Củ kiệu ngâm mắm là món ăn truyền thống của người Việt Nam. Những ngày tết đến xuân về, bên cạnh đòn bánh tét, cành mai tươi, không thể thiếu hương vị mằm mặn, chua chua của củ kiệu ngâm mắm.
Giờ đây củ kiệu ngâm mắm không phải là món ăn chỉ Tết mới có nữa mà theo sở thích nhiều gia đình muối củ kiệu ăn với cơm thường ngày để thỏa cơn thèm. Cách ủ kiệu ngâm mắm thơm ngon, giòn ngọt, để được lâu mà không bị hăng, cùng tìm hiểu trong bài viết hôm nay nhé!
Bước 1: Chuẩn bị nguyên liệu làm củ kiệu ngâm mắm
- Củ kiệu: 1 kg
- Cà rốt: 1 củ
- Đu đủ xanh: ½ quả
- Nước mắm ngon: 1 bát con
- Đường trắng: 1 bát con
- Muối tinh
- Ớt hiểm: 2 – 3 quả
- Hành lá: 1 nắm nhỏ
Bước 2: Sơ chế nguyên liệu
- Củ kiệu bạn rửa sạch bùn đất, cắt bỏ rễ và đuôi củ kiệu, bỏ cả lớp màng già bên ngoài, chỉ lấy phần ruột trắng non bên trong. Lưu ý, bạn không cắt quá sâu vào rể sẽ làm củ kiệu dễ bị úng nước, mềm mất đi độ giòn ngon.
- Tiếp đó bạn chuẩn bị một chậu nước muối loãng, trút kiệu vào ngâm trong 4 – 5 tiếng. Bên cạnh muối, bạn có thể hòa tro bếp với nước và ngâm kiệu trong nước tro qua đêm. Cách làm này giúp kiệu bớt mùi hăng, trắng giòn khi muối.
- Sau khi ngâm kiệu, bạn cho kiệu ra khay lớn, mâm hoặc rổ rá… đem phơi nắng 1 ngày cho kiêu rút bớt nước hơi héo, rồi lột bớt lớp màng kiệu bị héo và phần rễ khô còn sót lại.
- Đu đủ bạn gọt vỏ, rửa sạch, thái mỏng rồi ngâm với nước lạnh cho bớt nhựa.
- Cà rốt bạn gọt vỏ, rửa sạch, tỉa hoa rồi cắt mỏng.
- Hành lá bạn cắt rễ, rửa sạch rồi thái khúc 4 – 5 cm.
- Tiếp đó bạn nấu nước mắm ngâm kiệu: Bạn chuẩn bị một chiếc nồi, đổ nước mắm và đường vào trong, bắc lên bếp nấu sôi. Trong quá trình nấu bạn khuấy liên tục để đường tan. Nước mắm sôi bạn vặn nhỏ lửa, nấu tiếp khoảng 20 phút, quan sát thấy nước mắm sánh lại thì tắt bếp, hớt bớt bọt, để nước mắm nguội hoàn toàn mới ngâm kiệu.
- Bạn xếp kiệu, cà rốt, đu đủ, hành lá, ớt hiểm vào hũ, sau đó đổ ngập nước mắm đường, có thể dùng 1 chiếc nan tre gài lại để kiệu không nổi lên trên nước mắm. Sau đó đậy kín nắp, để nơi khô thoáng. Khoảng 3 ngày sau kiệu ra nước làm loãng nước mắm ngâm, bạn trút hỗn hợp nước mắm này vào nồi, nấu sôi rồi để nguội đổ lại vào hũ kiệu ngâm. Khoảng vài ngày sau, kiệu ngấm nước mắm là có thể ăn được.
- Sau khi mở nắp bạn nên cất lọ củ kiệu ngâm nước mắm trong tủ lạnh để bảo quản được lâu nhé!
- Khi ăn bạn gắp củ kiệu ra đĩa, thưởng thức cùng bánh chưng, bánh tét hay đơn giản là chén cơm nóng, có thêm đĩa thịt luộc lại càng ngon hơn.
– Củ kiệu và các loại rau củ được sơ chế sạch sẽ, giòn thơm, không bị úng, mềm.
– Nước ngâm trong, thơm mùi nước mắm, có vị mặn ngọt hài hòa, không bị chua quá hay sủi bọt.
– Miếng kiệu ngâm thấm gia vị, hương vị đậm đà, hấp dẫn.
Cách làm này giúp món kiệu ngâm nước mắm giòn ngon và để được lâu. Với món ăn này, nước mắm rất quan trọng, bạn chọn loại nước mắm ngon, tỷ lệ đường và nước mắm hợp lý để tránh tình trạng mặn quá hay ngọt quá. Ngư Quỳnh chúc bạn thành công với món ăn này!