CÁCH LÀM SỮA CHUA NẾP CẨM DẺO NGON TẠI NHÀ CHẮC CHẮN THÀNH CÔNG

Sữa chua nếp cẩm là sự kết hợp hài hòa giữa vị chua thanh của sữa chua, vị dẻo thơm của nếp cẩm và vị béo ngậy của nước cốt dừa. Món ăn này không chỉ giúp giải nhiệt trong những ngày hè nóng bức mà còn cung cấp nhiều vitamin và khoáng chất thiết yếu cho cơ thể. Đặc biệt, đây là món ăn có cách chế biến vô cùng đơn giản và có thể dễ dàng thực hiện ngay tại nhà. Sau đây, Vinamilk sẽ hướng dẫn bạn chi tiết cách làm nếp cẩm sữa chua dẻo mịn, thơm ngon. Mời các bạn hãy cùng theo dõi!

Hướng dẫn cách làm sữa chua nếp cẩm thơm ngon tại nhà

Nguyên liệu làm sữa chua nếp cẩm

  • Phần sữa chua:
    • 1 lít sữa tươi không đường
    • 1 hộp sữa chua cái không đường (100g)
    • 1/2 lon sữa đặc (200g)
  • Phần nếp cẩm:
    • 200g nếp cẩm
    • 1 lít nước
    • 100g đường nâu (có thể thay thế bằng đường cát)
    • 1 bó lá dứa
    • 100ml nước cốt dừa

(Với nguyên liệu trên, bạn có thể làm đủ cho 4-5 người ăn)

Sữa chua nếp cẩm có tốt không?

Những nguyên liệu cần có để làm sữa chua nếp cẩm

Hướng dẫn làm sữa chua nếp cẩm đơn giản từ A-Z

Bước 1: Sơ chế gạo nếp cẩm

Sau khi mua gạo nếp cẩm về, bạn vo sạch gạo với nước và ngâm với nước ấm (40-50 độ C) rồi để trong vòng 5 tiếng.

Nếp cẩm thường cứng và khô hơn các loại nếp thông thường. Do đó, để nấu sữa chua nếp cẩm ngon, khi sơ chế bạn nên ngâm gạo trong thời gian lâu hơn.

Vo sạch và ngâm gạo nếp cẩm với nước ấm trong khoảng 5 tiếng

Bước 2: Pha sữa chua

Bạn cho 1 lít sữa tươi không đường và ½ hộp sữa đặc vào nồi rồi nấu hỗn hợp ở lửa lớn trong khoảng 40-60 giây, đến khi sữa sôi lăn tăn thì tắt bếp.

Sau đó, cho sữa vừa nấu ra bát và để nguội. Khi sữa đã nguội còn khoảng 50-70 độ C, bạn hãy cho 1 hộp sữa chua (100g) vào và khuấy đều.

Pha sữa chua để nấu sữa chua nếp cẩm

Bước 3: Ủ sữa chua

Cho hỗn hợp sữa chua đã làm vào từng hũ nhỏ, rồi cho các hũ này vào nồi cơm điện. Sau đó, đổ nước ấm khoảng 70 độ C ngập ⅔ hũ sữa chua và bật nút nồi cơm ở chế độ hâm nóng tầm 15-20 phút thì rút điện ra.

Sau khi nước trong nồi nguội, bạn cắm điện lại để hâm nóng khoảng 15 phút nữa. Lặp lại quá trình này trong vòng 6 – 8 tiếng là sữa chua được ủ xong.

Ủ sữa chua trong nồi cơm điện khoảng 15 phút

Ngoài ra, nếu không có nồi cơm điện, bạn có thể dùng một số cách khác để ủ sữa chua như:

  • Ủ bằng thùng xốp.
  • Ủ bằng lò nướng.
  • Ủ bằng nồi thường.

Lưu ý: Mẹo ủ sữa chua không tách nước:

Một vấn đề thường gặp khi ủ sữa chua là sữa chua sẽ bị tách nước khi ủ. Việc này xảy ra chủ yếu là do 2 nguyên nhân: nhiệt độ ủ quá cao hoặc nguyên liệu và dụng cụ chế biến có vấn đề.

Cách khắc phục khi nhiệt độ ủ quá cao như sau:

  • Ủ sữa chua khoảng 8 tiếng ở nước nhiệt độ ấm, nếu nhiệt độ thấp hơn thì có thể kéo dài thời gian ủ.
  • Nếu chưa quen cách làm, bạn nên sử dụng lò nướng để ủ vì đã có cài đặt sẵn thời gian và nhiệt độ. Việc dùng nồi cơm điện ủ sữa chua sẽ khó hơn vì khó canh thời gian và không đảm bảo kín hơi.

