liệu pháp nhắm đích
Các loại thuốc nhắm đích hoạt động bằng cách tấn công và ngăn chặn các gen hay protein chuyên biệt được tìm thấy ở tế bào ung thư. Hoặc chúng cũng có thể nhắm vào những tế bào có liên quan đến sự phát triển của khối u. Bằng cách này, các loại thuốc nhắm mục tiêu có thể tiêu diệt các tế bào ung thư một cách chính xác và hiệu quả hơn.
Xạ trị
Xạ trị là phương pháp sử dụng tia X hoặc các chùm năng lượng cao khác để tiêu diệt những tế bào bạch cầu bị ung thư và ngăn chặn sự phát triển của chúng. Xạ trị toàn thân đã được sử dụng trong việc điều trị các loại ung thư máu với hiệu quả cao.
Bên cạnh đó, người bệnh cũng có thể được xạ trị ở một khu vực nhất định, nơi mà tế bào bạch cầu ung thư tích tụ nhiều. Xạ trị còn làm tăng hiệu quả của việc cấy ghép tủy xương.
Cấy ghép tủy xương
Ghép tủy xương, còn được gọi là cấy ghép tế bào gốc. Người bệnh sẽ được cấy ghép các tế bào gốc không mang bệnh bạch cầu, để giúp tái tạo tủy xương khỏe mạnh. Trước khi cấy ghép, người bệnh được hóa trị hoặc xạ trị để tiêu diệt tủy xương sinh ra bệnh bạch cầu, sau đó các tế bào gốc tạo máu sẽ được truyền vào cơ thể để xây dựng lại tủy xương.
Liệu pháp miễn dịch
Liệu pháp miễn dịch sử dụng hệ thống miễn dịch của bạn để chống lại ung thư. Một phương pháp điều trị chuyên biệt được gọi là liệu pháp tế bào thụ thể kháng nguyên chimeric CAR-T. Các tế bào T của người bệnh được thiết kế lại để tăng khả năng chống lại ung thư và truyền chúng trở lại cơ thể họ.
Cấy ghép tế bào gốc được sử dụng để điều trị bệnh máu trắng
Bệnh máu trắng sống được bao lâu?
Thời gian sống của người mắc bệnh máu trắng sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau. Đó là dạng bệnh, tuổi tác, thể trạng, thời điểm phát hiện và khả năng đáp ứng với các phương pháp điều trị.
Với trường hợp cấp tính
Theo một số thống kê tại Vương quốc Anh từ năm 2014 – 2016, tỷ lệ sống sót sau 5 năm của người mắc bệnh bạch cầu dòng tủy cấp tính (AML) nói chung là khoảng 15%. Tỷ lệ này sẽ thay đổi theo tuổi như:
- Người dưới 40 tuổi có tỷ lệ sống là trên 50%.
- Người từ 40 – 49 tuổi là khoảng 45%.
- Người từ từ 50 – 59 tuổi là khoảng 25%.
- Người từ 60 – 69 tuổi là khoảnh 15%.
- Người từ 70 – 79 tuổi là khoảng 5%.
- Người từ 80 tuổi trở lên là khoảng 2%.
Với người mắc bệnh bạch cầu nguyên bào lympho cấp tính (ALL), tỷ lệ sống sót sau 5 năm nói chung là 65%. Những người trẻ cũng có tiên lượng tốt hơn so với những người lớn tuổi. Có đến gần 90% người bệnh dưới 15 tuổi sẽ sống được sau 5 năm. Trong khi đó, tỷ lệ này ở người từ 15 – 39 tuổi và từ 40 tuổi trở lên lần lượt là: 65% và 20%.
Với trường hợp mãn tính
Bệnh bạch cầu dòng tủy mãn tính (CML) thường phát triển chậm và có tiên lượng sống khá tốt. Khoảng 90% người bệnh dưới 60 tuổi có thể sống trong 5 năm hoặc hơn sau khi được chẩn đoán. Tỷ lệ này ở người từ 60 tuổi trở lên là 80%.
Bệnh bạch cầu lympho mạn tính (CLL) cũng có tốc độ phát triển chậm. Tỷ lệ sống sau 5 năm nói chung ở người bệnh mắc CLL vào khoảng 85%. Theo đó:
- Tỷ lệ ở người dưới 60 tuổi là khoảng 95%.
- Tỷ lệ ở người từ 60 – 69 tuổi là gần 90%.
- Tỷ lệ ở người từ 70 – 79 tuổi là gần 80%.
- Tỷ lệ ở người từ 80 tuổi trở lên là gần 65%.
Thời gian sống của người bệnh máu trắng phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau
Hy vọng bài viết trên đây đã giúp bạn có thêm nhiều thông tin hữu ích về các vấn đề: “Bệnh máu trắng là gì? Bệnh có chữa được không? Người mắc bệnh sống được bao lâu?”. Nếu cần được tư vấn về các vấn đề sức khỏe, bạn hãy liên hệ tới hotline 1800.1044. Cảm ơn bạn đã dành thời gian theo dõi!
XEM THÊM:
- 6 nguyên tắc dinh dưỡng trong phòng ngừa ung thư không thể bỏ qua
- Tìm hiểu tỷ lệ sống sót và hóa trị thành công cho các bệnh ung thư khác nhau