Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam – Đỗ Tất Lợi
Cây Sừng Dê trang 597-600 tải bản PDF tại đây.
Còn gọi là cây sừng trâu, dương giác nữa, dương giác ảo, hoa độc mao ư hoa tử, cây sừng bò.
Tên khoa học Strophanthus divaricatus (Lour.) Hook. et Arn, (Strophanthus divergens Graham, Penploca divaricata Spreng)
Thuộc họ Trúc đào Apocynaceae.
Người ta dùng hạt phơi hay sấy khô của quả sừng dê đã chín gọi là Semen Strophanthi divaricati.
Mô tả cây
Cây sừng dê là một cây nhỏ, cao chừng 3 đến 4,5m. Toàn thân cây và lá khi bé có nhủ dịch màu trắng sữa. Cành non vuông, gáy, màu nâu lục nhạt, cành già hình trụ nâu đen nhạt có khía dọc, nhiều đóm bì khổng trắng nổi lên. Lá mọc đối, hơi giống hình thìa, trên to dưới nhỏ, đầu nhọn, dài 5-9cm, rộng 2,5-5cm, gân lá gồm 6 đến 8 đôi không nổi rõ ở cả hai mặt, cuống lá dài 3 đến 8mm, gầy, trên có lòng máng. Cụm hoa hình xim ở đầu cành, mang 1-3 hoa to, cuống hoa dài 1-1,5cm gần đài có một đôi lá bắc mọc đối. Đài hoa màu xanh hay vàng xanh, tràng hoa hình phễu rộng, trên xe làm 5 cánh màu vàng, đặc biệt phía trên của cánh tràng hẹp lại thành hình sợi, bầu trung, có 2 ngăn. Trồng ở vườn Trường đại học dược khoa Hà Nội. Ra hoa vào tháng 2-3 (nhưng sau 3 năm chưa thấy có quả). Quả khô gồm 2 đại dính vào nhau, đầu đại nhỏ nhưng tù, đại dài chừng 10cm đến 15cm, vỏ dày cứng. Khi chín mở ra có nhiều hạt có cuống và chùm lông mịn dài.
Phân bố, thu hái và chế biến
Cây sừng dê mọc rất phổ biến ở Việt Nam, nhiều nhất ở Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên, còn thấy mọc ở Hoà Bình, Hà Tây, Ninh Bình và nhiều nơi khác.
Cây này còn thấy mọc ở miền nam Trung Quốc tại các tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây, Phúc Kiến, đảo Hải Nam. Trước đây tại nước ta cũng như tại Trung Quốc chưa được sử dụng. Sau ngày giải phóng Trung Quốc, cây này được nghiên cứu và được công nhận dùng làm thuốc thay thuốc chế từ những hạt Strophanthus trước đây vẫn phải nhập. Tại Việt Nam, ngày từ hoà bình lập lại chúng tôi chú ý tìm phát hiện lại nhưng mãi đến năm 1960 Trường đại học tổng hợp mới phát hiện lại được lần đầu tiên ở Chi Nê (Hoà Bình) và sau đó đã phát hiện lại ở nhiều nơi kể trên. Hiện đã được nghiên cứu để đưa vào áp dụng trong lâm sàng.
Thành phần hóa học
Hạt cây sừng dê mọc ở Trung Quốc đã được một tác giả Trung Quốc Chu Nhiệm Hoàng nghiên cứu từ năm 1940 (Sapogenins of Chinese Drug Yang Chiaoou, Trung hoa sinh lý học tạp chí, 15: 309) đã thấy ngoài 37% chất dầu còn có chừng 1,8% một chất saponozit không có tinh thể, sau khi dùng axit để thủy phân thì thu được 3 loại sapogenin có tinh thể là strophantilin A có công thức C25H36O4 độ chảy 205-206°C, strophantilin B có công thức C39H64O4 với độ chảy 289-291°C và strophantilin C với công thức C18H26O4 độ chảy 305-307°C.
Nhưng đến năm 1953 (Trung Hoa y học tạp chí, 43:1), hai tác giả khác là Schindler và Reichstein đã chiết từ hạt cây sừng dê mọc ở Trung Quốc hai chất glucozit và đặt tên là divaricozit và caudozit.