Cách khắc phục khi nguyên liệu và dụng cụ có vấn đề:

  • Trước khi thực hiện, bạn nên tiệt trùng dụng cụ và lấy men ra ngoài trước cho hết lạnh.
  • Nên sử dụng sữa tươi nguyên kem để pha sữa chua.
  • Khi trộn hỗn hợp nên trộn đều tay, không nên khuấy quá mạnh.

Bước 4: Nấu nếp cẩm

Sau khi ngâm nếp cẩm với nước ấm 5 tiếng thì chắt nước ra. Mẹo nấu sữa chua nếp cẩm ngon đó là bạn nên nấu gạo 2-3 lần để tăng độ dẻo và thơm. Bạn cho nếp cẩm vào nồi cơm điện cùng 600ml nước và bật nút nấu. Nước vừa sôi thì cho lá dứa vào nấu cùng.

Sau khi nồi chuyển sang chế độ hâm nóng thì vớt lá dứa ra, xới đều phần nếp cẩm lên và tiếp tục đổ vào đó khoảng 400ml nước, sau đó lại bật nút ở chế độ nấu lần 2. Khi nồi chuyển sang nút hâm nóng, bạn tiếp tục đổ 100ml nước cốt dừa và 100g đường nâu vào, khuấy đều và bật nút ở chế độ nấu lần 3 ( Lưu ý: Thêm nước nếu bạn sợ cháy hay thấy nếo chưa dẻo). Nấu thêm tầm 10 phút nữa, xem thử nếp đã mềm chưa, nước cốt dừa và đường đã hòa tan chưa rồi tắt bếp.

Nấu nếp cẩm 3 lần giúp gạo thơm ngon và dẻo mịn hơn

Bước 5: Hoàn thành món sữa chua nếp cẩm

Như vậy là các bước nấu sữa chua nếp cẩm đã hoàn tất. Lúc này, bạn chỉ cho nếp cẩm vào cốc, đổ sữa chua lên và rắc thêm một lớp nếp cẩm nữa lên bề mặt là đã có một cốc sữa chua nếp cẩm mềm dẻo và thơm ngon.

Đổ sữa chua lên nếp cẩm và hoàn thành món ăn

Bước 6: Thưởng thức thành phẩm

Cuối cùng, hãy trộn đều hỗn hợp lên và thưởng thức món ăn sữa chua nếp cẩm thành phẩm. Đây là một món ăn thanh mát, rất tốt cho sức khỏe. Một số tác dụng sữa chua nếp cẩm có thể kể tới đó là: tốt cho hệ tiêu hóa, hỗ trợ giảm cân, bảo vệ tim mạch, phòng chống loãng xương,…

Tham khảo bài viết: Sữa chua nếp cẩm bao nhiêu calo? Điều bạn cần biết

Mẹo bảo quản sữa chua nếp cẩm dùng được lâu

Để sử dụng được sữa chua nếp cẩm lâu hơn, bạn nên áp dụng một số cách bảo quản sữa chua nếp cẩm tự làm đúng cách sau đây:

  • Nên đựng riêng nếp cẩm vào hộp thủy tinh (hoặc sứ) và cho vào ngăn mát tủ lạnh cất riêng, khi ăn thì mới trộn với sữa chua.
  • Nếu sữa chua đã trộn nếp cẩm thì chỉ bạn nên ăn trong vòng tối đa là 2 ngày sau khi làm để đảm bảo chất lượng tốt nhất. Nên bảo quản vào ngăn mát tủ lạnh với nhiệt độ từ 6-8 độ và đậy nắp kín để đảm bảo vệ sinh.
  • Không nên bảo quản nếp cẩm sữa chua ở ngăn đông hoặc làm nóng trước khi ăn vì sẽ làm mất đi hương vị và những lợi khuẩn có lợi vốn có trong sữa chua. Nhiệt độ lý tưởng để bảo quản sữa chua là từ 6-8 độ C.

Bạn nên bảo quản sữa chua nếp cẩm trong tủ mát 6-8 độ C

Trong bài viết trên, Vinamilk đã hướng dẫn các bạn các nguyên liệu, cách làm cũng như một số lưu ý khi bảo quản sữa chua nếp cẩm. Chúc các bạn sẽ chế biến thành công món ăn hấp dẫn này!

Xem thêm:

  • Cách làm sữa chua dẻo mịn, cực đơn giản
  • Cách làm sữa chua mít thơm ngon đậm vị
  • Cách làm sữa chua phô mai béo ngậy chỉ với 5 bước
  • Cách làm sữa chua nha đam thanh mát, giải nhiệt
  • Cách làm sữa chua trân châu dẻo thơm, cực nịnh miệng
  • Cách làm sữa chua việt quất mát lạnh, giải khát cho những ngày hè nóng bức
  • Cách làm sữa chua trái cây thơm ngon, giàu vitamin
  • Cách làm Sữa chua đánh đá giải nhiệt

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *