Bột năng là loại bột khá thông dụng và được sử dụng rất nhiều trong công thức chế biến thực phẩm, món ăn, làm bánh,… Tuy nhiên không phải ai cũng hiểu rõ về loại bột này làm từ gì, công dụng cũng như điểm khác biệt so với các loại bột khác. Để hiểu rõ hơn về bột năng, VinID đã tổng hợp chi tiết qua bài viết!
1. Giải đáp: Bột năng là bột gì?
Bột năng (Tapioca starch) là loại bột được làm từ củ sắn (củ khoai mì). Loại bột này còn có một số tên gọi khác theo vùng miền như bột sắn, bột lọc,… Bột năng có đặc điểm là mịn, tơi, màu trắng tinh. Khi nấu, loại bột này chuyển sang màu trong, đặc, có độ sánh và kết dính cao.
Thành phần chính của bột năng là tinh bột (Chiếm 95%), gần như không chứa chất xơ và protein. Độ trắng tự nhiên của bột năng lên đến 92%, độ ẩm khoảng 13%. Bột năng là loại bột an toàn, sử dụng nhiều trong nấu ăn, không chứa chất gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng.
2. Công dụng của bột năng
Bột năng “góp mặt” trong nhiều món ăn cần độ kết dính. Tiêu biểu có thể kể đến như:
2.1. Công dụng làm bánh của bột năng
Bột năng là thành phần không thể thiếu trong một số loại bánh như: bánh da lợn, bánh bột lọc, bánh phu thê, bánh đúc, bánh bò, bánh cuốn,… vì bột năng giúp tạo độ dai, dẻo, tạo cảm giác ngon miệng khi thưởng thức.
2.2. Bột năng dùng trong chế biến món ăn
- Bột năng được dùng nhiều trong chế biến các món ăn phổ biến khác như hủ tiếu, miến, nui,bún, bánh canh…
- Bột năng góp mặt trong quá trình chế biến các món ăn đông lạnh như cá viên, chả cá, nem, xúc xích… Làm món ăn thơm ngon và hấp dẫn hơn.
- Bột năng còn mang lại công dụng làm gia vị cho các món súp và món xào để giúp tạo độ sánh đặc cho nước sốt.
2.3. Bột năng dùng trong nấu chè, nguyên liệu chè
Rất nhiều món chè cần đến bột năng để tạo độ đặc, sánh. Ngoài ra, loại bột này còn được dùng trong làm các loại hạt trân châu, thạch có trong chè và trà sữa.
3. Phân biệt bột năng với các loại bột khác
Mỗi loại bột lại có một đặc điểm và công dụng riêng. Do đó, việc phân biệt bột năng với các loại bột khác sẽ giúp người dùng biết sử dụng các loại bột đúng cách, tránh sử dụng sai. Dưới đây là những hướng dẫn phân loại bột năng so với một số loại bột thông dụng khác:
Bột năng với bột mì
So với bột mì, bột năng có những điểm khác biệt như:
- Bột năng nhìn thô hơn bột mì, độ mịn không bằng bột mì.
- Bột năng khi hòa vào nước có độ sánh cao còn bột mì thì rất xốp và giãn nở.
- Màu sắc bột năng trắng hơn bột mì.
- Bột năng ứng dụng nhiều trong chất tạo độ sánh để nấu chè, làm bánh… còn bột mì ứng dụng nhiều trong làm các loại bánh như cupcake, bánh ngọt, bánh mì,…
Bột năng với bột sắn dây
Nhiều người cho rằng bột năng và bột sắn dây là một. Thực tế, bột sắn dây được làm từ củ sắn dây trong khi bột năng được làm từ củ sắn (củ khoai mì).
- Về hình dáng bên ngoài, bột sắn dây to hơn so với bột năng.
- Về tính ứng dụng, bột sắn dây có vị lạt, tính mát thường được ứng dụng trong nấu nước uống làm mát cơ thể, thải độc.
Bột năng với bột bắp
Bột bắp có tính mịn, nhẹ tơi và thường được dùng để tạo độ kết dính, làm đặc trong các món ăn, món bánh. Loại bột này thường được cho vào ở công đoạn cuối cùng khi thức ăn đã chín. Bột bắp không kết dính được ở các dung dịch có tính axit như nước chanh, nước cam, giấm,…
Khi so sánh bột năng và bột bắp, ta nhận thấy:
- Bột năng có tính kết dính và khả năng tạo độ đặc cao hơn bột bắp.