Tác dụng dược lý
Năm 1944, Ngô Ban (A pharmacological Study of the Saponin of Yang Chiao-ou. Chin Med. J., 63, 91-95) nghiên cứu tác dụng dược lý của chất saponin trong hạt cây sừng dê Trung Quốc đã đi đến kết luận rằng chất này có tác dụng làm co bóp tim mạch, đối với huyết áp và mạch máu thì với liều không độc hầu như không thấy tác dụng, nhưng với liều mạnh, độc (2/3 liều tối thiểu gây độc) thì thấy tác dụng co mạch và huyết áp tăng cao. Định lượng sinh lý trên ếch và mèo thì thấy tác dụng bằng 2/3 tác dụng của K strophantin, một glucozit chữa tim chiết từ hạt Strophanthus kombe Olivier mọc ở châu Phi.
Năm 1959, một tác giả Trung Quốc khác Đặng Hiền (Acta pharmaceutica Sin, 8, 161-165) nghiên cứu thêm tác dụng thông tiểu và trấn tĩnh của divazit, một glucozit chiết từ hạt cây sừng dê Trung Quốc đã đi tới kết luận rằng nó có tác dụng lợi tiểu rõ rệt trên chó (thí nghiệm cấp diễn) và trên chuột (thí nghiệm trường diễn). Sau khi tiêm thuốc từ nửa giờ đến 2 giờ thì lượng nước tiểu tăng lên đến tối đa, so với những con vật không tiêm thuốc thì tăng lên gấp 4,7 lần. Đồng thời tác giả so sánh tác dụng lợi tiểu của K-strophantin thì thấy sau khi tiêm K-strophantin vào 1 đến 3 giờ thì lượng nước tiểu tăng lên tối đa và gấp 4,4 lần so với lượng nước tiểu của những con vật không tiêm thuốc.
Về tác dụng trấn tĩnh, tác giả đã tiêm với liều 5- 8,7mg trên 1kg thể trọng chuột thấy tác dụng hơi trấn tĩnh đồng thời tim đập chậm, với liều 11,5-20mg trên 1kg thể trọng thì tác dụng trấn tĩnh rõ ràng nhưng tim cũng đập chậm rõ rệt, với liều 15,2-20g trên 1kg thể trọng thì có hiện tượng ngộ độc.
Năm 1963, Đoàn Thị Nhu (Viện dược liệu) đã nghiên cứu tác dụng dược lý dung dịch glucozit toàn phần của hạt một loại sừng dê mọc ở Hà Tĩnh trên tim ếch tại chỗ, trên tim ếch cô lập theo phương pháp Straub, trên tim thỏ cổ lập và trên huyết áp động mạch mèo và thỏ đã đi tới một số kết luận sau đây:
– Dung dịch glucozit toàn phần có tác dụng làm tăng rất mạnh sức co bóp của tim và tăng trương lực cơ tim.
– Làm chậm nhịp tim nhưng ảnh hưởng đến nhịp tim tương đối ít.
– Khi tiêm tĩnh mạch tác dụng xuất hiện nhanh, không có giai đoạn chờ đợi như với digitalin, activat
– Ít ảnh hưởng đối với huyết áp, chỉ làm tăng huyết áp rõ rệt với liều độc.
– Với liều độc, gây ngừng tim ở trạng thái cơ thắt tâm thu.
Nói tóm lại tác giả cho rằng tác dụng dược lý của glucozit toàn phần loài Strophanthus nghiên cứu trên hệ tim mạch giống như những loài Strophanthus khác đã được nghiên cứu và công bố (rất tiếc tác giả không nói rõ loài Strophan- thus nào, vì ở Hà Tinh có nhiều loài Strophan thus– xem phần chú thích).
Công dụng và liều dùng
Hạt cây sừng dê có thể dùng để chế thuốc chữa bệnh tim thay những loại thuốc tương tự chế bằng các hạt Strophanthus khác trước đây. phải nhập của nước ngoài thuộc châu Phi.
Trong đông y không thấy nói tới công dụng, chỉ thấy nói rằng có nơi xưa kia dùng hạt này để chế tên thuốc độc dùng trong săn bắn
Chú thích:
Ngoài loài Strophanthus divaricatus có hoa màu vàng kể trên, trong nước ta còn 3 loại khác có hoa màu đỏ vì tài liệu chưa rõ nên chưa xác định chắc chắn:
- Loài Strophanthus robustus Pierre: Cây nhỏ mọc leo cành non gầy nhăn, màu nâu đỏ nhạt có bì khổng hơi tròn, màu xám nhạt. Lá dài 5-8cm, rộng 3,5-5cm, hình thuôn dài cuống 4-6cm, có lòng máng ở mặt bên. Cụm hoa hình xim lưỡng phân, mọc ở đầu cành, ít hoa, dài 2-10cm. Hoa màu đỏ, cánh tràng 5, dài 5-7cm, phía dưới rộng 3-4mm, phía trên hẹp lại thành một thùy hình sợi, dưới mỗi cánh tràng có một đôi vẩy dài 3mm, mẫm, nguyên, đỉnh nhọn, ống dài 9-12cm, trên loe hình phễu, dưới hình trụ. Quả khô, hai đại dài 12cm, phía cuống rộng 2cm đầu tù, van xơ gỗ, dầy 4mm màu xám nhạt có rãnh dọc. Hạt nhiều, dài 21mm, rộng 2mm mặt phẳng có cần mang nhiều lông mịn trắng, dài. Mùa hoa quả vào tháng 3-4.
- Loài Strophanthus caudatus Kurtz. Loài này hoa cũng đỏ có hai thứ là:
- a) Strophanthus eecaudatus Kurtz var. macrophyllus (Strophanthus pentaphyllus Griff., Echites caudata Burm, Nerium caudatum Lamk., Nerium scandens Lour). Cây này làm một cây nhỏ hay dây leo cao 3-8m, cành non đen đỏ nhạt, rất nhiều bì khổng, có nhiều sẹo lá. Lá dài 8- 16cm, rộng 3,5-8cm hình trái xoan hơi thuôn, thường trên to dưới hẹp, dai, mặt trên bóng, mặt dưới mờ, gân có 8-12 đôi, mọc chéo lên, hơi nổi rõ ở mặt dưới, cuống dài 10-15mm có lòng máng ở trên. Cụm hoa là xim tận cùng, dài 5-15cm, cuống dài 1- 3cm, lá bắc dài 5-8mm, hoa đỏ, cánh tràng 6 dài 6cm phía dưới hình trứng, phía trên đột nhiên hẹp lại, phía dưới mỗi cảnh tràng có 2 vẩy dài 5mm, ống hoa dài 12-15mm, dưới hình trụ dài 8mm, phía trên loe hình phễu dài 7mm. Quả đại dài 15cm, đường kính 3cm, đầu tù. Ra hoa vào các tháng 3-8. Đã phát hiện ở Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Quảng Bình, Thừa Thiên, Hoà Bình.
- b) Strophanthus caudatus Kurtz var. giganteus Pitard (Strophanthus giganteus Pierre, Strophanthus pierrei Heim). Cũng là một loài dây leo, lá dài 12- 22cm, rộng 4-7cm, hình mác thuôn hơi dài, gần có 9-12 đôi, cuống dài 9-11mm.Cụm hoa hình xim ở đầu cành, dài 4-8cm, hoa cũng màu đỏ. Quả khô 2 đại dài 18-22cm phía cuống rộng 2,5cm, đầu tù, vỏ quả cứng đen nhạt trên có khía dọc, nhiều hạt đài 1,75cm, rộng 6mm, phía dưới tròn, trên dẹt, cán lông trắng mịn, chiếm 3,5cm, lông dài tới 5cm. Ra hoa vào các tháng 8-12, quả vào tháng 12.
- c) Strophanthus balansae Cây nhỏ, có nhiều cành, cành không có bì khổng. Lá dài 16cm, rộng 5-7cm. Cụm hoa chưa biết. Quả khô, dài 12cm, rộng 2cm, đầu tù, hơi nhọn, hạt dài 10-12mm, rộng 5-6mm dẹt, mép dầy lên, phía dưới tròn, một mặt có rãnh, cán lông ngắn, lông dài tới 5cm. Theo tài liệu cũ loài này có thấy mọc ở Thủ Pháp (Sơn Tây-Hà Tây).
Tóm lại, loài Strophanthus hoa vàng tương đối dễ nhận, tên đã xác định chắc chắn, đã được nghiên cứu ở nước ngoài. Nhưng các loài Strophanthus hoa đỏ vì nhiều loài mà tài liệu cũ mô tả chưa rõ ràng, cho nên rất khó xác định.