Bún riêu là món ăn truyền thống có nguồn gốc từ miền Bắc nước ta. Có nhiều cách nấu bún riêu khác nhau.
Nếu như miền Bắc nấu bún riêu với cua đồng, thêm chút mắm tôm, giò sụn, đậu phụ rán kèm các loại rau sống như xà lách, chuối non, rau muống bào sợi, kinh giới, tía tô thì bún riêu miền Nam lại nổi bật với nước dùng màu rực rỡ, phần gạch cua được đem trộn chung với giò sống, trứng gà để làm chả. Ngoài ra, bún riêu miền nam còn có thêm tiết luộc, chả chiên, chả cá, móng giò…
Bên cạnh sự khác biệt về nguyên liệu thì hương vị của nước dùng bún riêu Bắc – Nam cũng không giống nhau. Nếu như bún riêu miền Bắc thiên vị ngọt thanh từ nước xương hầm, chua dịu từ giấm bỗng thì miền Nam lại hơi béo ngậy.
Đã từng chia sẻ rất nhiều cách nấu bún riêu, hôm nay Bếp Eva lại giới thiệu thêm đến bạn một công thức bún riêu khác, hương vị chuẩn Hà Nội, đảm bảo ai ăn cũng thích mê.
Nguyên liệu làm bún riêu cho 4 người ăn
– Cua đồng: 1kg
– Nước xương hầm
– Cà chua: 5 quả
– Hành khô: 3 củ
– Bún tươi: 650g
– Các loại rau ăn kèm: Hoa chuối thái sợi, rau muống chẻ, rau mùi, tía tô, kinh giới,…
– Gia vị: Nước mắm, muối, hạt nêm, giấm bỗng…
– Thịt mỡ heo
Mẹo chọn mua cua đồng ngon
– Nên mua những con cua đồng có màu hơi xám đục. Phần mai cua có màu sáng, yếm lớn sẽ nhiều gạch. Nếu cua có yếm nhỏ và nhọn thì nhiều thịt.
– Chọn những con cua bò khỏe, đủ càng, đủ chân. Dùng tay ấn nhẹ vào vỏ yếm cua, nếu thấy có bọt khí nổi lên chứng tỏ cua rất tươi.
– Tuyệt đối không chọn những con cua có mắt đỏ.
– Nên mua cua đồng vào những ngày đầu tháng và cuối tháng vì đây là thời điểm cua béo, nhiều thịt nhất.
Cách nấu bún riêu cua chi tiết các bước
Bước 1: Sơ chế cua
– Cua đồng rửa thật sạch rồi ngâm trong nước chừng 1 tiếng. Bạn nên cho vào nước ngâm vài giọt rượu gạo. Loại đồ uống này sẽ giúp cua nhả hết cặn bẩn đồng thời khiến cua “say” nhờ thế mà bạn dễ dàng chế biến, không sợ bị cắp.
– Tách yếm và mai cua rồi để riêng.
– Dùng thìa cạo hết phần gạch ở mai cua vào chén sau đó ướp cùng với 1 chút hạt tiêu, hạt nêm. Đối với phần thịt cua còn lại bạn cho vào cối, thêm vài hạt muối rồi xay cho nhuyễn.
– Bỏ thịt cua vào bát lớn, thêm nước lọc rồi hòa thịt cua tan ra. Đổ nước thịt cua qua rây để lọc hết phần xác cua. Vì thịt cua xay nhỏ nên dễ sót lại cặn, bạn cần lọc nhiều lần để thu được phần nước cua ngon nhất.
Bước 2: Chế biến các nguyên liệu khác
– Các loại rau thơm bạn rửa thật sạch, vớt ra rổ cho ráo nước.
– Thịt mỡ heo rửa sạch rồi thái miếng vuông nhỏ. Cho thịt vào chảo, đổ vào đây 1 bát nước rồi đặt lên bếp rán cho tới khi thu được tóp và nước mỡ vàng óng.
– Vớt tóp mỡ để riêng, đối với phần mỡ heo thu được bạn cho đậu vào chiên vàng.
– Thêm dầu ngập chảo, bỏ hành khô thái mỏng vào phi tới khi vàng giòn là được. Để tránh tình trạng bắn dầu bạn cho vào đây 1 chút muối và vài giọt nước cốt chanh. Trong quá trình phi hành bạn không nên đảo quá nhiều tránh hành bị tách nhuyễn.
Bước 3: Nấu nước dùng bún riêu cua
– Phi hành thơm rồi cho gạch cua vào xào chung. Tới khi gạch cua chín vàng, mùi thơm hấp dẫn là được.
– Đun nóng mỡ heo, cho cà chua bỏ múi cau vào xào sơ chừng 5 phút.
– Đổ phần nước cua cùng nước xương hầm vào nồi đun chừng 30 phút. Khi thấy thịt cua nổi lên trên bạn nhớ vớt ra bát để riêng. Việc làm này sẽ giúp thịt cua đóng tảng đẹp mắt.
– Nêm nếm vào đây nước mắm, muối, mì chính, giấm bỗng cho vừa miệng.
– Cuối cùng, thêm phần gạch cua, cà chua đã xào chín, thịt cua, đậu phụ vào là hoàn thành.
Bước 4: Hoàn thành
Trụng bún qua nước nóng rồi cho ra bát. Lần lượt thêm hành thái nhỏ, giò lụa/giò sụn, thịt bò (nếu thích), tóp mỡ rồi chan nước dùng lên trên là bạn đã có một bát bún riêu cua nóng hổi ngon chuẩn vị Hà Nội.
Bát bún riêu cua bưng lên tỏa ra mùi thơm nức. Khi ăn bạn nhớ cho thêm 1 chút mắm tôm để món ăn này thêm tròn vị hơn nhé.
Cách nấu bún riêu cua Hà Nội với các bước đơn giản nhưng thành phẩm vô cùng hấp dẫn. Nước dùng ngọt thanh xen vị chua dịu đặc trưng của giấm bỗng. Gạch và thịt cua thơm ngậy, tóp mỡ giòn giòn, đậu phụ chiên vàng béo bùi cùng vị thanh mát của các loại rau ăn kèm, tất cả hòa quyện tạo nên món bún ngon quên sầu.