- Một số món bột bắp và bột năng có thể thay cho nhau. Tuy nhiên, ứng dụng của bột bắp ít thông dụng hơn so với bột năng. Bột bắp để tạo hương vị đặc trưng và độ xốp hơn bột năng cho các món như: Cheesecake, Chiffon,…
Bột năng với bột nếp
Bột nếp được chế biến trực tiếp từ gạo nếp nên có các đặc tính rõ ràng như dẻo, dai hơn bột năng. Do đó, loại bột này thường được dùng trong làm bánh dày, bánh gai, bánh trôi,…
Bột năng với bột gạo
Bột gạo có một màu trắng đục đặc trưng. Xét về đặc tính, bột gạo không dẻo và dai bằng bột năng. Ứng dụng của bột gạo cũng khá phong phú trong chế biến món ăn như: bánh canh, ướt, bánh đúc,bánh xèo, bánh khoái…
4. Cách sử dụng bột năng
Bột năng có tính ứng dụng cao nên tùy vào mỗi loại món ăn mà bột năng lại có cách sử dụng khác nhau.
- Đối với các món bánh: Cho bột năng kết hợp với các nguyên liệu, điều chỉnh lượng nước để đảm bảo việc nhào nặn bột luôn có sự cân bằng, không quá nhão hay quá cứng.
- Đối với các món chè, súp, nước sốt: Người dùng nên pha loãng bột năng với nước sau đó đổ vào món ăn đang nấu để tạo độ sánh cho món ăn. Lưu ý, không cho trực tiếp bột năng vào các món canh nóng, súp nóng để tránh bột bị vón cục.
- Đối với bột năng làm trân châu: Cần trộn bột năng với lượng nước phù hợp, nhào nặn lâu để hỗn hợp dẻo mịn, có thể kết hợp với các loại bột khác như cacao, milo để tạo nên các món trân châu khác nhau.
5. Cách tự làm bột năng tại nhà
Chuẩn bị nguyên liệu:
- 5kg củ sắn (củ khoai mì).
- 1 chiếc bàn mài củ sắn mini (bạn có thể mua tại cửa hàng bán dụng cụ làm bánh, cửa hàng tạp hóa hoặc siêu thị).
- 1 tấm vải dày sạch màu trắng.
- 1 cái chậu hoặc xô lớn.
Cách thực hiện:
Bước 1:
- Rửa sạch vỏ củ sắn (khoai mì), dùng dao lột vỏ rồi ngâm nước lạnh có pha một chút muối trong 2 tiếng.
- Rửa lại sắn thật sạch với nước.
Bước 2:
- Sử dụng bàn mài để mài củ sắn cho nát ra.
- Tiếp tục, cho 10 lít nước sạch vào chậu đựng sắn đã mài, sau đó dùng tấm vải đã chuẩn bị để lọc lấy bột.
- Để bột sắn lắng hết xuống đáy chậu, sau đó đổ phần nước đi và lấy phần bột mang đi phơi khô dưới nắng khoảng 2-3 ngày.
Bước 3:
- Sau 2-3 ngày phơi, bạn sẽ có được bột năng dưới dạng cục.
- Cho bột năng đã phơi vào máy xay sinh tố để xay nhuyễn cục bột năng thành bột mịn rồi dùng dây lọc qua một lượt.
- Cho bột năng vào hũ hoặc hộp đậy nắp kín và bảo quản nơi khô ráo. Như vậy bạn đã hoàn thành xong nguyên liệu bột năng tại nhà dùng để chế biến nhiều món ăn khác nhau.
6. Bột năng giá bao nhiêu? Mua ở đâu?
Bột năng có tính ứng dụng cao, phổ biến ở nhiều địa điểm bán hàng khác nhau. Bạn có thể mua loại bột này ở chợ, tạp hóa, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng thực phẩm, bán đồ làm bánh, siêu thị,…
Thậm chí, bạn có thể đặt mua bột năng chất lượng, online thông qua app VinID để tiện lợi hơn trong quá trình chế biến, tiết kiệm thời gian.
Hiện nay, giá bán bột năng khá rẻ, dao động từ 6-10 nghìn đồng/ gói 100g, 12-15 nghìn đồng/ gói 400g, 15 – 17 nghìn đồng/ gói 500g, 28 – 35.000 đồng/ gói 1kg… Do đó, người tiêu dùng sẽ có nhiều sự lựa chọn hơn khi chọn mua bột năng.
Trên đây là những thông tin cơ bản về bột năng, công dụng và cách phân biệt bột năng so với các loại bột khác. Bột năng có tính ứng dụng cao, do đó, hãy mua sẵn các gói bột năng để trong gian bếp gia đình và sẵn sàng chế biến những món ăn hấp dẫn ngay thôi nào!
>>> Các món ngon từ bột năng