Làng Đợi thuộc địa phận xã Đông Hải, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình. Điều tạo nên diện mạo đặc trưng của ngôi làng này là những hàng phên bánh đa phủ trắng cả một vùng. Người dân nơi đây đã gắn bó với nghề làm bánh đa suốt nhiều thập kỷ qua.
Bí quyết để tạo ra những sợi bánh đa ngon
Để hiểu về quy trình sản xuất bánh đa của làng Đợi, chúng tôi tìm đến gia đình ông Hoàng Phó Ứng, bà Nguyễn Thị Luyên, những người đã có gần 40 năm gắn bó với nghề.
Ông Ứng chia sẻ, theo cách làm truyền thống, bánh đa làng Đợi trải qua rất nhiều bước và tốn thời gian mới cho ra được thành phẩm.
Công đoạn đầu tiên là vo và ngâm gạo. Gạo sau đó được xay thành bột và tiến hành tráng thành bánh dựa trên một chiếc máy bán tự động. Quá trình làm bánh cần ít nhất bốn công nhân. Thông thường một người sẽ pha bột, chỉnh nhiệt độ bếp, một người đưa phên, một người cắt bánh và một người đi phơi.
Bánh đa phơi khô được lột ra khỏi phên để chuyển sang công đoạn ủ cho mềm. Sau đó, bánh được thái bằng máy. Độ dày, mỏng của sợi bánh tùy vào nhu cầu của khách hàng. Thông thường có ba loại, sợi nhỏ là bánh đa làm nguyên liệu món canh cá, sợi trung bình cho bánh đa phở khô và loại to để ăn lẩu.
“Bánh sau khi thái xong sẽ được phơi lại một lần nữa cho khô, cứng rồi đem đóng gói, phân phối đi các nơi. Bánh Đa làng Đợi có tiếng từ lâu, làm đến đâu tiêu thụ đến đó, xuất đi khắp mọi nơi trên đất nước, thậm chí cả nước ngoài”, ông Ứng chia sẻ.
Khi được hỏi về bí quyết để làm ra được những sợi bánh đa ngon, ông Ứng cho biết: “Công việc quan trọng đầu tiên là chọn gạo. Để cho sợi bánh ngon, giòn, dai, chúng tôi sử dụng loại gạo rắn như Q5. Tiếp theo gạo phải vo sạch, ngâm kỹ, xay ra bột tơ mịn để sợi bánh được đẹp. Bánh đa chỉ làm từ gạo và nước sạch, không có chất bảo quản để đảm bảo an toàn vệ sinh”.
“Nắng mưa dãi dầu” cùng những phên bánh
Nhờ kiên trì theo đuổi nghề làm bánh đa, không ít hộ dân làng Đợi đã có cuộc sống ấm no, thu nhập hàng chục đến hàng trăm triệu đồng mỗi tháng. Nhiều người còn gọi đây là “ngôi làng triệu phú”, làm giàu từ bánh đa.
Bà Luyên cho biết, mỗi ngày gia đình bà xay 3 tạ gạo, thu về 2,9 tạ bánh khô. Với giá bán từ 18.000-20.000 đồng/kg, 2 vợ chồng bà kiếm được khoảng 1 triệu/ngày. Đây cũng là mức thu nhập của đa số người dân nơi đây.
Tuy nhiên, để có thu nhập như vậy, những hộ dân làm nghề bánh đa tại làng Đợi phải đánh đổi bằng bao nỗi nhọc nhằn. Bà Luyên tâm sự, làm bánh đa mang lại thu nhập ổn định nhưng công việc rất vất vả. Buổi sáng, vợ chồng bà phải dậy từ 4h, làm lụng đến 19h tối mới hoàn thành công việc trong ngày.
“Công việc của chúng tôi còn phụ thuộc vào thời tiết, quan sát cả ngày xem nắng hay mưa. Trời nắng to phải nhanh chóng thu về bởi nếu không bánh sẽ bị vỡ. Mưa thì cũng phải để ý nếu không nhanh tay dọn vào là bánh hỏng hết. Khổ nhất là những hôm mưa, bánh phơi không khô phải sấy đến tận 12h đêm”, bà Luyên nói thêm.
Ông Nguyễn Đăng Thẩm, người làm công cho gia đình Luyên cho biết: “Có hôm phơi hết bánh ra rồi thì trời nổi cơn giông lớn, phên bánh đa bị cuốn bay hết xuống sông, cánh đồng. Mẻ bánh đó coi như bỏ đi”.
Cũng chính vì những vất vả đó mà không ít hộ gia đình đành phải chia tay nghề làm bánh đa khi tuổi tác cao dần, con cái trưởng thành hay kinh tế gia đình đã khá giả hơn.
Bứt phá bằng nhờ máy móc hiện đại
Sự vất vả của ông Ứng, bà Luyên… là câu chuyện chung của đa số người dân làm nghề nơi đây. Tuy nhiên, với sự đổi mới tư duy, dám nghĩ, dám làm, một số hộ dân đã đầu tư những “cỗ máy” sản xuất bánh đa công nghệ cao, giúp tăng năng suất và giảm thiểu rủi ro so với cách làm cũ.
Chúng tôi tìm đến cơ sở của ông Nguyễn Đăng Mười, một trong 7 cơ sở đi đầu trong việc sản xuất bánh đa bằng máy công nghiệp lớn tại làng Đợi. Nhà xưởng của ông Mười có diện tích khoảng 560m2, gồm một tổ hợp dây chuyền máy móc khép kín. Ông Mười cho biết, việc sản xuất tại đây vẫn theo các bước trong quy trình truyền thống. Khác biệt lớn nhất là có sự tham gia của máy móc ở nhiều công đoạn nhưng vẫn giữ được cái “chất” của bánh đa Làng Đợi.
Điển hình là ở công đoạn làm khô bánh. Nếu như trước kia phải đem bánh ra phơi dưới trời nắng thì khi sản xuất bằng máy công nghiệp, bánh được làm khô ngay tại xưởng thông qua dàn sấy hơi. “Nhờ công nghệ này mà việc sản xuất bánh đa đỡ vất vả hơn. Ngoài ra, việc làm khô bánh trong không gian khép kín cũng giúp sản phẩm chất lượng, đảm bảo vệ sinh hơn”, ông Mười nói.
Năng suất khi làm bằng máy công nghiệp cũng tăng lên đáng kể. Theo ông Mười, trước đây nếu làm theo cách thủ công thì chỉ làm được 2-3 tạ bánh/ngày. Tuy nhiên, hiện nay con số đó đã lên tới 2 tấn. Với giá bán không đổi so với sản phẩm thông thường, doanh thu mỗi ngày tại xưởng của ông Mười có thể lên tới hàng chục triệu đồng.
Để đạt con số ấn tượng như vậy, ông Mười cho biết đã đầu tư hơn 2 tỷ đồng cho khu nhà xưởng. Dù nguồn lực tài chính hạn hẹp, ông Mười vẫn quyết bỏ tiền mua máy vì nhận thấy công nghệ phát triển, nếu bắt kịp sẽ đáp ứng được nhu cầu của thị trường và mang lại thu nhập tương xứng.
Tại làng Đợi đến nay có 53 dây chuyền sản xuất quy mô lớn nhỏ. Trung bình mỗi ngày làm ra gần 25 tấn bánh đa thành phẩm. Với người dân làng Đợi, làm bánh đa không chỉ là một nghề kiếm sống mà còn là niềm tự hào riêng truyền nối qua bao thế hệ.
Khiêm Nguyễn